Friday, September 30, 2022

NGƯỜI NHẬT GHÊ GỚM (Nguyễn Hải Hoành)

 



Người Nhật ghê gớm

Nguyễn Hải Hoành

30/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/30/nguoi-nhat-ghe-gom/

 

Trong bài “Tản mạn trước đèn” đăng trên tuần báo Văn Nghệ Trẻ số 35, nhà văn Đỗ Chu có kể một chuyện như sau:

 

Trong đời, chị mới chỉ thấy người Nhật là ghê gớm. Ngày họ làm lễ giao nộp vũ khí cho quân đội Đồng Minh, chị có rủ mấy người bạn gái cùng đến xem. Bãi chợ Hôm đông chật người, có rất nhiều võ quan Tàu Tưởng. Lính Nhật đứng thành hàng thẳng tắp. Bại trận gì mà anh nào nom cũng sát khí đằng đằng. Viên quan Nhật thét lên mấy tiếng rợn người, đám lính của ông ta liền thét theo, rồi họ lần lượt bước lên quẳng súng làm thành mấy đống to như những đống củi. Đám Tàu Tưởng hoảng hồn, khi nghe tiếng thét thì cắm đầu bỏ chạy. Thành thử các chị đứng xem lại là người chứng kiến cảnh quân Nhật đầu hàng.”

Lính Quốc Dân Đảng Trung Quốc hèn như thế, còn lính của Mao Trạch Đông thì sao?

 

Trong bài “Bàn về văn hóa Trung Quốc” viết năm 1992, Thiếu tướng Không quân Trung Quốc Lưu Á Châu nhớ lại: Thượng tướng Trì Hạo Điền, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thời gian 1998-2003 có kể một chuyện như sau:

 

Trong thời kỳ chống Nhật tại vùng căn cứ địa Giao Đông [của Đảng Cộng sản Trung Quốc], [hôm ấy] có bảy tám lính Nhật vác cờ mặt trời [tức quốc kỳ Nhật] đi càn quét, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết. Sói đuổi cừu mà!”

 

Trong bài báo đăng ngày 1/7/2015, Lưu Á Châu (năm ấy đã là Thượng tướng) viết:

Giới võ sĩ Nhật có truyền thống tôn trọng đối thủ vĩ đại. Khi quân Nhật đánh chiếm Lang Nha Sơn [núi Răng Sói], tận mắt nhìn thấy hành động 5 chiến sĩ Bát Lộ Quân [của ĐCSTQ] nhảy xuống vực núi [tự tử, không đầu hàng], họ xếp thành hàng ngũ tề chỉnh, nghe hiệu lệnh của sĩ quan, tất cả hướng về phía 5 tráng sĩ nhảy xuống vực cung kính cúi mình chào ba lần.”

 

Hồi ký của tướng Lý Mặc Am thuộc quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc, người được Tưởng Giới Thạch Tổng thống Chính phủ Quốc dân giao trọng trách chỉ huy tiếp nhận quân Nhật đầu hàng ở Trung Quốc có đoạn như sau:

 

Trên đường về nước, hàng binh Nhật hành quân như một đội quân chính quy. Khi họ nộp vũ khí, toàn bộ súng ống, xe cộ, dao kiếm đều lau sạch bóng. Bản danh sách quan, lính và xe cộ, ngựa, đạn dược, trang bị cá nhân kê khai đầy đủ, số liệu chi tiết, chính xác rõ ràng đến mức tôi có cảm giác không phải họ đầu hàng mà là làm thủ tục bàn giao quân đội cho ta …

 

Qua đó có thể thấy bộ mặt tinh thần của một dân tộc. Lúc ấy tôi nghĩ, người Nhật có kỷ luật nghiêm và hành động nhất trí đến thế, sau này nếu được lãnh đạo đúng, nhất định họ có thể phát huy tiềm lực vô hạn.”

 

Tiềm lực tinh thần vô hạn ấy bắt rễ từ một truyền thống xa xưa bám chặt ở tầng sâu thẳm trong lòng mỗi người dân Nhật. Khi cần đến nó sẽ biến thành sức mạnh to lớn có thể làm nên điều kỳ lạ về cả hai phía thiện và ác, tùy theo sự dẫn dắt.

 

Bọn quân phiệt Nhật đã giáo dục động viên binh lính của chúng phát huy tinh thần đó để phục vụ dã tâm xâm lược châu Á-Thái Bình Dương, khiến cho quân đội phát xít Nhật có sức chiến đấu cao, thời kỳ đầu chiến tranh hầu như đánh đâu được đấy.

 

Từ một phim tài liệu do đài truyền hình Trung Quốc chiếu, người ta thấy có một sự thật bi đát là trong chiến dịch Hoa Viên Khẩu hồi thập niên 1930, có tới hai trong nhiều sư đoàn lính Tưởng tham gia chiến dịch này đã bỏ trốn trước sức tấn công của hai sư đoàn quân Nhật. Lính Tưởng đông người lại trang bị toàn vũ khí Mỹ, không kém gì vũ khí Nhật. Quân Nhật là quân xâm lược hoàn toàn phi nghĩa, lại từ xa đến, số quân ít, thế mà lại thắng áp đảo quân Tưởng.

 

Tháng 7/1937, trước sức ép của quân đội Nhật xâm lược, Chính phủ Tưởng Giới Thạch bỏ thủ đô Nam Kinh chạy về nơi sơn cùng thủy tận Trùng Khánh và Côn Minh ở Tây Nam Trung Quốc, nơi có thể nhận viện trợ Mỹ qua đường Miến Điện và Việt Nam.

 

Lính Anh ở Hồng Công treo cờ trắng khi lính Nhật đến (25/12/1941). 90 nghìn lính Anh bảo vệ Singapore đầu hàng khi quân Nhật tấn công vào đây (15/2/1942). Quân đội Hà Lan bảo vệ thuộc địa Indonesia bị quân Nhật hất cẳng khỏi đảo quốc này từ tháng 3/1942. Philippines được một lực lượng lớn quân đội Mỹ bảo vệ và chiến đấu ác liệt nhưng cũng rơi vào tay Nhật từ tháng 4/1942. Cuối cùng Nhật chiếm toàn bộ vùng Đông Nam Á.

 

Tại Việt Nam, nhằm cắt mạch tiếp tế từ Mỹ cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch qua đường Hải Phòng-Côn Minh, tháng 9/1940 Nhật đàm phán với Chính phủ Vichy của Pháp, đòi để Nhật đóng quân trên đất Đông Dương thuộc Pháp. Ngày 5/9, Nhật lập “Đông Dương phái khiển quân” để đưa vào đóng ở Đông Dương. Ngày 21/9, Pháp tuyên bố đồng ý để Nhật đóng 6.000 quân ở Bắc Kỳ, được sử dụng 4 sân bay, được chuyển 25 ngàn quân qua Bắc Kỳ vào Vân Nam, được sử dụng cảng Hải Phòng để vận chuyển một sư đoàn. Cho rằng Pháp đàm phán quá chậm chạp, ngày 22/9/1940, quân Nhật từ Quảng Tây tiến vào Đồng Đăng. Lính Pháp chống cự yếu ớt bỏ chạy về thị xã Lạng Sơn rồi chạy tuột về Hà Nội. Hải quân Nhật đổ bộ 4.500 lính và hơn một chục xe tăng lên cảng Hải Phòng, tước vũ khí quân Pháp tại Đồ Sơn. Ngày 26/9, Nhật chiếm sân bay Gia Lâm, một số điểm trên 2 tuyến đường sắt Hải Phòng-Lào Cai và Hà Nội-Đồng Đăng. Nhật ngang nhiên đóng 900 quân tại cảng Hải Phòng, 600 quân tại Hà Nội trước mũi quân đội Pháp. Trên thực tế, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đầu hàng, nhưng vì nhiều lý do Nhật chưa vội hất cẳng Pháp ngay, cho tới ngày 9/3/1945.

 

Từ đó trở đi, máy bay Nhật ở sân bay Gia Lâm thường xuyên bay sang Côn Minh ném bom nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế vũ khí Mỹ qua Miến Điện vào Trung Quốc. Chiến dịch dội bom này ác liệt tới mức Tưởng Giới Thạch suýt nữa định ngừng kháng chiến, quay sang điều đình với Nhật. May sao có Phi đội “Hổ Bay” (Flying Tigers) của các phi công tình nguyện Mỹ do tướng Claire Chennault chỉ huy sang giúp đánh đuổi máy bay Nhật nên mới xoay chuyển được tình thế.

 

Quân đội Đồng Minh Anh-Mỹ mới đầu cũng lúng túng và thiệt hại nặng, thua liểng xiểng. Không kể trận đánh úp Trân Châu Cảng, mà trong lần máy bay Nhật cất cánh từ Sài Gòn tấn công hạm đội Viễn Đông của Anh đóng căn cứ tại Singapore, ưu thế hoàn toàn thuộc về Nhật. Trận ấy Nhật đánh chìm chiếc thiết giáp hạm “Hoàng tử xứ Wales” (HMS Prince of Wales) hiện đại nhất của Anh, nổi tiếng thế giới vì từng được dùng làm nơi Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill ký Hiến chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) ngày 13/8/1941.

 

Tưởng Mỹ MacArthur, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, Thống chế quân đội Philippines vốn rất coi thường “bọn Nhật lùn” cũng nhận được một bài học đau xót. Ông đóng đại bản doanh tại Philippines cùng với các đơn vị lục quân và một hạm đội Mỹ. Mờ sáng ngày 8/12/1941, Nhật đánh úp Trân Châu Cảng. Biết tin ấy rồi mà MacArthur vẫn không chuẩn bị đối phó. Buổi trưa cùng ngày, khi thấy hơn 500 máy bay Nhật cất cánh từ Đài Loan ập tới dội bom, ông ta mới ngã ngửa người. Sân bay Clark bị ném bom liền hơn một giờ. 55 trong số 72 máy bay Mỹ tan xác. Hai ngày sau, đến lượt căn cứ hải quân Mỹ bị Nhật triệt hạ. Gần hết số máy bay Mỹ ở Philippines bị diệt trong một tuần, chỉ có vài máy bay ném bom B-17 kịp sơ tán sang Australia.

 

Hạm đội Mỹ phải rút khỏi Philippines. Vài tuần sau, Nhật đổ bộ lên đảo quốc này và ngày 2/1/1942 chiếm thủ đô Manila. Quân Mỹ về đảo Batan cố thủ. Nhưng chỉ sau 3 tháng bị Nhật tấn công, 75 nghìn lính Mỹ ở Batan đầu hàng; MacArthur chạy về Australia. Tiếp đó, Nhật chiếm toàn bộ Philippines cùng tất cả các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan và một số đảo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

Thời kỳ cuối chiến tranh, khi bị Mỹ đánh cho thua liểng xiểng, phát xít Nhật đã dùng cách đánh tự sát. Máy bay cảm tử, tàu ngầm tự sát, ngư lôi sống …, gây khó khăn rất lớn cho Mỹ, cho dù Nhật bị mất hơn 5.000 phi công cảm tử.

 

Khi 70 nghìn quân Mỹ tấn công đảo Saipan, 40 nghìn lính Nhật trên đảo đánh đến người cuối cùng. Thương binh Nhật nổ lựu đạn tự sát. Dân Nhật trên đảo dắt nhau nhảy từ vách núi cao xuống biển sâu, cha mẹ ôm con nhỏ lội ra biển cho tới khi ngập nước chết. Lính Mỹ mục kích cảnh đó đều ôm mặt khóc, mất hết tinh thần chiến đấu. Tướng Nhật chỉ huy đảo không chịu đầu hàng mà tự bắn vào đầu – không như nguyên soái Đức Quốc xã Von Paulus dẫn đầu 91 nghìn lính Đức vác cờ trắng ra hàng Hồng quân Liên Xô tại chiến dịch Stalingrad ngày 31/3/1943.

 

Trận đổ bộ đảo Okinawa, 183 nghìn lính và 1.500 tàu chiến Mỹ tấn công hòn đảo có 70 nghìn lính Nhật cố thủ. Phải mất hai tháng Mỹ mới chiếm được đảo sau khi thương vong 48 nghìn quân và mất gần 400 tàu chiến do bị các phi công cảm tử kamikaze đánh chìm, đánh hỏng.

 

Cuối chiến tranh, Nhật có hơn 5.000 kamikaze, hàng trăm tàu ngầm và ngư lôi tự sát. Trước cách đánh liều chết ấy của Nhật, Tổng thống Mỹ Truman hiểu rằng nếu đổ bộ lên 4 đảo lớn chính quốc Nhật thì Mỹ sẽ phải chịu tổn thất cực lớn làm tiêu hao sinh lực và chưa chắc đã thắng địch. Kế hoạch Chiến dịch Coronet (Operation Coronet) chiếm nước Nhật do các tướng Mỹ trình lên Truman dự kiến thương vong mỗi bên Mỹ, Nhật là 1,2 triệu quân. Cuối cùng Truman buộc phải quyết định dùng bom nguyên tử san bằng hai thành phố nhỏ của Nhật để dọa cho Nhật Hoàng sợ mà đầu hàng. Truman thừa biết nếu vua Nhật không ra lệnh hạ vũ khí thì nước Nhật sẽ đánh đến người cuối cùng.

 

30 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, người ta tình cờ tìm thấy một lính Nhật trong rừng sâu ở Philippines. Đó là Trung úy Onoda, kẻ duy nhất sống sót của một đơn vị lính Nhật bị quân Mỹ tấn công năm 1945, người lính Nhật cuối cùng đầu hàng.

 

Vì tin rằng “Đại Nhật Bản không bao giờ bại trận”, Onoda trốn vào rừng sống một mình, ăn trái cây, ăn sống côn trùng và muông thú 30 năm trời, chờ ngày nước Nhật thắng lợi, chứ không nghe lời gọi hàng của lính Mỹ. Năm 1975, khi được du khách Nhật phát hiện và nói cho biết Nhật đã đầu hàng, Onoda khăng khăng không tin và nhất định ở lại trong rừng không về. Chính phủ Nhật phải cử viên chỉ huy đơn vị cũ của Onoda sang tận nơi tổ chức nghi thức cho Onoda nghe cấp trên đọc lệnh đầu hàng. Sau đó mọi người thuyết phục mãi, Onoda mới chịu rời bỏ niềm tin “Nhật Bản bất bại” để trở về quê nhà.

 

Tổng kết Thế chiến II, người ta thấy quân đội Nhật có hiệu suất chiến đấu cao nhất. Quân đội Nhật sử dụng 21 triệu lượt người (Đức 40 triệu), chế tạo 3,4 nghìn xe tăng (Đức 47 nghìn), 134 nghìn tấn tàu chiến (Đức 905 nghìn tấn), 74 nghìn máy bay (Đức 100 nghìn). Số thương vong của lính Nhật là 1,7 triệu người (Đức 3,25 triệu người). Tuy rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng qua đó cũng đủ thấy người Nhật thật là ghê gớm!

 

-----------

Hình: Quân Nhật tiến vào Hải Phòng ngày 24/11/1940 (Nguồn: Corbis/Wikipedia)

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/09/Linh-Nhat-Hai-Phong.jpg




No comments: