Bạo
hành đối với trẻ em Việt Nam: Vẫn còn phổ biến
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 28/09/2022 - 15:24
Những vụ trẻ em bị chết do bạo hành ở Việt Nam, như
vụ một bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ hành hạ đến tử vong ở Sài Gòn trong tháng
12/2021, hay trẻ bị thương tích nặng như vụ bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ
đóng nhiều đinh vào đầu ở Hà Nội, được phát hiện vào tháng 01/2022, vẫn
còn là một vấn nạn mà Việt Nam chưa có giải pháp để ngăn chận.
Ảnh minh họa: Trẻ
em chơi cầu lông trên đường phố Hà Nội. Asianews (asianews.it ) đã báo động là
nạn bạo hành đối với trẻ em đã gia tăng trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại
dịch Covid-19. AP - Hau Dinh
Những vụ gây phẫn
nộ
Ngày 17/01, một bé gái 3 tuổi đã nhập viện ở
trong tình trạng hôn mê và co giật, chụp X-quang người ta thấy trên hộp sọ cháu
bé có 9 vật thể giống đinh, tổng cộng 9 cái. Trước lần nhập viện đó, bé đã từng
nhiều lần nhập viện vì ngộ độc thuốc trừ sâu, nuốt dị vật, đau tai...Kết quả điều
tra cho thấy Nguyễn Trung Huyên, bạn trai của mẹ bé tại huyện Thạch Thất, Hà Nội,
chính là người đã bạo hành bé gái.
Tương tự như vậy, cho đến nay, dư luận ở Việt
Nam vẫn chưa hết phẫn nộ, đau xót về vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ là Nguyễn Võ Quỳnh
Trang, 26 tuổi, đánh đập hành hạ dã man rất nhiều lần, khiến bé bị chết vào
ngày 22/12/2021. Ngay cả bố đẻ của bé gái là Nguyễn Kim Trung Thái cũng tham
gia đánh đập con, rồi khi con bị đánh chết thì đã tìm cách tiêu hủy chứng cứ để
bảo vệ Quỳnh Trang.
Vụ này khiến người ta nhớ đến một vụ cũng đau
thương không kém xảy ra tại Hà Nội: Nguyễn Minh Tuấn và người vợ sau là Nguyễn
Thị Lan Anh, sau khi sử dụng ma túy, đã phạt và đánh đập con gái riêng 3 tuổi của
Lan Anh liên tục suốt từ sáng 29/03 đến sáng hôm nay. Khi thấy đứa bé có biểu
hiện khó thở, hai người mới nhờ đưa bé đi cấp cứu, nhưng đã quá muộn: bé
gái đã chết do chấn thương sọ não. Vào tháng 11 năm ngoái, tòa đã tuyên án tử
hình đối với Tuấn và án tù chung thân đối với Lan Anh.
Nhưng những bản án nặng nề đó dường như vẫn
không có tác động đối với những kẻ không còn tính người. Trước vụ xảy ra ở Sài
Gòn, vào tháng 11 vừa qua, một bé gái 3 tuổi ở tỉnh Kiên Giang đã chết do bị
cha dượng là Trần Văn Khởi, 26 tuổi, thường xuyên đánh đập, hành hạ mỗi khi
cháu tiểu tiện. Theo báo chí trong nước, có lần anh ta châm điếu thuốc đang
cháy vào miệng, bẻ răng bé…
Sáng 18/11, khi bé gái đi vệ sinh ra quần, Khởi
lại đánh bé đến bất tỉnh, anh ta cùng người tình vội đưa bé đi cấp cứu nhưng
cháu đã tử vong. Cả hai mang thi thể bé về chôn, rồi bỏ trốn, nhưng sau đó đã bị
bắt. Vào đầu tháng 12, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Trần
Văn Khởi về hành vi “Giết người”.
Bạo hành với trẻ
em gia tăng
Trang mạng Asianews (asianews.it ) ngày 05/01
đã báo động là nạn bạo hành đối với trẻ em tại Sài Gòn đã gia tăng trong hai
năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Asianews đưa ra con số thống kê cho
thấy trong hai năm qua, khoảng 2.000 trẻ em đã bị bạo hành thân thể, và 97% trường
hợp là do người thân hoặc người quen biết gây ra.
Theo các số liệu của Bộ Xã hội, Thương binh và
Lao động, trong hai năm qua, đã có 120 trẻ em chết vì bạo hành. Mỗi năm có khoảng
2.000 vụ bạo hành trẻ em, phần lớn là do những người quen biết, và nhiều vụ
không được trình báo.
Vì sao tình trạng bạo lực đối với trẻ em
vẫn còn phổ biến như vậy, trả lời RFI Việt ngữ ngày 10/02, bà Nguyễn Vân
Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ
nữ và Vị thành niên (CSAGA), nêu lên một số nguyên nhân:
“Thứ nhất, những kỹ năng để giải quyết những vấn đề
của con người trong đời sống gia đình, hay kỹ năng giải quyết mâu thuẫn từ
trong lòng mỗi cá nhân của người Việt Nam, của giới trẻ Việt Nam, chưa được chú
trọng trong giáo dục. Có thể mọi người rất quan tâm đến những thành công, những
cái mang tính bề nổi: một gia đình hạnh phúc là một gia đình không có đói
nghèo, không nghiện ma túy, nghiện rượu, hay đánh nhau to ở bên ngoài. Nhưng rất
nhiều gia đình bên ngoài có vẻ rất hạnh phúc, bên trong lại chất chứa quá nhiều
mâu thuẫn mà người ta không biết cách giải quyết. Đến một ngày, có những án mạng,
có những vụ cực kỳ nghiêm trọng phải đưa ra xử hình sự, nhưng có thể bắt đầu từ
những cái rất âm thầm trong các gia đình tưởng chừng rất là ổn.
Tôi muốn nói đến kỹ năng xây dựng hòa bình đối với
người trẻ và kỹ năng tiền hôn nhân, kỹ năng tiếp nhận một gia đình mới, tiếp
nhận những thay đổi trong cấu trúc của một gia đình. Bây giờ có quá nhiều những
thay đổi như vậy trong xã hội hiện đại.
Thứ hai, mọi người nói nhiều đến cái ác, cách mà người
ta có thể cư xử rất ác độc với nhau, mà sự ác độc đó kinh khủng nhất khi đối xử
với trẻ em và những người yếu thế, bởi vì trẻ em không có đủ năng lực để chống
lại, để phản đối. Người ác khi trút giận thì sẽ chọn đối tượng yếu thế để sử dụng
bạo lực. Ở Việt Nam có các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhưng có bao nhiêu trẻ em
biết mình đang bị như thế này chính là bạo lực, biết mình là đối tượng có thể gọi
số điện thoại 111( Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em ) ? Quảng cáo thì
ở khắp nơi, nhưng trẻ em có thể không biết điều đấy”
"Thương cho
roi cho vọt"
Theo tổ chức UNICEF Vietnam, kỷ luật mang tính
bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho
biết đã từng là nạn nhân của bạo hành từ cha mẹ, hoặc người chăm sóc trong gia
đình.
Theo kết quả điều tra về tình hình của trẻ em
và phụ nữ tại Việt Nam được UNICEF Việt Nam và Tổng cục Thống kê Việt Nam
công bố ngày 08/12, ở Việt Nam có đến hơn 70% trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực. Trẻ
em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái cả về thể xác
và tâm lý. Trên cả nước, Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị xử phạt bằng
bạo lực cao nhất, với 78,5%. Kết quả điều tra cũng cho biết, trẻ em càng lớn
thì càng phải đối mặt với việc bị xử phạt bằng tinh thần. Cứ 10 trẻ được điều
tra thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt tâm lý và có 4 trẻ bị xử phạt về thể
xác.
Theo kết quả điều tra nó trên, bạo lực gia
đình và quan niệm “thương cho roi cho vọt” chính là một trong những lý do dẫn đến
tình bạo lực trẻ em chiếm tỷ lệ cao. Trong phần lớn trường hợp, các thành
viên trong gia đình sử dụng kết hợp các biện pháp xử phạt bạo lực để giáo dục
trẻ em. Đáng lưu ý là cứ 10 người chăm sóc trẻ thì có 1 người tin rằng xử
phạt về thể xác là cần thiết để giáo dục trẻ em.
Theo Viện Nghiên cứu về Phát triển Bền vững,
nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng cha mẹ có quyền dạy con bằng cách phạt và
đánh con. Họ không hề quan tâm đến việc là bạo hành đối với trẻ em gây chấn
thương tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các em.
Về điểm này, giám đốc trung tâm CSAGA Nguyễn
Vân Anh nhận định:
“ Vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong quan niệm của
người Việt Nam là “thương cho roi cho vọt”, vì mọi người nghĩ rằng sự nghiêm khắc
sẽ khiến cho trẻ em đi vào “quỹ đạo” và làm đúng mong muốn của người lớn hơn. Bản
chất của việc trừng phạt không phải là giáo dục và đặc biệt là trừng phạt thân
thể trẻ em thì tuyệt đối không phải là giáo dục.
Chưa kể đến chuyện thế nào là nghiêm khắc và đâu là
ranh giới giữa sự nghiêm khắc của giáo dục và việc vi phạm quyền của trẻ em? Hầu
như người Việt Nam, các bậc cha mẹ Việt Nam chưa ý thức điều đấy. Và người ta
cũng chưa có những kiến thức về việc những đứa trẻ có thể bị tổn thương như thế
nào khi nó phải chịu những trừng phạt thể xác và tinh thần của những người lớn,
những người giám hộ, những người chăm sóc. Người ta hầu như không biết được
mình đã gây ra những tổn thương, mà cứ nghĩ đó là biểu hiện của tình yêu
thương, đó là giáo dục.
Tôi nghĩ cần phải thay đổi điều này. Nhưng thay đổi
cũng rất là khó, bởi vì nó đã ăn sâu, bén rễ từ lâu. Ngay cả những cặp vợ chồng
trẻ bây giờ vẫn nghĩ đánh con là một biện pháp rất tốt trong giáo dục. Đã có rất
nhiều tranh cãi cực gắt trên một số diễn đàn về việc nên là “mẹ hổ”, tức
những người mẹ cực kỳ khắc nghiệt đối với con, hay nên để cho chúng phát
triển tự do. Mô hình “mẹ hổ” có nghĩa là dạy con cực kỳ nghiêm khắc thì có thể
tạo ra kết quả tốt nhất, tốt hơn là việc để cho chúng tự do. Thế thì sự thành
công, hạnh phúc cũng cần phải được định nghĩa lại, bởi vì một đứa trẻ có thể tốt
nghiệp bằng này, bằng kia, đạt thành tích này, thành tích kia, nhưng nó có hạnh
phúc hay không lại là chuyện khác.”
Khi tham gia trình bày kết quả điều tra nói
trên, bà Rana Flowers, trưởng đại diện của UNICEF ở đã cho biết: "Hơn
70% trẻ em từ độ tuổi 1 đến 14 đều bị ảnh hưởng. Đây là một mối lo ngại lớn, bởi
lẽ nó sẽ để lại hậu quả lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em, ảnh hưởng đến sức
khỏe tinh thần tâm lý, cũng như dẫn đến các nguy cơ cao hơn, ví dụ như có hành
vi bạo lực ở trẻ em hoặc lạm dụng chất an thần, gây nghiện trong tương lai và từ
đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng một xã hội gắn kết tại Việt
Nam”
Vai trò của người
chứng kiến
Theo nhận định của trang Asianews, đối với nhiều
người, các vụ việc đau lòng như vụ mới xảy ra ở Sài Gòn lẽ ra đã có thể tránh
được nếu các cơ quan chức năng được báo động kịp thời. Nhiều người hàng xóm sống
trong cùng chung cư với Trung Thái ở quận Bình Thạnh thường nghe bé gái la
khóc, tức là rõ ràng có dấu hiệu bé bị đánh đập, hành hạ thường xuyên, nhưng họ
chỉ báo cho ban quản lý chung cư và những người này đã không có hành động gì để
ngăn chận thảm kịch xảy ra.
Đối với bà Nguyễn Vân Anh, mọi người nay phải ý thức
rằng bạo lực trẻ em không còn là chuyện “đèn nhà ai nấy rạng" nữa:
“ Các nhà hoạt động cũng như các phương tiện truyền
thông bắt đầu quan tâm nhiều đến vai trò của những người chứng kiến, bởi vì mỗi
người chứng kiến cần có ý thức rằng đừng để vấn đề trở nên quá nặng rồi mới hối
tiếc, mà mỗi người có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng bạo lực với trẻ
em, bằng cách ngăn chận, bằng cách báo tin quyết liệt hơn. Sau vụ em bé ở Sài
Gòn hay vụ ở Thạch Thất, Hà Nội, dường như mọi người đã bắt đầu thức tỉnh, rằng
đó không phải là câu chuyện “đèn nhà ai nhà nấy rạng", mà rõ ràng là mình
có thể góp phần ngăn chận tội ác. Tôi nghĩ nếu như nỗi đau này không làm thức tỉnh
thì thật sự là đáng tiếc.
Thật ra thì các vụ được phát hiện rất ít khi bị bỏ
qua, nếu đã đưa đến tòa thì việc xử lý đã đủ sức để răn đe. Tuy nhiên, đợi đến
lúc mà nó xảy ra rồi thì đã có quá nhiều hậu quả. Phòng ngừa là yếu tố cực kỳ
quan trọng. Phổ biến pháp luật đến người dân cũng là vấn đề cần được làm tốt
hơn. Có thể làm dưới nhiều hình thức khác nhau, thay vì phổ biến pháp luật một
cách thông thường. Việc bảo vệ trẻ em của các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần
được chủ động hơn trong việc tiếp cận và phòng ngừa để không xảy ra những chuyện
như thế này.”
Những khuyến cáo của
UNICEF
Sau vụ bé gái 8 tuổi bị chết ở Sài Gòn, bà
Rana Flowers, trưởng đại diện của tổ chức UNICEF tại Việt Nam ngày 29/12
năm ngoái đã ra thông cáo nhắc lại: “ Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng
gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì COVID, báo
hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.” Cụ thể, theo bà,
Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống
“với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, các nhân viên chuyên
nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu
và bảo vệ trẻ em và phụ nữ”.
Bà cũng khuyến cáo Việt Nam cần có một hệ thống
với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với
trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực của tất cả các nhà chức
trách, trong tất cả các trường học, trên toàn cộng đồng.”
Không khoan nhượng, theo trưởng đại diện của
UNICEF, có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng
kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo
vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động
kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ
báo cáo ngay.
No comments:
Post a Comment