Cổ-Lũy
December 26, 2018
Thứ Ba trước, “Cố Vấn An Ninh Quốc Gia 24 Ngày”
Michael Flynn của Tổng Thống Donald Trump ra trước tòa án liên bang để nhận
tuyên án từ việc khai gian với FBI về liên hệ với Nga trong giai đoạn tranh cử,
chuyển tiếp tổng thống và làm việc trong Bạch Ốc. Ông cũng bị tội che giấu việc
làm “lóp-bi” cho Nga và Turkey. Quan tòa liên bang Emmett Sullivan rất phẫn nộ
về việc ông Flynn lại nói láo, mạnh mẽ cảnh cáo ông và dời tuyên án sang Tháng
Ba năm tới. Ðây cũng sẽ là thời điểm cựu chủ tịch Tranh Cử Trump, ông Paul
Manafort bị tuyên án vì tám tội tiên khởi và những gian dối sau khi hợp tác với
Văn Phòng Công Tố Viên Ðặc Nhiệm Robert Mueller (SCO) để được giảm tội. Ngoài
ba người đã vào tù, khoảng 16 nhân vật quan trọng và mật thiết với ông Trump
nay ở trong tầm chú mục gắt gao của SCO.
SCO vẫn ráo riết điều tra liên hệ giữa Mặt Trận
Tranh Cử Trump và Nga, nhất là việc Nga xen vào tranh cử nhằm triệt hạ ứng viên
Hillary Clinton và giúp ông Trump đắc cử, thêm tiền bạc qua lại giữa các tỷ phú
Nga và gia đình Trump. Những liên hệ tròng tréo này cho thấy một mẫu số chung:
Tất cả những nhân vật liên hệ đều khai gian với người điều tra hay nói láo qua
phương tiện truyền thông – gồm những người đã đi tù, sắp bị tuyên án tù hay còn
chờ ra điều tra thêm, kể cả ông Trump và con trai lớn.
Rồi tin sét đánh: Tổng Trưởng Quốc Phòng James
Mattis khả kính nhất trong nội các từ chức. Và tổng thống “đóng cửa/shut down”
1/4 chính quyền liên bang (với 800 nghìn nhân viên không lương trong mùa lễ) vì
Thượng Viện không chấp thuận $5 tỉ “dựng tường biên giới” mà từ đầu đến nay ông
cam đoan “Mexico phải bỏ tiền xây.” Thăm dò dư luận cho thấy chỉ 30% dân chúng
chú ý đến vấn đề di dân; ở Quốc Hội chỉ khoảng 40 dân biểu Cộng Hòa thuộc nhóm
Freedom Caucus hung hăng đòi hỏi tiền xây tường. Hiện 2/3 dân chúng chống đối
“shutdown;” nếu có “shutdown” 51% nói sẽ kết án ông Trump và giới dân cử Cộng
Hòa, chỉ 37% ủng hộ. Phía Cộng Hòa nắm Bạch Ốc và đa số ở Quốc Hội, nhưng không
đủ ủng hộ để xây tường. Ông Trump đã hơn 25 lần lên tiếng “sẽ kiêu hãnh shut
down” chính quyền nếu không được tiền; nay ông đổ lỗi cho phe thiểu số. Phía
Dân Chủ tố tổng thống gây ra “khủng hoảng giả tạo” thay vì thỏa nhượng với Quốc
Hội để thông qua giải pháp đôi bên có thể chấp nhận được.
Những bất ổn dồn dập đẩy thị trường chứng khoán
trong ba ngày tụt xuống mức kỷ lục “kiệt quệ kinh tế” cuối 2008, thời Tổng Thống
George Busch con. Ông Trump vừa bị những biến cố bên ngoài cô lập vừa tự cô lập
mình ở Bạch Ốc, “than thân trách phận” cùng nguyền rủa những “kẻ thù” hại ông.
(*)
Càng ngày
càng cô lập
Thứ Năm trước, tổng thống đột ngột tuyên bố rút hết
hai nghìn bính sĩ Mỹ ra khỏi Syria, có thể một nửa số 14 nghìn binh sĩ ở
Afghanistan, cùng 28 nghìn chiến binh bảo vệ đồng minh Nam Hàn nữa. Ngay hôm
sau, Tổng Trưởng James Mattis đệ đơn từ chức nhằm phản đối “chính sách ngoại
giao cô lập/isolationism” cùng quyết định của tổng thống liên tiếp bỏ rơi đồng
minh và tạo nguy cơ cho đất nước với việc gây ra “lỗ hổng quyền lực/power
vacuum” để Nga, Iran, tổng thống Syria độc tài và khủng bố ISIS khát máu trám
vào. Ðây chưa kể những xung đột và bất mãn từ đầu với ông Trump về việc rút khỏi
Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP, do Tổng Thống Barack Obama thực
hiện, với nhận xét của báo giới “Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế
và an ninh nhờ TPP”), để mặc Bắc Kinh lộng hành. Rồi thêm việc bãi bỏ tập trận
hàng năm với Nam Hàn để lấy lòng Kim Jong Un ở Bắc Hàn mà không lợi lộc nào. Là
tướng Thủy Quân Lục Chiến bốn sao và uyên bác, ông Mattis đã ra đi sau 40 năm
làm việc ở Bộ Quốc Phòng, hai năm với ông Trump và được xem như “ốc đảo ổn định”
giữa chính quyền đầy “bát nháo.”
Cùng ngày, chuyên gia hàng đầu và cao cấp về Trung
Ðông Brett McGurk cũng đệ đơn từ chức để phản đối chính sách Syria của ông
Trump, sau khi làm việc ở Bộ Ngoại Giao ba đời tổng thống. Ông McGurk là nhà
ngoại giao chính đương đầu với những vấn đề Iraq, Iran và gần đây điều hợp hơn
60 lực lượng chống tổng thống Syria Bashar Assad được Nga và Iran trợ lực. Như
phần lớn cố vấn an ninh, nhân viên quốc phòng và ngoại giao thẩm quyền, ông
công khai không đồng ý với tổng thống rằng ISIS đã bị đánh bại ở Iraq cùng
Syria, và Hoa Kỳ có thể ra đi, bỏ rơi đồng minh nhất là người Kurd thiểu số từng
sát cánh với lực lượng viễn chinh Mỹ. Tham Mưu Trưởng Liên Quân Joseph Dunford
cho biết Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để bỏ rơi lực lượng kháng chiến ở Đông Bắc Syria.
Giới chuyên gia về Trung Ðông cũng đồng ý với ông McGurk: Quyết định của tổng
thống dọn đường cho ISIS trở lại Syria và Iraq, trao chiến thắng vào tay đối thủ
của Hoa Kỳ như Nga, Iran, và nhà độc tài Assad.
Giới chuyên gia ngoại giao nhận xét, đường lối quốc
gia cực đoan “America First” và cô lập ông Trump theo đuổi đi ngược hẳn chính
sách căn bản Mỹ mang tự do, dân chủ và nhân quyền ngăn chặn sự bành trướng của
độc tài toàn trị từ nửa sau thế kỷ vừa qua.
Thay
người đã đi rồi
Sau bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng qua với kết quả
đau đớn mất đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện, ông Trump vẫn giữ được ủng hộ của đám “cử
tri trung kiên/base” nhỏ bé, nhưng đã bị mất tín nhiệm với các giới cực kỳ bảo
thủ có tiền tài trợ cho mình. Ông cách chức Chánh Văn Phòng John Kelly, các tổng
trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, Nội Vụ Ryan Zinke, và có thể Nội An Kirstjen
Nielsen. Như thế, nhóm nòng cốt và chuyên nghiệp về an ninh quốc gia trong nội
các Trump tiếp tục tan rã vì bất đồng ý kiến với tổng thống, trừ ông Zinke mãi
mới bị ông Trump đuổi vì báo giới tố cáo những lạm dụng chức vụ. Vấn đề chính
là ai sẽ lên thay thế người ra đi; thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ là chuyện
bình thường, tuy nhiên nội các Trump đổi thay theo chiều hướng loại bỏ người với
khả năng và tư cách để thay thế bằng người “bảo vâng, gọi dạ/yess men,” hoàn
toàn nghe và làm theo ý tổng thống.
Thứ Trưởng Patrick Shanahan được ông Trump cho lên tạm
thay ông Mattis là người không đi cùng với ông Mattis. Ông đồng ý với rút quân
khỏi Syria và Afghanistan; ông hoàn toàn ủng hộ kế hoạch “lực lượng ngoài khí
quyển/outer space” bị Tướng Mattis cực lực phản đối. Ðây dễ hiểu vì ông Trump
đi theo đường lối Cộng Hòa quen thuộc: Tìm cách gia tăng ngân sách quốc phòng tối
đa – làm hài lòng các đại công ty thầu vật dụng và dịch vụ quốc phòng mở hãng
xưởng và tạo công ăn việc làm (cùng “lóp-bi” lem nhem) ở các nơi “bầu cho Cộng
Hòa.” Ông Shanahan “tình cờ” nắm chức vụ cao cấp đại công ty kỹ nghệ không gian
Boeing làm ăn với Bộ Quốc Phòng 30 năm. Nay quyền Tổng Trưởng Shanahan, với
không một kinh nghiệm công vụ và binh bị, lại rất “thích hợp” để nắm ngân quỹ
mua vật dụng và dịch vụ quốc phòng – một điều mà cố Nghị Sĩ John MacCain gọi
chính xác là “đưa cáo vào chuồng gà.”
Ông Mick Mulvaney, nguyên một dân cử thuộc loại “yes
men” với ông Trump, được chọn làm Giám Ðốc Phòng Quản Trị Ngân Sách (OMB), rồi
kiêm Phòng Bảo Vệ Người Tiêu Thụ Dịch Vụ Tài Chính (OCFP) dù hoàn toàn đứng về
phía nguời cung cấp dịch vụ này. Sau khi năm người trong và ngoài chính quyền từ
chối, ông Mulvaney lại vừa được chọn làm Chánh Văn Phòng thay Tướng John Kelly
từ chức cuối năm (ông Trump nói là bị đuổi) dù thiếu khả năng và tư cách – và
ông còn có thể kiêm chức ở OMB nữa. Trước nữa là ông Brett Kavanaugh, cũng loại
“yes men” của ông Trump được chọn vào Tối Cao Pháp Viện, dù có khai gian và bị
tố cáo sách nhiễu tình dục. Tháng qua, người ủng hộ ứng viên Trump từ đầu, Tổng
Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, bị áp lực từ chức vì mất lòng ông Trump, và được
thay thế tạm bởi ông Matthew Whitaker, một người thiếu tư cách (đang bị chính
FBI dưới quyền mình điều tra về lem nhem tiền bạc) và khả năng nhưng đúng kiểu
“yes men” ông Trump cần. Gần đây ông Whitaker bị thất sủng và sắp bị thay thế bởi
ôngWilliam Barr, người từng làm tổng trưởng Tư Pháp nửa nhiệm kỳ cho Tổng Thống
George Bush bố và đầy đủ khả năng. Tuy nhiên, ông công khai ủng hộ việc tổng thống
cách chức Giám Ðốc FBI James Comey vì ông này không chịu bỏ điều tra liên hệ giữa
cựu Cố Vấn An Ninh Michael Flynn và Nga. Thêm nữa, ông cũng nói bà Hillary
Clinton đáng bị điều tra bởi Công Tố Viên Robert Mueller hơn ông Trump – và ông
cũng lên tiếng phê phán Công Tố Viên Mueller đúng theo ý tổng thống. (Cổ
Lũy)
No comments:
Post a Comment