Posted on 31/10/2017
Ngày 30/10/2017, chính trường Mỹ rúng động với việc
cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của Donald Trump là Paul Manafort và người đối
tác Rick Gates, đã ra đầu
thú với chính quyền liên bang Hoa Kỳ.
Hiện cả hai đang bị tạm giữ tại Cục Điều tra Liên
bang (Federal Bureau of Investigation – FBI) và bị cáo buộc 12 tội danh, trong
đó có tội “âm mưu chống lại nước Mỹ” (conspiracy against the United States).
Người ký bản cáo trạng nói trên là Robert S.
Mueller.
Người đang sờ gáy và bắt giam những thuộc hạ thân tín của đương kim Tổng
thống Mỹ Donald Trump, ông là ai và có quyền lực như thế nào? Ảnh: CNN
Robert Muller không phải là một cái tên xa lạ trong
chính trường Mỹ. Ông là cựu Giám đốc FBI trong 12 năm liên tiếp dưới thời các tổng
thống Geogre W. Bush và Barack Obama (được bổ nhiệm 10 năm và sau đó được đề
nghị tiếp tục chức vụ thêm hai năm).
Giữa tâm bão cuộc khủng hoảng chính trị của nội các
chính phủ Donald Trump vào đầu năm nay, ngày 17/05/2017 Robert Mueller được bổ
nhiệm để điều tra về những cáo buộc liên quan đến việc Nga đã thao túng mùa bầu
cử Mỹ năm 2016.
Vậy Robert Mueller là ai, và chức vụ công tố viên đặc
biệt mà ông được bổ nhiệm có những quyền hạn gì khi điều tra một vụ việc có
liên quan đến tổng thống Hoa Kỳ?
Công tố
viên đặc biệt là ai?
Trước khi tìm hiểu về công tố viên đặc biệt, chúng
ta nên nói sơ qua về công tố viên. Quyền công tố (prosecution) được hiểu nôm na
là quyền quyết định có tiến hành điều tra, truy tố một người đang bị nghi ngờ
là phạm tội theo trình tự của pháp luật hay không, kể cả các quan chức nhà nước.
Ví dụ khi nghi ngờ ai đó phạm tội, cơ quan công tố sẽ
mở hồ sơ điều tra, kết hợp với các cơ quan hành pháp để thu thập bằng chứng phạm
tội, rồi đưa người đó ra tòa án để xét xử.
Nhiệm vụ của cơ quan công tố không phải là cố gắng
buộc tội ai đó, mà nó đại diện cho lợi ích công cộng, tức là bảo vệ nhân dân và
hiến pháp, đảm bảo pháp luật được thực thi.
Tại Việt Nam, kiểm sát viên nắm quyền công tố, thuộc
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Ở hầu hết các nước khác, công tố viên (public
prosecutor) nắm quyền công tố và thuộc Bộ Tư pháp.
Tại Mỹ, công tố viên là những luật sư làm việc cho
chính phủ ở cấp tiểu bang và liên bang. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp liên bang
và tiểu bang đóng vai trò là công tố viên cao nhất ở cấp của mình, và còn được
gọi là Tổng Chưởng lý.
Ở cấp liên bang, có 94
công tố viên (U.S attorneys) do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn.
Công tố viên cấp liên bang điều tra các vi phạm luật liên bang: lũng đoạn, hối
lộ quan chức của các doanh nghiệp (white-collar crime), buôn bán ma túy và tham
nhũng.
Ở cấp bang, quận hạt và thành phố, công tố viên
(district attorneys) chịu trách nhiệm về các vụ án hình sự theo luật của tiểu
bang.
Vậy ai sẽ điều tra các sai phạm của tổng thống hay
các quan chức của nhánh hành pháp? Trong một số trường hợp, khó có thể để công
tố viên nhánh hành pháp điều tra nhánh hành pháp. Như thế có vẻ vừa có xung đột
lợi ích, vừa không khách quan.
Vì vậy một chức danh mới được chỉ định, đó là công tố
viên độc lập (independent counsel), hay công tố viên đặc biệt (special counsel
hay special prosecutor). Hai tên gọi này được dùng trong các thời kỳ khác nhau
nhưng quyền hạn là hoàn toàn giống nhau.
Lịch sử
của chức vụ công tố viên đặc biệt
Năm 1875, John B. Henderson được Tổng thống Ulysses
S. Grant bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để điều tra vụ trốn thuế của các
hãng sản xuất rượu, liên quan đến các quan chức chính phủ. Chính Tổng thống
Grant cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc này.
Tuy nhiên, Henderson bị tổng thống cách chức vì che
dấu một lá thư cá nhân liên quan đến cuộc điều tra. Một công tố viên mới được bổ
nhiệm. Cuối cùng, hơn 110 người bị kết án, bao gồm các quan chức và hơn ba triệu
đô la tiền thuế được trả lại cho chính phủ.
Năm 1952, Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm
Newbold Morris cho chức danh Trợ lý đặc biệt của Tổng chưởng lý (Special
Assistant Attorney General) để điều tra vụ tham nhũng ở Sở Thuế vụ (Internal
Revenue Service). Không lâu sau, Morris lại bị Tổng chưởng lý Howard McGrath sa
thải, khi buộc các quan chức cao cấp phải minh bạch về tài sản cá nhân. Ngay
sau đó, chính Tổng chưởng lý McGrath cũng bị Tổng thống Truman sa thải và bổ
nhiệm một vị mới, không bị xung đột lợi ích và tiếp tục điều tra.
Như vậy, cho đến năm 1952, công tố viên đặc biệt được
bổ nhiệm bởi tổng thống và chỉ có tổng thống mới có quyền sa thải. Điều này đã
có thay đổi sau khi cơn “địa chấn” Watergate làm rung chuyển chính trường Hoa Kỳ
năm 1973.
Năm 1973, vụ bê bối lịch sử Watergate của chính quyền
Richard Nixon nổ
ra sau khi năm người bị bắt quả tang đã đặt máy nghe lén trong trụ sở Ủy
ban Quốc gia của đảng Dân chủ. Những người đó bị cáo buộc là đã nhận nhiệm vụ
này trực tiếp từ thành viên nội các của Nixon. Sau đó, Archibald Cox được Nixon
bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Cox là một giáo sư luật của đại học
Harvard, nguyên là Tổng biện lý sự vụ (Solicitor General).
Cox yêu cầu chính quyền Nixon giao nộp các đoạn băng
ghi âm, nhưng bị từ chối. Tổng thống Nixon ra lệnh cho Tổng Chưởng lý và Phó Tổng
Chưởng lý, Elliot Richardson và William Ruckelshaus, phải cách chức Cox, song cả
hai đều từ chức chứ không chịu tuân theo yêu cầu này.
Công tố viên đặc biệt Archibald Cox trả lời báo chí tại Tòa địa hạt bang
Washington, sau khi Nixon ra lệnh sa thải ông tháng 10/1973. Ảnh: AP.
Giông tố nổi lên từ đây. Nixon bổ nhiệm một người tạm
giữ chức tổng chưởng lý, Robert Bork. Quyền Tổng chưởng lý Bork đã sa thải Cox.
Việc này khiến công chúng nổi giận, và người ta càng nghi ngờ hơn về những hành
vi mờ ám của chính quyền Nixon.
Hơn 50.000 người dân gửi điện đến Washington và 21
nghị sĩ Quốc hội ra nghị quyết luận tội Nixon. Nixon buộc phải bổ nhiệm một
công tố viên đặc biệt mới, Leon Jaworski. Nhưng chính Leon Jaworski vẫn tiếp tục
cuộc điều tra theo hướng của Cox chứ không lùi bước trước phe Nixon. Cuối cùng,
Jaworski đã có được các đoạn băng ghi âm, sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết
là tổng thống không có đặc quyền với những cuốn băng này.
Kết cục, Nixon đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên từ
chức khi đang tại vị để tránh bị luận tội ở Hạ viện.
Sau những lùm xùm quanh việc bổ nhiệm công tố viên đặc
biệt liên quan đến vụ Watergate, Quốc hội Hoa Kỳ đã sửa luật mà theo đó, nhiệm
vụ điều tra chính phủ và kể cả tổng thống được giao cho các “công tố viên độc lập”
(independent counsel), là những người được chọn và bổ nhiệm theo một quy trình
khá phức tạp, dựa trên Đạo luật Đạo đức Chính phủ (Ethics Government Act) năm
1978. Tổng chưởng lý phải tiến hành điều tra bước đầu về người mà họ định đề cử.
Nếu cần, ứng cử viên có thể phải trải qua một buổi thẩm định trước ba thẩm phán
liên bang. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ có hiệu lực đến năm 1999.
Việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt ở Mỹ hiện nay được
điều chỉnh bởi Bộ luật Quy tắc Liên bang (Code of Federal Regulations). Công tố
viên đặc biệt được tổng chưởng lý bổ nhiệm hoặc quyền tổng chưởng lý, nếu tổng
chưởng lý rút khỏi cuộc điều tra.
Không chỉ riêng gì nước Mỹ, cơ chế công tố viên đặc
biệt đang được sử dụng ở nhiều nước để hạn chế quyền lực nhà nước.
Tháng 3/2017, công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc,
ông Park Young-soo đã phanh phui bê bối về nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực
trong thời gian bà Park Geun-hye làm tổng thống. Bà Park sau đó không những bị
Quốc hội nước này luận tội, bị Tòa Bảo hiến phế truất chức vụ tổng thống, mà
còn phải đối diện với án tù.
Công tố
viên đặc biệt Mỹ có gì… đặc biệt?
Công tố viên đặc biệt Mỹ trước hết phải là một luật
sư. Ngoài ra, không thuộc đảng phái chính trị nào, có kinh nghiệm điều tra, hiểu
biết về luật hình sự và chính sách của Bộ Tư pháp.
Điều quan trọng, công tố viên đặc biệt phải là người
nằm ngoài bộ máy chính quyền để đảm bảo yếu tố công chính vô tư.
Mueller tuyên thệ trước khi tham gia điều trần tại Ủy ban đặc trách về Tư
pháp của Hạ viện. Ảnh: Alex Wong/Getty Images.
Robert S. Mueller đã được Phó Tổng Chưởng lý Rod
Rosenstein, hiện nắm quyền tổng chưởng lý của vụ điều tra này ký quyết định bổ
nhiệm trong vụ việc điều tra những cáo buộc về Nga thao túng mùa bầu cử năm
2016. Do có thông tin Jeff Sessions đã từng gặp gỡ Đại sứ Nga tại
Washington trong kỳ bầu cử đó nên ông này đã rút khỏi cuộc điều tra nói trên.
Bộ Tư pháp bổ nhiệm Mueller làm công tố viên đặc biệt
một cách hoàn toàn độc lập. Tổng thống Trump chỉ được thông báo sau khi Bộ Tư
pháp đã ký quyết định bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm Mueller được cả đảng Dân chủ và đảng Cộng
hòa ủng hộ.
“Robert Mueller là lựa chọn đúng đắn nhất. Mueller
là một người phi chính trị. Ông ấy chỉ tuân theo pháp luật và đưa ra quyết định
dựa trên chứng cứ, bất kể chúng dẫn đến các kết quả chính trị nào”, John
Pistole, cựu Phó Giám đốc FBI cho biết.
Quyết định bổ nhiệm nêu rõ Mueller có quyền điều tra
“bất kỳ liên kết hoặc sự phối hợp nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên
quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump”. Mueller cũng có quyền
điều tra “bất kỳ vấn đề nào trực tiếp phát sinh từ cuộc điều tra này”.
Điều này bao gồm cả việc điều tra liệu chính Tổng thống
Trump đã có hành vi cản trở tư pháp (obstruction of justice) hay không. Trump
đã bị cáo buộc là từng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey, ngừng điều tra cựu cố
vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (James Comey sau đó bị sa thải). Mueller
cũng có quyền mở hồ sơ đối với bất kỳ ai cản trở quá trình điều tra.
Quyền Tổng Chưởng lý Rosenstein có thể yêu cầu
Mueller giải thích bất kỳ hành động điều tra nào. Thế nhưng, muốn can thiệp vào
tiến trình điều tra, Rosenstein phải giải trình lý do can thiệp hợp lý với Ủy ban
Tư pháp của Quốc hội.
Sẽ ra
sao nếu Trump sa thải Mueller?
Với toàn quyền điều tra, Mueller đang sở hữu thứ “vũ
khí” có thể “sát thương” Tổng thống Trump và nhóm vận động tranh cử của ông ấy.
Và việc quyết định khởi tố Paul Manafort và Rick Gates hôm nay có lẽ là màn mở
đầu cho những ngày càng căng thẳng hơn sắp tới tại chính trường Mỹ.
Trong trường hợp Mueller tiếp tục cuộc điều tra theo
hướng ngày càng bất lợi cho phía Trump, thì Tổng thống có thể ra yêu cầu Bộ Tư
pháp sa thải Mueller và bổ nhiệm công tố viên đặc biệt mới. Nhưng điều này thật
không dễ xảy ra.
Ngay khi có tin đồn Trump muốn sa thải Mueller trong
những ngày ông này vừa được bổ nhiệm vào tháng 5/2017, Rosenstein đã lên tiếng
và cho biết, Mueller “chỉ có thể bị sa thải vì lý do chính đáng”, và chỉ có quyền
tổng chưởng lý, là ông, mới có thể quyết định.
Liệu phe Trump có ngồi yên để chờ các kết quả điều
tra từ Mueller lần lượt được đưa ra trước công chúng, hay sẽ châm ngòi cho một
vụ bê bối Watergate thứ hai của nước Mỹ bằng một quyết định sa thải công tố
viên đặc biệt? Mọi việc vẫn còn ở phía trước.
Tài
liệu tham khảo:
No comments:
Post a Comment