Thursday, November 27, 2008

HÀ NỘI VẪN IM LẶNG

Hà Nội Im Lặng Trước Việc Trung Cộng Loan Báo Dò Tìm Dầu Khí Ở Trường Sa
(LÊN MẠNG Thứ tư 26, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?breve12042
(Hà Nội - VNN) Hôm 26-11, Hà Nội vẫn chưa thấy lên tiếng trước việc Trung cộng loan báo sẽ khai thác dò tìm dầu khí trong khu vực đảo Trường Sa của VN.

Theo tin của hãng tin tài chính quốc tế Bloomberg hôm 24-11, công ty dầu khí quốc doanh Cnooc của Trung Quốc đã loan báo sẽ bỏ ra 200 tỉ quan hay khoảng 429 tỉ USD để dò tìm dầu khí trên biển Đông. Số tiền này là tiền đầu tư dò tìm dấu khí cao nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, mà nơi thực hiện dò tìm là khu vực Trường Sa, đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều nước trong vùng. Ngoài quần đảo Hoàng Sa chiếm của VNCH hồi năm 1974, Trung cộng chen vào chiếm một số hòn đảo trong quần đảo Trường Sa do các đơn vị của Việt Nam và Phi Luật Tân đóng giữ hồi thập niên 1980 rồi tuyên bố chủ quyền trọn chuỗi quần đảo này. Từ đó, Bắc Kinh cho xây các căn cứ, cơ sở phòng thủ gồm cả đài viễn thông vệ tinh tại một số đảo đã chiếm.

Năm 2002, Trung Quốc ký tên vào thỏa ước Ứng Xử trên Biển Đông với các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, trong đó nói rằng các bên sẽ phải tự chế, mọi tranh chấp phải giải quyết bằng đối thoại và tham vấn chứ không sử dụng võ lực.

Trong các lần gặp mặt các người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN, đám lãnh tụ Bắc Kinh đều lập lại tinh thần này ở các bản tuyên bố chung trong khi trên thực tế vẫn đưa ra các kế hoạch hành động bá quyền nước lớn.

Đầu năm 2007, CSVN ký thỏa thuận với công ty BP (Anh Quốc) dò tìm dầu khí ở khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn. Nhưng giữa năm này, Bắc Kinh đã áp lực BP phải ngưng lại. Giữa năm nay, công ty dầu khí Exxon-Mobil cũng ký thỏa thuận hợp tác với công dầu quốc doanh PetroVietnam dò tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam nhưng cũng đã bị Bắc Kinh áp lực phải đình lại.

Bây giờ thì Bắc Kinh loan báo dự án khổng lồ lên tới $429 tỉ USD dò tìm dầu khí khu vực nước sâu trên biển Đông nằm ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Theo bản tin Bloomberg, công ty dầu khí quốc doanh Cnooc không có khả năng kỹ thuật để dò tìm cũng như khai thác dầu khí khu vực nước. Họ phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các công ty ngoại quốc. Hiện các đối tác dò tìm dầu khí trên biển của Cnooc là các công ty quốc tế Devon Energy Corp.; Husky Energy Corp.; và Anadarko Petroleum Corp.

Nhu cầu tiêu thụ điện năng và xăng dầu tại Hoa Lục ngày càng lớn theo đà phát triển kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng thứ nhì trên thế giới nhưng công ty Royal Dutch Shell Plc cho rằng Hoa Lục sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vòng 5 năm.

Tháng Bảy năm 2005, Trung Cộng ký một thỏa hiệp với Việt Nam và Phi Luật Tân mở các cuộc nghiên cứu địa chấn chung tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dự án này hết hạn vào Tháng Bảy 2008 và không thấy có nước nào nhắc nhở gì đến chuyện gia hạn.

Theo ước lượng của chuyên viên Trung Quốc, trữ lượng dầu trong khu vực biển nước sâu biển Đông khoảng 22 tỉ thùng. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc sang năm 2009 khoảng 8.2 triệu thùng một ngày nên họ rất cần các nguồn trữ lượng mới thay thế cho những giếng dầu đang cạn dần của họ bên cạnh nguồn dầu nhập cảng.



Việt Nam tái khẳng định chủ quyền tại Trường Sa, Hoàng Sa
19:03' 27/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/815759/
"Mọi hoạt động tiến hành trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý, chấp thuận của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền, vi phạm lợi ích quốc gia của Việt Nam và hoàn toàn vô giá trị", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng phản ứng trước thông tin tập đoàn dầu khí Trung Quốc công bố dự án thăm dò khai thác dầu khí trong vùng nước sâu ở Biển Đông trị giá gần 30 tỷ USD.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/11, ông Lê Dũng nói Việt Nam quan tâm và theo dõi chặt chẽ thông tin nói trên và tái khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
"Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Mọi hoạt động tiến hành trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý, chấp thuận của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền, vi phạm lợi ích quốc gia của Việt Nam và hoàn toàn vô giá trị", ông Lê Dũng nhấn mạnh.

Người phát ngôn khẳng định Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1992, Tuyên bố Manila về Biển Đông 1992 và tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông được ký giữa ASEAN và Trung Quốc ngày 4/11/2002.
"Chúng tôi cho rằng trong khi có những nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp lâu dài và cơ bản thì các bên liên quan cần duy trì ổn định và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nói.

Hôm 22/11, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc Cnooc Ltd công bố dự án dò dầu khí nước sâu tại Biển Đông.
Dự án của Cnooc Ltd, trị giá 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ đôla sẽ được thực hiện từ 2009 cùng với công ty mẹ của họ là tập đoàn Cnooc. Cnooc là tập đòan dầu khí nhà nước của Trung Quốc.

Mở Đại sứ quán VN tại Israel

Tại cuộc họp báo, bình luận về vụ khủng bố xảy ra tại Ấn Độ, ông Lê Dũng nói: "Việt Nam cực lực lên án vụ khủng bố ngày 26/11 làm cho nhiều người chết và bị thương. Việt Nam lên án mọi hành động khủng bố dưới bất cứ hình thức và động cơ nào. Thủ phạm gây ra vụ khủng bố cần bị trừng trị nghiêm khắc. Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc với chính phủ, nhân dân Ấn Độ và gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố này".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng thông báo Việt Nam và Isarel đã đạt được thỏa thuận mở Đại sứ quán Việt Nam tại Isarel trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ thời điểm mở Đại sứ quán sẽ vào những tháng đầu tiên năm 2009", ông Lê Dũng xác nhận.
Xuân Linh

TIN LIÊN QUAN
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Thứ trưởng Ngoại giao: Vùng khai thác dầu thuộc chủ quyền VN



No comments: