Anh Vũ - RFI
Đăng ngày 26-06-2017
Hôm
nay, 26/06/2014, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Nhật đứng hàng thứ 2
thế giới nổi tiếng với túi khí an toàn, Takata đã chính thức tuyên
bố phá sản. Trong vòng hơn một thập kỷ qua, Takata đã bán gần 100
triệu thiết bị an toàn kém chất lượng, gây tử vong cho ít nhất 16
người và hơn 200 người khác bị thương trên khắp thế giới.
Chủ tịch tập đoàn Takata, ông Shigehisa Takada trong buổi họp báo tại
Tokyo, Nhật Bản, 26/06/2017. REUTERS/Toru Hanai
Theo AFP, sau cuộc họp hội đồng quản trị từ
sáng sớm hôm nay, tập đoàn sản xuất túi khí cho xe hơi đứng hàng thứ
2 thế giới thông báo phá sản và bán hầu hết hoạt động cho Key Safety
Systems (KSS), một công ty phụ tùng xe hơi của Mỹ, hiện do công ty Trung
Quốc Ningbo Joyson Electronic nắm cổ phần chính, với giá 175 tỷ yen
(khoảng1,5 tỷ đô la).
Thông tín viên RFI tại Tokyo, Frédéric Charles :
Shigehisa Takata, ông chủ của hãng Takata đến
hôm nay vẫn còn chưa hiểu tại sao trong một số điều kiện bị nhiễm
ẩm, túi khí an toàn của hãng có sử dụng hoạt chất nitrate ammonium
lại phát nổ, làm bắn ra các mảnh kim loại bên trong xe hơi.
Tuy nhiên, theo báo New York Times, ngay từ năm
2000, Takata đã biết các túi khí do hãng sản xuất đã có lỗi ngay khi
gặp phải vấn đề đầu tiên đối với chiếc xe BMW tại Thụy Sĩ, tiếp đó
đến một tai nạn của xe Honda tại Hoa Kỳ.
Từ đó đến nay, tư pháp Mỹ đã truy tố ba cựu
nhân viên của Takata vi tội cố tình phân phối các sản phẩm túi khí
nguy hiểm và giả mạo báo cáo.
Theo những người khởi kiện ở Mỹ, nhiều hãng
xe có thể đã biết được các túi khí Takata có lỗi kỹ thuật nhưng
vẫn sử dụng. Hãng sản xuất phụ tùng Nhật đã phải thu hồi các túi
khí sử dụng chất nitrate ammonium từ nay đến năm 2019. Như vậy vẫn còn
hàng triệu thiết bị của Takata đang lưu hành.
Tập
đoàn Takata là ai ?
Có thể coi Takata phá sản là kết cục của
một trong những bê bối lớn nhất ngành xe hơi thế giới. Đây cũng là
vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp Nhật Bản
kể từ năm 1945 trở lại đây.
Takata được thành lập từ năm 1933 trong tỉnh
Shiga ở miền tây nước Nhật. Người sáng lập ra công ty là ông Takezo
Takata, ông nội của Shigehisa Takata, chủ tập đoàn ngày nay. Takata khởi
đầu bằng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dệt nhưng lại nổi
tiếng với sản phẩm phao cứu sinh trước khi quay sang sản xuất phụ
tùng xe hơi trong thập kỷ 1950.
Takata đã nhanh chóng vươn sang thị trường Mỹ,
nơi ngành công nghiệp ô tô đang phát triển cực kỳ mạnh. Takata ra các
sản phẩm đai dây an toàn bằng cách tận dụng công nghệ làm dù máy
bay, và nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 ở Nhật về mặt hàng này.
Trong thập kỷ 1970, Takata đưa ra thị trường
sản phẩm mới, ghế ngồi trên xe hơi cho trẻ em. Đến năm 1987, chiếc túi
khí an toàn cho xe hơi nhãn hiệu Takata đầu tiên ra đời. Ban đầu hãng
chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Honda Motor trước khi mở rộng bao thầu
sản phẩm cho nhiều hãng xe khác. Đến nay, Takata cung cấp nhiều loại
sản phẩm bảo hộ an toàn cho 19 nhà chế tạo xe hơi trên khắp thế
giới.
Trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất
thế giới về sản phẩm túi khí và dây an toàn cho thế giới, trước khi
xảy ra các vụ bê bối về chất lượng sản phẩm, Takata chiếm 20% thị
phần thế giới. Đến nay hãng có 46 nghìn nhân công và 56 nhà máy ở 20
nước. Trong năm 2016-2017, doanh số của hãng đạt 663 tỷ yên ( xấp xỉ 6
tỷ đô la Mỹ) trong đó chiếm 90% là từ hoạt động ở nước ngoài.
Đâu
là vấn đề kỹ thuật của túi khí an toàn Takata ?
Bắt đầu từ năm 2001, các kỹ sư của Takata đã
quyết định cho dùng hoạt chất nitrate ammonium làm chất kích nổ mà không
kèm theo một chất hút ẩm cho cụm bơm túi khí. Sau một thời gian dài tiếp xúc với
nhiệt độ cao và hơi ẩm, nitrate ammonium có thể bị biến chất và dẫn tới việc
túi khí bung quá lực. Ngoài ra khả năng phát nổ túi khí có thể tăng
rất cao khiến chỉ cần một cú sốc nhỏ cũng có thể làm bung túi khí
và làm văng các mảnh kim loại vào người ngồi trên xe.
Từ năm 2008, cơ quan chuyên trách về an toàn xe
hơi ở nhiều nước đã thống kê được hơn một chục vụ tai nạn bung túi
khí do Takata sản xuất làm 16 người thiệt mạng và hơn 200 người bị
thương, chủ yếu ở Mỹ. Takata bị tố cáo vì đặt lợi nhuận lên trên sự
an toàn của người sử dụng nên từ lâu đã cố tình giấu các vấn đề
kỹ thuật trong sản phẩm của họ.
Ngay từ năm 2008, hãng xe Honda, khách hàng số
1 của Takata đã phải thu hồi xe vì lỗi túi khí. Nhưng đến tận năm
2014, vụ việc mới bị bung ra ánh sáng khi cơ quan an toàn đường bộ
của Mỹ tiếp cận hồ sơ của hàng loạt vụ tai nạn xe hơi bất thường ở
nước này và kết luật nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi từ túi
khí an toàn do nhà sản xuất phụ tùng của Nhật cung cấp.
Takata đã phải cùng với 19 hiệu xe được hãng
cung cấp túi khí, tổ chức một chiến dịch triệu hồi xe lớn chưa từng
có trên thế giới. Hơn 100 triệu túi khí có lỗi phải được thay. Chiến
dịch sửa lỗi này đã tốn kém gần 10 tỷ đô la.
Hôm nay, ông Hiroshi Shimizu, phó chủ tịch tập
đoàn Takata thừa nhận mới chỉ có 36% túi khí có vấn đề đã được
thay thế tại Mỹ. Chiến dịch thu hồi xe để thay túi khí Takata vẫn
còn tiếp tục. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Tokyo Shoko, tổng số
trên thế giới có khoảng 100 triệu túi khí có lỗi kỹ thuật, trong đó
70 triệu lưu hành tại Mỹ.
Takata đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi khách
hàng, nhưng hãng lại giải thích rất sơ sài về lỗi kỹ thuật trong
sản phẩm của mình. Ban đầu Takata còn rũ bỏ trách nhiệm trong các
vụ tai nạn. Chính cách quản lý khủng hoảng như vậy đã khiến uy tín
của hãng xuống thấp, quy mô của các vụ bê bối thì lan rộng hơn.
Phải chịu các khoản chi phí triệu hồi xe thay
túi khí, nhà cung cấp phụ tùng Nhật sẽ phải dùng phần lớn số tiền
bán công ty để đền bù thiệt hai cho các nạn nhân bị tai nạn và cho
các khách hàng. Tập đoàn đã hứa chi trả cho các nhà chế tạo xe
khoảng 850 triệu đô la, ngoài ra Takata còn phải rót 125 triệu đô la
vào quỹ bồi thường cho các lái xe gặp tai nạn, 25 triệu tiền phạt
theo yêu cầu của tư pháp Mỹ.
Một số nhà phân tích ước tính, tập đoàn phụ
tùng xe hơi Nhật sẽ phải chịu tổn thất hơn 1000 tỷ yen (gần 10 tỷ đô
la). Trên thị trường chứng khoán Tokyo hôm nay, các giao dịch cổ phiếu
Takata đã bị ngừng và công ty sẽ bị hủy niêm yết chứng khoán vào
ngày 27/7 tới đây. Từ khi các vụ bê bối bung ra năm 2014, giá trị cổ
phiếu của tập đoàn đã bốc hơi 95%.
Cái chết của nhà cung cấp phụ tùng xe hơi
hàng đầu còn kéo theo một loạt các hãng xe hơi lớn vào khó khăn,
trước hết là các hãng xe Nhật từ Toyota đến Nissan, qua đến hãng Đức
BMW, Mỹ Ford và General Motor.
No comments:
Post a Comment