Saturday, June 27, 2020

MỘT SÀM BA BẢY CŨNG SÀM (Nhã Duy)




Nhã Duy
27/06/2020

Nguyên tắc bất thành văn của những người trong giới truyền thông là không chỉ trích, vạch cái sai của đồng nghiệp. Bởi ai cũng có lúc gặp "tai nạn nghề nghiệp", những "honest mistake". Nhưng đó là cam kết ngầm của giới truyền thông chuyên nghiệp nước ngoài, còn với người Việt là chuyện khác.

Cũng vài chục năm đầu, báo chí hải ngoại là bãi chiến trường đúng nghĩa. Nó là nơi mà một số "nhà báo" cặm cụi làm báo "mình ên" trong garage để dùng mọi ngôn từ tệ hại nhất trong tiếng Việt mà chụp mũ và "đánh" đối phương trên mặt báo. Nó đưa báo chí Việt ngữ xuống hàng "báo chợ" theo cách độc giả gọi. Cả về nghĩa đen lẫn bóng.

Tình trạng này làm những nhà báo Việt thực sự có tâm huyết với nghề phải xấu hổ cho nghề báo, lẽ ra được xem trọng lại bị xem thường có lý do. Nhưng họ cũng im lặng vì không đủ từ vựng đầy thấp kém để đối chọi với những "nhà báo" dung tục kia trước công chúng.

Tình trạng này bớt hẳn, nếu không nói là hiếm còn xảy ra trong khoảng chục năm đổ lại. Đơn giản là sự chụp mũ có thể dẫn đến những liên đới pháp luật và trên thực tế, đã có những kẻ hay dăm tờ báo đã phải dẹp tiệm khi ra tòa. Im vì sợ chứ không phải vì “dĩ hòa”, tôn trọng nghề nghiệp.

Làng báo Việt yên thì đến báo Mỹ.

Kể từ khi Donald Trump lên ngôi, làm cuộc "cách mạng (thiếu) văn hóa" và đưa báo chí Hoa Kỳ trở thành "kẻ thù nhân dân" thì làng báo Hoa Kỳ không còn giữ những tôn chỉ từng được cam kết trước kia.

Lý do rất dễ nhận thấy: những ký giả theo Trump phải "tiêu diệt kẻ thù”, tấn công bạn đồng nghiệp theo lời hiệu triệu của Trump. Còn giới ký giả Mỹ nói chung thì không im lặng như những nhà báo Việt trước những đồng nghiệp đã hạ thấp những nguyên tắc căn bản và đạo đức chức nghiệp. Họ phải lên tiếng.

Những tay truyền thông phá nguyên tắc báo chí đã dẫn dắt đại chúng tin theo bất cứ vấn đề phi lý, phản khoa học nào mà Donald Trump đưa ra. Ví dụ cả một thời gian dài, Fox News chỉ một mực xem nhẹ đại dịch Covid-19 hay cổ súy dùng chloroquine để chữa trị coronavirus. Họ bao biện bào chữa cho bất kỳ sai trái nào của Trump.

Giới truyền thông báo chí Mỹ không ngần ngại vạch ra cái sai trái của những kẻ, những báo đài như vậy vì chúng không còn là những "tai nạn nghề nghiệp" mà là một thái độ báo chí đáng khinh. Và nguy hiểm. Vì nó ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Tôi cũng không là ngoại lệ. Chưa bao giờ từng chỉ trích, tấn công đồng nghiệp hay bất cứ cá nhân ai, cho đến thời gian qua. Trong một vài bài viết của mình gần đây, chẳng đặng đừng, tôi buộc đã nêu đích danh vài người tôi chưa bao giờ xem là "đồng nghiệp". Dù họ có cầm bút. Nhưng không hiểu hay cam kết với nguyên tắc căn bản báo chí: không ngụy tạo, bịa đặt tin tức giả mạo. Như họ đã và đang làm. Câu chuyện Ba Sàm hôm nay là một.

Qua bàn tán sôi nổi trên Facebook và một vài người bạn chuyển, tôi cũng tò mò vào đọc thử xem "anh Ba Sàm" viết gì trong loạt bài về "cuồng".

"Cuồng Trump" và "cuồng chống Trump", tưởng như cho ... "cân bằng". Nhưng thật ra là loạt bài nhằm để ủng hộ thái độ "cuồng Trump" và tấn công những người "cuồng chống Trump".

