Tuesday, October 31, 2017

BẢN TIN NGÀY 31/10/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin Biển Đông
Facebooker Ngọc Bảo Châu cho biết, trạm radar biển tại Đồng Hới, Quảng Bình được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, đã rách nát. Được biết, “trạm radar này có chức năng quét bề mặt biển, phát hiện vật lạ, tàu lạ từ khoảng cách 200-300km giúp cảnh báo sóng thần, phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn, quan trắc, giúp ổn định tàu thuyền ra khơi, dự báo ngư trường, sự tập trung của đàn cá giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả… Đặc biệt là phát hiện tàu lạ của bọn Tàu khựa“.

Báo Làng Mới có bài: Hoang tàn trạm radar triệu đô. Nhà báo Hữu Danh cho biết, “chất lượng công trình quá kém, có dấu hiệu bị rút ruột, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, sẽ rất nguy hiểm không chỉ cho nhân viên trạm, mà còn ảnh hưởng đến ngư dân trên biển cũng như cảnh báo bão, sóng thần và các yếu tố an ninh quốc phòng…

Nhà báo Mai Quốc Ấn quy trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tác giả cho rằng, nguyên nhân không phải “do bão số 10” gây nên hư hỏng của Trạm radar biển Đồng Hới, vì có nhiều hình ảnh được ghi lại trước khi bão số 10 đổ vào khu vực này. Mời xem clip của nhà báo Mai Quốc Ấn:

Ông Ấn viết: “Bộ Tài nguyên & Môi trường phải có trách nhiệm về vấn đề này. Tôi cũng nói luôn là trước khi tôi vào quay trạm radar thì đã báo với Bộ Công an lẫn công an địa phương. Nên có ‘ai đó’ đề xuất xử lý tôi vì tự ý thì cứ việc. Lúc đó ta gặp nhau [và nói chuyện] bằng luật!”

Facebooker Anh Chí có clip về buổi sinh nhật lần thứ 6 của CLB No-U FC.


Hiệp ước Biên giới Việt – Trung 1999
Mục ‘chống Diễn biến Hòa bình’ của báo QĐND có bài: Internet không phải là công cụ kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết quốc tế. Bài viết cho rằng, Hiệp ước về biên giới đất liền được ký ngày 30/12/1999 giữa Việt Nam và Trung Quốc “là việc làm cần thiết và đã được Việt Nam và Trung Quốc thực hiện chặt chẽ, thỏa đáng, thấu tình đạt lý, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra“. Nhưng các “thế lực thù địch” lại cho rằng “Trung Quốc giành được một số vùng lãnh thổ mà trước đó Việt Nam tuyên bố chủ quyền”.

Bài báo lên án các “thế lực thù địch” lợi dụng internet để “gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc“, “kích động người dân ‘tẩy chay’ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu đến từ Trung Quốc và Đài Loan…”

Người dân VN phải lo quá nhiều việc, gần như đã quên Hiệp ước 1999, ĐCSVN ký với TQ, làm mất lãnh thổ, lãnh hải. Cảm ơn báo QĐND nhắc lại. Hiệp ước biên giới trên bộ Việt – Trung đã được Bộ trưởng Ngoại giao VN Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng TQ Đường Gia Triền ký vào ngày 30/12/1999. Nhưng gần 18 năm qua, lãnh đạo CSVN vẫn chưa dám công bố bản đồ chi tiết, để người dân có thể đối chiếu đường biên giới mới, với đường biên giới cũ mà Pháp đã ký với nhà Thanh vào năm 1887 và 1895.

Lễ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền ngày 23/2/2009 tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Getty

Ngay sau khi Hiệp ước 1999 được ký kết, các lão thành cách mạng và trí thức ở trong nước, như cựu thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài Đông (con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan), ông Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương… cũng đã ký kháng thư phản đối vì cho rằng lãnh đạo VN đã nhượng quá nhiều đất cho Trung Quốc.

Cũng vì Hiệp ước này mà nhà hoạt động Lê Chí Quang đã bị xử tổng cộng 7 năm tù. Ngày 7/9/2001, ông Quang cho phổ biến trên mạng bài viết: Hãy Cảnh Giác Với “Bắc Triều”. Bài viết nói rằng, Hiệp ước này đã làm cho VN mất 720 km vuông đất trên bộ và mất 10% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Ngày 21/02/2002, ông Quang bị bắt. Gần 9 tháng sau, ông bị đưa ra xử 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CH XHCN VN”.

Nếu báo QĐND cho rằng việc ký phân chia biên giới này là “thỏa đáng, thấu tình đạt lý”, thì hãy công bố bản đồ chi tiết cho người dân biết. Hãy minh bạch thông tin, để người dân đối chiếu xem đất đã bị mất bao nhiêu, hoặc chứng minh những lời đồn đãi của người dân về chuyện lãnh đạo CSVN dâng đất, nhượng biển cho Tàu lâu nay là sai, thay vì viết bài chửi đổng như bài viết trên.

Mời nghe lại audio của nhà báo Nguyễn An, cựu Giám đốc Ban Việt ngữ đài RFA, nói về Hiệp định 1999 này:

Về Hội Cờ Đỏ
TS Nguyễn Quang A cảnh báo: “Hãy coi chừng! Vì chúng đã dùng bạo lực rồi nên trở thành bán vũ trang là nguy cơ nhỡn tiền“. Ông Nguyễn Quang A trích phân tích của tác giả Timothy Snyder, cho biết: “Khi những người với súng, mà luôn cho rằng chống lại hệ thống, bắt đầu mang đồng phục và diễu hành với đuốc và các bức ảnh của một lãnh tụ, sự kết liễu ở gần. Khi lực lượng bán quân sự ủng hộ lãnh tụ và cảnh sát chính thống và quân đội trà trộn, sự kết liễu đã đến“.

Facebooker Từ Thức có bài: Từ Hội Cờ Đỏ tới Hồng Vệ Binh. Tác giả viết: “Người ta ví nhóm Cờ Đỏ VN với Vệ Binh Đỏ của Tàu. Theo đúng phong tục: cái gì có ở Tàu, sẽ có ở VN“. Tác giả cảnh báo: “Nhắc cho các đảng viên Cờ Đỏ một sự kiện lịch sử: Mao thành lập Vệ Binh Đỏ để củng cố quyền lực, nhưng khi đã tàn sát hết các đối thủ và lực lương thù nghịch, Mao sợ nạn kiêu binh, đã quay lại tàn sát bọn Vệ Binh Đỏ cũng tàn bạo không kém“.

Tac giả Đoàn Phú Hòa có bài: Từ Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc, đến Hội Cờ Đỏ ở Việt Nam. Tác giả cho biết, chính ông đã chứng kiến những cảnh Hồng Vệ Binh đấu tố thầy cô giáo ở Trung Quốc:

Bản thân lũ trẻ chúng tôi đã từng chứng kiến hình ảnh các thầy, cô giáo, thậm chí cả thầy hiệu trưởng mà ngày hôm trước còn được học sinh của mình quí trọng thì chỉ qua một đêm, khi lũ học sinh, sinh viên này trở thành HVB thì chúng đã lôi các thầy cô của mình… ra ngoài đường rồi bắt họ khoác một áo dài trắng cùng một cái mũ giấy trên đầu. Chúng bắt các thầy cô của mình đứng trên một cái ghế đấu rồi bắt đầu đấu tố họ. Cứ sau một tội do chúng dựng ra, thì cả đám quỉ đỏ đó lại la hét ầm ĩ và làm những động tác như một ăn thịt chính các thầy cô của mình“.

Tác giả Vũ Thạch có bài: Nên đẩy nhanh tiến trình Hội Cờ Đỏ. Bởi vì “Tình hình Việt Nam đang càng lúc càng giống các chế độ độc tài khác vào giai đoạn chót“, như nhóm ủng hộ chính quyền tại Ai Cập cưỡi lạc đà xông vào đám đông, hay nhóm ủng hộ chính quyền ở Venezuela “xông vào quốc hội, dùng cán cờ và gậy gộc đánh các dân biểu độc lập“.

Cũng theo tác giả, việc xuất hiện Hội Cờ Đỏ đã “tạo tiền lệ về Quyền Lập Hội, Quyền Hội Họp, tức bước qua đầu Bộ Chính trị và Quốc hội, vốn vẫn run rẩy suốt 10 năm qua không dám ra luật“.

LM Nguyễn Đình Thục cho RFA biết, có khả năng tình báo Hoa Nam đứng sau cuộc tụ họp của Hội Cờ Đỏ.

Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo đưa tin, ngày 30/10, lại có khoảng 300 thành viên thuộc Hội Cờ Đỏ đã “vây bắt và đe dọa” linh Đaminh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều tại UBND xã Diễn Mỹ.


Lựa chọn sai lầm
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: Tại sao chúng ta hốt lại những thứ mà dân tộc khác đổ đi? Tác giả khẳng định, Karl Marx là một vĩ nhân của dân tộc Đức, nhưng người Đức “không áp dụng tư tưởng và mô hình chủ nghĩa xã hội của Karl Marx vào đời sống. Họ vứt bỏ tư tưởng và chủ thuyết xã hội chủ nghĩa của ông“. Còn Lenin là một vĩ nhân của dân tộc Nga, nhưng người Nga không áp dụng chủ nghĩa của ông mà “đã vứt bỏ tư tưởng và mô hình XHCN của Lenin“.

Tác giả đặt câu hỏi: “Đến bây giờ mà chúng ta vẫn còn tôn thờ chủ nghĩa Marx – Lenin và ca ngợi Cách mạng tháng Mười, điều mà cả người Đức lẫn người Nga đều vứt bỏ! Tại sao chúng ta không tôn thờ tư tưởng của cha ông chúng ta mà lại đi tôn thờ tư tưởng của người nước khác? Tại sao chúng ta lại phải hốt lại những thứ mà dân tộc Đức và dân tộc Nga đổ đi?

LS Ngô Ngọc Trai có bài: Sự phá sản của mô hình nhà nước toàn trị. Tác giả cho rằng: “Theo mô hình toàn trị, sự chỉ đạo đến mọi ngõ ngách đời sống, sẽ triệt tiêu đi sự tự chủ, ý chí sáng tạo, sáng kiến của công dân, tạo ra sự thụ động, giảm đi khả năng hành động, rất bất lợi cho phát triển kinh tế, nhất là nền kinh tế tri thức sáng tạo“.

Cũng theo tác giả, chế độ cộng sản toàn trị “giữ vai trò lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống xã hội” tạo lên một bộ máy nhà nước “nặng nề, cồng kềnh với số lượng quá lớn các cán bộ công chức đảng viên“. Điều này “không có tính kinh tế” và quá tốn kém.

Cũng may mà ông Đại sứ Nga không khuyên Việt Nam kiên trì con đường đi lên CNXH như tay chuyên gia Dmitry Novikov, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, mà ông Đại sứ ưu tiên về làm ăn kinh tế hơn.

Trang Tiếng Dân có bài của tác giả Trung Nguyễn: Hãy tra gươm vào vỏ. Tác giả viết: “Giới lãnh đạo cộng sản đừng nên tự tin là ‘công cụ bạo lực’, là lực lượng vũ trang như quân đội, công an sẽ trung thành mãi với họ, cũng như đừng trông mong vào những thứ như Hội Cờ đỏ vừa biểu dương lực lượng ở Nghệ An… Hãy trả lại quyền làm chủ cho nhân dân bằng một bản hiến pháp chuẩn mực do toàn dân phúc quyết! Đó là lối thoát duy nhất đúng của giới lãnh đạo cộng sản hiện tại!

Không “tinh”, cũng chẳng “giản”
Báo PLTP có bài: Bí thư Hà Nội: Hệ quả 10 năm sáp nhập vẫn đang xử lý. Ông Hoàng Trung Hải cho biết, việc sáp nhập Hà Nội với Hà Tây từ năm 2008 khiến bộ máy hành chính của Hà Nội “thừa rất nhiều người, đến nay vẫn phải tiếp tục sắp xếp, bố trí lại…” Lý do không “giản” được còn do cả nể, sợ anh em “tâm tư”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Những bộ nào có nhiều ‘phòng trong vụ’? Đó là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… Trong khi có đến 11 địa phương trên cả nước đang sử dụng số người vượt quá số biên chế được giao.

Báo VietNamNet có bài: Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo. Biết thế mà bao năm nay sao không quyết tâm làm, để bây giờ cái chết kề đến cổ rồi mới lên tiếng. Nhớ ưu tiên bỏ các hội đoàn của đảng, mấy hội đoàn này ngốn nhiều ngân sách mà chẳng làm nên trò trống gì.

Báo Dân Trí có bài: Bộ máy cồng kềnh, nồi cơm Thạch Sanh cũng khó nuôi đủ! Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, tỉnh Tiền Giang, nhận xét: “Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.

Nhà báo Huy Đức có bài: Cái gốc của tăng biên chế. Theo tác giả, “nếu không thay đổi cung cách ‘quản lý’, Nhà nước vẫn muốn can thiệp vào các mối quan hệ mà thị trường, xã hội và người dân có thể tự xử lý; Nhà nước vẫn muốn dùng quyền lực hành chánh can thiệp vào các quan hệ kinh tế và dân sự, thì đừng mong tinh giản biên chế hay thu gom đầu mối“.
Nghệ sĩ hài Công Vượng viết: “Nhà nước nên dẹp bỏ tất cả các hiệp hội nếu như dùng ngân sách của Nhà nước, còn độc lập thì chúng ta vẫn giữ nguyên” thì “chắc chắc Nhà Nước sẽ đỡ nuôi báo cô hàng nghìn con người và một bộ máy rạo rễ hút dần cạn kiệt những đồng tiền của Quốc Gia“. Còn nếu không dẹp được thì nên gộp tất cả các hội đoàn lại với nhau, gọi chung là “Hội ăn bám”.


Phiên tòa phúc thẩm vụ VN Pharma
Báo PLTP có bài: Hủy toàn bộ bản án, điều tra, xét xử lại vụ VN Pharma. Phiên tòa phúc thẩm sáng 30/10 đưa ra nhận định: “Vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, bức xúc, rất nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo chưa toàn diện, bỏ lọt hành vi và mức hình phạt chưa nghiêm“. Do vậy, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra, xét xử lại.
Riêng sai phạm của Cục Quản lý Dược được nêu rõ: “Việc nhập lô thuốc là có sự tắc trách của cán bộ cục này. Việc thẩm định có nhiều thiếu sót. Việc truy xuất, xác minh nguồn gốc công ty Canada là cần thiết như đại diện của cơ quan này trả lời là bắt buộc, đây là sai phạm nghiêm trọng“.

Báo Pháp Luật TP có đồ họa: “Toàn cảnh vụ VN Pharma”.



Cập nhật vụ biệt phủ Yên Bái
Báo NLĐ có bài: Chủ tịch Yên Bái nói về việc điều ông Phạm Sỹ Quý sang HĐND. Trả lời câu hỏi về “mức kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý như vậy đã ‘nghiêm minh’ theo kết luận thanh tra?” Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Theo tôi, các vi phạm, khuyết điểm đã được xem xét thấu đáo. Mức kỷ luật cuối cùng mà tỉnh đưa ra là đúng người, đúng quy định, hợp tình hợp lý“.

Còn việc tỉnh Yên Bái điều động ông Quý về làm Phó văn phòng HĐND, tương đương với Phó GĐ sở, ông Duy giải thích: “Hai vị trí này chỉ có hệ số phụ cấp là tương đương nhau, còn chức trách, nhiệm vụ là hoàn toàn khác nhau. Văn phòng HĐND là cơ quan có tính chất giúp việc, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các sở“.


Vụ án oan 28 năm
Báo Tiền Phong có bài: Vụ 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha”: “Chắc chắn phải quy trách nhiệm các cơ quan tố tụng”. Việc TAND tỉnh Lai Châu chủ trì buổi xin lỗi gia đình bà Đặng Thị Nga (SN 1938) về vụ án oan cách đây 28 năm, gia đình bà Nga đề nghị “phải tìm ra kẻ giết người thật sự và xử lý những cán bộ, điều tra viên đã gây ra vụ án oan”.

Ông Phạm Huỳnh Công, cựu Kiểm sát viên Cao cấp (VKSND Tối cao) cho biết, “một số sai lệch như hồ sơ ghi nạn nhân Tùng bị lún sọ nhưng thực tế không có; các dấu vết còn lại như thành giếng, đôi dép ở đó của ai thì chưa được làm rõ… Đáng chú ý, ông Công đặt câu hỏi, tại sao không điều tra tiếp cái chết của ông Tùng? Việc này có liên quan tới nội bộ Công an huyện Tuần Giáo lúc đó?

Bà Đặng Thị Nga và con trai Trịnh Huy Dương nhiều năm mang án oan giết chồng, giết cha. Ảnh: Báo TP.

Vụ Khai Silk
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có bài: Khải Silk – nói lần này rồi thôi! Tác giả viết: “Một cá nhân từ khăn lụa mà đi lên như Khải Silk, tuyệt đối không thể có sơ suất trong cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn vào thương hiệu của mình. Đó là hành vi cố tình lừa đảo“.

Do vậy, nếu cho rằng chuyện Khải Silk là một “câu chuyện nhỏ, không đáng bàn” thì “hôm nay xuề xoà khăn lụa, mai sẽ là điều gì khác. Khi ấy, cũng đừng trách móc gì nữa. Là lựa chọn để thỏa hiệp và tìm cớ dung dưỡng cho cái sai, đó là thứ mà nhiều anh chị sẽ nhận lãnh trong tương lai gần!

Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Cần phải rạch ròi đây là hành vi bán hàng giả xuất xứ. Theo quy định, giả xuất xứ là hàng giả. Nó khác hoàn toàn với việc Khaisilk đặt gia công tại Trung Quốc với sự kiểm soát của Khaisilk và vẫn để Khaisilk made in China, như Nike đặt gia công tại Việt Nam chẳng hạn“.

Tác giả cho rằng, “gian thương trọc phú Hoàng Khải”, người từng được vinh danh trên tạp chí Forbes Việt Nam đã thừa nhận buôn gian bán lận, nhưng khi bị đụng đến vấn đề pháp luật lại lập tức “đổ tội cho nhân viên tự ý đi mua khăn Trung Quốc về khâu thêm cái mác Khaisilk made in Vietnam“.

Khai Silk được vinh danh trên Forbes VN. Ảnh: Forbes VN.

Nhà báo Trung Bảo nhận xét: “Khaisilk, giàu nhờ lụa và ‘chết’ vì lụa. Chưa bao giờ tôi đọc hết một bài viết về những ‘doanh nhân’ như Khải. Luôn nói về kinh doanh và cuộc sống bằng giọng của những nhà hiền triết. Cho đến khi các nhà hiền triết ấy phải kéo vội chiếc áo loè loẹt để che tấm thân đầy ghẻ lở. Một trong những tội nặng của các tờ tạp chí ở Việt Nam, và của những người viết tạp chí, đó là tạo ‘sân khấu’ cho những kẻ như Khải nhảy múa, lừa dối và cười cợt xã hội”.

Tác giả Nguyễn Trọng Bình có bài: Khaisilk và lòng “Tự tôn dân tộc” của Người Việt. Tác giả cho rằng Khaisilk chỉ là tên “gian thương”, và rằng, “nếu bảo rằng Hoàng Khải và tập đoàn Khaisilk làm ‘tổn hại thương hiệu Việt’ hay ‘tổn thương niềm tự hào, tự tôn dân tộc’ thì thật là một chuyện khôi hài. Lẽ nào, một tên gian thương, ‘mua gian bán lận’ lại có thể dễ dàng gây ảnh hưởng và làm tổn thương đến niềm tự hào của cả dân tộc này hay sao? Nói như vậy là phê phán hay khen ngợi, đề cao Khaisilk?


Vụ cô giáo hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng
Báo VietNamNet có bài: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Lương hưu cô giáo 1,3 triệu sống sao được. Ông cho biết: “Trường hợp cô Lan tôi rất trăn trở, nhìn cô ấy ngất. Tôi làm việc thì BHXH trả lời quy định như thế. Đứng về mặt Nhà nước, quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người thì các thầy cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu thì sống sao được”. Vẫn phải sống thôi ông Nhạ, vì ông đâu có biết, trên thực tế còn có những trường hợp đáng buồn hơn cô Lan.

BBC có bài: Lương hưu cô giáo ‘thấp mạt hạng’ là bất công. Theo TS Vũ Thị Phương Anh: “Trách nhiệm là ở nhiều phía, nhưng trước hết là Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục phải có tiếng nói, không thể để cho nhà giáo nhận mức lương ‘mạt hạng’ như vậy.” TS Phương Anh cũng cảnh báo, “nếu không ai lên tiếng và chính sách không thay đổi thì hậu quả là không ai muốn vào ngành giáo nữa“.


Chuyện ở “thiên đường”
Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Lỗi đánh máy’ khiến bệnh nhân nam bị chỉ định khâu… âm đạo. Một bệnh nhân là nam giới, 34 tuổi, bị thương ở ngón tay, khi đến Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Hà Nội để khám, thì được chỉ định “khâu vết thương âm hộ, âm đạo” và thủ thuật thực hiện tại… khoa sản.

Bà Trần Thị Nhị, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: “Bệnh viện báo lên cho chúng tôi nhầm lẫn là do lỗi đánh máy của nhân viên kế toán. Khi tính viện phí, nhân viên cắt dán nhầm bệnh nhân nọ vào bệnh nhân kia, chứ đây không phải là chỉ định của bác sĩ. Chúng tôi đã yêu cầu bệnh viện nghiêm túc sửa chữa các lỗi và sơ sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dịch vụ“.

Phiếu chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo. Ảnh: internet


Cũng báo Tuổi Trẻ có bài: Thôn chặn xe đám cưới… đòi nợ tiền làm đường. Do gia đình bà Nguyễn Thị Thu, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên, còn thiếu thôn 1,5 triệu đồng để làm đường bêtông, thế là khi đám cưới con bà Thu về tới thôn, bí thư chi bộ cùng trưởng thôn, đoàn thanh niên đã chặn đường, yêu cầu gia đình bà Thu mang tiền đến nộp, mới cho xe cưới đi về nhà.

Ông Phạm Văn Quảng, trưởng thôn Sơn Tây cho biết: “Chúng tôi hết cách rồi, đây là biện pháp cuối cùng!” và “về tình thì tôi thấy cũng có sai, nhưng về lý thì họ nợ mình đòi bất kỳ thời điểm nào, trong luật cũng không có quy định điều đấy“.


Quan hệ Việt – Philippines
VOA đưa tin: TT Dutere ca ngợi hợp tác quốc phòng VN – Philippines. Theo hãng tin Cuba, Prensa Latina, cho biết, trong buổi đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Manila, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định, “hợp tác quốc phòng là một trong các cột trụ của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, và cho thấy mong muốn của ông trong việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam”.

Người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài ở VN
Về chương chình “thực tập sinh” tại Nhật, Bác sĩ Nhật cảnh báo thực tập sinh người Việt. VOA cho biết, ông Junpei Yamamura, một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Minatomachi ở thành phố Yokohama, khuyên, “người Việt Nam khi đến Nhật học nghề nên cẩn trọng, đồng thời cho rằng hệ thống dạy nghề ở Nhật giống như ‘chế độ nô lệ’.”

VOA có bài: Du khách ngoại quốc có an toàn ở Việt Nam?Bác sĩ Nguyễn, khách du lịch từ Việt Nam, qua thủ đô Washington, nói về VN: “Thứ nhất là, an toàn thực phẩm là du khách phải chú ý. An toàn giao thông, du khách cũng phải chú ý, tại vì ở Việt Nam vấn đề giao thông nó kinh khủng! Cái thứ ba mà tôi nghĩ du khách nên làm là tìm hiểu tập quán của người Việt Nam một chút, lý do là vì ở Việt Nam ý thức về văn hóa cũng như phép lịch sự nói chung, chưa đạt mục tiêu đề ra…


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ, BBC đưa tin: Trump giận dữ về bà Clinton và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử. Giữa lúc có tin về vụ bắt giữ đầu tiên liên quan tới điều tra, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đăng một loạt tin trên Twitter, nói rằng “các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là ‘giả mạo’ và là một cuộc ‘săn phù thủy’.” Mỹ: Tổng thống Trump phản công trước các buộc mới về vụ thông đồng với Nga (RFI).

VOA cho biết: Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của TT Trump trình diện FBI. CNN và New York Times đưa tin, “ông Paul Manafort đã ra đầu thú với giới hữu trách liên bang hôm thứ Hai 30/10, liên quan tới những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về việc Nga có thể đã can dự vào cuộc bầu cử Mỹ 2016”.

Tin cũng cho biết, “ông Manafort, 68 tuổi, làm quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2016. Ông đã từ chức khi có tin nói rằng ông có lẽ đã nhận hàng triệu đôla bất hợp pháp từ một chính đảng thân Nga tại Ukraine”.

VOA đưa tin: Ông Paul Manafort bị truy tố 12 tội danh“trong đó có tội âm mưu chống lại Hoa Kỳ và rửa tiền”, theo văn phòng công tố đặc biệt liên bang. Nga can thiệp bầu cử Mỹ: Cựu giám đốc tranh cử của Donald Trump chính thức bị buộc tội (RFI). – Ông Paul Manafort là ai? (VOA).

VOA đưa tin: Tài liệu Mỹ hé lộ thêm về vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm. Dẫn nguồn AP, theo tài liệu mới được giải mật hôm 27/10, trong một phiên điều trần năm 1975, Tổng thống Lyndon B. Johnson khai, “đã từng lan truyền tin tức nói rằng lý do ông Kennedy bị ám sát là vì ông ấy đã cho ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và đây là sự công bằng của công lý”.

VOA có bài: Ông McCain nhớ về ‘giờ phút đen tối nhất’ ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm ngày ông bị bắt tại Việt Nam. Viết trên trang Facebook hôm 26/10, ông McCain bày tỏ: “Vinh dự lớn lao của đời tôi là được đồng hành phụng sự với những anh hùng ở Việt Nam, những người Mỹ mà tình đồng đội, sự dũng cảm và kiên cường của họ trước những khó khăn to lớn đã động viên chúng tôi chống lại những kẻ bắt giữ và tìm được sức mạnh và hy vọng ngay trong những giờ phút đen tối nhất”.

Chống bán phá giá: Trung Quốc phản đối Mỹ trước khi ông Trump tới thăm. VOA cho biết, theo đơn khiếu nại với Bộ Thương mại Mỹ của các nhà sản xuất nhôm Hoa Kỳ, Bộ này cho biết “vào ngày 23/2/2018 sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với mức thuế suất nhập khẩu (nhôm lá Trung Quốc)”.

VOA có bài: Ông Duterte sẽ ‘chân thành’ tiếp đón ông Trump. Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/10 nói rằng: “Tôi sẽ làm việc với Tổng thống Trump một cách chân thành nhất, chào đón ông ấy như một nhà lãnh đạo quan trọng. Tôi cũng sẽ lắng nghe ông ấy và những điều ông ấy nói”.

Trung Quốc
RFI đưa tin: Trung Quốc: Ba cựu lãnh đạo bị cáo buộc âm mưu tạo phản. Dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã, cho biết, “báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật khẳng định là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để và diệt trừba cựu lãnh đạo tham gia âm mưu tạo phản”.

Được biết, ba cựu lãnh đạo này là: Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu bí thư Trùng Khánh; Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công An và ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), từng là chánh văn phòng cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Các nước châu Á khác
RFI đưa tin: Trung – Hàn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên“Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, ngày 30/10/2017, thông báo, các đại diện của Bắc Kinh và Seoul trong cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ gặp gỡ vào ngày 31/10/2017 tại Bắc Kinh”.

Nặng phần trình diễn: Kim Jong-un nhấn mạnh ‘quan hệ huyết thống’. BBC đưa tin, “nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa đi thăm nhà máy mỹ phẩm ở Bình Nhưỡng cùng vợ Ri Sol-ju và em gái Kim Yo-jong”. Một nhà phân tích chuyên về Bắc Triều Tiên, cho rằng, chuyến thăm này là “để chứng tỏ rằng Bình Nhưỡng có thể chăm sóc người dân của mình, đồng thời mang lại sự thịnh vượng ở mức tương đương với Bắc Kinh và Seoul”.

VOA có bài: Đài Loan phản đối Campuchia trục xuất nghi phạm sang Trung Quốc. Theo tờ Taipei Times, Bộ Ngoại giao Đài Loan mới lên tiếng cáo buộc chính quyền Phnom Penh đưa các nghi phạm Đài Loan sang Trung Quốc. “Từ ngày 17/10 – 21/10, Cục Di trú Campuchia đã bắt giữ 110 nghi phạm gian lận viễn thông, trong đó có 19 người Đài Loan”.


Châu Âu và Trung Đông
RFI có bài phân tích: Tây Ban Nha: Catalunya làm liều tự sát. Theo báo Le Figaro, về hậu quả kinh tế, “chỉ trong vòng có ba tuần vừa qua, do khủng hoảng chính trị, các doanh nghiệp quan trọng của vùng Catalunya – theo ước tính mới nhất là 1.500 doanh nghiệp – đã chạy vội ra khỏi nơi đây để đến những nơi khác ở Tây Ban Nha”.

Về khủng hoảng Catalunya: Tây Ban Nha: Catalunya ngày đầu tiên dưới sự giám hộ của Madrid. RFI cho biết: “Thời kỳ giám hộ chỉ kéo dài đến ngày 21/12, khi có cuộc bầu cử vùng trước thời hạn do Madrid ấn định”. Tương lai Catalunya tùy thuộc sức kháng cự của phe ly khai (RFI).

BBC có bài phân tích: ‘Stalin trung thành với chủ nghĩa Marx’. Tội ác khủng khiếp của Stalin, “chỉ trong hai năm 1937-38, công an Liên Xô đã bắt hơn 1,5 triệu công dân và xử bắn 682 nghìn người”.

Theo cuốn sách mới ‘Stalin Waiting for Hitler 1928-1941’ của Stephen Kotkin, Giáo sư trưởng bộ môn nghiên cứu về Nga tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ, vừa ra mắt ở Anh: “Mục tiêu của Stalin mà ông ta thực sự tin vào, là để ‘cải tạo toàn bộ xã hội theo mô hình cộng sản’, từ nông thôn tới thành thị. Vấn đề chính của các tội ác Stalin gây ra không phải là bệnh lý, mà là niềm tin sâu sắc rằng sau Lenin, ông ta là người có sứ mệnh cải tạo nhân loại bằng cuộc cách mạng cộng sản”.

RFI đưa tin: Nga khánh thành đài tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị thời Liên Xô. Bản tin cho biết: “Ngày 30/10/2017, nước Nga khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân những vụ đàn áp chính trị thời Liên Xô, với sự hiện diện của tổng thống Vladimir Putin”.

RFI đặt câu hỏi nhân chuyến công du của Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út tới Nga, kéo dài ba ngày từ 4/10 đến ngày 6/10/2017: Nga – Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau, Hoa Kỳ khó chịu? Tác giả kết luận: “Các khoản giao dịch với Nga chưa thấm vào đâu so với 100 tỉ đô la trong hợp đồng mua vũ khí với Mỹ. Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã tỏ ra “cao tay” khi thông qua kế hoạch bán một hệ thống lá chắn tên lửa THAAD cho Riyad, bị trì hoãn từ lâu, vào ngày 08/10, chỉ hai ngày sau đề nghị bán vũ khí của Nga”.

RFI đưa tin: Irak: Massoud Barzani từ bỏ vị trí lãnh đạo vùng Kurdistan. Tin cho biết: “Tối 29/10/2017, trên truyền hình, ông Massoud Barzani đã thông báo tin sẽ không tiếp tục lãnh đạo vùng tự trị Kurdistan thuộc Irak”. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh: Bahrain muốn đình chỉ tư cách thành viên của Qatar (RFI).

Về hiệu ứng nhà kính: Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên mức kỷ lục. RFA dẫn thông báo từ Liên Hiệp Quốc, ngày 30 tháng 10, dựa theo số liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới, “nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển Trái Đất tăng vọt ở tốc độ kỷ lục, đòi hỏi cần phải có hành động quyết liệt để đạt được mục tiêu đã được đề ra trong Hiệp định Khí hậu Paris”.

Ấn Độ Dương
VOA đưa tin: Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chống tàu ngầmDẫn nguồn từ Economic Times, cho biết: “Các lực lượng hải quân Ấn Độ và Nhật Bản hôm 29/10 bắt đầu cuộc tập trận chống tàu ngầm quan trọng ở Ấn Độ Dương. Tham gia tập trận có một máy bay do thám chống ngầm tầm xa P-8 của Hải quân Ấn Độ và hai máy bay chống ngầm P-3 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMDSF)”. RFA: Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chống chung chống tàu ngầm.

-----------------------------------

Bài Mới Nhất
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017









No comments: