Thursday, June 1, 2017

THÔNG CÁO CHUNG VỀ ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN GIỮA MỸ VÀ VIỆT NAM (Do Tòa Bạch Ốc gởi ra)




(Do Tòa Bạch Ốc gởi ra)
May 31, 2017

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc hôm nay (31 Tháng Năm), để đưa ra một nghị trình cho quan hệ Mỹ-Việt, tạo ra động lực tích cực cho hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Là một cường quốc Thái Bình Dương, với quyền lợi trải rộng và cam kết khắp Châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi quan trọng với Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng có nhiều cơ hội phía trước trong quan hệ Mỹ-Việt, bao gồm gia tăng quan hệ chính trị, kỹ thuật, quốc phòng và an ninh, giáo dục, trao đổi giữa người dân hai nước, nhân đạo, và các vấn đề di sản chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên quan tâm. Hai nhà lãnh đạo quyết tâm theo đuổi các cơ hội này, theo tinh thần đối tác toàn diện, dựa trên sự tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế, sự độc lập của nhau, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và hệ thống chính trị của mỗi bên.

Hai phía cũng hứa sẽ tiếp tục liên lạc cấp cao và trao đổi các phái đoàn, bao gồm qua các đối thoại thường xuyên giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Việt Nam để thảo luận các phương cách gia tăng đối tác toàn diện. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết tâm gia tăng hình thức đối thoại hiện nay, bao gồm liên lạc giữa hai phía. Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Việt Nam trong việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, và cho biết ông mong đợi thăm Việt Nam và dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC vào Tháng Mười Một.

Hai nhà lãnh đạo hứa đẩy mạnh lợi ích song phương và gia tăng quan hệ kinh tế mạnh hơn bao giờ hết để mang lại thịnh vượng cho cả hai quốc gia. Họ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ cho hợp tác phát triển đang tiếp tục. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận rằng Việt Nam sẽ theo đuổi liên tục chính sách cải tổ kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty ngoại quốc, bao gồm các công ty Mỹ, để làm ăn và đầu tư tại Việt Nam; bảo vệ và thực hiện sở hữu trí tuệ; và thực hiện luật lao động đúng với lời hứa của Việt Nam với quốc tế.

Hai quốc gia cũng xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh thương mại song phương và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của cả hai phía, nhất là qua cách sử dụng hiệu quả Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư để giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Việt với phong cách xây dựng. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ giải pháp liên quan đến nhiều ưu tiên trong các vấn đề thương mại, bao gồm dịch vụ chuyển vùng (roaming) điện thoại di động và thuốc thú y, và họ cũng cam kết tiếp tục làm việc cùng nhau một cách xây dựng để tìm giải pháp cho các vấn đề ưu tiên khác của mỗi quốc gia, bao gồm sở hữu trí tuệ, dịch vụ quảng cáo và tài chánh, sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng (lòng heo, bò), bột bã ngô, cá da trơn, tôm, xoài, và các vấn đề khác. Phía Hoa Kỳ ghi nhận quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường và hai bên đồng ý tiếp tục tham khảo một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương. Hai bên hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn $8 tỷ.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về quyết định vừa qua của Chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh và an ninh biển. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về chuyện hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có thể thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm làm việc liên quan đến sáng kiến hợp tác lưu trữ sản phẩm y tế và hợp tác nhân đạo và đồng ý sẽ mau chóng triển khai thỏa thuận này.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường hợp tác an ninh và tình báo. Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm trên mạng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và mong muốn Hoa Kỳ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trong đó có việc cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ sự tham gia của binh sĩ Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, không gian, đổi mới sáng tạo. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp định khung về hợp tác sử dụng khoảng không trong không gian vì mục đích hòa bình, cũng như các cuộc trao đổi song phương và các diễn đàn về khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa người dân hai nước, đặc biệt thông qua các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn. Hai bên ghi nhận sự đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và gần 4,000 cựu sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục. Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21,000 sinh viên Việt Nam đang học trong các đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và sẽ được gia tăng qua việc Việt Nam hỗ trợ khai trương Trường đại học Fulbright tại Sài Gòn. Phía Hoa Kỳ hoan nghênh ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam tới học tại Hoa Kỳ và duy trì cam kết cấp visa nhanh chóng, bao gồm visa cho sinh viên, dựa theo luật pháp Hoa Kỳ. Hai bên cũng hoan nghênh việc thành lập chương trình Đoàn Hòa bình (Peace Corps) để gia tăng việc học tiếng Anh tại Việt Nam.
Hai bên cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có rà phá bom mìn, tẩy chất độc dioxin; ghi nhận những tiến triển trong hợp tác tẩy chất độc tại phi trường Đà Nẵng, cũng như sẽ thảo luận về các bước phối hợp tiếp theo về việc tẩy chất độc tại phi trường Biên Hòa. Tổng thống Trump đánh giá cao sự hợp tác liên tục của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo nhằm tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm hồi hương những người Việt Nam có lệnh trục xuất, dựa trên Hiệp Ước Mỹ-Việt năm 2008, chấp nhận hồi hương công dân Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này.

Hai bên đồng ý cùng nhau tích cực làm việc để hoàn tất thỏa thuận về việc chọn vị trí đất phù hợp và thỏa thuận thuê đất đối với trụ sở mới của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam mua trụ sở mới cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về nhân quyền, đặc biệt là đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội vào Tháng Năm, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân.

Trong các vấn đề khu vực, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi nguyên tử hóa trên bán đảo Triều Tiên, và thúc giục tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong tiến trình giải quyết tranh chấp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện các nguyên tắc chung mà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã đồng thuận, thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, ủng hộ các nỗ lực chung xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hai nước cam kết tiếp tục hợp tác nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường, y tế toàn cầu, an ninh y tế toàn cầu, chống buôn bán người và động vật hoang dã. Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam xây dựng một phòng thí nghiệm quốc gia để tăng cường năng lực phát hiện nguy cơ các bệnh mới xuất hiện trong khu vực. Hai nước khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) nhằm ngăn ngừa, phát hiện và đối phó với các đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm. Hai nước cũng khẳng định quan hệ đối tác lâu dài trong khuôn khổ kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống HIV/AIDS. Với tư cách là đối tác phát triển của Ủy hội Mekong, và là thành viên sáng lập của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ hợp tác giữa các thành viên của Ủy hội, cũng như giữa các thành viên Ủy hội với các cơ chế khu vực khác trong việc sử dụng, quản trị, và phát triển hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới. Hoa Kỳ khẳng định hỗ trợ Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng cụ thể.

Hai nhà lãnh đạo đã mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ đối tác toàn diện được gia tăng; đồng ý thúc đẩy mối quan hệ này sâu hơn, thực chất hơn, và hiệu quả hơn, vì lợi ích của người dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. (Đ.D.)

----------------------------------------

NGUỒN: BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ 01/06/2017 08:48









No comments: