CHUYỆN
CHỮ NGHĨA: “KIỀU”
(Bài cũ post lại cho tường nhà đỡ quạnh)
(Bài cũ post lại cho tường nhà đỡ quạnh)
"Kiều"
đây không phải nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du, mà là chữ "kiều" trong
"Việt kiều". Chữ "kiều" (僑) này:
-
Khi là động từ, nó có nghĩa là "ăn nhờ ở đậu". Vd: "kiều
cư" là ở nhờ nơi đất khách, ở đậu chốn không thuộc về gốc gác mình;
-
Khi là danh từ, nó chỉ người phải sống nhờ ở làng nước khác. Vd: "Hoa kiều"
là từ dùng để chỉ người có quốc tịch Tàu sống ở nước ngoài[1];
-
Khi là phó từ, nó có nghĩa là tạm thời. Vd: "kiều trí" là mượn tên đất
này để tạm đặt cho đất khác[2].
Dù
thuộc từ loại nào thì chữ "kiều" cũng có nghĩa là sự tạm bợ, trôi nổi
bềnh bồng.
Trở lại với "Việt kiều", lâu
nay ta vẫn dùng từ này để gọi chung những người Việt Nam sống ngoài đất nước. Cách gọi này là hàm hồ và có nhiều bất cập.
"Việt
kiều" là ai? Hiểu cho đúng nghĩa thì đó là những người có quốc tịch Việt
Nam nhưng sống ở nước khác.
Từ
xưa, đã có người Việt di cư ra hải ngoại, nhưng đó chỉ là hiện tượng rời rạc,
lác đác, không đủ để hình thành được những cộng đồng người Việt ở nước ngoài[3].
Phải đợi đến sau cơn quốc biến 30-4-1975, làn sóng người Việt di tản mới ồ ạt
và hình thành những cộng đồng lớn ở các nước. Và sau này, khi những di dân đó
thành đạt ở xứ người thì họ được chính quyền Việt Nam gọi là "Việt kiều"
với ý nịnh bợ tâng bốc. Nhưng chữ "Việt kiều" này là do người trong
nước đặt ra để gọi vậy thôi, hiếm có người Việt ở nước ngoài nào tự xưng như vậy;
nếu có, cũng chỉ là theo nghĩa tự trào, lấy châm biếm làm chính. Ở các nước mà
cộng đồng người Việt đến sinh sống, người ta cũng không gọi họ Việt kiều, mà gọi
là những người "tị nạn"
(refugee) hoặc "thuyền
nhân" (boat people). Khi những người tị nạn đó đã có thẻ thường trú nhân hoặc nhập quốc tịch
nước khác thì họ không còn là công dân Việt Nam nữa. Từ nay, với quốc tịch
khác, họ có những quyền lợi và nghĩa vụ với tổ quốc mới mình đã chọn, những
ràng buộc cũ với Việt Nam được cắt đứt. Họ thành những công dân Anh, Mỹ, Pháp,
Đức... Chẳng có duyên cớ
gì để gọi họ là "Việt kiều" nữa, mà
phải gọi là người Anh/ Mỹ/ Pháp/Đức… gốc Việt.
Từ
chỗ sai lầm hoặc cố tình ngộ nhận này còn đẻ ra lắm danh từ lạ lùng và vô
duyên, như gọi người gốc Việt đang ở Pháp thành "Pháp kiều", hay là
người gốc Việt ở Thụy Sĩ thành "Thụy kiều"[4].
Từ
chỗ nhìn nhận từ "Việt kiều” để chỉ những người thành công, có sản nghiệp ở
nước ngoài, tâng bốc nâng niu họ lên thành "khúc ruột ngàn dặm" đó đã
dẫn đến những trái khoáy là những "Việt kiều" đích thực, theo đúng
nghĩa ngụ cư của chữ "kiều" thì lại bị bỏ bê, không ai ngó ngàng.
Việt kiều đích thực
là ai?
Là những người Việt đang sống chui lủi, tạm bợ, không giấy tờ tùy thân, là những
công nhân xuất khẩu lao động, những du học sinh đang tu nghiệp ở nước ngoài.
Trong khi người ta trải thảm đỏ mời gọi những nhà đầu tư gốc Việt mang vốn từ
nước ngoài về xây dựng đất nước thì một bộ phận lớn "Việt kiều" thực
thụ đã bị lãng quên, và cả khinh thị nữa. Vậy đó: "Việt kiều" đáng lẽ
ra là một bộ phận mà đất nước phải cưu mang lại được hiểu trớ ra là những người
gốc Việt có của ăn của để, với hàm ý nhắc nhở họ phải cưu mang đất nước cũ.
Tóm lại, từ "Việt
kiều" là một sự ngụy tạo, đánh tráo, biến dân xứ người thành dân nước mình
của nhà nước Việt Nam. Chính quyền này không phải thiếu sáng suốt đến độ không
nhận ra một sự thật hiển nhiên là có những người Việt Nam không mang (và cũng
không hề muốn phải mang) quốc tịch Việt Nam, nhưng người ta vẫn muốn bấu víu
vào gốc gác đồng hương cũ để khuyến dụ, chài mồi ngoại tệ.
Hãy
dùng chữ cho đúng, từ "Việt kiều" là dùng để gọi những người có quốc
tịch Việt Nam đang sống ở nước ngoài, còn với người đã là thường trú nhân hoặc
có quốc tịch khác thì là "người gốc Việt" hoặc "người Việt hải ngoại". Vậy
đi, để khỏi gây ngộ nhận cho những thế hệ sau!
[1]
"Hoa kiều" là từ để gọi những người Tàu sống ở nước ngoài. Ở miền Nam
trước đây, ta thường gọi bọn Tàu ngụ cư là Hoa kiều nhưng kể từ sau năm 1958,
khi dân Tàu đều phải nhập Việt tịch thì ở Việt Nam không có "Hoa kiều"
nữa. Dân Tàu phân biệt rạch ròi lắm: chỉ thế hệ di dân đầu tiên, là người còn
mang quốc tịch Đài Loan đang sinh sống ở nước ngoài thì mới gọi "Hoa kiều",
còn một khi đã mang quốc tịch khác thì gọi là "hải ngoại Hoa nhân"
(người Tàu ở nước ngoài), và con cháu những Hoa kiều, Hoa nhân đó, là thế hệ được
sinh ra ở ngoài cố quốc thì gọi là "Hoa duệ", tức hậu duệ của người
Tàu. Cả đến từ "Hoa duệ" này cũng hạn chế, chỉ dùng để gọi đến thế hệ
thứ 5 mà thôi, qua thế hệ thứ 6 trở về sau thì những người này không dính dáng
gì đến gốc cũ nữa. Điều này khác với người Việt, gốc Việt cứ được tính đếm dài
dài, con cháu mấy chục đời sau, xa quê gốc thăm thẳm chiều trôi rồi, nhưng vẫn
cứ bị nhận họ hàng he he bố láo!
[2]
Nguyên thời xưa bên Tàu nhiều loạn lạc, nhiều quận huyện do đó tiêu vong, dân
cư xứ này phải dời qua xứ khác và mượn tên cố quận để gọi tên cho vùng đất mới.
Như thời Nam Bắc triều, ở Sơn Đông có Duyện Châu, vì loạn lạc nên dân ở đó phải
chạy qua Quảng Lăng thuộc Giang Tô để trú ngụ và gọi đất mới đó thành tên Nam
Duyện Châu. Ở miền Nam Việt Nam, trong cuộc di cư của đồng bào ngoài Bắc vào
Nam năm 1954 cũng có những địa danh được "di cư" theo như vậy. Từ chỗ
mang theo tên cũ để đặt cho đất mới này mà có thêm chữ "kiều quận",
"kiều châu", "kiều huyện".
[3]
Trường hợp con cháu nhà Lý trước hiểm họa bị Trần tru diệt, rồi sau đó đến
phiên con cháu Trần phải đối diện với tai họa bị Hồ trảm thảo trừ căn nên đã phải
đào thoát sang tận Nhật Bản, Triều Tiên... là những cuộc di tản quy mô nhưng
cũng chỉ hạn chế trong dòng tộc, số lượng vài trăm người, không đủ hình thành một
cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
[4]
May là chưa có "Mông kiều", "Cu kiều".
No comments:
Post a Comment