30/12/2018
Năm 2018 trôi qua gắn liền với biết bao biến cố bi thương của dân tộc Việt
Nam. Phong trào đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam tiếp tục bị đàn áp một cách
khốc liệt, nhân quyền tiếp tục bị vi phạm trầm trọng với những cách thức tàn ác
và tinh vi hơn từ phía nhà cầm quyền cộng sản.
Từ đầu năm 2018, diễn ra những vụ xử án nhắm vào các
nhà hoạt động và đấu tranh mang tính thù hằn với những bản án nặng nề. Điển
hình như vụ xét xử ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An với mức án lên đến 20
năm tù giam và 5 năm quản chế.
Điểm qua một lượt các vụ án như: Hôm 31/1/2018 tại
Hà Nội, ông Vũ Quang Thuận 8 năm tù và 5 năm quản chế, Ông Nguyễn Văn
Điển 6 năm 6 tháng tù cộng 4 năm quản chế, Sinh viên Trần Hoàng Phúc 6
năm tù và 4 năm quản chế; Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị tòa án Nghệ An
kết án 14 năm tù giam và Nguyễn Nam Phong 2 năm tù giam vào ngày
14/2/2017.
Ngày 5/4/2018 tại tòa án Hà Nội đưa Luật sư Nguyễn
Văn Đài cùng 5 nhà hoạt động khác là Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn,
Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội với mức án tổng cộng lên
đến 66 năm tù giam 17 năm quản chế.
Lần lượt là Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Túc, Trần
Thị Xuân, chỉ trong vòng 12 ngày đầu tháng 4 năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản
đã kết án 10 người hoạt động xã hội dân sự trong 4 vụ án khác nhau. Tổng cộng
10 người đã phải chịu 96 năm tù giam và 32 năm quản chế.
Chỉ vì chống lại Dự luật Đặc khu mà có hàng trăm người
dân yêu nước khắp các tỉnh thành đã bị bắt và bị kết án. Đặc biệt là đến từ
Ninh Thuận và Đồng Nai, có trên 60 người bị kết án nhiều năm.
Một số vụ xét xử thời điểm những tháng cuối năm với
cáo buộc liên quan đến cái gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đã kết án
từ 5 đến 14 năm tù giam.
Qua đó cho chúng ta thấy bức tranh về tình trạng
nhân quyền tại Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ, tàn khốc hơn.
Hôm 16 tháng 12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human
Rights Watch) công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
bao gồm quyền tự do báo chí, tôn giáo, xã hội dân sự, hội đoàn độc lập, tra tấn
trong tù… Lên án cộng sản sử dụng các điều luật mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động
chính trị và tôn giáo ôn hòa. Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 136 người dưới các điều luật này vì họ bị
cho là tạo ra mối đe dọa đối với Nhà nước Việt Nam.
Mặc dù bị các Chính phủ và các tổ chức nhân quyền quốc
tế lên án và áp lực một cách mạnh mẽ nhưng Hà Nội bất chấp tất cả, vẫn cứ chà đạp
lên nhân quyền một cách có hệ thống và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dù phong trào đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam bị đàn
áp khốc liệt. Tuy nhiên, mặt khác chúng ta thấy rõ ràng, nhà cầm quyền cộng sản
bắt giam và bỏ tù hàng trăm người hay hàng ngàn người dân với những mức án nặng
nề, nhưng không thể triệt tiêu được tính phản kháng đang dần trở nên trưởng
thành và mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Thậm chí còn có những thành quả
thấy được mà đôi khi nhà cầm quyền cộng sản phải lép vế trước sức mạnh của toàn
dân. Chẳng hạn như phải lùi bước trước sức phản kháng mãnh liệt của người dân đối
với Dự luật Đặc khu, v.v…
Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong phong
trào phản kháng và đấu tranh của người dân Việt Nam. Nghĩa là, đang có một sự
phản kháng mang tính quần chúng mạnh mẽ, bền bỉ qua nhiều hình thức khác nhau
như chống BOT đường bộ dai dẳng, phản đối dự luật Đặc khu, an ninh mạng, vụ Thủ
Thiêm, vụ chống các nhà máy nhiệt điện, chống vụ lấy đất cho Trung Quốc làm điện
mặt trời…
Tất cả các vụ phản kháng của người dân dường như có
một sự quyết liệt, có tổ chức và rõ ràng mục đích. Họ cũng tự học tập lẫn nhau
trong cách thức đấu tranh để đạt được hiệu quả, hay ngăn chặn việc làm xấu từ
phía nhà cầm quyền. Người dân mạnh dạn hơn trong việc tố cáo những sai phạm, bất
ổn của nhà cầm quyền âm ỉ bấy lâu nay bị phanh phui và bùng phát hết sức dữ dội.
Khi ta đứng trên đỉnh núi cao, nhìn lại cuộc hành
trình đầy cheo leo, gan góc, mạo hiểm, thậm chí có cả máu đào tưới trên đường
đi, khi đó ta mới thấy giá trị và trân trọng những sức lực, hi sinh đã bỏ ra.
Công cuộc đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam ngày nay cũng tương tự như hình ảnh
đó.
Quả thật sự hi sinh, tinh thần dấn thân đầy quả cảm
của những cá nhân cụ thể cùng phong trào đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam dần
dần như được lan tỏa, gợi mở cho tất cả các tầng lớp dân chúng nhận thấy và
tham gia. Trước hết là họ thức tỉnh, sau đó thì phản kháng đòi lại quyền lợi
cho chính họ. Cứ như vậy cho đến khi cả dân tộc sáp nhập vào con đường đấu
tranh này là ngày tự do của Việt Nam đang đến gần bên.
No comments:
Post a Comment