BBC
Tiếng Việt
23 tháng 6, 2017
Blogger
Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày, nói với BBC ông chẳng ngạc nhiên khi mẹ của
nhà bất đồng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có cảm giác bị lừa vì thăm con không đúng
nơi giam giữ.
Blogger Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày. GETTY IMAGES
Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger sắp ra tòa về
tội "truyên truyền chống nhà nước", hôm 23/06, viết trên Facebook mô
tả về điều bà gọi là "những hành vi lừa đảo và vô nhân tính" đối với
con mình.
"Con tôi đã không ở trại tạm giam Công an tỉnh
Khánh Hòa như cơ quan An ninh - Điều tra tỉnh Khánh Hòa đưa thông báo cho tôi.
Trong suốt tám tháng qua tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù
mà con tôi không có ở đó.
"Quỳnh chỉ bị giam giữ ở Nha Trang một ngày,
sau đó đã bị chuyển về Cam Lâm - Cam Ranh, là một trại tù có điều kiện rất khắc
nghiệt," bà Nguyễn Tuyết Lan viết.
Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị,
nói trường hợp này giống "y hệt" trường hợp của ông.
"Tức là tôi bị bắt đưa vào trại giam P24 , số 4 Phan Đăng Lưu vào
khoảng một tháng hồi tháng 10/2010 nhưng sau đó họ chuyển tôi lên trại giam
B34.
"Gia đình tôi thì cứ tới P24 thăm nuôi trong suốt thời gian tôi bị
cách ly ở B34, cho tới khi tuyệt thực ở B34 thì họ mới mang các thứ tiền quà
gia đình gửi mà họ giữ lại ở P24 mang lên B34. Khi đó tôi vứt hết lại và nói
các ông lừa được thì các ông cầm lấy đi.
Ông Hải giải thích rằng an ninh muốn cô lập người họ
bắt và triệt tiêu tất cả sự giúp đỡ từ bên ngoài là vì họ muốn người tù
"rơi vào sự cô đơn" và không biết "có ai còn nhớ tới mình hay
không".
"Nên biết là việc giúp đỡ từ bên ngoài đã được quy định trong luật,
như thăm nuôi hai lần trong một tháng và được tiếp xúc với luật sư trong suốt
quá trình điều tra.
"Họ không muốn người bên ngoài biết người bị giam giữ đang ở đâu.
Cách đối phó bẩn thỉu và vô nhân tính này được áp dụng với nhiều người rồi và
được các trại giam truyền kinh nghiệm cho nhau chứ không phải chỉ ở một nơi.
"Với những người thần kinh yếu thì có thể bị ảnh hưởng từ phương
pháp này nhưng theo tôi với Như Quỳnh thì tôi nghĩ khả năng này không có thể
làm gì được vì có khổ đến mấy thì Quỳnh vẫn chịu được," ông Nguyễn Văn Hải nói với BBC.
Viết trên Facebook, mẹ của nhà hoạt động Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh cho biết các luật sư đã được tiếp xúc với con mình vì đó là "kết
quả của nhiều tháng ngày vận động tranh đấu".
"Các luật sư cho biết tinh thần của Quỳnh vẫn vững
vàng, nói chuyện linh hoạt và nắm bắt mọi vấn đề nhanh chóng.
Tuy nhiên bà Lan bày tỏ "rất lo sợ" cho số
phận của con mình trong thời gian bị tạm giam và trong phiên tòa sắp tới vào
29/06/2017.
"Những người từ thành phần giam cầm, điều tra cho đến những kẻ sẽ
xét xử con tôi đều có những hành xử không minh bạch, không tôn trọng sự thật,
không tuân thủ những quy định luật pháp.
"Tôi mong mỏi và kêu gọi mọi người, các đại sứ quán, các phóng viên
truyền thông quốc tế hãy đồng hành cùng gia đình chúng tôi và cùng chúng tôi đến
tham dự phiên tòa để bảo đảm tính minh bạch trong tiến trình xét xử con tôi,
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một công dân Việt Nam yêu nước đang bị quy chụp và giam
cầm vì những hành động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của
đất nước mình," mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vinh danh
13 phụ nữ từ các nước trên toàn cầu với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế
2017, trong đó có blogger Mẹ Nấm của Việt Nam, nước này lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với
các nhà báo hôm 30/3: "Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng
cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam
là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát
triển quan hệ hai nước".
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt
Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà
đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân..."
Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các
hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại
Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết
hàng loạt tại miền Trung.
Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam,
thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố
công dân tự do".
No comments:
Post a Comment