Tôi không định viết về Ba Sàm vì nếu có ai đã đọc qua thì ắt dễ nhận thấy những điều tự mâu thuẫn trong phân tích về "cuồng". Tôi chỉ để lại một nhận xét ngắn rồi thôi. Và để bạn khỏi mất công tìm đọc và cũng không đáng mất thời giờ, tôi tóm gọn dăm điểm chính Ba Sàm viết về "cuồng" theo sau.

Ba Sàm cho rằng, với người "cuồng Trump" thì dù họ "cục cằn" giống Trump nhưng "không đạo đức giả". "Họ đang “theo mạng” để làm những “nhà báo nhân dân”, làm một cuộc “khai trí nhân dân”. Ngàn vạn “nhà báo” như vậy đang tập dượt, làm cuộc khai sáng, dẫn dắt/bỏ lại phía sau cả các bậc trí giả “mũ cao áo dài” thủ cựu đặt cái tôi lên trên hết..." (trích nguyên văn). Quả thú vị, khi dùng sự “cộc cằn, cục súc” để “làm cuộc khai sáng”. Đó là ý tưởng khá … mới với riêng tôi.

Còn với người "cuồng chống Trump" thì vì "ba mặc cảm". Thứ nhất là "mặc cảm kém yêu nước", ghét Trump nhưng không thể phủ nhận việc Trump chống Tàu nên phải tìm lý do biện minh cho lý do "kém yêu nước" bằng cách tìm điểm yếu của Trump để chỉ trích. Thứ nhì là "mặc cảm cô đơn" vì "một số trí thức "thiên tả" có vị thế xã hội, như người khai minh quần chúng và có chút danh phận bỗng bị người ta "vượt mặt" trong vụ Trump, chiếm lượng quá ít nên bực bội" (trích). Và cuối cùng là "mặc cảm kém tri thức", hậm hực vì mất mát quyền lợi nào đó vì chính sách của Trump, như bảo hiểm y tế, nhập cư, quốc tịch ….

Là người chống Trump, bạn nghĩ sao và có "ba mặc cảm" kể trên không? Thú thật với bạn, tôi không dám bảo các lý do này là sàm mà đến... ba sàm. Bởi mặc cảm duy nhất tôi có là ... không có được ba cái mặc cảm nói trên để được gọi là "cuồng chống Trump" như tác giả phân tích. Chỉ hơi thắc mắc là Ba Sàm bảo giới chống Trump là có học và thu nhập cao như trong bài viết thì tại sao họ lại "mặc cảm kém tri thức" và "hậm hực vì mất mát quyền lợi" mà họ không hưởng hay nếu có thì chỉ ở những ngày đầu trên xứ người đã quá lâu?

Đã có lần tôi viết cho các bạn mình rằng, đạo pháp có dạy "y trí bất y thức". Chúng ta có thể dựa vào lý trí, tri thức để đối thoại với người khác chứ khó thay đổi nhận thức, vọng thức của họ. Đó là lý do tôi không tranh luận với ý kiến hay bài viết này của Ba Sàm mà chỉ nhắc Ba Sàm ở đây về những "fake news" anh ta tiếp tục đăng tải.

Kiểu tin và bài viết mà Ba Sàm đăng rằng George Floyd chết vì ... ma túy chứ không phải vì cảnh sát đè gối trong loạt bài viết về “cuồng” thì quả thật tôi khó giữ im lặng. Bài báo của Ba Sàm đã bị trang Dân Luận đính chính và xin lỗi độc giả vì đã đăng " tin giả" của Ba Sàm.

Ba Sàm đang "khai sáng dân trí" như lời ông ta tự nhận, không chỉ từ những bài viết bỗ bã, thiếu luận cứ mà còn qua những kiểu tin ngụy tạo, bịa đặt đến khó tin như vậy sao?

Tự điển Hán Nôm định nghĩa rằng, "Gièm pha, thêu dệt các lời nói bậy làm cho mất cái hay, cái phải của người đi gọi là sàm". Mong anh Ba bớt sàm, bớt tung "fake news". Nó không chỉ xem thường tri thức, hiểu biết của người khác mà còn phô bày chính sự biết, sự hiểu của mình trong cuộc "khai dân trí" mà những người như anh đang tự nhận.





No comments: