Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 26-12-2018
Quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của tổng
thống Mỹ được nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá là « một ván bài
trong chính sách đối nội của Donald Trump ».
Tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa của ông trong chiến
dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, quyết định của ông rút hết quân khỏi Syria
và giảm một nửa quân số ở Afghanistan đã gây ra các phản ứng trái ngược nhau
trong xã hội Mỹ. Dù cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa không ngừng phản đối, nhưng
cơ hội để chủ nhân Nhà Trắng rút lại tuyên bố là rất ít, vì một phần đông người
dân ủng hộ tổng thống Trump trong quyết định này. Điều trớ trêu là cũng có hơn
một nửa dân Mỹ cho rằng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn là một mối đe dọa nghiêm
trọng.
Theo ông Francis Shen, giáo sư trường Luật thuộc đại
học Minnesota, tổng thống Trump đã biết tranh thủ tâm trạng mệt mỏi trong xã hội
Mỹ, về những chiến dịch quân sự kéo dài từ khoảng 15 năm nay. Cụ thể, theo một
nghiên cứu năm 2016 của giáo sư luật nói trên, « những bang đóng góp
nhiều nhất trong các cuộc chiến, về số lượng quân nhân thiệt mạng hoặc bị
thương, là những nơi bỏ phiếu » cho Donald Trump. Dù đó không phải là
yếu tố duy nhất, nhưng mang tính quan trọng, giải thích chiến thắng của nhà tỉ
phú trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Syria và Afghanistan là những thách thức trong chính
sách đối nội của chủ nhân Nhà Trắng, người được bầu theo lời hứa đưa hết quân
nhân Mỹ « về nhà » trong chiến lược « Nước Mỹ trước
tiên » (America First). Những đời tổng thống trước dù là Cộng
Hòa hay Dân Chủ, chưa một ai xem xét lại chính sách đối ngoại của Mỹ từ 20 năm
qua, « trừ Donald Trump, một trong những người duy nhất nói rằng chiến
tranh ở Irak là việc ngớ ngẩn ».
Vẫn theo giáo sư luật Francis Shen, dù thiệt hại về
người trong các cuộc chiến mà Mỹ đang can dự ít hơn rất nhiều so với những cuộc
chiến trước (như ở Việt Nam), thì những phát biểu của tổng thống Trump đã tác động
đến một số cộng đồng, có cảm giác bị tầng lớp chính trị và quân sự bỏ rơi.
Tương tự, rất nhiều cựu chiến binh phải đối mặt với điều kiện sống bấp bênh,
trong khi bảo hiểm y tế cũng đang trải qua giai đoạn khủng hoảng.
Nước Mỹ cũng bị chia thành hai cực. Một phần lớn người
dân, như ở bờ Tây, bang California, không biết rõ về những cuộc chiến mà Mỹ
tham gia. Ngược lại, những bang Trung - Đông Mỹ và đặc biệt là miền nam Hoa Kỳ
có số lượng người tham gia quân đội rất đông. Chính ba bang Pennsylvania,
Michigan và Wisconsin, nơi có số lượng liệt sĩ và thương binh lớn nhất đã bỏ
phiếu bầu tổng thống Trump. Nhưng cũng chính ba bang này đã đổi ý trong cuộc bầu
cử giữa kỳ vào tháng 11/2018. Phải chăng đây chính là một yếu tố quan trọng
trong quyết định của ông Trump ? Theo nhật báo Les Echos, ba bang này có thể
đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Donald
Trump đẩy nước Mỹ vào bất trắc
Quyết định triệt thoái quân khỏi Syria của tổng thống
Mỹ đã khiến bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis từ chức, tiếp theo là đặc sứ Mỹ
điều phối liên quân chống thánh chiến Daech, chỉ là một trong những biến động
trên chính trường Mỹ những ngày cuối năm được báo La Croix liệt kê cùng với nhận
xét : « Donald Trump đẩy nước Mỹ vào bất trắc ».
Từ ngày 22/12, nhiều cơ quan hành chính phải đóng cửa
vì không có ngân sách hoạt động, trong đó có nhiều bộ quan trọng (Nội Vụ, cảnh
sát liên bang, giao thông công cộng, công viên quốc gia…). Nguyên nhân là do bất
đồng về khoản chi 5 tỉ đô la để xây bức tường biên giới Mêhicô, theo mong
muốn của tổng thống Donald Trump.
Nguy cơ « shutdown » kéo dài cùng với
những lời chỉ trích của tổng thống Trump nhắm vào chủ tịch Ngân hàng Trung ương
Mỹ... đã khiến thị trường chứng khoán phố Wall trải qua một tuần đen tối nhất kể
từ năm 2008.
Mỹ bỏ
rơi lực lượng Kurdistan Syria
Triệt thoái quân khỏi Syria để phục vụ chiến lược đối
nội, Les Echos nhận định : « Tổng thống Mỹ để cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết
khủng bố ở Syria ».
Cũng với quyết định trên, tổng thống Trump bỏ rơi
liên minh Ả Rập-Kurdistan, được Washington hậu thuẫn và tài trợ từ thời tổng thống
Obama trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Lực lượng Ả Rập-Kurdistan
này giờ phải trực tiếp đối mặt với một mối đe dọa khác từ Thổ Nhĩ Kỳ, vì tổng
thống Erdogan luôn liệt lực lượng dân quân này trong danh sách khủng bố.
« Thổ Nhĩ Kỳ được rảnh tay hành động trên hồ sơ
Kurdistan » theo nhận xét của ông Didier Billion, trợ lý
giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris). Mục tiêu của Ankara là
không để Lực lượng Dân chủ Kurdistan lập vùng tự trị ở miền bắc Syria, giáp
ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Washington và Ankara sẽ ký thỏa thuận liên quan đến việc lực
lượng Kurdistan rút hết quân khỏi thành phố Manbij.
Thông qua việc lấp chỗ trống mà quân Mỹ để lại,
Ankara muốn trở lại đóng vai trò trọng tâm, cùng với Nga và Iran, trong cuộc
chiến ở Syria. Theo nhà nghiên cứu Pháp, ông Erdogan không hẳn có ý định phát
triển lá bài quân sự, mà chỉ « muốn có một vùng đệm dọc theo biên giới
Syria và do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ».
Về phần người Kurdistan Syria, khi bị dồn vào chân
tường, có thể họ sẽ quay sang bắt tay với chế độ Bachar Al Assad. Damas tuyên bố
chiến thắng, nhưng vẫn chưa lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ. Lực lượng Kurdistan
cũng đã bắt đầu thảo luận với Nga, một lực lượng tham chiến và ủng hộ một Nhà
nước Syria ổn định. Nhưng xích lại gần với Iran có lẽ là việc khó khăn nhất, vì
Teheran có tham vọng duy trì một vành đai kết nối với lực lượng Hezbollah và Địa
Trung Hải.
Nhật Bản
: Những lý do giải thích nhiệm kỳ kéo dài của thủ tướng Abe
Ngoài thông tin về « những nạn nhân trận
sóng thần ở Indonesia vẫn đang chờ cứu trợ » trên La Croix, thời sự
châu Á nổi bật với bài viết của Libération về thời gian cầm quyền kéo dài của
thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Với Libération, đây là sự kiện chưa từng có tại Nhật
Bản kể từ năm 1985. Trong bài viết liệt kê « Những lý do giải thích thời
gian cầm quyền kỷ lục của Shinzo Abe », Libération cho rằng đó là nhờ thành
công của các biện pháp cải cách Hiến Pháp và chính sách kinh tế.
Lý do đầu tiên có thể là phe đối lập hoạt động không
hiệu quả. Tiếp theo là thủ tướng Nhật Bản được nghị sĩ bầu lên, trong khi đảng
Dân Chủ Tự Do của thủ tướng Shinzo Abe đang chiếm đa số ở Quốc Hội. Kể từ năm
2017, thủ tướng được phép nắm quyền ba nhiệm kỳ, thay vì hai nhiệm kỳ như trước
đây.
Cuối cùng, Libération cho rằng ông Abe có một uy tín
nào đó. Dù đôi khi ông bị chỉ trích vì muốn thay đổi điều 9 của bản Hiến Pháp
chủ hòa, nhưng ông thu hút được người dân nhờ chính sách kinh tế tham vọng, còn
được gọi là « Abenomics », nhằm đưa Nhật Bản khỏi gần hai thập niên
suy thoái.
Tuy nhiên, kết quả của chính sách Abenomics vẫn
chưa hiện rõ. Ngoài thách thức tăng thu để cân đối khoản nợ công chiếm đến 250%
GDP của Nhật - mức cao nhất thế giới, thủ tướng Abe còn phải đối đầu với vấn đề
dân số già và tỉ lệ sinh con giảm.
Cuộc khủng
hoảng Áo Vàng tác động mạnh đến nền kinh tế Pháp
Bẩy tuần xuống đường của Áo Vàng đã gây ra «
một cuộc khủng hoảng tác động nặng nề đến nền kinh tế Pháp » là nhận định
của Les Echos.
Nhật báo kinh tế trích thống kê của Ngân hàng Trung
ương Pháp, theo đó GDP của Pháp bị giảm 0,2%. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng
như từng xảy ra trong đợt đình công năm 1995 và sau đợt tấn công khủng bố ở
Paris năm 2015.
Khoảng 41.000 nhân viên phải làm việc bán thời gian
do hoạt động phong tỏa đường xá, kho xăng dầu... gây chậm trễ trong việc giao
hàng. Sức tiêu thụ cũng bị tác động, đặc biệt trong các lĩnh vực khách sạn, nhà
hàng, vui chơi giải trí, giao thông. Riêng thương mại bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất,
do không được thường xuyên cung cấp hàng hóa nên nhiều nơi phải đóng cửa.
Hình ảnh của Pháp cũng chịu hậu quả tiêu cực trên
trường quốc tế. Sẽ cần nhiều thời gian để du khách nước ngoài tạm quên đi những
phóng sự về tình trạng đập phá, đốt các cửa hiệu nổi tiếng tại các khu du lịch ở
Paris. Hiện còn quá sớm để thẩm định thiệt hại cụ thể, nhưng theo Business
France - cơ quan quảng bá sức hấp dẫn của Pháp - « các nhà đầu tư nước
ngoài có tầm nhìn xa » và « điều mà họ mong muốn, đó là
Emmanuel Macron tiếp tục cải tổ ». Điện Elysée vừa gửi thư mời các chủ tập
đoàn, tổng giám đốc đến tham dự cuộc họp cấp cao Choose France (Chọn
nước Pháp), sẽ diễn ra ngày 21/01/2019 tại lâu đài Versailles.
Nhiều
người biểu tình « Áo Vàng » bị kết án tù
Vẫn về phong trào Áo Vàng, nhật báo Le Figaro cho biết «
Một số người Áo Vàng bị kết án tù ». Trong đợt biểu tình « Hồi VI » ngày
22/12 tại Paris, 59 người bị tạm giam, trong đó có 22 nghi phạm sắp bị đưa ra
xét xử. Thứ Hai 24/12, hai người biểu tình đã bị kết án một năm tù ở Nancy vì
ném các đồ vật vào cảnh sát. Tương tự, một thanh niên ở Besançon bị kết án 6
tháng tù vì hắt axit vào cảnh sát.
Libération trở lại vụ va chạm giữa bốn nhân viên cảnh
sát đi mô tô bị người biểu tính quá khích vây trên đại lộ Champs-Elysées buộc một
cảnh sát thứ tư quay xe trở lại và rút súng ra dọa đám đông. Đoạn video quay lại
sự việc được bình luận rộng rãi trên mạng xã hội. Nhưng cũng chính sự kiện này
đã khiến chính phủ « quyết tâm lập lại trật tự ».
Trang nhất
nhật báo Pháp
Dư âm của Noël vẫn đọng trên trang nhất của một số
nhật báo Pháp. « Giáo hoàng lên án chủ nghĩa tiêu thụ » trong
bài giảng thánh lễ đêm Giáng Sinh 24/12 là tựa chính của Le Figaro. Bên cạnh «
Lời kêu gọi tình huynh đệ », trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix còn
cho biết giáo hoàng Phanxicô lên án « lòng tham lam của con người ».
Les Echos trở lại thực tế với hậu quả của «
phong trào Áo Vàng : cú sốc quan trọng đối với nền kinh tế ». « Biến
đổi khí hậu : Những hạt giống nằm trên vỉ nướng » là chủ đề trang nhất
của Libération.
--------------------------------
LIÊN
QUAN
Rút quân, Mỹ để lại miền bắc Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ rảnh
tay truy diệt phong trào võ trang Kurdistan, đồng minh của Washington trong cuộc
chiến chống thánh chiến Hồi Giáo. Nhưng liệu tổng thống Erdogan có đủ khả năng
quân sự chiến thắng Daech theo « giao kèo » trao đổi với tổng thống Donald
Trump hay không ?
No comments:
Post a Comment