Saturday, October 28, 2017

"LÃNH THỔ VIỆT NAM HAO HỤT THẾ NÀO TỪ 1999?" , CÂU HỎI ÂM Ỉ và là ĐẦU MỐI CỦA NHIỀU TIN ĐỒN (Bauxite Việt Nam tổng hợp)




Bauxite Việt Nam tổng hợp
28/10/2017

Như đã nói trong một chapeau đăng ngày 26-10-2017, chúng tôi nhận được bài viết của một bạn đọc gửi cho thông tin do Word Bank ghi nhận, rằng lãnh thổ của chúng ta từ 1999 đã bị hụt đi khoảng 15.000 km2,  người gửi lấy lại trên trang Tin tức hàng ngày. Đây quả là một vấn đề gây bức xúc, do liên quan đến câu hỏi về đường biên giới ký năm 1999 với Trung Quốc có khuất tất gì không mà nhiều địa điểm quan trọng như thác Bản Giốc, Ải Nam Quan… so với trước nay không còn thuộc Việt Nam, hoặc đã mất đi hẳn một phần lớn – câu hỏi ấy cứ bị giấu giếm không công khai với toàn dân, mặc dù khoảng đầu năm 2010 đã có một đoàn trí thức, gồm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, TS Chu Hảo, GS Nguyễn Huệ Chi, LS Trần Vũ Hải và một số người khác, đến hẳn Bộ Ngoại giao theo lời hẹn để được giải đáp, nhưng rồi cơ quan này đã tìm cách đối phó nên chẳng đi đến đâu cả. Vì thế, vấn đề «lãnh thổ sau 1999» vẫn cứ là một nghi vấn treo lại trong tâm lý bạn đọc, có dịp lại «trào ra».

Sau khi bài báo CHOÁNG: Diện tích của Việt Nam sau 1999 biến mất 15 ngàn km2, không biết đi đâu?đăng lên, chúng tôi nhận được nhiều bài góp ý. Bài của BP đã đăng tiếp trên BVN: Góp ý về thông tin “Việt Nam mất 15 ngàn km2 diện tích”. Gần đây, lại nhận thêm bài của ông P.Q.T. từ Thụy Sĩ gửi cho, đồng thời có cả hai thư góp ý thấu đáo của hai cộng tác viên quen thuộc là Hà Dương Tường và Vũ Quang Việt (ông Hà Dương Tường còn nhã ý gửi kèm trích yếu một lá thư gửi một người bạn nhân ông đọc được  bài Tèo Ngu Khìn trên trang trang Ba Sàm vào năm 2016, nay ông vui lòng cho BVN đăng lên để góp thêm kiến giải của ông).

Vấn đề thế là đã rõ.

Dưới đây, xin đăng bài của P.Q.T. và thư trích yếu của học giả Hà Dương Tường để tạm kết thúc câu chuyện về «lãnh thổ Việt Nam bị thu hẹp hơn 15 nghìn km2 tính đến ngày hôm nay» mà nếu có thật thì quả là rất «choáng».

Kính trình bạn đọc xa gần.
Bauxite Việt Nam

----------------------

1. Góp ý thêm về diện tích lãnh thổ Việt Nam bị thu hẹp
P.Q.T.

Về bài viết trên boxit.vn.net "CHOÁNG: Diện tích của Việt Nam sau 1999 biến mất 15 ngàn km2, không biết đi đâu?", tôi xin bổ sung mấy thông tin, ý kiến sau:

1) trang boxit.vn đã đưa tin này ngày 27.10.2016:
https://boxitvn.blogspot.ch/2016/10/hon-15000km2-at-cua-viet-nam-mat-vao.html#more. Chứng tỏ đây là vấn đề rất được quý vị trí thức trong nước quan tâm, mà quan tâm là rất đúng, vì đấy là lãnh thổ muôn đời của Tổ quốc.

2) trên trang Fb – cũng đúng vào ngày 27/10/2016 – của một người mang tên Anh Pham (Gau), hình như là thông dịch viên cho ông Obama lúc ông ấy sang VN hay tiếp lãnh đạo VN ở Hoa Kỳ, có 1 status (xin xem ở đây) như sau:

«Mấy hôm nay trên FB có tin đồn, dựa trên số liệu từ trang thống kê của Ngân hàng Thế giới, là trong năm 1999 Việt Nam đã bị mất 15 ngàn km vuông lãnh thổ. Chiều nay có bạn ở đài Tiếng nói Hoa Kỳ hỏi mình là mình nghĩ sao về điều này. Mình xin trả lời như sau.

Từng làm việc hai năm trong văn phòng của Chief Credit Officer của WB với số liệu hàng ngày, mình rất quen thuộc với các câu chuyện về số liệu và hệ cơ sở dữ liệu của WB. Mình cũng đã kiểm tra và thấy đúng là vào năm 1999, chỉ tiêu diện tích đất (Land area - km2) của Việt Nam có sự thay đổi lớn từ 325 nghìn km2 xuống 310 nghìn km2, tức khoảng hơn 5% diện tích đất đã bị mất. Đây là điều rất bất thường đặc biệt khi để ý là 15 ngàn km2 đấy là tương đương diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, kém Nghệ An chừng 1.5 ngàn km2. Rõ ràng con bò to thế không thể mất toi đi mà không ai để ý. Vậy lời giải thích là gì?

Lời giải thích là thế này. Vào các năm 1998 - 2001 đã có sự thay đổi về định nghĩa về chỉ số thống kê diện tích đất ở WB, Tổ chức Lương nông, CIA, hay một nguồn nào khác. Được biết những số liệu dạng này thường được thu thập từ cơ quan thống kê quốc gia tuy nhiên CIA, trong niên giám World Factbook thường niên, cũng sử dụng các số liệu họ tự tính toán. Các nguồn chính thống đều ghi diện tích lãnh thổ Việt Nam là khoảng 331.600 km2. Được biết con số này bao gồm chừng 5000 km2 là vùng nội thủy, tức là vùng biển nằm trong đường cơ sở, ta có thể thấy là số liệu của WB trước 1999 là 325 nghìn km2 đã không bao gồm vùng biển nội thủy này. Phần 15.000 km2 bị thụt xuống sau 1999 được ghi chép rõ ràng trong CIA World Factbook từ năm 2010 trở đi chính là tổng diện tích nước mặt nội địa (hồ ao sông ngòi đầm phá v.v.). Trước 2010, CIA cũng ghi chép như WB, trước 1999 diện tích đất là 325 ngàn km2 nhưng sau năm đó họ ghi rõ thực chất diện tích đất chỉ có 310 ngàn km2 còn lại là 15 ngàn km2 diện tích nước mặt và 5000 km2 diện tích biển trong vùng nội thủy.

Như thế tính ra diện tích lãnh thổ Việt Nam không có thay đổi nào mà chỉ là cách phân loại và định nghĩa chỉ tiêu thống kê có thay đổi ở một trong các cơ quan thu thập và công bố số liệu. Lý do nhân dân FB giận điên lên là vì 1999 là năm có sự thay đổi về số liệu trong hệ cơ sở dữ liệu của WB cũng là năm Hiệp định biên giới với Trung Quốc được ký. Năm 2001 ở Bắc Kinh mình có được theo dõi quá trình đàm phán phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ. Mình hiểu là khó có việc nhường nhau vài trăm km2 nữa là 15000 km2.

Xin gửi tới các bạn giải thích của mình để các bạn yên tâm» (Anh Pham)

3) Ngoài ra xin có thêm vài nhận xét:
Xem lại http://data.worldbank.org/indicator/AG.SRF.TOTL.K2?view=chart trong đó phần "Overview per country" lần theo các nước qua mũi tên màu xanh bên cạnh năm 2015 thì thấy:

1/ Gần như toàn bộ là mũi tên thẳng – không thay đổi (click vào tên nước để xem chi tiết) trừ một ít nước có mũi tên cong lên hay cong xuống, chỉ có VN là nước có mũi tên uốn éo

2/ Trung Quốc bị mất 39 km2

3/ Bhutan mất tới 9086 km2 trên 47,000 km2 năm 1961 (năm 1994 từ 47,000 còn 40,077 đến 2004 còn 38394 km2)

4) Austria có thêm 9 km. Dù bao vây bởi các nước xung quanh, Đức, Thụy Sĩ, Czech, Hungary, Slovenia, Italy đều có diện tích không thay đổi trừ Slovakia tăng 6 km2 – Vậy thì 9 km2 kia Áo lấy đâu ra?

5/ Việt Nam là nước mà diện tích thay đổi lên xuống lia chia suốt từ 1961 đến nay.
Ý niệm đường nội thủy có thể giải thích sự thay đổi diện tích nhưng theo website này, năm 1978 VN mất đến 2120 km2, đến năm 1980 thì lên lại gần như trước khi bị mất – đến 1987 lại bị mất 1340 km2, rồi lại lên lại xuống, đến 2015 chốt lại là 330,972 km2 mất 718 km2 so với 1961.

Không có gì ngăn cấm sẽ lại có sự thay đổi trong các năm tới vì ý niệm đường nội thủy luôn luôn co giãn, nhất là có chuyện biến đổi khí hậu, nước lên.

Definition: Surface area is a country's total area, including areas under inland bodies of water and some coastal waterways [Định nghĩa: Diện tích bề mặt lãnh thổ là tổng diện tích của cả nước, bao gồm các khu vực nằm trong nội địa và một số tuyến đường thủy ven biển].
Xin mạo muội đưa thông tin và góp ý kiến nhỏ trong việc làm rõ chủ đề này.
P.Q.T.

VK Thụy Sĩ
Tác giả gửi BVN

*
2. Về vụ «mất» 15.000km2
Hà Dương Tường

Ngày 26.10.2016, trang Ba Sàm đăng một bài viết nhan đề Hơn 15.000 km2 đất của Việt Nam mất vào tay ai?. Đây là một bài tác giả («Tèo Ngu Khìn», dưới đây viết tắt là TNK) đăng trên FB của anh ta nhưng nhiều người chỉ biết tới sau khi Ba Sàm đăng lại, trong đó có một người bạn tôi. Dưới đây là phần chính phản hồi của tôi khi anh bạn chuyển cho tôi đọc bài đó.

(…)
15.000 km2 là gì, anh biết không ? Là hơn diện tích của hai tỉnh biên giới Hà Giang và Lào Cai cộng lại. Hay là một dải đất rộng hơn 10km dọc suốt theo chiều dài biên giới khoảng 1400 km. Làm sao một diện tích đất lớn như vậy có thể biến mất mà không ai biết?

Vậy, việc đầu tiên khi đọc cái tin động trời trong bài mà anh dẫn đó, là phải kiểm tra thực hư thế nào, thay vì mù quáng tin vào nó chứ. Tôi sẽ chứng minh dưới đây sự nhầm lẫn của tác giả bài viết.

Chỉ cần vài click là anh tìm thấy dễ dàng trang dữ liệu của WB (http://databank.worldbank.org/data/reports.aspx?source=statistical-capacity-indicators)
Từ đó, anh có thể chọn thông tin muốn xem: quốc gia (country), các tiêu chí (indicators), thời gian. 

Anh sẽ thấy, không khó khăn gì, cái trang cho số liệu về «land area» của Việt Nam mà bài viết của TNK dẫn ra. Anh có thể làm hơn thế, bằng cách chọn một số năm để so sánh. Nó đây, với sự khác biệt giữa hai con số năm 1999 và 2000, đúng như bài báo nói :


Nhưng, con số lớn khó tin, phải có gì cắt nghĩa chứ? Phải tìm hiểu thêm.

Ở dòng cuối của bảng này, có câu «click on a metadata icon… », anh bấm vào «land area» sẽ được kết quả như sau:


Đến đây thì có vấn đề rồi. Vậy diện tích đất (land area) KHÔNG phải là diện tích lãnh thổ của một quốc gia, mà là diện tích lãnh thổ đó trừ đi diện tích mặt nước (sông, hồ…) trong phạm vi lãnh thổ. Và chắc là phải có chỗ mà database của WB đưa số liệu về diện tích lãnh thổ đó chứ. Tìm thêm một chút, trong các indicators (bấm vào chỗ « add series »), anh sẽ tìm thấy dòng «surface area». Tôi gộp lại hai thông tin về «land area» và «surface area» vào một bảng, chụp lại đây (thêm vào năm 1961 là năm đầu tiên có trong cơ sở dữ liệu này, và vài năm sau):


Ở một chỗ khác trên trang này của WB, anh sẽ thấy họ ghi là số liệu từ FAO (Tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc). Sang trang của FAO (http://www.fao.org/countryprofiles/index/en/?iso3=VNM), các thống kê không được tổ chức tốt như trên trang của WB, nhưng cũng dễ tìm thấy mấy thông in sau:


Vậy là «surface area» của WB chính là «Country Area» trên dữ liệu của FAO! 

Và ta thấy gì trên chuỗi số «surface area» mà WB đưa từ năm 1961 tới nay, mà tôi đã trích ra vài năm như trên? Nó hầu như không thay đổi, chung quanh 331.000 km2, những biến động hàng năm rất ít, lúc lên, lúc xuống (nhìn sơ vài nước khác thì cũng vậy), lấy đâu ra sự «mất 15.000 km2 đất» đã «dâng cho Tàu»?

Mà nếu dâng thì diện tích của Tàu phải đột ngột tăng lên 15.000 km2 cùng thời chứ? Đây là những số liệu tương ứng cho China trên cùng trang WB :


Giữa năm 1999 với năm 2000, Tàu có tăng 15.000 km2 đất không (xem cả hai dòng, đất và lãnh thổ)? Hay là nó được VN dâng 15.000 km2 đất rồi mang cho Nga, Mỹ?

Còn lại một câu hỏi, thế tại sao có sự giảm đi 15.000km2 trên diện tích đất của VN từ năm 1999 sang 2000? Tôi không tìm thấy câu trả lời trên trang của WB, hỏi một anh bạn đã từng có 10 năm làm số liệu cho WB ở Washington thì nhận được câu trả lời sau: năm ấy (1999), VN đã tính toán diện tích mặt nước trên đất liền của mình, và đưa con số mới tính ấy cho WB, trước đó thì diện tích đất (những năm trước 1999) bao gồm cả đất và nước trên đất liền (khác biệt giữa diện tích lãnh thổ 331.000 km2 và diện tích đất 325.000 km2 từ năm 1961 cho tới năm 1999, khoảng 6.000km2, là diện tích «nội thuỷ» (vùng nước biển nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tối cao và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền, vì thế được tính vào diện tích lãnh thổ).

Tôi không đủ thông tin để khẳng định tính chính xác của câu trả lời đó (có nghĩa là diện tích mặt nước sông hồ của VN lên tới 15. 000 km2) (1), nhưng đó là chuyện khác. Chuyện ở đây là, thông tin của TNK là sai hoàn toàn khi anh ta nhầm giữa diện tích đất và diện tích lãnh thổ, rồi từ đó vẽ thêm ra hàng chục chuyện khác để tố chính quyền (tôi cũng căm ghét cái chính thể này, và không mong gì hơn ngày nó sụp đổ, nhưng rất sợ rằng cách hành xử ấy chỉ nuôi thêm sự sống cho cái chính quyền đó).
(…)

H.D.T.

Chú thích:

(1) Theo dữ liệu trên the world factbook của CIA (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/vm.html) thì diện tích của VN là: total: 331,210 sq km ; land: 310,070 sq km; water: 21,140 sq km. Các con số này trùng hợp (cách biệt không đáng kể) với con số của WB.

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:57








No comments: