Friday, June 26, 2020

VỀ CHUYỆN "SAO NGƯỜI MỸ ĐEN KHÔNG CHỊU KHÓ VƯƠN LÊN NHƯ NGƯỜI GỐC Á? " (NDC Giang - Luật Khoa)




NDC Giang  -  Luật Khoa
26/06/2020

Trong các bài viết hoặc các lập luận nổi lên sau cái chết của George Floyd gần đây, thuật ngữ “model minority” (cộng đồng thiểu số tiêu biểu/kiểu mẫu) được sử dụng để đổ lỗi cho người Da Đen và văn hóa của họ.

Biểu hiện cụ thể của lập luận liên quan đến thuật ngữ này là:

“Sao người Da Đen không cố gắng lên?”

“Người châu Á cũng chịu bất công lúc đầu mà đổi đời được, sao người Da Đen lại không làm được?”

Trong bài viết này, tôi giải thích khía cạnh lịch sử – chính trị của thuật ngữ “model minority” và chỉ ra những hiểm nguy khi dùng lập luận này để chỉ trích người Da Đen ở Mỹ. Tôi viết hoa từ “Da Đen” để nhấn mạnh rằng từ Black (viết hoa trong tiếng Anh) khi nói đến người Da Đen không phải chỉ để chỉ màu da mà còn để nói rằng đó là một sắc tộc với nét đặc trưng văn hóa riêng.

Model Minority xuất hiện từ đâu?

Năm 1966, nhà xã hội học William Petersen đã sử dụng khái niệm “model minority” để giải thích tại sao người Mỹ gốc Nhật có thể vươn lên trong xã hội Mỹ đầy sự kỳ thị người châu Á. Đỉnh điểm của sự kỳ thị là trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi hầu hết người Mỹ gốc Nhật bị dồn vào những trại tập trung và bị mất hết tài sản. Bài báo của ông được đăng trên tờ New York Times năm 1966 mang tên “Success Story, Japanese-American Style” (tạm dịch: “Câu chuyện thành công của người Mỹ gốc Nhật”); cùng với một bài xuất hiện cùng năm đó trên tờ U.S. News & World Report về thành công của người Mỹ gốc Hoa [1] đã góp phần tạo ra một khuôn mẫu định kiến về cộng đồng thiểu số kiểu mẫu cho người Mỹ gốc Á. [2]

Hai bài báo này đều nhấn mạnh sự chăm chỉ của người Mỹ gốc Nhật và người Mỹ gốc Hoa. Họ được khen là đã cố gắng vươn lên mà không cần một sự trợ giúp nào của chính phủ. Điều quan trọng, là trong cả hai câu chuyện “thành công” này, cộng đồng người Da Đen luôn được đem ra để so sánh với ý ngầm ám chỉ rằng họ không thành công là vì cộng đồng này có vấn đề. Peterson sử dụng từ “problem minority” – “cộng đồng thiểu số có vấn đề” để nói về những cộng đồng da màu bị vướng trong vòng thu nhập thấp, giáo dục kém, tỉ lệ tội phạm cao.

Tóm lại, theo Peterson, trong rất nhiều cộng đồng thiểu số ở Mỹ (Mỹ gốc Á, Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Mexico, Mỹ Bản địa – người da đỏ…) thì Mỹ gốc Nhật và Mỹ gốc Hoa được gọi là hai tấm gương sáng, kiểu mẫu, “điển hình tiên tiến” mà các cộng đồng thiểu số khác (trong đó có cộng đồng Da Đen) nên noi theo.

Thoạt nghe thì thấy “model minority” là một lời khen tặng. Đó là một bước tiến về mặt hình ảnh của người Mỹ gốc Á trong mắt người Mỹ trắng, đặc biệt là so với giai đoạn từ giữa những năm 1800 đến suốt Thế Chiến II, khi người châu Á bị xem là hiểm họa da vàng (yellow peril). [3] Thuật ngữ này dùng để chỉ mối đe dọa xâm lấn và thống trị của người châu Á về mặt kinh tế và chính trị; nỗi sợ sự thoái hóa đạo đức của người châu Á sẽ lan truyền; và sự thoái hóa giống nòi nếu người châu Á và người da trắng kết giao). [4]

Câu hỏi quan trọng ở đây là: người Mỹ gốc Á có thật sự là nhóm thiểu số “kiểu mẫu” hay không?

