Monday, October 30, 2017

TIN CẬP NHẬT CHỦ NHẬT 29/10/ 2017 (Lê Minh Nguyên)






Tin Thế Giới

1.
Vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ: Nhà Trắng vẫn im lặng sau tiết lộ có nhiều người bị cáo buộc

Sau khi đài truyền hình CNN tiết lộ là ngày 27/10, bồi thẩm đoàn liên bang đã thông qua nhiều cáo buộc trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các cáo buộc này sẽ được công bố vào thứ Hai, 30/10, Nhà Trắng vẫn im lặng.

Thế nhưng theo thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet, tại Washington, thì nhóm cố vấn pháp lý của tổng thống Donald Trump đang ráo riết lùng sục thông tin xem ai bị cáo buộc và vì những lý do gì ?

“Không hề có dòng twit nào của Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đi chơi golf hôm thứ Bẩy tại một trong những câu lạc bộ của ông, ở Virginia. Thế nhưng, nhóm luật gia của Nhà Trắng đã làm việc cả ngày cố tìm ra xem ai là người bị buộc tội và vì những lý do gì. Tên của những người bị cáo buộc được giữ bí mật cho đến thứ Hai, 30/10.

Theo tờ The Wall Street Journal, thì ít nhất là có một người bị cáo buộc. Có rất nhiều suy đoán. Hai nhân vật được nói đến nhiều nhất là Paul Manafort, người đã chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong giai đoạn đầu và Michale Flynn, đã từng đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia trong một thời gian ngắn ngủi.

Chưởng lý đặc biệt Robert Mueller trước đây là đã bất ngờ ra lệnh khám xét tư dinh của ông Manafort, người có quan hệ làm ăn với Ukraina và Nga. Ông Flynn cũng có liên hệ với Matxcơva và đã từng có các hoạt động vận động hành lang giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số chuyên gia cho rằng ông chưởng lý muốn buộc tội Manafort và đề xuất cho nhân vật này nếu muốn tránh ngồi tù thì cung cấp các thông tin có thể dẫn đến việc buộc tội tổng thống ngăn cản tư pháp.

Tuy nhiên, theo Ty Cobb, luật sư của Nhà Trắng, thì ông Donald Trump không có gì phải lo ngại bởi vì ông cho rằng cả hai ông, Manafort và Flynn, không có các thông tin có thể có hại cho Donald Trump ».

Trong vụ này, ngay từ đầu, điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc và thách thức Hoa Kỳ đưa ra các bằng chứng về sự can thiệp của Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean Didier Revoin cho biết :

“Từ nhiều tháng qua, vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây cười cho Matxcơva. Về mặt chính thức, chính quyền Nga đã luôn luôn phủ nhận là có dính líu dưới bất kỳ hình thức nào đến việc Donald Trump thắng cử. Đồng thời, Matxcơva cũng nhấn mạnh, khi nói rằng Nga đã giúp cho nhà tỷ phú được bầu vào Nhà Trắng có nghĩa là coi Nga có thể thao túng được cử tri Mỹ trong khi Matxcơva không hề có khả năng này.

Ngày 16/10 vừa qua, ngoại trưởng Nga vẫn còn mỉa mai về vụ này. Ông Serguei Lavrov một mặt nói đến sự cay đắng của đảng Dân Chủ sau khi ứng viên của họ thất cử, mặt khác, lãnh đạo ngoại giao Nga nêu ra sự chống đối của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa mà theo ông Lavrov, chính những phần tử này đã tạo ra cơn cuồng loạn chống Nga tại Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Nga còn nhắc lại rằng sau khi cuộc điều tra đặc biệt được tiến hành, việc chỉ định một chưởng lý đặc biệt, các buổi điều trần của hàng chục người…thì không một thông tin được dò dỉ nào cũng như không có một sự việc nào mà Hoa Kỳ đưa ra khẳng định việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử.

Vậy thì, nếu như bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington, hôm thứ Sáu, 27/10, thông qua những cáo buộc hiện vẫn còn được giữ kín và sắp tới sẽ được công bố, thì điện Kremlin có nguy cơ phải điều chỉnh lại chiến lược biện hộ. Nhưng Matxcơva sẽ điều chỉnh bằng cách nào ? Còn quá sớm để nói về việc này”. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Đài Loan tới Hawaii dù Trung Quốc phản đối

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp xuống Honolulu hôm 28/10 trên đường tới thăm các đồng minh ngoại giao của hòn đảo này ở Thái Bình Dương, bất chấp phản đối mạnh của Trung Quốc.


Theo Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, coi đó là một vấn đề quan trọng cũng như nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ, đồng thời thường phản ứng với Washington về các lần quá cảnh ở Mỹ của các tổng thống Đài Loan.

Bà Thái, người Trung Quốc tin rằng đang mưu tìm độc lập cho Đài Loan, rời Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới ba đồng minh ở Thái Bình Dương là Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall, và quá cảnh ở Honolulu và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc bà Thái quá cảnh qua lãnh thổ Mỹ mang tính “cá nhân và không chính thức”, và dựa trên chính sách nhất quán của Mỹ về “các mối quan hệ không chính thức của chúng tôi với Đài Loan”, theo Reuters.

Bộ này cũng nhấn mạnh tới chuyện “không có thay đổi gì đối với chính sách một nước Trung Hoa của Mỹ”.
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tới thăm Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tuần nữa. Ông đã khiến Bắc Kinh tức giận tháng 12 năm ngoái khi nhận một cú điện thoại từ bà Thái ngay sau khi đắc cử tổng thống.

Đây là chuyến dừng chân tại Mỹ thứ hai của Tổng thống Thái trong năm nay.

Hồi tháng Một, bà cũng đặt chân xuống Houston và San Francisco trên đường đi và trở về từ Mỹ Latin. - VOA
|
|

3.
‘Đồng minh’ của ông Tập về nắm Thượng Hải

Ông Lý Cường, một đồng minh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mới được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Thượng Hải.

Reuters dẫn lời Tân Hoa Xã hôm 29/10 đưa tin rằng ông Lý thay thế ông Hàn Chính, người vừa được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tin cho hay, ông Lý, 58 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí bí thư ở Thượng Hải và không còn nắm giữ vị trí bí thư tỉnh ủy Giang Tô.

Bước đi này đã đưa đồng minh của ông Tập vào bốn thành phố lớn của Trung Quốc trong đó có Thượng Hải.

Ông Lý từng làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình khi ông Tập là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 tới 2007.

Ông Lý được bầu vào Bộ Chính trị của Trung Quốc gồm 25 thành viên tuần trước, và là ứng cử viên mạnh sẽ thăng tiến trong kỳ đại hội đảng kế tiếp năm 2022.

Tân Hoa Xã hôm 29/10 cũng đưa tin rằng một đồng minh khác của ông Tập đã thay ông Lý Cường làm bí thư Giang Tô. - VOA
|
|

4.
Cuba cáo buộc Mỹ ‘thao túng chính trị’

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba hôm 28/10 nói với một nhóm người Cuba hiện sinh sống ở Mỹ rằng cáo buộc của Washington về các vụ tấn công sóng âm bí hiểm đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Cuba là một hành động “thao túng chính trị” nhằm gây tổn hại tới quan hệ song phương.

Ông Bruno Rodriguez nói tại thủ đô Washington rằng “cái gọi là các cuộc tấn công bằng sóng âm hoàn toàn giả dối”.


Hoa Kỳ chưa chính thức đổ lỗi cho Cuba gây ra các sóng âm khiến các nhà ngoại giao Mỹ bị mất thích lực, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.

Nhưng tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông tin là chính quyền Havana chịu trách nhiệm.

Nhà Trắng tin rằng chính phủ Cuba có thể chấm dứt các sóng âm, vốn gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, và khiến Mỹ rút hơn một nửa nhân viên ngoại giao khỏi hòn đảo đồng thời trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba khỏi Washington.

Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu hạn chế cấp visa tới Cuba và cảnh báo người xin visa về các vụ tấn công bằng sóng âm.
Ông Rodriguez nói rằng việc rút các nhân viên ngoại giao Mỹ đang gây ra khó khăn cho những người Cuba muốn tới Mỹ.

Ông cũng bày tỏ sự bực bội về diễn biến mới này: “Theo quan điểm của chính phủ Cuba, thật không thể chấp nhận được và thật là thiếu đạo đức để cho người dân bị ảnh hưởng bởi khác biệt giữa các chính phủ”.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng Tám nói rằng một số công dân Mỹ có liên quan tới đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana đã bị ảnh hưởng từ “các vụ việc” liên quan tới sóng âm. Năm người Canada cũng bị ảnh hưởng. - VOA
|
|

5.
Madrid ‘hoan nghênh’ Puigdemont ra tranh cử

Chính phủ Tây Ban Nha nói sẽ hoan nghênh lãnh đạo vùng Catalonia mới bị sa thải, ông Carles Puigdemont, tham dự các cuộc bầu cử mới.

Chính quyền trung ương Madrid đã ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử mới bầu nghị viện của vùng vào tháng Mười Hai.

Ch
ính quyền trung ương đã tước quyền tự trị của Catalonia sau khi quốc hội vùng này bỏ phiếu tuyên bố độc lập.

Ông Puigdemont, lãnh tụ phong trào đòi độc lập, đang kêu gọi "chống đối dân chủ" trước quy chế cai trị trực tiếp mới được ban hành từ Madrid.

Ông lên án việc đình chỉ quyền tự trị với Catalonia và hứa sẽ tiếp tục "làm việc để xây dựng một đất nước tự do".

Khủng hoảng hiến pháp

Tây Ban Nha đã bị khủng hoảng hiến pháp do một cuộc trưng cầu độc lập được chính phủ ly khai của ông Puigdemont tổ chức hồi đầu tháng này nhằm chống lại phán quyết của Toà án Hiến pháp rằng tuyên bố đó là bất hợp pháp.


Ch
ính phủ Catalonia nói rằng trong số 43% cử tri tiềm năng tham gia, 90% ủng hộ độc lập.

Ngày thứ Sáu chứng kiến nghị viện vùng Catalonia tuyên bố độc lập và Madrid đáp trả bằng tuyên bố động thái đó là bất hợp pháp.

Thủ tướng Mariano Rajoy sau đó tuyên bố giải tán nghị viện vùng và bãi nhiệm ông Puigdemont khỏi vị trí lãnh đạo Catalonia và ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử mới ở vùng này.

Một cuộc biểu tình chống độc lập lớn dự kiến sẽ diễn ra vào cuối ngày Chủ nhật tại Barcelona, thủ phủ của vùng Catalonia.

Cuộc khủng hoảng chính trị cũng có thể được phản ánh trên sân bóng vào buổi chiều khi Real Madrid, đang bảo vệ chức đương kim vô địch ngoại hạng Tây Ban Nha, đến Catalonia để chơi bóng với Girona, đội được ông Puigdemont ủng hộ. - BBC
|
|

6.
Pháp có nhiều lý do để quan tâm xung đột Biển Đông

Pháp có nhiều lý do để quan tâm tới Biển Đông và cuộc xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, trong khi 'biết rõ' về Hoàng Sa và Trường Sa, theo một chuyên gia về lịch sử quốc phòng và hải quân đang làm việc ở Bộ Quốc Phòng nước này.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo về Biển Đông, xung đột và tiếp cận mới hồi hạ tuần tháng 10/2017 ở một Đại học tại Oxford, sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix nêu quan điểm:

"Về mặt lịch sử, Pháp có liên quan, bởi vì trên thực tế, Pháp đã có lúc, tôi phải nói, là đã sở hữu các đảo từ những năm 1930, như quí vị biết, trước cuộc chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1939.

"Và kế tiếp đó, sau Thế chiến II, vẫn với tư cách của một cường quốc thuộc địa, Pháp đã chiếm đóng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Và Pháp thậm chí đã cố gắng giữ Trường Sa sau khi đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, cho đến năm 1955, 1956.

"Nhưng sau đó, tôi muốn nói là trong tình hình hiện nay, rõ ràng Pháp quan tâm tới sự ổn định ở khu vực, do đó, về mặt ổn định và tránh xung đột là điều mà Pháp quan tâm nhiều hơn."

Trước câu hỏi đâu là giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Biển Đông hiện nay, nơi đã và đang diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ông Sheldon-Dulplaix đáp:

"T
ôi thực sự tin tưởng vào một cuộc đối thoại giữa các bên để xây dựng niềm tin.

"Vấn đề là các bên vẫn có chiều hướng giữ nguyên lập trường của mình và từ chối những nhượng bộ."

Vấn đề sâu xa từ xung đột Biển Đông

Trình bày về khía cạnh, tiếp cận và mặt quan tâm nhất của Pháp trong theo dõi vấn đề xung đột và tranh chấp tại Biển Đông, nhà sử học về quốc phòng và hải quân của Pháp cho biết quan điểm cá nhân:

"Khi nhìn vào cuộc xung đột này, quí vị có thể thấy nhiều hơn là tuyên bố chủ quyền của những bên tuyên bố.

"Rõ ràng với Trung Quốc đó là những vấn đề rất 'nội bộ', bởi vì vấn đề này đã được đưa ra truyền thông và đây là một vấn đề hết sức quan trọng, chính phủ Trung Quốc phải rất cẩn thận để tỏ ra là có năng lực, có thể bảo vệ được lợi ích của đất nước họ.

"Và nếu quí vị nhìn vào Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sợ mất một số đồng minh hoặc đối tác trong khu vực, nếu Hoa Kỳ không chứng tỏ được sự sẵn lòng hoặc sự hiện diện của mình, vì đây là tính chính danh cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

"Nhưng đáp lại, quí vị thấy Trung Quốc đang xem sự hiện diện này [của Hoa Kỳ] ở cách xa bờ biển của họ như ý chí của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc.

"Do đó, nó đi xa hơn chỉ là vấn đề của Biển Đông."

Trả lời câu hỏi đâu sẽ là đóng góp của Pháp cho các vấn đề, xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, sử gia từ Bộ Quốc phòng của Pháp đáp:

"Pháp chắc chắn là ủng hộ thượng tôn pháp luật, tôi nói là luật quốc tế, pháp quyền sẽ là những vấn đề quan trọng đối với Pháp, cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân theo thượng tôn pháp luật.

"Do đó, tôi nghĩ là đây phải là điều quan trọng nhất và rõ ràng là, như tôi đã nói, bất cứ một dạng xung đột nào cũng sẽ tạo ra những hệ quả, tác động không mong đợi về kinh tế của EU, mà mặc dù ở xa, thì đây vẫn là một quan ngại," nhà nghiên cứu nói trên quan điểm riêng của ông.

Sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix là Giám đốc Nghiên cứu tại Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên về lịch sử quốc phòng, hải quân và hải dương.

Ông là tác giả của một số biên khảo, sách tham khảo, trong đó có "Lịch sử hàng không mẫu hạm - từ nguồn gốc tới ngày nay" (2006), "Trốn và tìm: Lịch sử chưa từng kể về tình báo trên biển thời Chiến tranh lạnh" (2009) v.v... - BBC
|
|

7.
Myanmar bắt phóng viên nước ngoài do dùng camera bay

Cảnh sát Myanmar cáo buộc hai phóng viên nước ngoài và hai người Miến Điện là đã vi phạm luật nhập khẩu sau khi họ sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) ở gần quốc hội nước này.

Những người này bị giam giữ cho tới khi có phiên xử đầu tiên, và có thể phải đối diện với mức án tù ba năm.

Phóng viên người Malaysia và người Singapore đang làm việc cho hãng truyền thông TRT của Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng dâng cao giữa Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ quanh cuộc khủng hoảng Rohingya, vốn đã khiến hơn 600.000 người bỏ chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar sang Bangladesh.

Hồi tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng tình trạng bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya đã lên tới mức diệt chủng. Myanmar thì nói họ đang chiến đấu chống lại tình trạng nổi dậy.

Các nhân viên an ninh đã phát hiện ra nhóm phóng viên điều khiển camera bay ở khu vực gần các tòa nhà quốc hội và các ngôi chùa ở thủ đô Naypyidaw, truyền thông nhà nước tường thuật.

Lau Hon Meng từ Singapore và Mok Choy Lin từ Malaysia đã bị bắt giữ từ hôm thứ Sáu.

Người phiên dịch cho họ, phóng viên người Miến Aung Naing Soe cùng tài xế của nhóm cũng bị bắt giữ.

Phát ngôn viên cảnh sát nói các phóng viên đã "nhập khẩu drone bất hợp pháp".

TRT nói hãng đang thảo luận với giới chức Myanmar để đạt được việc thả người.

Bộ Ngoại giao đã thông báo cho đại sứ quán Singapore và Malaysia về vụ bắt giữ các phóng viên, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Nhà Trắng đề cử quan chức quân sự phụ trách châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đề cử một quan chức quân sự hàng đầu phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.


Trong một tuyên bố ra cuối ngày 27/10, Nhà Trắng cho biết rằng ông Trump dự định đề cử ông Randall Schriver làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Yonhap, ông Schriver từng làm phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2003 tới năm 2005.

Trước đó, ông làm chánh văn phòng và cố vấn chính sách cấp cao trong hai năm cho Phó Ngoại trưởng Richard Armitage.

Gần đây nhất, ông là đối tác thành lập Armitage International, một tập đoàn tư vấn về phát triển thương mại quốc tế, cũng như CEO và chủ tịch của Project 2049 Institute, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về xu hướng an ninh ở châu Á, theo Nhà Trắng.

Ông Schriver được cho là người ủng hộ Đài Loan và từng được tổng thống Đài Loan trao tặng huân chương vì thúc đẩy quan hệ song phương thời còn làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ.

CNA hôm 28/10 đã dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng hoan nghênh việc đề cử ông Schriver.

Thông báo trên được công bố ít ngày trước khi Tổng thống Trump có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức.

Từ ngày 3 – 14/11, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. - VOA
|
|

9.
Mỹ ‘đang chia rẽ’ như thời Chiến tranh Việt Nam

Phần lớn người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng chia rẽ chính trị nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam, và 60% số người được hỏi tin rằng Tổng thống Donald Trump khiến tình hình nghiêm trọng hơn, theo một cuộc thăm dò dư luận.


Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến, được tờ The Washington Post và Đại học Maryland thực hiện, công bố hôm 28/10, cho thấy rằng chính trị Hoa Kỳ đang “rơi xuống mức thấp nguy hiểm”.

70% số người được hỏi cho rằng các khác biệt về chính trị hiện nay đã gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam.

Con số đó tăng lên 77% trong nhóm người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, và nhiều người trong số đó trưởng thành những năm 60, theo tờ Washington Examiner.


85% số người trả lời thăm dò cho rằng ông Trump là người gây ra chia rẽ trên chính trường Mỹ, và 51% cho rằng “nhiều” sự chia rẽ hiện thời là do lỗi của đương kim tổng thống.

Các nguyên nhân khác gồm: tiền bạc trong chính trị (96%), những người giàu đóng góp vào chính trường (94%), các nhóm có quan điểm cực đoan ở cả hai đảng (93%), truyền thông (88%) hay Quốc hội (94%).

Cuộc thăm dò 1.663 người Mỹ trưởng thành được tiến hành từ ngày 27/9 tới ngày 5/10. - VOA
|
|

10.
Cựu Tổng thống Obama được mời ngồi ghế bồi thẩm đoàn

Ông Barack Obama từng làm xong nghĩa vụ công dân khi phục vụ với tư cách tổng thống. Nay ông đang chờ thi hành một nghĩa vụ khác, đó là ngồi ghế bồi thẩm đoàn (jury duty).

Đài truyền hình KTLA 5 trích lời Chánh Án Timothy Evans của Cook County hôm Thứ Sáu cho hay, ông Obama vừa được triệu mời ngồi ghế bồi thẩm đoàn vào tháng tới tại Illinois.

Cựu tổng thống tuy đang ở Washington DC nhưng vẫn còn giữ một địa chỉ ở Chicago.

Với một bằng tốt nghiệp từ trường luật Harvard Law School, kinh nghiệm đi dạy về môn luật và tám năm lãnh đạo đất nước, ông thừa khả năng để trở thành một thành viên của bồi thẩm đoàn.

Ông Obama không phải là cựu tổng thống đầu tiên nhận được giấy mời làm nghĩa vụ jury duty. Hồi năm 2015, cựu Tổng Thống George W Bush từng đến trình diện tại một tòa án ở Dallas để làm nghĩa vụ này. Tuy lần ấy ông không được tuyển nhưng ông phải ngồi trong suốt tiến trình làm thủ tục tuyển bồi thẩm đoàn.

Các tòa án ở Illinois từng có các chính trị gia và người nổi tiếng làm nghĩa vụ jury duty, trong đó có bà Oprah Winfrey.

Hồi năm 2004, bà Winfrey trong số 12 bồi thẩm khác ngồi nghe một vụ xử về tội sát nhân, mà cuối cùng bị cáo bị kết tội. Về sau bà Winfrey cho hay lần đó là một trong những kinh nghiệm buồn thảm nhất mà bà từng kinh qua.

Làm bồi thẩm ở Cook County sẽ được trả $17.20 mỗi ngày. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

11.
Việt Nam ‘cấm cửa’ Bitcoin


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 28/10 ra thông báo, khẳng định rằng sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự sẽ bị phạt 150 tới 200 triệu đồng.


Văn bản của ngân hàng này khẳng định rằng “Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam” nên việc phát hành, cung ứng, sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán là “hành vi bị cấm tại Việt Nam”.

Thông báo còn dẫn một nghị định của chính phủ, theo đó quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng này cho rằng “việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”.

Ngoài việc có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng, người sử dụng tiền ảo như Bitcoin có thể bị truy cứu theo Bộ luật Hình sự từ ngày 1/1/2018.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đưa ra ít ngày sau khi Đại học FPT thông báo chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin.


Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo lãnh đạo đại học này, việc bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng loại tiền ảo này vì là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường.

Sau lệnh cấm, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, được tờ báo dẫn lời nói rằng “Bitcoin là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà các trường đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng tới như một đối tượng nghiên cứu”.

Trả lời VOA Việt Ngữ trước đây, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét rằng "trước một xu thế trên thế giới mà mình không cho phép sử dụng gì cả thì theo tôi đấy là một vấn đề cần bàn cãi".

Bitcoin hiện được coi là tiền ảo được nhiều người ưa chuộng trên thế giới và tăng giá chóng mặt trong thời gian qua.

Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, giá trị của tiền ảo này ngày 29/10 là 5946 đôla Mỹ/Bitcoin.

Trước Việt Nam, một số quốc gia cũng đã cấm giao dịch bằng loại tiền ảo đang thịnh hành này, trong đó có Trung Quốc. - VOA
|
|

12.
Mỗi người Việt Nam đang gánh 33 triệu đồng ‘nợ công’

Mỗi người Việt Nam từ người già “gần đất xa trời” đến trẻ sơ sinh đang phải gánh 33 triệu đồng “nợ công” trong năm nay.

Nếu tính theo tỉ giá hiện nay 22,685 đồng chính thức đổi được một đô la Mỹ thì 33 triệu sẽ khoảng $1,454.

Theo truyền thông nhà nước mới đây, nhà cầm quyền trung ương vừa gửi đến quốc hội về tình hình nợ công thì “dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3.13 triệu tỷ đồng, tương đương 62.6% GDP (tổng sản lượng quốc gia) . Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay lại tăng 0.27 triệu tỷ đồng,” theo VNExpress

Không có gì đáng tin cậy trong các con số vừa nêu vì chúng trái ngược với những gì các chức sắc cấp cao của chế độ từng đề cập bên cạnh các bản tường trình của Ngân Hàng Thế Giới, một định chế quốc tế đứng đằng sau rất nhiều các dự án tài trợ cho Việt Nam xóa đói giảm nghèo mấy thập niên qua.

Nếu chỉ căn cứ theo những gì được VNExpress thuật lại, tính đến đến hết năm 2017 “nợ chính phủ khoảng 2.59 triệu tỷ đồng (51.8% GDP) và nợ được chính phủ bảo lãnh khoảng 498,000 tỷ đồng, nợ địa phương 39,600 tỷ đồng.”

Dân số Việt Nam hiện nay, lấy chẵn, là 94 triệu người, thì chia ra, mỗi đầu người từ những người già đến đứa trẻ sơ sinh, phải gánh một số nợ của nhà cầm quyền đi vay để nuôi chế độ là 33 triệu, cũng tính chẵn cho gọn.

Những năm vừa qua, không năm nào ngân sách CSVN không bị thâm thủng. Năm nào cũng phải vay nợ để bù đắp cho lỗ hổng ngày một to hơn, nuôi bộ máy đảng và nhà nước ngày một phình to hơn.

Theo báo cáo kể trên, năm 2018, chế độ Hà Nội “dự kiến vay mới để trả nợ gốc khoảng 146,770 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40,000 tỷ và vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 195,000 tỷ… Cùng với đó, dự kiến vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương gần 11,150 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là gần 10,000 tỷ.”

Đưa ra các con số như thế, bản báo cáo gửi quốc hội thông báo “nợ công năm 2018 sẽ ở mức khoảng 63.9% GDP, nợ chính phủ 52.5% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47.6% GDP.”

Cách đây hai tuần lễ, Ngân Hàng Thế Giới (WB) khuyến cáo rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng nhanh và cũng là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). WB dự báo, áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ lớn trong 3 năm tới.

Hơn một năm trước, ngày 14 Tháng Chín, 2016 tờ Đất việt thuật theo báo cáo của chính phủ nói “Nợ công Việt Nam đã chiếm 65%” và Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư “cảnh báo nguy cơ vượt trần.”

Nếu cứ tiếp tục chi tiêu kiểu bóc ngắn cắn dài như hiện nay, nợ công của Việt Nam sẽ “có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ,” theo một phúc trình của WB và Bộ Tài Chính.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thuật lại nội dung của “Báo cáo đánh giá chi tiêu công” của Việt Nam vừa được Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố sáng 3 Tháng Mười, 2017 cảnh cáo như vậy. Đây không phải là cái gì mới khám phá vì từng được báo động nhiều lần nhưng nhà cầm quyền gần như mỗi ngày một lún sâu hơn.

Mặc dù “vẫn trong ngưỡng Quốc Hội đặt ra (dưới 65% GDP) nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài Chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỷ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP” Lời khuyến cáo trong bản tường trình nói trên được TTXVN kể lại.

“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài Chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới,” Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, một trong những thành viên soạn thảo phúc trình được dẫn lời nhận định. - nguoiviet
|
|

13.
‘Dư luận viên’ được công an ‘bảo kê’ bao vây giáo xứ ở Nghệ An

Chiều 29 Tháng Mười, hình ảnh và clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người giương cờ đỏ sao vàng của CSVN tràn về bao vây nhà thờ Giáo Họ Văn Thai, Giáo Xứ Song Ngọc thuộc xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhóm này được cho là do ông Trần Nhật Quang, một “dư luận viên cao cấp” của Hà Nội thường xuyên gây hấn với các nhà hoạt động chỉ trích chính quyền, cầm đầu.

Cuộc bao vây này đã được báo trước vì theo Linh Mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, từ chiều 25 Tháng Mười, chính quyền xã Sơn Hải đã thông báo về việc “Hội Cờ Đỏ Ba Miền” sẽ kéo về địa điểm nằm cách nhà thờ Văn Thai chừng 30m hôm 29 Tháng Mười.

Linh Mục Đình Thục là một trong hai vị chủ chiên dẫn dắt các đoàn giáo dân, ngư dân miền Trung đi kiện chính quyền đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa cá chết do Formosa gây ra hồi năm ngoái. Hồi Tháng Sáu, Linh Mục Đình Thục từng bị báo Nghệ An mô tả là phần tử “gây kích động, phản động trong cộng đồng.”

Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo tường thuật: “Hơn 700 người thuộc Hội Cờ Đỏ đã tập trung tụ tập tại sát nhà thờ giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc để ăn uống và hò hét chửi bới các linh mục.”

“Khoảng 3 giờ chiều ngày 29 Tháng Mười, hàng trăm xe máy ồ ạt kéo về xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Động thái này được cho là nhà cầm quyền Nghệ An muốn gây áp lực lên các linh mục và giáo dân đang đừng lên đòi công lý và quyền lợi chính đáng (trong vụ Formosa đầu độc biển miền Trung).”

Hồi Tháng Tư, các nhà hoạt động cáo buộc “Hội Cờ Đỏ” đàn áp giáo họ Văn Thai và sự vụ này được tái diễn ở Giáo Xứ Đông Kiều ở hạt Đông Tháp, Giáo Phận Vinh vào Tháng Chín.

Nhà Hoạt Động Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm, nói với Người Việt hôm 29 Tháng Mười: “Những người trong ‘Hội Cờ Đỏ’ thường chọn thời điểm đêm tối mới ra tay ném đá vào nhà giáo dân, mái tôn, ném vào người kết hợp với tiếng la hét inh ỏi, tạo ra một bầu không khí bạo lực và hoảng loạn, thậm chí cầm gậy gộc và đánh đập giáo dân. Tất cả các hành động của họ diễn ra dưới con mắt của công an có mặt ở hiện trường nhưng không dẹp loạn. Những hành động của ‘Hội Cờ Đỏ’ nhắm vào các linh mục, giáo dân và những nhà hoạt động đấu tranh tại Việt Nam dần mở ra cho chúng ta thấy rằng hội này như là một cánh tay nối dài và là chiến lược hữu hiệu của an ninh CSVN.”

Trả lời Người Việt, Luật Gia Nguyễn Đình Hà bình luận: “Tôi muốn biết Chính Quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Ngọc và Sơn Hải nghĩ gì, có quan điểm ra sao về Hội Cờ Đỏ? Nếu hội này có hành vi trái pháp luật với giáo dân Giáo Xứ Song Ngọc, Giáo Họ Văn Thai, thuộc Giáo phận Vinh, thì phía chính quyền sẽ làm gì? Hơn nữa, Hội Cờ Đỏ thành lập có đúng theo quy định của pháp luật hay không? Tôi hỏi như vậy, bởi trong nhiều tháng qua, Hội Cờ Đỏ ở huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, như tuần hành bằng xe máy, cầm cờ, hò hét, đi xe dàn hàng ngang, kéo thành đoàn dài, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. Mặt khác, căn cứ Bộ Luật Hình Sự, các thành viên của Hội này có dấu hiệu phạm tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết,” khi thực hiện nhiều hành vi có tác động xấu, ảnh hưởng đến sự đoàn kết Lương – Giáo tại địa phương.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2









No comments: