Saturday, December 29, 2018

NHÌN LẠI NHỮNG SỰ KIỆN THẾ GIỚI NỔI BẬT TRONG NĂM 2018 (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
29/12/2018

Cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim
Trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ, một tổng thống đương nhiệm của Mỹ gặp mặt một lãnh tụ của Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore vào tháng 6 nhằm thúc đẩy quốc gia cộng sản này từ bỏ chương trình hạt nhân đã trở thành tiêu điểm của truyền thông thế giới. Ông Trump sau đó hào hứng tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa và nhà ngoại giao hàng đầu của ông đã đưa ra một khung thời gian đầy hứa hẹn cho một “sự giải trừ lớn.” Thế giới phản ứng hồ hởi về cuộc họp lịch sử và tràn đầy hi vọng về tương lai phía trước.
Dù Triều Tiên đã tháo dỡ một địa điểm phóng phi đạn của mình, nhưng có ít tiến bộ đạt được kể từ cuộc họp Trump-Kim trong khi sự hoài nghi lớn dần về việc liệu Triều Tiên có nghiêm túc trong chuyện giải trừ hạt nhân hay không. Những hình ảnh vệ tinh hồi gần đây cho thấy nước này dường như đang mở rộng một căn cứ phi đạn quan trọng, có thể được dùng làm nơi triển khai phi đạn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đánh trúng Mỹ. Triều Tiên cũng cảnh báo họ có thể khôi phục một chính sách quốc gia nhằm củng cố kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các chế tài kinh tế.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa một luận điệu bảo hộ mậu dịch lúc tranh cử của mình với một cuộc chiến tranh thương mại nhắm vào Trung Quốc, áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ nước này nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi điều mà Washington cáo buộc là những tập tục thương mại bất công. Một thỏa thuận đạt được hồi gần đây giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã định ra thời hạn hưu chiến 90 ngày mà qua đó hai nước sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các thị trường trên toàn cầu lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ kéo dài và tác động mà nó để lại sẽ sâu rộng hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm sau, dẫn ra những rủi ro từ các cuộc chiến tranh thương mại và mức lãi suất cao hơn.

Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền tiền nhiệm kí kết cùng với với năm cường quốc thế giới khác vào năm 2015, vốn được mô tả là cơ may tốt nhất để chặn đứng Iran chế tạo bom hạt nhân. Trong một bài diễn văn truyền hình trực tiếp, ông Trump gọi thỏa thuận này là “tệ hại” vì không giải quyết được chương trình phi đạn đạn đạo của Iran. Quyết định này của ông Trump theo sau bởi việc tái áp đặt các chế tài nghiêm khắc lên Iran nhằm gia tăng sức ép buộc nước này nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ. Về phần mình, Iran từ chối tái đàm phán thỏa thuận và tiếp tục tỏ thái độ thách thức.

Biến đổi khí hậu-Tăng nhiệt toàn cầu
Năm 2018 là một năm đầy những tin tức ảm đạm về sự tăng nhiệt toàn cầu và thêm những chỉ dấu nữa của biến đổi khí hậu. Thiên tai diễn ra với tần suất thường xuyên hơn và với cường độ mãnh liệt hơn: từ lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ trong một thế kỉ cho tới những vụ hỏa hoạn gây tàn phá khắp bang California của Mỹ. Một báo cáo mang tính dấu mốc của Liên Hiệp Quốc vẽ nên một bức tranh đầy u ám về những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu đến năm 2040 nếu các nước không quyết liệt hành động.
Các nhà ngoại giao từ hơn 200 nước đã đạt một thỏa thuận duy trì thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, vốn đề ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp để tránh những thiên tai liên quan tới biến đối khí hậu. Chính quyền Trump, sau khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này năm 2017, đang đẩy mạnh quảng bá cho việc sử dụng than đá và đang ráo riết rút lại những quy định về bảo vệ môi trường ban hành dưới những chính quyền trước, trong khi Tổng thống Trump tiếp tục bày tỏ hoài nghi về sự tăng nhiệt toàn cầu.