Một cuộc gặp mặt của người Mỹ gốc Nhật năm 2020. Ảnh: usjapancouncil.org.

Câu trả lời là: không.

Không phải người Mỹ gốc Á nào cũng thành công trên đất Mỹ. [5] Chưa kể là cộng đồng tị nạn người Campuchia và Hmong, dù cùng gốc Á, nhưng hay bị xem là tầng lớp dưới (underclass). Họ bị xếp chung với cộng đồng Da Đen hơn là các nhóm sắc tộc gốc Hoa hay Việt (Aiwa Ong dùng từ “ideological blackening” để nói đến vấn đề này). [6]

Trong một nhóm thì luôn có sự khác biệt về nhiều mặt, nhóm nào cũng có người thành công và có người không thành công, vì thế, không có sắc tộc nào là “kiểu mẫu” cả. Còn việc ta hay nghĩ rằng cộng đồng người Da Đen hay phạm tội, hay cộng đồng người Mỹ gốc Á là học hành giỏi giang là do truyền thông tập trung quá nhiều vào một khía cạnh của một nhóm (overrepresentation). Tình trạng này tạo nên cho ta một định kiến về nhóm người đó. “Thiểu số kiểu mẫu”, vì thế, là một định kiến, một sự dán nhãn.

Vì thế, nếu  dùng lập luận thiểu số kiểu mẫu để đổ lỗi cho người Da Đen không cố gắng, chúng ta đang  định danh bản thân là một phần trong nhóm kiểu mẫu đó, tức là chấp nhận cái nhãn mác được áp đặt lên cộng đồng của mình.

Khi ta chấp nhận cái mác “thiểu số kiểu mẫu” thì ta quên đi những gì?

Thứ nhất, ta quên mất rằng khái niệm này xuất hiện trong bối cảnh của Phong trào Dân quyền của những năm 1960 và mang một ý nghĩa chính trị nhất định. Ý nghĩa đó là: người Da Đen và người Mỹ gốc Mexico (Chicano) nên học tập theo người Mỹ gốc Á bằng cách tự vươn lên thay vì đấu tranh để đòi dân quyền. [7] Một phần ý nghĩa của khái niệm “thiểu số kiểu mẫu” là người Mỹ gốc Á không những chăm chỉ, tự vươn lên, mà còn tự biết thân biết phận, không đấu tranh, không đòi hỏi quyền lợi như các nhóm khác. Nói ngắn gọn, “thiểu số kiểu mẫu” được xem là “ngoan”.  Mà “ngoan” tức là bị động, là chấp nhận những bất công mà không than phiền, không đấu tranh.

Như vậy, nếu ta than phiền rằng tại sao cộng đồng người Da Đen không chịu học tập, làm theo thước đo của nhóm thiểu số kiểu mẫu, thì ta đang góp giọng bảo mọi người giữ nguyên thứ bậc chủng tộc mà trong đó, nhóm người da trắng thuộc hạng cao nhất, và có nhiều đặc quyền nhất (privilege).

Thứ hai, khi ta tự xem mình là nhóm thiểu số kiểu mẫu, ta quên mất rằng người Mỹ gốc Á đã và vẫn đang bị kỳ thị trong xã hội Mỹ. Xuyên suốt lịch sử, người nhập cư từ châu Á luôn bị định kiến xấu, bị phân biệt đối xử về mặt kinh tế, không có quyền chính trị, bị hành hung, bị cách ly và bị gom vào trại tập trung (trong Thế Chiến II). [8]

Ví dụ như khi nói đến sự “thành công” của người nhập cư từ châu Á ở thế hệ thứ nhất, ta hay nghĩ đến việc họ tự vươn lên bằng việc làm ăn nhỏ lẻ.  Nhưng không phải tự nhiên mà nhiều người nhập cư từ châu Á hay tự mở doanh nghiệp nhỏ. Trong môi trường làm việc mang tính cạnh tranh, sắc tộc thường là lý do ngầm để người chủ da trắng trả lương thấp hay cao cho một nhóm người nào đó. Người lao động nhập cư trong thời kỳ đầu của nước Mỹ, vì không có quyền công dân nên luôn bị trả lương thấp hơn hẳn người lao động da trắng và họ cũng bị những người chủ này đem ra làm strikebreakers để phá hỏng các cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân da trắng. [9] Vấn đề là người lao động nhập cư cũng không hề muốn chấp nhận mức lương thấp hơn này và họ cũng đoàn kết với nhau để đấu tranh nhưng phần lớn các tổ chức công đoàn ở Mỹ tại thời điểm đó đều không muốn cho người gốc Á tham gia. [10] Kết quả là người lao động nhập cư không những bị người chủ da trắng bóc lột mà còn bị người lao động da trắng căm ghét và hành hung vì cái tội làm strikebreakers (mặc dù không ai muốn làm strikebreakers cả).

Vì sự kỳ thị này mà nhiều người nhập cư đã từ bỏ việc làm trong các hầm mỏ, nhà máy, và phải tự mở cơ sở làm ăn nhỏ. Theo đó, việc tự kinh doanh nhỏ lẻ không phải là một đặc điểm văn hóa châu Á, mà là một biện pháp tự vệ để tồn tại. [11]

Thêm nữa, sự thành công của người Mỹ gốc Á cũng là nguồn cơn của việc kỳ thị. Khi sự thành công của một nhóm thiểu số bị thổi phồng lên thì lằn ranh giữa “cộng đồng kiểu mẫu” và “mối hiểm họa từ Phương Đông” là rất mong manh. Nếu như người Mỹ gốc Á thành công quá thì họ sẽ trở thành hiểm họa, [12] vì khi đó thứ bậc chủng tộc và vị trí thượng đẳng của người da trắng bị đe dọa. [13] Người Mỹ gốc Á đến bây giờ vẫn bị xem là “ngoại quốc”; và khi người “ngoại quốc” thành công quá thì họ sẽ bị kết tội là lấy đi cơ hội đạt được giấc mơ Mỹ của người Mỹ “đích thực.” [14] Kết quả là người Mỹ da trắng sẽ than phiền là đất nước của “chúng ta” (chúng ta tức là người Mỹ da trắng) bị ngập lụt trong cơn lũ châu Á từ trường học đến thị trường lao động, trong những phố Tàu, phố Nhật, Little Saigon, hay phố Manila. [15] Bởi thế mới có những câu đùa như:  “M.I.T. là Made in Taiwan” hay “U.C.L.A là University of Caucasians Living among Asians”, [16] ám chỉ có quá nhiều học sinh gốc Á ở các trường nổi tiếng ở Mỹ.

Thứ ba, khi ta chấp nhận cái mác “thiểu số kiểu mẫu” và lên án các nhóm sắc tộc khác, ta gián tiếp khẳng định rằng xã hội Mỹ là một xã hội công bằng; rằng nước Mỹ là vùng đất của cơ hội; và ai có cố gắng thì người đó được. Chấp nhận danh xưng thiểu số kiểu mẫu, tức là bảo rằng người Mỹ gốc Á thành công vì xã hội Mỹ dựa trên nỗ lực cá nhân bất kể màu da của họ. [17] Như vậy, khái niệm “model minority” làm lu mờ sự bất công xuyên suốt lịch sử nước Mỹ. Nó ám chỉ nước Mỹ đã vượt qua khỏi quá khứ mang đầy tính kỳ thị chủng tộc để chấp nhận và chào đón một dân tộc khác, một dân tộc đã từng bị xem là không đủ tư cách để thành công dân Mỹ (ineligible for citizenship) và không đủ trình độ để tự quản (unfit for self-government). [18] Bằng việc sử dụng sự thành công của người Mỹ gốc Á, nước Mỹ đã minh chứng cho sự sửa sai bằng cách tạo ra một xã hội công bằng cho mọi người. Sự thành công của người Mỹ gốc Á cũng được sử dụng để minh chứng cho sự vượt trội của một nước Mỹ đa văn hóa. 

Một tiệm nail của người Việt Nam ở Mỹ. Ảnh: asianamericanstudiesphoyou.wordpress.com.

Nhưng nước Mỹ đã làm gì để sửa sai?

Nếu người Mỹ gốc Á tự thân vận động để vươn lên thì nước Mỹ, ngoài việc ngợi khen họ, cho họ một tấm vé để được chấp nhận trong xã hội Mỹ (tấm vé đó có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào) thì cũng chẳng làm gì để bảo vệ họ.

Nước Mỹ ngay từ lúc lập quốc là một đất nước dành cho người da trắng vì chỉ có người da trắng tự do (free white persons) mới được trở thành công dân Mỹ. Luật cấm người Trung Quốc nhập cư (1882) được bãi bỏ năm 1943 không phải vì nước Mỹ muốn sửa sai mà là vì trong bối cảnh Thế Chiến II, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan ngày nay) là đồng minh của Mỹ. [19] Sự hình thành của một nước Mỹ đa văn hóa (về mặt lý tưởng) bắt đầu từ sau Thế Chiến II khi nước Mỹ muốn khẳng định sự vượt trội của mình trên trường quốc tế. Thế nhưng, đa văn hóa không có nghĩa là sắc tộc nào cũng được xem là ngang bằng nhau. Qua các giai đoạn phát triển của sự đa văn hóa tự do (liberal multiculturalism) từ những năm 1980 đến những năm 1990, và đa văn hoá tân tự do (neoliberal multiculturalism) từ năm 2000, sự thượng đẳng của người da trắng luôn tồn tại ở Mỹ, mặc dù ở dạng thức khó thấy hơn. [20]

Nói tóm lại, khi tự cho mình là cộng đồng thiểu số kiểu mẫu, ta quên mất rằng những người thành công hoàn toàn không phải 100% là do bản thân họ. Ta quên mất một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới sự thành công của một người: xuất phát điểm của họ.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận nỗ lực tự thân của cá nhân, nhưng là để khẳng định rằng những yếu tố ngoài năng lực như: giai cấp, học vấn của bố mẹ, việc được tạo điều kiện để tập trung học, được vào trường tốt, được tạo điều kiện học ngoại khóa và kỹ năng mềm, v.v. có vai trò đáng kể trong sự thành công của mỗi người. Khi dùng khái niệm “model minority” để phê phán cộng đồng khác, ta quên rằng có nhiều người trong chính cộng đồng của chúng ta rất cần sự giúp đỡ của chính phủ, hay nói cách khác, họ không phải “con nhà có điều kiện” như chúng ta. Ta quên rằng cái mác “kiểu mẫu” tạo ra một áp lực không nhỏ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. [21] Ta quên rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Phi, dù có lịch sử khác nhau nhưng đều trải qua lịch sử bị đối xử không công bằng và đang sống trong một xã hội chưa hề hết phân biệt chủng tộc. Và quan trọng nhất, là rằng nước Mỹ được như ngày hôm nay là do cộng đồng thiểu số đấu tranh mà có chứ không phải là do mọi người ngoan ngoãn cặm cụi làm việc và im lặng. 

Nếu ta tự cho mình là cộng đồng thiểu số kiểu mẫu, ta tự hướng về sự đồng hóa với người da trắng, tự cách ly mình với các cộng đồng người da màu đã trải qua lịch sử giống ta. Khác với một bộ phận người Mỹ da trắng lúc nào cũng muốn nước Mỹ trở lại “như xưa” (the America that once was), người da màu đấu tranh vì tiềm năng của một nước Mỹ trong tương lai (the America that could be). Nói như Gary Okihiro thì các giá trị cốt lõi của nước Mỹ không phải xuất phát từ bộ phận dân số chiếm số đông trong xã hội Mỹ (tức là người da trắng) mà xuất phát từ những cộng đồng được xem là bên lề xã hội (như cộng đồng người Mỹ gốc Á, gốc Phi, gốc Mexico hay gốc Mỹ Latin, người Mỹ Bản địa – người da đỏ, phụ nữ và người đồng tính). Nước Mỹ như hôm nay là nước Mỹ đã trải qua một quá trình đấu tranh xuyên suốt lịch sử. Do đó, chỉ khi nào nhóm người bị đàn áp nhiều nhất trong xã hội có được sự công bằng thì lúc đó xã hội mới công bằng thật sự. Chỉ khi nào Black Lives Matter thì mới có All Lives Matter. 


Từ vựng trong bài:
·         model minority: cộng đồng thiểu số tiêu biểu/kiểu mẫu
·         problem minority: nhóm thiểu số có vấn đề
·         privilege: đặc quyền
·         over-representation: sự tập trung quá nhiều đến mức thiên lệch của truyền thông về một khía cạnh nào đó của một đối tượng. Ví dụ: người châu Á học giỏi Toán.
·         yellow peril: hiểm hoạ da vàng
·         ideological blackening: việc xếp hạng các nhóm thiểu số theo quan điểm phân biệt chủng tộc, dựa trên năng lực kinh tế và sự phổ biến về văn hoá

Tài liệu tham khảo:
[1] “Success Story of One Minority Group in U.S.” (“Câu Chuyện Thành Công Của Một Cộng Đồng Thiểu Số ở Mỹ)

[2] [14] Chang, Robert. Disoriented: Asian Americans, Law, and the Nation-State. Vol. 11: NYU Press, 2000.

[3] Maeda, Daryl J. Chains of Babylon: The Rise of Asian America. U of Minnesota Press, 2009.

[4] William F Wu, “The Yellow Peril: Chinese Americans in American Fiction, 1850-1940,”  (1980). quoted in Le Yen  Espiritu, Asian American Women and Men: Labor, Laws, and Love (Rowman & Littlefield, 2008), 89.

[5] Shih, Kristy Y, TzuFen Chang, and SzuYu Chen. “Impacts of the Model Minority Myth on Asian American Individuals and Families: Social Justice and Critical Race Feminist Perspectives.” Journal of Family Theory & Review 11, no. 3 (2019): 412-28.

[6] Ong, Aihwa. Buddha Is Hiding: Refugees, Citizenship, the New America. Vol. 5: Univ of California Press, 2003.

[7] [8] [10] Chan, Sucheng. Asian Americans: An Interpretive History. Twayne Publishers, 1991.

[9] [11] Takaki, Ronald. Strangers from a Different Shore: A History of Asian Americans (Updated and Revised). eBookIt. com, 2012.

[12] [13] [15] [16] Okihiro, Gary Y. Margins and Mainstreams: Asians in American History and Culture. University of Washington Press, 2014.

[17] Osajima, Keith. “Asian Americans as the Model Minority: An Analysis of the Popular Press Image in the 1960s and 1980s.” A companion to Asian American studies 1, no. 1 (2005): 215-25.

[18] Bascara, Victor. Model-Minority Imperialism. U of Minnesota Press, 2006.

[19] Ngai, Mae M. Impossible Subjects: Illegal Aliens and the Making of Modern America-Updated Edition. Vol. 105: Princeton University Press, 2014.

[20] Melamed, Jodi. Represent and Destroy: Rationalizing Violence in the New Racial Capitalism. U of Minnesota Press, 2011.

[21] Eng, David L, and Shinhee Han. Racial Melancholia, Racial Dissociation: On the Social and Psychic Lives of Asian Americans. Duke University Press, 2019.






No comments: