Monday, June 19, 2017

HỌP MẶT DÂN CHỦ 2017 TẠI MIỀN NAM CALIFORNIA (Ngọc Lan - RFA)




Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2017-06-19

Tĩnh Hội Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) 2017 được tổ chức trong khuôn viên Đại Học CSU Long Beach tại miền Nam California từ chiều 15 đến trưa ngày 18 tháng 6, 2017.

Một số thành viên tham dự Tĩnh Hội Họp Mặt Dân Chủ 2017 tổ chức tại Đại Học CSU Long Beach. Photo by Ngoc Lan

Nội dung của Tĩnh Hội HMDC lần này xoay quanh việc trình bày và thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó hai mục tiêu chính là độc lập dân tộc, trọng tâm là hiểm họa bành trướng của Trung Cộng và vấn đề dân chủ hóa Việt Nam.

Nhiều tên tuổi tham dự Tĩnh Hội HMDC 2017 trong vai trò diễn giả như Bùi Tín, Phạm Chí Dũng, Bùi Quanh Vơm, Đoan Trang, linh mục  Lê Ngọc Thanh, Ca Dao, Đỗ Quí Toàn, Lê Xuân Khoa, Lê Minh Nguyên, Phạm Hoàng, Lâm Đăng Châu…

Nhân dịp này, ông Lâm Đăng Châu, Trưởng ban phối hợp HMDC 2017, đã có cuộc chuyện trò với thông tín viên đài Á Châu Tự Do nhằm giải thích thêm một số điều liên quan đến HMDC.

Ngọc Lan: Mời ông giới thiệu một cách tổng quát mục đích, nội dung được chú trọng trong lần Họp Mặt Dân Chủ 2017 là những vấn đề gì?
Lâm Đăng Châu: Thay mặt cho HMDC chúng tôi năm nay tổ chức HMDC mà chúng tôi gọi là Tĩnh Hội HMDC hằng năm, năm nay là 2017. Đây kỳ thứ 16, tính từ buổi đầu tiên của Tĩnh Hội là năm 2002 được tổ chức ở Đức. Mỗi một năm chúng tôi luân phiên tổ chức, lúc tại Hoa Kỳ, lúc tại Âu Châu và đã 2 lần tổ chức ở vùng Đông Nam Á vào năm 2015 và 2016 ở tại Phi.
Năm nay, trong cuộc gặp gỡ HMDC tại Long Beach, California, chúng tôi năm nay có một số những vấn đề mà mục tiêu hay mục đích tập trung vào hai điểm chính: Điểm thứ nhất là độc lập dân tộc, trong đó là hiểm họa bành trướng của Trung Cộng. Điểm thứ hai là góp phần trong vấn đề dân chủ hóa Việt Nam cùng với nhiều hội đoàn khác trong và ngoài nước.
Đấy là mục tiêu mà chúng tôi hằng năm vẫn làm tùy theo tình hình thời sự, tình hình địa phương hay là vấn đề tổ chức nội bộ nữa.
Năm nay chúng tôi cũng có những người phụ trách về nhiều lãnh vực như lãnh vực tình hình đảng CSVN sau Đại Hội 12 cũng có đã những người thuyết trình và thảo luận về đề tài này.
Chúng tôi cũng có những anh chị đảm nhận đề tài những kịch bản có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian tới. Những kịch bản đó được đưa ra nhưng mà có thể nó không xảy ra nhưng chúng tôi vẫn phải dự phòng và có những chuẩn bị để khi những vấn đề đó có xảy ra thì những lực lượng dân chủ ở hải ngoại cũng như trong nước phản ứng ra sao, đấy là những sửa soạn.
Song song đó, chúng tôi cũng có những bước tu chính quy ước, tức là nội quy, tu chính quy ước HMDC. Trong vòng hai ngày làm việc chúng tôi đã làm việc theo các nội dung đó.

Diễn giả Bùi Tín tại Tĩnh Hội Họp Mặt Dân Chủ 2017 tổ chức tại Đại Học CSU Long Beach. Photo by Ngoc Lan

Ngọc Lan: Ông có thể nói rõ thêm qua 16 lần HMDC, những kết quả của những lần họp mặt đó mang lại có tính thiết thực như thế nào đối với tình hình dân chủ trong và ngoài nước?
Lâm Đăng Châu: Điểm thứ nhất hơi đặc biệt là HMDC là nơi quy tụ rất nhiều người sinh hoạt trong rất nhiều lãnh vực, từ  lãnh vực đảng phái, văn hóa, tôn giáo, nhân quyền, xã hội hay báo chí. Mỗi người đến tham dự HMDC hoàn toàn với tư cách cá nhân, không đại diện cho một tổ chức nào hết, đến gặp nhau, trao đổi với nhau. Căn bản của  HMDC từ trước đến nay là đây là một diễn đàn mở và những người được mời đến cùng thảo luận với nhau nhiều khi có những ý kiến hoàn toàn khác biệt, những cọ xát ý kiến, những tranh luận, tranh cãi nhưng vẫn giữ sự tương kính. Còn  riêng về phần HMDC thì chúng tôi nhận thấy rằng kết quả mà chúng tôi rất là khích lệ là sau 16 năm, điều mà chúng tôi đạt được là tình thân và sự tương kính giữa những thành viên và giữa những thân hữu về tham dự HMDC.
Còn những hoạt động trong đó, như chị biết, nhiều người làm việc trong nhiều lãnh vực lắm, thành ra khi họ là một thân hữu hay thành viên đến HMDC nhưng họ cũng sinh hoạt trong một số tổ chức khác nữa, thì những gì mà họ trao đổi với chúng tôi thì họ có thể thực hiện được hay làm được trong tổ chức của họ. Thành ra đây là một hình thức nối mạng. Cũng vì hình thức nối mạng đó mà HMDC không đưa ra một vấn đề gì có tính cách chỉ đạo. Vì chúng tôi nghĩ rằng, HMDC giữ vai trò khiêm tốn là một diễn đàn mở để cho mọi người đến  tham dự và trao đổi với nhau, còn những hoạt động thì từng thành viên hoạt động trong đảng phái hay trong báo chí hay trong xã hội dân quyền có thể mang những vấn đề, những nhận định đó, để thể hoàn thiện những điều mà họ có thể làm việc trong tổ chức của mình.

Ngọc Lan: Số lượng thành viên tham gia trong HMDC có phát triển theo thời gian không và làm sao người ta biết đến HMDC để sau khi người ta nghe những thông tin này và muốn tham gia thì có cách nào để họ liên lạc tham gia?
Lâm Đăng Châu: HMDC tuy là một diễn đàn mở, ngày thành lập vào năm 2002, chúng tôi chỉ có khoảng 20 người ở Pháp, ở Đức, ở Hoa Kỳ đến tham dự. Sau đó thay nhau luân phiên tổ chức ở Âu Châu, có khi ở Ba Lan, ở Hòa Lan, ở Pháp, ở Đức, ở vùng Đông Hoa Kỳ, ở miền Nam Cali, bắc Cali. Những lần như vậy thì chúng tôi có mời một số nhiều đến  tham dự. Dĩ nhiên là những lời mời đó có tính cách chọn lọc. Dĩ nhiên chúng tôi có thông tin trên báo chí địa phương khi chúng tôi về đó họp. Chẳng hạn như vùng nam Cali thì có báo Người Việt, hay nhiều báo chí khác, bên Âu Châu thì có đài BBC cũng gửi người đến tham dự, quan sát những cuộc họp.
Vấn đề đây không phải là tổ chức quần chúng rộng rãi để ai cũng có thể đến được. Theo quy ước quy định thì những người đến tham dự là những người thân hữu của HMDC hoặc là những người mà chúng tôi có trong danh sách khách mời đến để trao đổi với nhau.

Ngọc Lan: Ông còn có muốn chia sẻ thêm điều gì trong lần HMDC 2017 này?
Lâm Đăng Châu: Chúng tôi nghĩ rằng ngoài cũng cuộc họp để có thể gặp các thành viên thân hữu, chúng tôi rất mong tiếp tục có những liên lạc, trao đổi, xây dựng đối với nhiều đoàn thể, cá nhân ở vùng Nam Cali cũng như ở tại Hoa Kỳ cũng như ở trong và ngoài nước trong mục tiêu chúng tôi nghĩ là độc lập dân tộc và góp phần vào công cuộc dân chủ hóa Việt Nam.

----------------------------

LIÊN QUAN








No comments: