Tuesday, September 27, 2022

BÁNH TRÔI NƯỚC ƠI, TRONG PHONG BÌ CÓ GÌ? (Nguyễn Hoàng Mai, RFA)

 



Bánh trôi nước ơi, trong phong bì có gì?

Bài blog của Nguyễn Hoàng Mai
2022.09.27

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/floating-sweet-dumpling-what-is-in-the-envelope-09272022111702.html

 

Đây là bài tiếp theo bài Bác sĩ mới ra trường là bánh trôi nước. Bài trước chúng tôi trình bày về những cánh cửa (cao ngất, đóng kín, treo lủng lẳng bốn, năm ổ khóa) mà bác sĩ đa khoa mới ra trường ở Việt Nam phải tìm cách trèo vào. Mở ra. Vượt qua. Để tìm được một nơi nhận em vào làm việc, để em được thực hành những kiến thức em đã học ở trường Y.

 

Thế rồi cái gì cũng qua. Chạy ba bốn trăm triệu, cắn răng làm không lương suốt vài năm, chịu sai vặt, chịu khinh thị… cùng lắm không thể tìm được việc ở gần cha mẹ thì em Nam tiến. Không như miền Bắc thường phải đút lót vài trăm triệu mới được nhận, miền Nam nhận em vào làm việc không cần chạy tiền, nhưng em phải làm cật lực mới đủ ăn. Nhưng cho dù trầy vi tróc vẩy, trượt đầu gối, thương tích đầy mình… bao nhiêu đi nữa, em cũng phải gồng mình trèo qua cánh cổng. Cuối cùng em cũng tìm được một bệnh viện tuyến huyện vùng sâu vùng xa. Họ đang thiếu nhân lực trầm trọng nên sẵn sàng nhận bác sĩ đa khoa mới ra trường, chưa có chứng chỉ hành nghề (đây là điều kiện bắt buộc để bác sĩ được đứng tên khám chữa bệnh).

 

Em được đi làm rồi mọi người ơi!

 

Ấy thế mà vào được bệnh viện, thậm chí có chứng chỉ hành nghề, có chuyên khoa I rồi, em vẫn chưa chắc thoát kiếp bánh trôi nước.

 

Nếu may mắn, công việc đầu tiên em sẽ làm là thợ trực

 

Nghĩa là em nhận trực đêm thay cho các đàn anh, đàn chị trong bệnh viện. Hầu hết họ đều đã có phòng khám riêng, có khách hàng. Nên hết giờ làm ở bệnh viện, anh chị phải tức tốc chạy về phòng khám. Tháng vài buổi trực ở bệnh viện thì lấy ai ở nhà “câu cá?”. Thành ra họ thuê em trực thay, dưới tên họ. Thù lao buổi trực, em nhận. Khoảng 65.000 đ/người/phiên trực, theo quy định của Nhà nước. Ít nhưng còn hơn không có. Cả hai đều có thêm tiền sinh sống. Ai cũng bằng lòng.

 

Trực đêm thường cũng nhàn nhã. Em đi một vòng chăm sóc người bệnh, thuốc thang thì đàn anh đã kê toa đầy đủ, có điều dưỡng lo cho bệnh nhân uống thuốc, em chỉ việc theo dõi tình trạng của họ. Họ có yêu cầu thông thường gì thì em cố gắng xử lý. Nếu liên quan đến điều trị, vượt khỏi khả năng xử lý của em, em liên lạc gọi điện thoại, đàn anh chỉ dẫn cho em làm theo. Nếu có sự cố lớn hơn nữa, cấp bách, em lập tức gọi điện cho đàn anh vào ngay bệnh viện.

 

Cũng có những sự cố bất khả kháng mà khi đàn anh rời phòng khám vào được bệnh viện thì hậu quả đã xảy ra rồi, bệnh nhân không kịp cấp cứu. Nhưng đấy là câu chuyện khác. Trong phạm vi bài này chúng mình chỉ nói đến thu nhập và việc làm của em.

 

Làm thợ trực nghĩa là mỗi tuần em có ít nhất hai đêm trong bệnh viện. Em làm ban ngày, đêm em trực. Em trực phần của em, rồi em trực thay cho một hoặc vài anh chị nữa. Theo quy định, kết thúc một phiên trực đêm thì em được nghỉ 8 tiếng, 12 tiếng hoặc 24 tiếng tùy theo ca làm việc ban ngày, quy mô và nhân lực bệnh viện. Bạn bè khá giả hơn có thể dành thời gian đó để về nhà ngủ, nghỉ ngơi hoặc học thêm, làm thêm. Nhưng do em là “thợ trực” nên công việc của em sẽ liên miên mãi không dứt. Em sẽ không còn đủ sức khỏe, hoặc mặc kệ mẹ bệnh nhân, cứ đêm đến, bệnh nhân uống thuốc xong thì em ngủ, có sự cố thì điều dưỡng sẽ gọi em dậy. Người chứ có phải trâu đâu!

 

Nhưng, em sẽ không có thời gian và sức lực để học thêm, nghiên cứu, thực hành y khoa thêm. Em cũng sẽ không còn thời gian - mà em cũng chẳng có tiền - để duy trì các mối quan hệ cũ, tìm thêm các mối quan hệ mới. Em sẽ hầu như chỉ có bạn bè là bạn học phổ thông hoặc cùng đại học để chat trên mạng xã hội cho đỡ buồn, chia sẻ tâm sự và giúp nhau tìm cơ hội mới. Em trở thành một cái máy, nghiến răng lại mà sống. Vài năm như thế, em cùn mòn kiến thức và cả niềm say mê cuộc sống.

 

Bạn bè em cũng thế:

 

- Em tốt nghiệp năm 2021, làm một năm, bệnh viện tuyến tỉnh. Hiện lương của em là 1.980.000 đ/tháng (85% của hệ số 2,34, bậc viên chức trình độ đại học bậc 1, theo thang bảng lương Nhà nước). Tuần này em trực thứ tư, làm sáng trưa chiều tối. Qua hôm nay thứ năm em làm từ sáng tới trưa được nghỉ 20 phút ăn cơm, xong làm tiếp tới 5 giờ chiều. Một tuần em trực hai-ba ngày, chế độ trực là 0 đồng/đêm trực. Thời gian trực 24 tiếng nhưng em chỉ được trả công cho tám tiếng làm ban ngày. Đến giao ban, em xin Khoa cho em chế độ là em đã trực 24 giờ/ngày thì được ra trực vào hôm sau. Thì kết quả là trong buổi giao ban, Trưởng khoa nói em không có tinh thần học tập, em phải học từ cô lao công bệnh viện trước cầm từng cái giẻ lau nhà. “Em làm được thì làm, không thì tôi xin trả em về Phòng tổ chức” - người ta nói vậy đó.

 

- Mình làm tuyến huyện, khoa Chẩn đoán hình ảnh, lương 2,34 x 1.490 + 40% độc hại ngành. Ngày siêu âm cỡ 50-60 bệnh nhân. Trực mỗi tuần hai đến ba buổi, ngoài ra trực thường trú đọc film CT nguyên tuần. Xin nghỉ trực đúng chế độ thì bị bảo là không có tinh thần cống hiến! Chưa kể trực thứ bảy, chủ nhật còn một mình làm từ A-Z, đọc hình ảnh, siêu âm. Nếu mọi người đều làm việc như mình thì mình cũng bằng lòng thôi. Nhưng lại có người làm ít nhưng lương vẫn như mình. Khi mình nói thì bảo do em học nhiều hơn nên phải làm nhiều hơn.

 

- Giờ ai vào làm 18 tháng (để xin xác nhận thực hành, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề) cũng bị bóc lột sức lao động lắm anh chị ạ. Em đi có khoa bắt trực ba buổi một tuần từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, còn trực đêm từ một đến hai buổi. Lịch trực còn dày hơn bác sĩ cơ hữu của bệnh viện. Nên nhiều lúc cảm thấy nếu mình làm có lương thì đỡ tủi hờn hơn. (Giải thích của người viết: nhiều bệnh viện nhận bác sĩ đa khoa vào thực hành 18 tháng, thu tám triệu học phí/người).

 

Không phải ai cũng tủi hờn như em. Có những nhận định đầy kinh nghiệm từ các anh chị đi trước của em, chỉ vài dòng nhưng phanh phui tận gốc chân của cái lý:

 

Miền Bắc thì “ấm” từ chân lên đầu, miền Nam phải cày khắp nơi mới đủ sống

 

Kinh nghiệm của những người đi trước:

 

- Vào được bệnh viện miền Bắc mất tiền ban đầu nhưng lại… ”ấm” từ chân lên đầu, “ấm áp” đến cả người thân, người quen, bạn bè, thậm chí “ấm” đến cả đời sau. “Ấm” rồi thì biết thân biết phận, đảm bảo không có bất cứ ai chia sẻ điều gì hết. Có chăng chỉ nói lời đạo lý!

Bệnh viện miền Nam thì không mất tiền xin việc nhưng làm thật ăn thật. Muốn đủ sống phải bỏ công bỏ sức đi cày khắp mọi nơi, mọi phòng khám ngoài giờ, mọi công việc… mới đủ trang trải.

 

Đầu tư ban đầu ở miền Bắc chi phí cao nhưng nếu thành công thì chỉ cần làm việc ở một nơi duy nhất là đã đủ, thậm chí dư dả. Vào Nam thì không mất phí đầu tư nhưng xác định tiền vận và trung vận của cuộc đời chỉ như lao động phổ thông, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hiếm có đút lót. Đến hậu vận may ra mới có thu nhập bằng bác sĩ ngoài Bắc “chạy” việc thành công.

 

Bạn không “chạy” việc thì “suất” của bạn vẫn được lưu chuyển từ người này qua người khác. Cơ hội việc làm ở miền Bắc không bao giờ rõ ràng rành mạch và dành cho số đông đâu. Điều này đi ngược lại hoàn toàn bản chất của ngành y tế, là ngành nghề mang tính chất toàn dân. Bác sĩ phải được đào tạo theo lộ trình, có lớp trẻ và xây dựng lớp kế cận, tập trung vào y học dự phòng, truyền nhiễm và cấp cứu. Chứ không phải cố giữ vị trí cho con cháu, mặc kệ khoa phòng thiếu người hay đổ xô đi những chuyên ngành “hot”.

 

- Bạn chị, nhà cũng phản đối vào Nam nhưng vẫn ráng vào vài năm. Có chứng chỉ hành nghề, có chút kinh nghiệm vững vàng rồi lại ra Bắc chăm lo gia đình và làm việc cũng đỡ hơn. Nếu em lo vấn đề chi phí ăn ở thì có thể chọn những bệnh viện ngoại thành như bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi hay các bệnh viện quận huyện. Ở Sài Gòn các bệnh viện quận huyện cũng đông lắm, cả ngàn giường. Lương cũng same same 10 triệu (tính cả tiền ngồi phòng khám). Và hơn hết là đồng nghiệp anh em nhiệt tình chỉ dẫn, điều dưỡng tôn trọng bác sĩ. Không có bon chen như ngoài Bắc đâu.

 

Em bắt bệnh nhân mua suất ăn bệnh viện đi, rồi em sẽ được chia tiền

 

Lương cứng của bác sĩ đa khoa mới ra trường là gần hai triệu đồng. Phần này hầu hết không nhiều anh chị đã có năm, bảy năm đi làm quan tâm vì nó chỉ là một phần của tổng thu nhập. Bệnh viện sẽ chia thu nhập tăng thêm cho em. Đó là phần tiền từ chi phí thủ thuật, dịch vụ và các khoản kinh doanh khác. Ban giám đốc thu lại và quyết định chia cho nhân viên theo các điều kiện họ đặt ra.

 

Ở những bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… bệnh nhân nội trú đến từ khắp nơi. Những người nhà xa thường sẽ đặt suất ăn ở bệnh viện luôn cho tiện. Nhưng đây không phải điều kiện bắt buộc của bệnh viện. Tuy bác sĩ đều khuyên bệnh nhân ăn uống đủ chất, đủ lượng để cơ thể nhanh phục hồi sau bệnh, nhưng tất cả đều phải phụ thuộc tài chính, sở thích, hoàn cảnh và đặc điểm của từng bệnh nhân. Bệnh nhân quyết định ăn uống như thế nào, đặt phần ăn ở bệnh viện, người nhà nấu mang lên, tự ra quán ăn hay nhận phần cơm từ thiện… đều là quyền của họ. Không Ban giám đốc nào được yêu cầu bệnh nhân phải mua phần ăn từ căng tin bệnh viện mình như một điều kiện khi vào điều trị.

 

Thế nhưng ở bệnh viện rất to nọ tại TP HCM, bác sĩ được yêu cầu phải “đạt chỉ tiêu” bệnh nhân nội trú đặt suất ăn ở bệnh viện thì nhân viên trong khoa mới được chi tăng thêm. Cụ thể, trong quý này mỗi khoa phải đạt 20% bệnh nhân nội trú đặt phần ăn ở bệnh viện. Bằng cách nào thì tùy: thuyết phục, vận động, nài nỉ, hăm dọa… không cần biết. Căng tin bệnh viện sẽ chia lại một phần (không biết là bao nhiêu) cho quỹ bệnh viện, “thu nhập tăng thêm của anh em chúng ta nằm ở trong ấy”-he said. Dĩ nhiên không thể thiếu phần (không ai biết là bao nhiêu) cho các lãnh đạo.

 

Bác sĩ, điều dưỡng, lao công, kỹ thuật… tất tất nhân viên y tế phải năn nỉ bệnh nhân đặt mua suất ăn ở bệnh viện cho đủ chỉ tiêu. Thế đã nhục lắm rồi. Ngờ đâu, đến quý sau giám đốc thấy dễ ăn quá vì khoa phòng nào cũng đạt chỉ tiêu, liền nâng lên 30%.

 

Họp giao ban anh em bất bình quá, kêu gào mãi mới giảm được xuống còn 25%.

 

Thế nhưng tháng ấy nhân viên bệnh viện chỉ được tăng thêm 100.000 đ/người. Họ bèn mặc kệ lời dọa dẫm và hứa hẹn của giám đốc. Kệ mẹ, không muối mặt nữa.

 

Năm 2018, Hội đồng nhân dân TP HCM ban hành Nghị quyết 03, quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Đến nay nghị quyết này đã qua vài lần sửa đổi. Theo đó, từ năm 2022 (…) hệ số thu nhập tăng thêm không vượt quá 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

 

Tức là nếu mỗi nhân viên được hưởng hệ số tối đa là 1,8 thì cũng không được đến gấp đôi tiền lương. Lý tưởng thì bác sĩ đa khoa mới ra trường sẽ được nhận khoảng 3,4 triệu đồng/tháng.

 

Tuy nhiên đây vẫn là con số trong mơ. Vì quy định cho phép xê xích hệ số từ 1,2 đến 1,8 nên có những bệnh viện lớn ở ngay tại TP HCM chơi một trò rất đặc sắc. Họ không bao giờ đánh hệ số cao nhất 1,8 cho nhân viên, mà chỉ loanh quanh từ 1,2 trở lên. Không vi phạm quy định của thành phố mà, đúng không?

 

“Vi diệu” hơn, có giám đốc bệnh viện còn quy định chỉ 70% tổng số nhân viên mỗi khoa được hưởng tỷ lệ này. Những người này được tặng danh hiệu rất thơm tho là “đạt thành tích xuất sắc”.

 

Có nghĩa là dù tất cả nhân viên trong khoa phòng đều nỗ lực làm việc và đạt thành tích tốt nhất thì trong tháng ấy, vẫn có 30% số người buộc phải chịu đánh giá thành tích “tốt” chứ chưa được “xuất sắc”, và không được hưởng phụ cấp tăng thêm.

 

Anh em nhân viên các khoa phòng đành phải đối phó với “cái bụng đói” của giám đốc bằng cách luân phiên số người “xuất sắc”. Tháng này anh “xuất sắc” rồi thì tháng sau chỉ được quyền “tốt” thôi. Để mọi người đều được chia phần thu nhập tăng thêm một cách gần công bằng nhất. Với họ!

 

Trong khi đó, giám đốc bệnh viện mở phòng khám riêng, dĩ nhiên các bác sĩ giỏi trong bệnh viện cũng phần lớn sẽ được yêu cầu làm thêm ở phòng khám này. Thử không đồng ý xem?

Các lãnh đạo bệnh viện mua đất, mua nhà, nuôi con đi học nước ngoài, đầu tư khắp chỗ. Đúng là nếu chỉ nhìn vào đời sống giám đốc các bệnh viện công, ta có thể rưng rưng nước mắt thốt lên “chủ nghĩa xã hội đã thành công ở Việt Nam rồi”.

 

Cũng trong khi đó…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/floating-sweet-dumpling-what-is-in-the-envelope-09272022111702.html/000_9lw3qd.jpg/@@images/a33654df-c7c2-4856-aea7-5886f30122a4.jpeg

Một nhân viên y tế dọn giường bệnh tại một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội hôm 30/8/2021. AFP

 

Tiền ăn chống dịch từ năm ngoái, năm nay chưa đến tay

 

Lãnh đạo gần giỏi hứa, lãnh đạo xa càng giỏi hơn. Năm ngoái, trong cao điểm dịch, lãnh đạo thành phố HCM và trung ương nói rất nhiều lời tri ân cao đẹp về các “thiên thần áo trắng”. Không rõ trong số các vị lãnh đạo ấy có ai biết rằng đến tận hôm nay, rất nhiều bác sĩ TP HCM đi chống dịch tại các trạm y tế lưu động từ tháng 5/2021 vẫn chưa được nhận tiền ăn, theo quy định là 120.000 đ/người/ngày. Mới gần năm rưỡi thôi chứ mấy!

 

Tiền phụ cấp chống dịch thì họ chưa được nhận từ tháng 5 đến nay. Cũng mới gần nửa năm thôi chứ mấy!

 

Nghĩa là các nhân viên y tế đã phải dùng tiền nhà cho việc công. Mà trong năm ngoái, đó là công việc đối diện trực tiếp với cái chết.

 

Cách đây vài ngày, cả ngành y Việt Nam và ngoài ngành bò lăn ra cười vì biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy của ngành y đã bị biến thành con rắn ngậm phong bì và nhìn giống đồng đô la.

 

“Bánh trôi nước” ơi, trong phong bì ấy chứa gì? Tiền cho lãnh đạo và đơn nghỉ việc của nhân viên, có phải chăng?

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

.

Tin, bài liên quan

BLOG

·         Bác sĩ mới ra trường là cái bánh trôi nước

 

·         Các bệnh viện xin thôi “Tự chủ toàn diện” - Cảnh báo thất bại chính sách





No comments: