...Trong
khi chính phủ QGVN rồi VNCH tôn trọng hiệp định Genève, thi hành nghiêm túc tất
cả những quy định trong hiệp định Genève, thì nhà nước VNDCCH đã có kế hoạch vi
phạm hiệp định, ngay từ trước khi hiệp định được ký kết và cả sau khi hiệp định
được ký kết. Đặc biệt VNDCCH vi phạm hiệp định có “biên nhận” do Trung Cộng
cung cấp. Năm 1973, chuyện vi phạm hiệp định Paris lại tái diễn. Do đó, chẳng
những “đừng tin những gì cộng sản nói” (lời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), mà
còn đừng tin những gì cộng sản viết, và cũng đừng tin những gì cộng sản cam kết,
dù cam kết trên giấy tờ như hiệp định Genève...
*
Gần
đây, nhân chuyện phim The Vietnam War ra mắt, có nhiều người
bàn luận sôi nổi. Có người còn đặt câu hỏi ai đã vi phạm hiệp định Genève để
đưa đến chiến tranh?
Hiệp
định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa (VNDCCH) ở phía bắc, thường được gọi là Bắc Việt Nam (BVN). Quốc Gia Việt
Nam (QGVN), đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955, ở phía nam, thường
được gọi là Nam Việt Nam (NVN).
1.-
Hiệp định Genève không đề cập chuyện thống nhất đất nước
Danh
xưng chính thức đầy đủ của hiệp định Genève về Việt Nam là Hiệp định
đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, được viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, có
giá trị như nhau. Ngoài Pháp và VNDCCH tức Việt Minh, các nước khác cùng ký vào
hiệp định Genève còn có Anh, Liên Xô, Trung Cộng, Lào, Cambodia. Hai chính phủ
QGVN và Hoa Kỳ không ký vào bản hiệp định nầy.
Hiệp
định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm có 6 chương, 47 điều, chỉ là một hiệp
định có tính cách thuần túy quân sự, hai bên ngưng chiến đấu, rút quân về vị
trí chỉ định trong hiệp định, thời biểu rút quân... Hiệp định không đưa ra một
giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam, nghĩa là hoàn toàn không đề cập
đến chuyện tổng tuyển cử thống nhứt đất nước.
Gần
một năm sau, thủ tướng QGVN Ngô Đình Diệm tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn
ngày 6-7-1955 rằng chính phủ QGVN không ký các văn kiện Genève nên không bị
ràng buộc phải thi hành hiệp định nầy. Chính phủ QGVN không phản đối nguyên tắc
tổng tuyển cử, nhưng không có bằng chứng cho thấy VNDCCH đặt quyền lợi quốc gia
lên trên quyền lợi Quốc tế Cộng sản. (John S. Bowman, The Vietnam War,
Day by Day, New York: The Maillard Press, 1989, tr. 17.)
Ngày
19-7-1955, thủ tướng VNDCCH là Phạm Văn Đồng gởi thư cho thủ tướng Ngô Đình Diệm
yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955, như đã quy định
trong hiệp định Genève ngày 20-7-1954, để bàn về việc tổng tuyển cử nhằm thống
nhứt đất nước. Ngày 10-8-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm bác bỏ đề nghị của Phạm
Văn Đồng, và xác nhận lại chủ trương của chính phủ QGVN đã được đưa ra ngày
6-7-1955. Quốc Gia Việt Nam được đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày
26-10-1955.
Tuy
chính phủ VNCH nhiều lần từ chối, thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng vẫn nhắc lại đề
nghị nầy hằng năm vào các ngày 11-5-1956, 18-7-1957, và 7-3-1958, nhằm chứng tỏ
VNDCCH quan tâm đến chuyện thống nhứt đất nước, và tuyên truyền với các nước
trên thế giới. Lần cuối, tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, bác bỏ đề nghị của Phạm
Văn Đồng vào ngày 26-4-1958.
Hiệp
định Genève hoàn toàn không đề cập đến chuyện tổng tuyển cử thống nhất đất nước,
nên luận điệu của VNDCCH cho rằng VNCH không hiệp thương để tổng tuyển cử, vi
phạm hiệp định Genève, là luận điệu vu cáo trắng trợn. Luận điệu vu
cáo nầy được cộng sản lập đi lập lại nhiều lần, cho đến ngày nay trong nước vẫn
còn tồn tại luận điệu vu cáo nầy.
2.-
Việc tổng tuyển cử được đề cập trong bản tuyên bố không chữ ký
Sau
khi Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng các hiệp định
đình chỉ chiến sự ở Lào và Cambodia được ký kết, các phái đoàn tham dự hội nghị
Genève họp tiếp vào ngày 21-7-1954, nhằm bàn thảo bản "Tuyên bố cuối cùng
của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương".
Bản
tuyên bố gồm 13 điều; quan trọng nhứt là điều 7, ghi rằng: "Hội
nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực
hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi
những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho
việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể
tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự
kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám
sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày
20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp
gỡ để thương lượng về vấn đề đó." (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông
Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53. Bản Pháp văn:
google.com.fr., chữ khóa: Déclaration finale de la Conférence de Genève en
1954.)
Chủ
tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy
phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng, VNDCCH, Lào và Cambodia trả lời miệng
rằng "đồng ý". Tất cả đều trả lời miệng, không phái đoàn nào ký tên
vào bản tuyên bố, nghĩa là bản tuyên bố không có chữ ký.
Đây
chỉ là lời tuyên bố (déclaration) của những phái đoàn, có tính cách dự kiến
tương lai Việt Nam. Một văn kiện quốc tế không có chữ ký, thì không thể là một
hiệp ước, vì không ai ký tên cam kết để thi hành những điều đã cùng nhau thỏa ước
(nên mới gọi là hiệp ước). Bản tuyên bố không chữ ký chỉ có tính cách gợi ý, hướng
dẫn mà thôi. Hơn nữa, những hiệp định với đầy đủ chữ ký mà còn bị CSVN vi phạm
trắng trợn, huống gì là một bản tuyên bố không chữ ký? (Ở đây xin đưa ra một ví
dụ đơn giản: hai người nam nữ tuyên bố kết hôn mà không ký kết hôn ước thì có hợp
pháp hay không?)
Phái
đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào Hiệp định đình chỉ
chiến sự ở Việt Nam ngày 20-7-1954 và cũng không đồng ý bản "Tuyên
bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông
Dương" ngày 21-7-1954. Hai phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ đã đưa ra
tuyên bố riêng của mỗi phái đoàn để minh định lập trường của mình.
Chính
phủ QGVN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm thi hành
đúng đắn hiệp định Genève ngày 20-7-1954, tập trung và rút toàn bộ lực lượng
QGVN về miền Nam vĩ tuyền 17 đúng thời hạn và đúng theo quy định của hiệp định
Genève. Điều nầy chẳng những báo chí lúc bấy giờ đã trình bày, mà cho đến nay,
không có tài liệu nào cho thấy là chính phủ QGVN đã vi phạm hiệp định
Genève.
Riêng
bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève..." ngày 21-7-1954 không
có chữ ký, không ai ký tên cam kết sẽ thi hành, chỉ có tính cách khuyến cáo mà
thôi, nên không bắt buộc VNCH phải thi hành. Vì vậy, cũng không thể vu
cáo Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống Ngô Đình Diệm không thi hành hiệp định
Genève, rồi động binh gây chiến.
3.-
Ai vi phạm Hiệp định Genève?
Muốn
biết ai vi phạm hiệp định Genève, xin trở lại thời gian hội nghị Genève. Hội
nghị khai mạc ngày 8-5-1954, kéo dài cho đến ngày 21-7-1954, có thể chia thành
hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhứt từ ngày 8-5 đến ngày 20-6-1954; giai đoạn thứ
hai từ ngày 10-7-1954 đến ngày 21-7-1954.
Giữa
hai giai đoạn là thời gian 20 ngày tạm nghỉ để các phái đoàn về nước tham khảo
và nghỉ ngơi. Trong thời gian nầy, xảy ra ba sự kiện quan trọng: 1) Tại Pháp,
Mendès France được cử làm thủ tướng ngày 17-6-1954. Ông hứa hẹn với dân chúng
Pháp sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng bốn tuần lễ, và sẽ ký kết hiệp
ước đình chiến chậm nhứt là ngày 20-7-1954, nghĩa là Pháp dứt khoát rời bỏ Việt
Nam. 2) Tại Việt Nam, Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại đề cử giữ chức thủ
tướng QGVN. Ông Diệm nhận chức ngày 7-7-1954, thường được gọi là ngày “Song thất”.
3) Thủ tướng và là trưởng phái đoàn Trung Cộng tại hội nghị Genève, Châu Ân Lai
về nước trong thời gian nghỉ họp, mời Hồ Chí Minh (HCM), chủ tịch VNDCCH, bí mật
gặp nhau tại Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa), từ ngày 3 đến ngày
5-7-1954. Lúc đó, dư luận thế giới hoàn toàn không hay biết đến hội nghị quan
trọng nầy.
Hội
nghị Liễu Châu giữa Châu Ân Lai và HCM diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, tức
trước khi hiệp định Genève được ký kết. Tháp tùng theo HCM có Võ Nguyên Giáp và
Hoàng Văn Hoan. Vào họp, Châu Ân Lai báo cho phái đoàn Việt Minh biết có ba
cách để đối phó với tình hình mới: 1) Thượng sách là hòa. 2) Trung sách là đánh
rồi hòa. 3) Hạ sách là đánh tiếp.
Châu
Ân Lai khuyên HCM và Việt Minh chấp nhận thượng sách là hòa để tránh mở rộng
chiến tranh, vì nếu mở rộng chiến tranh, Hoa Kỳ có thể can thiệp. Theo Châu Ân
Lai, Việt Minh nên giải quyết riêng chuyện Việt, Miên, Lào, đồng thời chia hai
Việt Nam ở khoảng vĩ tuyến 16. Với kinh nghiệm Trung Cộng qua chiến tranh Triều
Tiên, Châu Ân Lai khuyên HCM không nên đòi hỏi thái quá, khiến Pháp sẽ ở vào thế
phải nhờ Hoa Kỳ can thiệp. Cũng theo Châu Ân Lai, trong trường hợp Hoa Kỳ can
thiệp vào chiến tranh Việt Nam, với binh lực hùng hậu, Hoa Kỳ có thể lật ngược
tình thế như trong chiến tranh Triều Tiên trước đây. Như vậy, theo Châu Ân Lai,
Việt Minh sẽ đuổi được kẻ địch yếu (Pháp), nhưng lại rước kẻ địch mạnh (Hoa Kỳ).
Hơn nữa, cũng theo Châu Ân Lai, Việt Minh nên giúp thủ tướng Mendès-France để
ông ta không bị quốc hội Pháp lật đổ. Nếu Mendès France không thành công, chính
phủ Mendès France sẽ bị lật đổ, thì có thể bất lợi cho phía cộng sản. (Tiền
Giang, Châu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Châu Ân Lai và hội nghị
Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của
Dương Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Châu Ân Lai tại Genève năm 1954,
chương 27 "Hội nghị Liễu Châu then chốt". Nguồn: Internet).
Châu
Ân Lai còn bàn thêm rằng sau khi chia hai Việt Nam, Việt Minh rút quân về phía
Bắc Việt Nam (BVN), nhưng không có nghĩa là Việt Minh rút hết võ khí, mà võ khí
nào cất giấu được, thì phân tán mà cất giấu để tránh bị phát hiện. Hồ Chí Minh
và phái đoàn Việt Minh chấp nhận thi hành kế hoạch của Châu Ân Lai.
Tại
hội nghị nầy, Võ Nguyên Giáp đưa ra kế hoạch là sẽ chỉ rút những người làm công
tác chính trị bị lộ diện; phần còn lại thì ở lại để chờ đợi thời cơ nổi dậy. Số
ở lại có thể đến 10,000 người. Việt Minh cộng sản chẳng những chôn giấu võ khí,
lưu 10,000 cán bộ, đảng viên ở lại Nam Việt Nam (NVN), mà còn gài những cán bộ
lãnh đạo cao cấp ở lại NVN như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm...
(Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook,
2012, tt. 271-273).
Sau
hội nghị Liễu Châu, trong báo cáo của HCM tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương
đảng Lao Động ngày 15-7-1954, HCM chỉ nhắc sơ là có gặp và trao đổi với thủ tướng
Châu Ân Lai. Việt Minh không công khai loan báo kế hoạch của Châu Ân Lai cũng
như kế hoạch mai phục cán bộ ở lại miền Nam của Võ Nguyên Giáp để chờ đợi thời cơ
nổi dậy. Lý do đơn giản là nếu công khai, thì sẽ bị lộ ra âm mưu vi phạm hiệp định
Genève. Về sau, khi ấn hành lại bản báo cáo nầy trong Hồ Chí Minh toàn
tập tập 7, Nxb Chính Trị Quốc Gia, thì ban biên tập chỉ chú thích sơ lược
cuộc gặp gỡ ở cuối trang 315.
Về
phía Châu Ân Lai, sau khi hội nghị Genève kết thúc ngày 21-7-1954, thì Trung Cộng
mới đăng lên Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh ngày 8-8-1954 bản “Tuyên bố về
cuộc hội đàm Trung-Việt của chính phủ Trung Quốc”, được dịch nguyên văn như
sau:
“Thủ
tướng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Châu Ân Lai và chủ tịch nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh đã cử hành hội đàm tại biên giới Trung-Việt từ
ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954. Thủ tướng Châu Ân Lai và chủ tịch Hồ Chí
Minh đã trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề khôi phục hòa bình tại Đông Dương và
các vấn đề có liên quan khác. Tham gia hội nghị còn có: Hoàng Văn Hoan, đại sứ
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Trung Quốc và Kiều Quán Hoa, cố vấn đoàn đại
biểu nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại hội nghị Genève.” (Tiền Giang, sđd., bản
dịch đã dẫn, chương: "Hội nghị Liễu Châu then chốt”. Nguồn: Internet) Bản
tuyên bố nầy cũng chỉ xác nhận có cuộc hội họp giữa Châu Ân Lai và HCM mà không
đề cập đến nội dung chi tiết, như việc chôn giấu võ khí, hay cài cán bộ ở lại
NVN.
Kết
luận
Như
thế, rõ ràng trong khi chính phủ QGVN rồi VNCH tôn trọng hiệp định Genève, thi
hành nghiêm túc tất cả những quy định trong hiệp định Genève, thì nhà nước
VNDCCH đã có kế hoạch vi phạm hiệp định, ngay từ trước khi hiệp định được ký kết
và cả sau khi hiệp định được ký kết. Đặc biệt VNDCCH vi phạm hiệp định có “biên
nhận” do Trung Cộng cung cấp.
Năm
1973, chuyện vi phạm hiệp định Paris lại tái diễn. Do đó, chẳng những “đừng
tin những gì cộng sản nói” (lời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), mà còn đừng
tin những gì cộng sản viết, và cũng đừng tin những gì cộng sản cam kết, dù cam
kết trên giấy tờ như hiệp định Genève.
20.10.2017
-------------------
Bản dịch tiếng Anh
No comments:
Post a Comment