Phong trào #MeToo
Phong trào #MeToo tiếp tục rọi ánh sáng vào những hành vi sai trái về tình dục nhắm vào những người đàn ông danh tiếng và đầy quyền thế trong xã hội Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. Được khơi mào bởi một bài báo của tờ The New York Times phanh phui những cáo buộc của hàng loạt nữ diễn viên nhắm vào ông trùm điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein, phong trào này đã lan tỏa khắp mọi lĩnh vực và khắp thế giới, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục được cất cao tiếng nói.
Ông Weinstein chính thức bị cáo buộc phạm tội hãm hiếp khi ra đầu thú cảnh sát New York vào tháng 5. Các cáo buộc hành vi tình dục sai trái cũng hạ bệTổng giám đốc của mạng lưới truyền hình CBS Leslie Moonves. Trong phiên điều trần đầy kịch tính trước Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 9, người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Brett Kavanaugh phải khai chứng trước những lời cáo buộc ông từng có hành vi tấn công tình dục thời trung học.

Vatican và bê bối xâm hại tình dục
Đức Giáo hoàng Phanxicô đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất giáo triều của ông khi scandal xâm hại tình dục một lẫn nữa nổ ra ở các nước khắp thế giới. Giới hữu trách dân sự ở Mỹ đã điều tra quyết liệt hơn những cáo buộc xâm hại trong Giáo hội, bao gồm những vụ xâm hại xảy ra trên diện rộng ở bang Pennsylvania suốt nhiều thập niên qua.
Đức Giáo hoàng cũng loại bỏ hai Hồng y dính líu tới những vụ tai tiếng xâm hại tình dục khỏi nhóm cố vấn thân cận của ông, bao gồm Bộ trưởng Kinh tế của Vatican. Ông cũng sẽ triệu tập một hội nghị đặc biệt quy tụ khoảng hơn 100 người đứng đầu các Hội đồng Giám mục quốc gia cùng hàng chục chuyên gia và các lãnh đạo dòng tu khác về Vatican vào tháng 2 năm sau để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Bê bối dữ liệu người dùng của Facebook
Facebook hứng chịu sự săm soi và chỉ trích kịch liệt trong năm qua liên quan tới quyền riêng tư của người dùng kể từ khi các bài báo hồi tháng 3 tiết lộ đại công ty công nghệ này đã cho phép công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu thiếu thỏa đáng từ 87 triệu người dùng. Phát hiện này khơi ra các cuộc điều tra từ nhiều quốc gia nhắm vào Facebook và Tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước các ủy ban của cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Facebook cũng hứng chịu tai tiếng vì cho phép các quảng cáo chính trị của Nga tràn lan trên mạng xã hội này trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với phần lớn có nội dung đào sâu chia rẽ trong xã hội Mỹ và bôi nhọ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Vụ đầu độc Sergei Skripal ở Anh
Cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị trúng chất độc thần kinh Novichock ở thành phố Salisbury của Anh vào tháng 3, trong một trong những vụ tấn công táo tợn nhất trên lãnh thổ một nước phương Tây từ nhiều năm qua. Cảnh sát liên kết vụ tấn công này với một vụ trúng độc khác xảy ra với hai công dân người Anh vào tháng 6 khiến một trong hai người này tử vong.
Anh cáo buộc Nga cử hai điệp viên sang để thực hiện vụ tấn công, nhưng Nga phủ nhận và quy trách ngược lại Anh. Những lời cáo buộc và phủ nhận kịch liệt từ các cấp cao nhất của chính phủ đã đẩy quan hệ giữa hai cường quốc xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đưa tới những vụ trục xuất ngoại giao qua lại giữa các nước Châu Âu và Nga cùng các chế tài quốc tế.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khasoggi
Một trong những vụ án mạng đưa tới những hệ quả sâu rộng về ngoại giao quốc tế là vụ nhà báo ngưởi Ả-rập Xê út Jamal Khashoggi bị giết hại trong lãnh sự quán Ả-rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10. Những chi tiết ghê rợn về vụ sát hại dần công bố trong những ngày sau đó khơi lên công phẫn khắp toàn thế giới và cuối cùng buộc Ả-rập Xê út phải thừa nhận một toán nhân viên an ninh của họ đã nhúng tay vào vụ việc nhưng phủ nhận sự dính líu của Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của vương quốc này và thường là đối tượng bị nhà báo Khashoggi chỉ trích.
Nhưng một thẩm định tình báo của CIA xác nhận thái tử có phần chắc đã chỉ đạo vụ giết người. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ xem qua bằng chứng tuyên bố sự can dự của ông bin Salman là không thể chối cãi và đã thông qua nghị quyết lên án nhà lãnh đạo này. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ vẫn là một “đối tác kiên định” của Ả-rập Xê út, lưu ý rằng vương quốc này là một đồng minh đắc lực ở Trung Đông để chống lại Iran và đồng thời là một đối tác mua nhiều vũ khí của Mỹ.






No comments: