Monday, June 26, 2017

CUỘC HỌP VIỆT - TRUNG BỊ HỦY BỎ LÀM NỔI BẬT ẢO TƯỞNG VỀ SỰ BÌNH YÊN Ở BIỂN ĐÔNG (Prashanth Parameswaran - The Diplomat)




Prashanth Parameswaran  -  The Diplomat  
Phạm Nguyên Trường dịch
26-6-2017

Sự cố là lời cảnh báo rằng, mặc dù có những nỗ lực nhằm giảm nhiệt, căng thẳng có thể leo thang một cách nhanh chóng.

Hôm thứ Năm, xuất hiện thông tin nói rằng cuộc họp giữa Bộ quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam đã bất ngờ bị hủy bỏ - người ta nói là do những bất đồng về Biển Đông chứ không phải những vấn đề hậu cần như Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố. Nếu đúng, thì đây cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì trước đó đã từng có những vụ xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Nhưng rộng hơn, nó là lời cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế rằng, mặc dù Trung Quốc tìm cách hạ thấp ý nghĩa của những vấn đề ở Biển Đông, hành động của Bắc Kinh có thể làm cho căng thẳng leo thang một cách nhanh chóng, vì bất kỳ lý do nào đó.

Sự cố xảy ra khi Trung Quốc và Việt Nam tổ chức chương trình gặp gỡ hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ tư, dự kiến
được tổ chức ở cả hai nước trong các ngày 20-22 tháng 6. Mặc dù công việc chuẩn bị đã được tiến hành theo đúng kế hoạch, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long (Fan Changlong), đã gặp các quan chức cao cấp của Việt Nam và hai bên đã nói về những tiến bộ trong thời gian gần đây, như thỏa thuận về đào tạo đã được kí kết; ngày 21 tháng 6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố với các phương tiện truyền thông nhà nước rằng Phạm cắt ngắn chuyến thăm và Bắc Kinh quyết định hủy bỏ cuộc họp do “lịch làm việc”. Các hãng tin khác nhanh chóng suy đoán rằng, đây có thể là do những bất đồng về Biển Đông.

Nếu đúng như thế thì đây cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông không phải là mới. Trong số bốn nước ở Đông Nam Á đòi chủ quyền ở Biển Đông - Brunei, Malaysia, Philippines - Việt Nam là nước tranh cãi lâu nhất và cũng là nước bị Trung Quốc áp lực mạnh nhất, quân đội Trung Quốc mới giành được quyền kiểm soát Hoàng Sa từ tay Hà Nội vào năm 1974. Đối với Việt Nam, những tranh chấp này chỉ là một phần của vấn đề quan hệ với lân bang khổng lồ phương Bắc đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Trung Quốc đã chiếm đóng Việt Nam trong suốt gần 1.000 năm, từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ X sau Công nguyên.

Trong suốt nhiều năm, Việt Nam đã trở thành nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong bốn nước đòi chủ quyền ở Biển Đông, có chân trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và cùng với Philippines (cho đến gần đây), có xu hướng là những nước trong khu vực lên tiếng mạnh mẽ nhất về vấn đề này. Mặc dù người ta cảm nhận được quyết tâm của Trung Quốc, ví dụ gần đây: Bắc Kinh quyết định đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) vào mùa hè năm 2014 đã gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục tiến hành một số biện pháp nhằm xây dựng lòng tin, trong đó có lĩnh vực quốc phòng thủ, cuộc gặp gỡ quốc phòng hàng năm trên khu vực biên giới.

Cuộc xung đột này có thể là kết quả của những căng thẳng đã được kiềm chế, nhưng cuối cùng cũng đã bùng nổ. Quan điểm về Biển Đông của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte không còn vững mạnh như trước, thực chất, Việt Nam đã trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á tham gia vào những vụ tranh chấp này. Điều này, đương nhiên làm cho Hà Nội cảm nhận đựôc tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với những nước như Mỹ và Nhật Bản, và đấy là những việc mà nước này đang làm, mặc dù các quan chức của Việt Nam đã tiếp tục điều chỉnh một cách cẩn thận với những cam kết với Trung Quốc.

Nhưng đối với Trung Quốc - đang tìm cách tận dụng sự suy giảm động lực của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, cũng như cảm nhận của họ về nước Mỹ đang bị phân tâm - đây là thời điểm thuận lợi cho việc gây sức ép lên từng nước riêng lẻ - dù đấy có là Việt Nam, một trong những nước đòi chủ quyền hay Singapore, quốc gia đang đóng vai trò điều phối viên trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc - về những họat động cụ thể và những liên kết đang có dưới chiêu bài giảm căng thẳng. Các quan chức ASEAN nói rằng đó chính là những việc mà một số quan chức Trung Quốc đang làm, thậm chí các quan chức Trung Quốc còn cảnh báo họ về cái gọi là “những hành động không có tính xây dựng”. Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, nói với đài Á Châu Tự do rằng, Trung Quốc cũng áp lực Việt Nam, đòi Việt Nam ngưng hoạt động thăm dò dầu khi trong Bãi Tư Chính (Vanguard Bank).

Những quan điểm trái ngược nhau giữa Bắc Kinh và Hà Nội chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột. Thayer nhận xét rằng, nếu không được xử lý một cách đúng đắn, căng thẳng có thể bùng phát, việc Trung Quốc đang triển khai tàu chiến và máy bay tới khu vực làm gia tăng khả năng xảy ra đụng độ quân sự. Nhưng rộng hơn nữa, đối với phần còn lại của cộng đồng quốc tế, sự kiện này là lời cảnh báo khác rằng, mặc cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm nhẹ vấn đề Biển Đông, chính những hành động mà Bắc Kinh đang làm nhằm đưa tình trạng xuống thang lại làm cho nó leo thang sớm hơn là người ta nghĩ.

Điều này cũng phù hợp với cách hành xử thô bạo hơn ở Biển Đông của Trung Quốc, mà tôi từng gọi là “sự quyết đoán ngày càng gia tăng”, với những hành động quyến rũ hay tín hiệu về gió yên biển lặng được Bắc Kinh phát ra, rồi sau đó là một đợt áp lực mới. Trong bối cảnh quan hệ Trung-Việt như thế, cần nhớ rằng chỉ bảy tháng sau khi tung ra chiến lược mới đối với quan hệ ASEAN-Trung Quốc, như là một phần của cuộc tấn công vào lòng người ở Đông Nam Á, được nhiều người hoan nghênh, thì mùa hè năm 2014, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù sự cố này chưa đến mức nghiêm trọng lắm, những người đang tìm kiếm hòa bình ở Biển Đông – nền hòa bình chưa bao giờ kéo dài được lâu – nên dừng lại và suy nghĩ một cách thật nghiêm túc.

--------------------------

Prashanth Parameswaran là phó tổng biên tập của trang Diplomat, làm việc ở Washington, D.C.. Ông thường viết về Đông Nam Á, vấn đề an ninh châu Á và chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ông là phó tiến sĩ ở Fletcher School of Law and Diplomacy at Tufts University.






No comments: