Thursday, September 1, 2016

ĐỐI THOẠI VỚI PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG : AI CÓ QUYỀN QUYẾT ĐỊNH DẠY CHỨ HÁN TRONG TRƯỜNG HỌC ? (Tôn Phi - VNTB)




Tôn Phi

(VNTB)  Ngày 30 tháng 8 năm 2016 vừa qua,  PGS-TS Đoàn Lê Giang từ đại học Khoa học xã hội và  nhân văn TP.HCM công khai phát biểu yêu cầu cần dạy chữ Hán Nôm sớm cho học sinh. Ngay lập tức, PGS Giang gặp những phản ứng dữ dội trong công luận, từ quần chúng phổ thông lẫn trí thức.
PGS. TS Đoàn Lê Giang cho rằng nên đưa chữ Hán Nôm vào dạy trong nhà trường phổ thông. Ảnh: Lê Văn

Những luận điểm của các chuyên gia Hán-Nôm

Xin tóm tắt bài tường thuật trên tờ Vietnamnet: Phát biểu tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27/8, ông Giang cho rằng, trong số các quốc gia thuộc khu vực đồng văn (các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ) chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc.  Phát biểu của ông Giang được sự hưởng ứng nhiệt tình của các học giả cùng tham dự hội thảo: PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh và TS Nguyễn Tô Lan từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS Hà Văn Minh từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội… Luận điểm chung họ đưa ra là phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ví dụ là các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng bắt học sinh học chữ Hán, nên ta cũng phải cho học sinh họcLưu ý rằng thay vì dùng  chữ “nên” hoặc “cần”, các học giả nhấn mạnh chữ “phải” nhiều hơn.


Các luận điểm cần được xét lại

Dưới ánh sáng của tinh thần xét lại vấn đề, có những điều cần phải bàn thêm:

Thứ nhất, tiến sĩ Đoàn Lê Giang cho rằng Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực đồng văn với Hàn, Nhật trong văn hóa Hán nên cần phổ cập chữ Hán. Đây là một nhận định chưa túc lý, bởi lẽ văn hóa của người Việt hiện nay không phải là chủ yếu từ văn hóa Hán. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người Việt chỉ học được thứ văn hóa hiếu danh- hiếu điểm-hiếu bằng từ văn hóa Hán mà thôi.

Thứ hai, tiến sĩ Giang cho rằng bỏ chữ Hán hoàn toàn thì thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc. Thực trạng trong mệnh đề sau được các thầy coi là hệ quả tất yếu nguyên nhân trong mệnh đề trước. Nhưng có nhất thiết sự việc sẽ xảy ra đơn hướng như vậy không? Bởi lẽ, bao nhiêu sách vở lịch sử đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, chỉ đọc từng đó thôi đã đủ biết sơ bộ về quá khứ của một dân tộc. Biết là một chuyện, hiểu như thế nào lại là một chuyện khác, thuộc về quan điểm.

Thứ ba, các học giả như ông Giang nói rằng “muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán”. Thực tế cho thấy điều ngược lại : nhiều giáo sư- tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật có thể nói tiếng Việt rất chuẩn. Các luật sư  câu nói tiếng Việt của họ cũng trong sáng, như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Tất cả những đối tượng này có thể chưa một ngày học chữ Hán. Trái lại, có những người học ngành văn khoa, từng học chữ Hán-Nôm như  môn bắt buộc nhưng lại phát ngôn hết sức ngô nghê, nhất là từ ngày làm cán bộ.

Thứ tư, luận điểm chính của các thầy vẫn là, chữ Hán hay Nôm là chữ trong quá khứ được dân tộc Việt Nam sử dụng, các thầy lấy dẫn chứng đó để dẫn đến kết luận là phải học chữ Hán. Vậy xin hỏi, chữ Khoa Đẩu là văn tự đầu tiên dân tộc Việt Nam dùng, chẳng lẽ vì thế mà  phải phổ cập chữ Khoa Đẩu cho trẻ thơ ? (1)

Thứ năm, các thầy nói tới cách sử dụng tiếng nói của nghiệp đoàn những cơ sở dạy Hán-Nôm. Vậy xin hỏi nghiệp đoàn đó có độc lập hay không? Nếu là không độc lập thì chẳng thể áp đặt lên đất nước, bởi tiêu ngữ của đất nước tôn vinh chữ “độc lập”. Còn nếu nghiệp đoàn Hán- Nôm là độc lập, thì cũng phải tôn trọng  một nghiệp đoàn triết gia độc lập nếu họ yêu cầu dạy trẻ em tiếng Pháp hoặc tiếng Đức. Nên nhớ, khủng hoảng triết học- khủng hoảng đạo lý ở nước ta nghiêm trọng gấp nhiều lần khủng hoảng ngôn ngữ. Đề xuất của nghiệp đoàn triết gia độc lập theo lẽ đó phải được xem xét trước ý kiến của giới Hán-Nôm.  

Vấn đề là sự tự do

Trong khuôn khổ của một bài báo, người viết bài này cho rằng: Muốn nói một thứ ngôn ngữ trong sáng, điều kiện tiên quyết là thế giới quan tốt, tư duy tốt, đồng thời một khả năng ngữ pháp tốt.

Để có một thế giới quan tốt và tư duy tốt thì ý thức phải tự do. Xin lấy ví dụ về khác biệt ý thức hệ ở miền Bắc và miền Nam cùng giai đoạn 1954-1975 để minh họa. Lúc đó, văn chương miền Bắc nặng về tuyên truyền nên không những không phải là thứ tiếng Việt không trong sáng, thậm chí còn đi ngược lại các quy tắc tư duy. Hàng loạt từ Hán-Việt được du nhập vào một cách không cần thiết, bởi chính những quan chức có địa vị. Cán bộ và người dân miền Bắc được định hướng để nói theo một ý thức hệ độc tài, dẫn đến văn nói và văn viết của miền Bắc kém chất lượng, nhiều khi phải dùng uy quyền che giấu. Trong khi đó, ở miền Nam, con người không bị một ý thức hệ nào ép buộc. Văn chương miền Nam trăm hoa đua nở, được yêu thích nhiều hơn so với văn chương miền BắcChẳng phải giai đoạn này tỉ lệ  người dân ở miền Bắc biết chữ Hán nhiều hơn hẳn miền Nam đó sao, vậy mà người miền Nam văn minh hơn hẳn.

Các giảng viên Hán Nôm suy luận rằng nhà trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng dạy Hán tự thì ta phải học theo họ. Vậy tại sao, trước hết ta không học theo họ mà sửa đổi văn hóa viết sách giáo khoa theo hướng đào tạo con người tự do? Tại sao ta không học tập họ mà dạy tư duy phản biện, tư duy phân tích? Tại sao ta không như họ, để cho học sinh tranh luận về mọi vấn đề của đất nước? Cần cải cách tư duy trước, vì tư duy quyết định ngôn ngữ, ngôn ngữ chỉ là một công cụ của tư duy.

Để có một ngữ pháp tốt để nói tiếng Việt trong sáng, không thể thiếu tự do dòng chảy thông tin. Một dòng chảy thông tin tự do sẽ thể hiện một trật tự phổ quát, bao gồm cả trật tự ngữ pháp. Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, chỉ có “tự do báo chí” -“định hướng xã hội chủ nghĩa”, ít ai được nghe đến thuật ngữ “tự do dòng chảy thông tin”. Những câu phát biểu ngớ ngẩn, sai ngữ pháp nặng nề, lại chủ yếu thuộc về giới quan chức. Đơn giản là vì, dân thường được tự do biểu đạt hơn là quan chức. Tự do dòng chảy thông tin đi đến đâu thì nơi đó có sự thật và sự trong sáng.

Vậy, theo cách lý giải trên đây, hầu hết các vấn đề của đất nước sẽ được quy về mức độ tự do trong chính trị.

Ai quyết định việc dạy chữ Hán trong nhà trường?

Tác giả Tôn Phi (thứ hai từ phải), hiện là sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và  nhân văn TP.HCM, đồng thời là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Công bằng mà nói, đề xuất của tiến sĩ Đoàn Lê Giang và các giảng viên cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Người viết bài này, khi còn học lớp bảy, cũng là một học sinh giỏi văn trong đội tuyển văn của nhà trường, cô giáo bồi dưỡng nói rằng các em cần hiểu biết nghĩa của âm Hán-Việt. Cô đã cho đội tuyển văn đọc một cuốn chú giải các âm Hán-Việt, sách viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, không cần in một chữ Hán tự. Lứa học sinh của tôi ai cũng dùng từ Hán-Việt khá là trong sáng, về cơ bản. Từ đó cho thấy tiếp xúc với Hán tự chưa chắc là bắt buộc cho bình dân.

Một giả thuyết đặt ra, lỡ như phổ cập chữ Hán lên dân tộc Việt Nam ở thời điểm này, đó có thể là một điều kiện kích thích cho ý chí đòi tái sáp nhập Việt Nam của người Trung Quốc. Mọi giả thuyết có lý đều là hợp lý. Ý tưởng của thầy Đoàn Lê Giang vô tình củng cố thêm cho ý chí của phe diều hâu trong quân đội bành trướng Hoa lục.

Theo bài báo trên tờ Vietnamnetcác nhà giáo chuyên ngành Hán Nôm nói rằng sẽ đề đạt ý kiến lên cơ quan chức năng nhằm đưa chữ Hán vào giáo dục nhà trường. Các chuyên gia của nhà nước, hoặc vô tình hoặc cố ý, cho rằng thẩm quyền thuộc về cơ quan chức năng. Đây là một sự nhầm lẫn tai hại, bởi với những quyết định mạo hiểm như vậy phải trưng cầu dân ý. Dù cơ quan chức năng hay chính phủ thì cũng cần phải thực hiện khế ước xã hội,  khế ước xã hội phải được quyết định từ những cuộc trưng cầu  dân ý. Trớ trêu thay cho lý tưởng của tiến sĩ Đoàn Lê Giang, hiện nay đa số người dân Việt Nam mong muốn xóa bỏ văn hóa Hán, từ nông dân cho đến thương gia, từ ông linh mục cho đến nhà sư. 

Thời đại này không còn như trước. Đây đã là thời đại tự do thông tin. Một nhóm quan chức chính phủ hay giáo sư quyết định xem dân tộc phải nghĩ gì và học gì, chẳng khác nào “điệp vụ bất khả thi” (Mission Imposible).

------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một sinh viên văn khoa tại đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đại học quốc gia TP.HCM, cũng là nơi tiến sĩ Đoàn Lê Giang đang trực tiếp giảng dạy.

Chú thích:
(1)  Câu hỏi đó chỉ là câu hỏi để cho thấy sự một mâu thuẫn về  logic, không mang tính quyết định hơn thua.
.
Tham khảo:
.
Các giảng viên Hán-Nôm đề xuất dạy chữ Hán trong nhà trường:
.
Tiến sĩ Đoàn Lê Giang phát biểu lần hai yêu cầu dạy chữ Hán trên trang facebook cá nhân:
.




No comments: