Friday, November 28, 2008

NHỮNG TIN MỪNG KHÔNG VUI NỔI

Thời Sự Hoa Kỳ
Những Tin Mừng Không Vui Nổi
Mai Loan
(LÊN MẠNG Thứ năm 27, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article5001
Những ai khó tính hay thiếu kiên nhẫn khi đọc tựa bài kể trên có thể mắng người viết bài này là tự mâu thuẫn hoặc không biết sử dụng từ ngữ cho trong sáng, dễ hiểu. Đã là tin mừng thì bao giờ cũng đi chung với sự vui sướng, như từ ngữ vui mừng rất phổ thông. Ấy vậy mà không phải vậy. Có những sự kiện, thoạt mới nhìn, phải được coi như là những loại thuộc tin mừng, nhưng dường như người ta vẫn hững hờ hay không tỏ lộ chút vui mừng nào cả.

Chẳng hạn như cái chuyện giá xăng dầu ở Hoa Kỳ, mới cách đây độ vài tháng đã lên cao đến mức chóng mặt, có nhiều chuyên gia đã tiên đoán rằng giá dầu thô có thể tăng vọt lên mức 200 Mỹ-kim cho một thùng phi, và giá xăng thì không biết sẽ lên đến đâu, 5 hay 6 Mỹ-kim cho một ga-lông, tuy không bằng với giá cả bên Âu Châu, nhưng là những con số khó tưởng tượng cho người dân ở Mỹ. Ấy thế mà trong ngày hôm qua, có lúc giá dầu thô tụt xuống dưới 50 Mỹ-kim một thùng, và giá xăng trung bình mấp mé chỉ còn khoảng 2 Mỹ-kim cho một ga-lông. (Ở thành phố Houston bên Texas, giá tương đối rẻ hơn bên California, nên có nhiều trạm xăng treo bảng trong ngày hôm nay vào khoảng 1,69 Mỹ-kim và nhiều phần có thể tiếp tục tụt xuống trong những ngày tới.)

Thế nhưng dường như người dân Mỹ không thấy thở phào nhẹ nhõm hay tỏ vẻ vui mừng để khoe rằng chuyến đi chơi xa vào dịp nghỉ lễ Tạ Ơn sắp tới sẽ bớt tốn kém vì giá xăng đã tụt xuống chỉ còn phân nửa! Bởi lý do đơn giản là vì đa số đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tin tức xấu về thị trường tài chánh dẫn đến nền kinh tế nói chung đã dồn dập ập tới trong thời gian gần đây. Những loại tin này đã báo hiệu một tương lai mù mịt và thê thảm hơn nữa của một thời kỳ suy thoái trầm trọng, với tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, tiền để dành trong các quỹ đầu tư đã bị "bốc hơi". Điều này đương nhiên dẫn đến những phản ứng tự nhiên của người dân, gần như mọi người đều bắt đầu co cụm lại, ăn tiêu dè sẻn hơn và nhanh chóng quyết định hoãn lại các món chi tiêu có vẻ như "xa xỉ" trong gia đình như việc đi xem xi-nê hay ca nhạc, đi ăn tiệm hoặc đi nghỉ hè ở xa. Trong tình cảnh ấy, việc giá dầu xăng có xuống rẻ cách mấy cũng chẳng khiến ai vui mừng, một khi người ta đã có quyết định là giới hạn việc đi chơi xa.

Một thí dụ "tin mừng không vui" khác là trị giá của đồng đô-la. Từ nhiều năm qua, đồng Mỹ-kim cứ tụt dần giá trị so với nhiều đồng tiền khác tại Âu Châu. Khi đồng tiền Euro được phát hành cách đây gần 10 năm để làm đồng tiền thống nhất cho toàn khối các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, một Euro chỉ đổi được bằng khoảng 90 xu Mỹ. Thế rồi, dần dần nó tăng giá trị lên, trở thành tương đương với một Mỹ-kim, để rồi sau đó không lâu nó vượt qua mặt luôn và không thèm ngoái lại. Dân Mỹ sang du lịch ở Âu Châu là cứ than trời như bọng khi thấy tiền đô-la càng ngày càng mất giá, từ 1,1 Mỹ-kim đổi được 1 Euro, rồi tăng dần thành 1,2 rồi 1,3 rồi 1,4 và có lúc lên đến gần 1,5 Mỹ-kim mới bằng 1 Euro. Đã thế, giá sinh hoạt ở Âu Châu thường vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các thành phố ở Mỹ. Một cái bánh Big Mac ở Mỹ có giá từ 2 đến 3 Mỹ-kim (tuỳ theo lúc bán sale hay không) nhưng ở Pháp có thể lên đến 4 Euro, tức là khoảng 6 Mỹ-kim! Đa số người Việt ở Mỹ khi đi chơi sang Pháp đều có phản ứng giật mình trước cái giá sinh hoạt đắt đỏ như vậy, cộng thêm với việc đồng Mỹ-kim mất giá so với đồng Euro nên ít người có hứng thú tính đến chuyện du lịch đến các nơi này, cho dù có thèm thuồng hay ước mơ về một kinh thành "Ba Lê Ánh Sáng".

Thế nhưng, chỉ trong vòng hai tháng ngắn ngủi vừa qua, đồng Mỹ-kim đã tăng vọt giá trị trở lại so với đồng Euro hay đồng Bảng (pound sterling) của Anh. Thông thường, khi đồng Mỹ-kim tăng giá thì số lượng dân Mỹ du lịch ra ngoại quốc sẽ tăng theo (vì mãi lực của đồng đô-la tăng theo khiến cho khách du lịch cảm thấy thứ gì cũng rẻ) và các nước khác cũng dễ dàng xuất cảng hàng hoá và dịch vụ sang Hoa Kỳ (vì giá bán sẽ rẻ hơn). Thế nhưng lần này, điều đó đã không xảy ra. Bởi vì khi người dân Mỹ đang lo lắng trước tình cảnh suy thoái kinh tế, và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, những người còn có việc làm cũng không dám tự tin rằng công việc của mình vẫn chắc ăn như cũ, thì gần như đa số không ai còn nghĩ đến chuyện đi chơi ở nước ngoài, cho dù các hãng máy bay có thi nhau mở ra các chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá vé máy bay. Một bài báo của hai ký giả Mary Jordan và Karla Adam đăng trên tờ Washington Post vào tháng trước đã thuật lại lời nhận xét của ông Thomas Huene, kinh tế gia làm việc cho Hiệp hội Kỹ nghệ Xe hơi ở Đức, cho rằng tuy trên lý thuyết đồng đô-la sụt giá là một tin tức tốt đẹp cho triển vọng xuất cảng xe Đức sang Hoa Kỳ dễ tăng lên, nhưng lần này điều đó có thể không xảy ra. Theo ông thì trong tình cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ bị co cụm lại ngày nay, thì việc tỉ lệ hối đoái thay đổi cũng chỉ là muối bỏ biển trong khả năng thúc đẩy hàng của Đức xuất cảng sang Hoa Kỳ.

Tin mừng được loan báo trong những ngày qua nhưng lại không được mấy người chú ý là chỉ số giá cả (consumer price index, CPI) đã tụt giảm ở một mức kỷ lục. Đây là con số do Nha Thống Kê Lao Động (Bureau of Labor Statistics) của Bộ Lao Động Hoa Kỳ thực hiện để đo lường trị giá trung bình của các món hàng hay dịch vụ sản xuất trong nước. Chỉ số này lên xuống là báo hiệu mức độ của tình trạng lạm phát, và do đó được coi như là một trong những chi tiết quan trọng được chú ý nhất để đánh giá về tình hình kinh tế. Thống kê mới nhất đưa ra ngày 19/11 cho thấy là giá cả đã tụt xuống 1% trong tháng Mười vừa qua, một mức tụt dốc trong một tháng cao nhất từ hơn 60 năm qua. Con số tụt giá 1% có thể khiến nhiều người không hình dung ra được tầm ảnh hưởng. Nếu nó tụt giá (hay tăng giá) 1% trong một tháng, và tiếp tục đều đặn như vậy, tức là tỉ lệ tụt giá trong một năm lên đến 12%. Nhà báo Michael Mandel, trong một bài phân tích đăng trên BusinessWeek đề ngày 20/11, đưa ra những con số để minh hoạ rõ hơn về ảnh hưởng thay đổi giá cả này. Trong năm 2007, tổng số tiền lợi tức thu nhập được trên toàn quốc lên đến khoảng 6000 tỷ Mỹ-kim. Giả sử như giá cả sinh hoạt tụt giá 1%, điều này có nghĩa là người dân bỗng tự dưng có dư thêm khoảng 60 tỷ Mỹ-kim trong mãi lực của đồng lương của họ, một món tiền đáng kể để kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Có thể nói là tình trạng giảm giá, hoặc còn gọi là giảm phát (deflation) để đối lại với lạm phát (inflation) là tăng giá, là một điều ít ai có thể ngờ tới chỉ trong vòng vài tháng trước đây. Mọi người đều lo ngại trước tình trạng giá cả leo thang, thoạt đầu là giá xăng dầu, rồi sau đó kéo theo đủ loại hàng hoá và dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng giây chuyền theo. Đối với đa số người sống tại Việt Nam trước đây, thì tình trạng lạm phát được coi như là một sự kiện tất nhiên không thể đảo ngược. Gần như không bao giờ có tình cảnh xuống giá như vẫn thường xảy ra ở các nước Âu Mỹ do bởi tình trạng cạnh tranh ráo riết hoặc các biện pháp khuyến mãi đặc biệt v.v. . . Kẻ viết bài này đã sống qua bao nhiêu giai đoạn tăng giá dưới nhiều chính quyền, từ thời đầu cơ tích trữ của các tay xì thẩu khiến cho các nhu yếu phẩm như gạo, đường, sữa khan hiếm và người dân phải xuất trình tờ khai gia đình để đi mua các lon sữa Guigoz, có lúc đã khiến cho chính phủ của dân nghèo dưới thời ông Tướng Râu kẽm đã lập pháp trường cát để xử bắn ông "hạm" các vựa gạo là Tạ Vinh. Rồi đến chính sách "kinh tế kiệm ước" của ông tổng trưởng Phạm Kim Ngọc cũng chẳng giải quyết được tình trạng hiếm hoi và tăng giá, các gia đình quân nhân phải vất vả để mua khẩu phần cho các nhu yếu phẩm trong khi giá chợ đen ngoài thị trường thì cao hơn nhiều.

Đến khi đi du học sang Pháp vào đầu thập niên 1970 thì mới biết được cái cảm giác thoải mái khi vật giá không leo thang ồ ạt. Thời đó, du học sinh ở các tỉnh không có đông, chỉ vài chục cho đến vài trăm trong các thành phố lớn, và thường phải về thủ đô Paris để có thể mua được các món hàng chạp phô và thức ăn Á đông. Giá một chai nước mắm — một gia vị quý giá cho những người sinh viên du học xa nhà vào thời ấy — vào khoảng 5 francs ở tiệm chạp phô Thanh Bình, nổi tiếng một thời ở khu Maubert. Đến qua năm sau khi trở lại Paris để mua hàng thì thấy giá cũng không thay đổi. Và đến khi di cư sang Mỹ này thì giá cả hàng hoá còn rẻ hơn nữa so với bên Pháp, ấy là chưa kể trò chơi cạnh tranh ráo riết của các chợ bên Mỹ còn khiến cho nhiều khi giá của vài món hàng, như chai nước mắm tiêu biểu, còn xuống giá hơn lúc trước, một điều khó thể giải thích cho người ở trong nước có thể tưởng tượng được.

Tình trạng giảm giá hay tăng giá, nếu ở mức độ nhẹ, cũng không có ảnh hưởng nặng, và trong trường hợp giảm giá, có thể là điều dễ chịu cho nhiều người. Dĩ nhiên, ai lại chẳng thích thấy vật giá giảm xuống khiến cho người dân tiêu thụ cảm thấy thoải mái và dễ dàng mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên, ở tầm mức kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đều cho rằng tình trạng giảm phát trong lâu dài sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại không kém gì tình trạng lạm phát lâu dài. Theo nhà báo Robert Samuelson, trong bài viết phân tích đăng trên tờ Washington Post ngày 10/11/08 vừa qua, thì tình trạng giảm phát sẽ tạo nên khó khăn cho nền kinh tế khi nó buộc người vay phải trả tiền nợ cao hơn, và từ đó cũng khiến cho giới tiêu thụ đình hoãn các quyết định về mua sắm. Trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng kinh tế vào đầu thập niên 1930, tình trạng giảm phát cũng lan rộng. Từ năm 1929 đến năm 1933, vật giá tụt xuống đến 25%. Mức chi tiêu trên toàn quốc tụt dốc. Mức cung tăng cao hơn nhiều so với mức cầu, càng khiến cho giá thành tụt xuống nữa. Cho đến năm 1933, thì số lượng sản xuất đã giảm xuống đến 39% và tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên đến 25%.

Tình trạng giảm phát có thể dẫn đến những hậu quả tai hại như sau:

* Thứ nhất, các hãng xưởng và cơ sở kinh doanh sẽ phải tìm cách giảm bớt tiền lương trả cho nhân viên. Điều này có thể không diễn ra ngay tức thời, nhưng trước sau cũng phải xảy tới, bởi vì khi giá bán tụt xuống, giới chủ nhân sẽ thu về ít hơn, và không còn cách nào khác hơn là phải giảm bớt đồng lương của mọi người để mong giữ lại mức lợi nhuận như cũ.

* Kế đến, sự giảm phát sẽ khiến cho những ai mắc nợ sẽ phải gặp khó khăn hơn nhiều để trả nợ. Đây chỉ là hậu quả hiển nhiên, ngược lại với tình trạng lạm phát. Trong trường hợp lạm phát, người mang nợ sẽ thấy món nợ của mình trong quá khứ không còn nặng nữa (vì đã mất bớt giá trị). Chẳng hạn như khi ta nợ 100 đồng, và tỉ lệ lạm phát trong một năm là 10%, thì qua năm sau, món nợ 100 đồng đó coi như chỉ còn có 90 đồng. Vì vậy, khi vật giá tụt xuống, tức là trong tình trạng giảm phát, thì hiệu ứng ngược lại sẽ xảy ra. Mà xã hội Hoa Kỳ được phát triển mạnh là nhờ ở tinh thần khuyến khích mọi người, từ cá nhân cho đến cơ sở kinh doanh, đều nên mượn nợ để làm ăn hoặc để mua sắm. Trong tình trạng đó, các hãng xưởng sẽ gặp khó khăn hơn để trả nợ, dễ dẫn đến các trường hợp phải khai phá sản khiến cho tỉ lệ thất nghiệp tăng cao theo. Các nhà băng sẽ tiếp tục bị lỗ lã vì các món nợ có thể bị xù.

* Sau cùng, tình trạng giảm phát cũng sẽ khiến cho những biện pháp can thiệp của chính quyền để kiểm soát lưu lượng đồng tiền trong thị trường sẽ mất đi mức hiệu quả của nó lên nền kinh tế. Có lẽ nhiều người cũng đã nhận thức ra sức mạnh và vai trò của Ngân hàng Trung ương qua những quyết định cắt giảm hay gia tăng mức lãi suất. Trong trường hợp có nguy cơ lạm phát, nhà nước có thể siết chặt lại thị trường tín dụng bằng cách tăng lãi suất. Trước nguy cơ suy thoái, chính phủ có thể giảm lãi suất để kích thích thị trường tín dụng tăng trưởng khiến người dân hăng hái vay mượn để tiêu thụ. Trong trường hợp giảm phát, cho dù nhà nước, qua Ngân hàng Trung ương, có giảm lãi suất đến mấy đi chăng nữa, thì người dân cũng như các cơ sở kinh doanh cũng không muốn vay nợ tiếp khi họ biết, hay tiên đoán, rằng giá cả sẽ xuống nữa. Đối với giới tiêu thụ, một khi họ có suy nghĩ rằng giá cả sẽ tụt xuống trong tương lai, họ sẽ chần chừ trong quyết định mua sắm; và khi người dân trên cả nước chần chừ không chịu chi tiêu thì nền kinh tế của cả nước Mỹ, vốn lệ thuộc đến gần 70% vào mức tiêu thụ của người dân, sẽ chỉ còn đường đi xuống thảm hại hơn nữa.

Chính vì cái viễn tượng tai hại của tình trạng giảm phát như vậy mà các chính quyền khắp nơi đã thi nhau đưa ra những biện pháp để đối phó. Các ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, của Liên Hiệp Âu Châu, của Anh Quốc, đã thi nhau cắt giảm lãi suất. Trong tình cảnh hiện nay của cơn khủng hoảng tài chánh, việc các nhà băng vẫn còn ngần ngại cho vay, cộng thêm với thái độ cẩn trọng hơn của người dân không muốn mang thêm nợ, xem chừng như những hành động của các ngân hàng trung ương đã không có hiệu quả mạnh. Có thể một chính sách kích cầu mạnh hơn nữa, với nhiều chương trình chi tiêu công cộng đi kèm với những biện pháp giảm thuế, sẽ đem lại một sự bảo đảm nào đó khiến cho nền kinh tế toàn cầu không rơi vào cảnh tụt dốc không phanh. Cái khó khăn cho tổng thống tân cử Barack Obama và các vị nguyên thủ quốc gia khác là phải biết cân bằng sao cho những giải pháp kích cầu này có thời hạn tạm thời để không dẫn đến những hệ luỵ tai hại khác về thâm thủng ngân sách.

Mai Loan

No comments: