Huyền
Trang, GNsP
Đăng ngày 21.09.2016 -
12:53pm
GNsP (21.09.2016) – Kiên trì đi khiếu kiện các nơi có thẩm
quyền, lên tiếng ôn hòa trước các vấn nạn xã hội, biểu tình vì môi trường sạch…
– là nguyên nhân chính đã đẩy Dân oan Cấn Thị Thêu vào tù lần thứ hai, khi bà
thực thi đúng quyền của công dân được Hiến pháp quy định.
Bà Cấn Thị Thêu
hiên ngang khi ra trước vành móng ngựa, vào sáng ngày 20.09.2016
Đó chính là nhận xét của Luật sư Võ An Đôn, một
trong những Luật sư (LS) tham gia bào chữa cho bà Thêu, tại Tòa án Nhân dân quận
Đống Đa, Tp.Hà Nội, vào sáng ngày 20.09.2016.
Trước tòa, tất cả 4 LS tham gia bào chữa cho bà Thêu
theo hướng vô tội, gồm: LS Hà Huy Sơn, LS Lê Văn Luân, LS Võ An Đôn và LS Nguyễn
Khả Thành.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát (VKS) đã bác bỏ những phát
biểu tranh tụng của các LS tham gia.
Tòa tuyên án bà Thêu 20 tháng tù giam theo Điều 245
BLHS “gây rối trật tự công cộng” là bản án “bỏ túi” “rất nặng và oan”, LS Đôn
nhận xét.
Để hiểu rõ hơn diễn biến bên trong phiên tòa, xin mời
quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa Pv.GNsP với LS Võ An Đôn vào lúc 21 giờ 35
phút ngày 20.09.2016.
Huyền
Trang, GNsP: Thưa LS Đôn, hôm nay, ở bên ngoài Tòa án,
nhiều người dõi theo phiên tòa xét xử Dân oan Cấn Thị Thêu nhưng vì nhiều lý do
mà họ không thể tham dự tòa. Ông là một trong những LS tham gia bào chữa cho bà
Thêu, xin ông có thể tường thuật lại diễn biến của phiên tòa xảy ra như thế
nào? Và tinh thần cũng như sức khỏe của bà Thêu ra sao trong phiên tòa hôm
nay?
LS
Võ An Đôn: Sáng ngày 20.09.2016, Tòa án Nhân dân quận Đống
Đa, Tp.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ chị Cấn Thị Thêu “gây rối trật tự
công cộng”.
Khi bước vào phòng xử án, chị Thêu rất hiên ngang,
uy dũng. Trong suốt quá trình phiên tòa, chị luôn kêu oan, chị không thừa nhận
có hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Đến phần tranh luận, các Luật sư bào chữa và chứng
minh rằng chị Thêu là người vô tội, đồng thời yêu cầu Hội đồng Xét xử (HĐXX)
tuyên bố chị Thêu không có tội và trả tự do tại tòa, nhưng HĐXX không chấp nhận
và xử chị Thêu với mức án là 20 tháng tù giam.
Tinh thần và sức khỏe của chị Thêu tốt.
Huyền
Trang, GNsP: Vậy thì chứng cứ nào được Viện kiểm sát đưa ra để kết
tội bà Thêu “gây rối trật tự công cộng” và LS đã tranh tụng ra sao với VKS,
thưa LS Đôn?
LS
Võ An Đôn: VKS Nhân dân quận Hoàn Kiếm đưa ra cáo buộc
cho rằng, vào sáng ngày 08.04.2016, chị Thêu cùng nhiều người đến trụ sở tiếp
dân thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường(TN&MT) có hành vi giơ biểu ngữ nội
dung, yêu cầu VN hủy bỏ Điều 88 BLHS và trả tự do cho LS Nguyễn Văn Đài và cô
Lê Thu Hà, đã gây ra ách tắc giao thông nên chị bị khởi tố về tội “gây rối trật
tự công cộng” là đúng.
Các LS phản bác lại quan điểm cáo buộc của VKS nêu
ra rằng, chị Thêu không gây rối trật tự công cộng, bởi vì vào ngày 08.04.2016
chị Thêu một mình từ nhà đến trụ sở tiếp dân thuộc Bộ TN&MT tại số 79 Nguyễn
Chí Thanh-Hà Nội, để nộp đơn khiếu nại liên quan đến vụ việc của gia đình chị
Thêu bị nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường theo đúng quy định của
pháp luật. Cùng thời điểm chị Thêu nộp đơn khiếu nại tại trụ sở tiếp dân thuộc
Bộ TN&MT, có hàng trăm người ở mọi miền đất nước đến đó gửi đơn khiếu nại.
Sau khi được cán bộ tiếp dân giải thích, họ không đồng
tình, những người dân oan này bức xúc nên đã ra trước cửa phòng tiếp dân của Bộ
TN&MT đứng giơ cao biểu ngữ, yêu cầu VN bãi bỏ Điều 88 BLHS cũng như trả tự
do cho LS Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thị Thu Hà. Những người này đứng trên hè phố,
không đứng xuống lòng lề đường. Sau đó công an thuộc khu vực Láng Thượng-Hà Nội
đến bắt, đánh đập, đưa lên xe buýt thì họ chạy hỗn loạn, gây ra ách tắc giao
thông trong thời gian ngắn. Hành vi này của bị cáo (bà Thêu) và những người dân
không phải gây rối trật tự công cộng mà họ đang bày tỏ chíng kiến của công dân
đối với các vấn đề xã hội.
Huyền
Trang, GNsP: Thưa LS Đôn, Tòa tuyên bà Thêu 20 tháng tù
giam, ông nhận xét như thế nào về bản án này? Bà Thêu có kháng cáo lên tòa phúc
thẩm không?
LS
Võ An Đôn: Với tư cách là một LS tham gia bào chữa cho chị
Thêu, mức án 20 tháng tù giam rất nặng và oan cho chị Thêu, bởi vì chị Thêu
không gây rối trật tự công cộng như cáo buộc của VKS Nhân dân quận Đống Đa đưa
ra.
Theo quy định của pháp luật, người dân từ 18 tuổi trở
lên, họ có quyền tự kháng cáo. Tôi nghĩ rằng, bản thân chị Thêu kêu oan nên chắc
chắn một trăm phần trăm chị sẽ kháng cáo.
Huyền
Trang, GNsP: Thưa LS Đôn, bà Thêu được nhiều người đánh
giá là một dân oan can đảm đấu tranh đòi lại quyền lợi cho dân oan, một người mạnh
mẽ lên tiếng phản đối những sai trái trong hệ thống cầm quyền, bà cũng thường
xuyên tham gia các hoạt động xuống đường biểu tình… Những việc làm này của bà
được giới chức xem là “có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng,
chính sách của Nhà nước…”. Liệu đây có phải là động cơ chính khiến bà Thêu vào
tù hay không?
LS
Võ An Đôn: Chính xác. Đây là động cơ/nguyên nhân khiến chị
Thêu bị khởi tố và bị đem ra xét xử về tội gây rối trật tự công cộng.
Huyền
Trang, GNsP: Thưa LS Đôn, ông là LS tham gia nhiều vụ
án được nhiều người quan tâm, LS có thể cho ý kiến chung về tình
hình thực thi pháp luật, tố tụng tại Việt Nam? Và thông qua phiên tòa
này, ông thấy có diễn ra đúng như ông đã có ý kiến rằng, kết quả phiên
tòa bà Thêu là “án bỏ túi”?
LS
Võ An Đôn: Đa số tôi nhận bào chữa những vụ dân oan, hoặc
liên quan đến chính trị thường là những “án bỏ túi”, cho nên mọi tranh luận của
LS trước tòa không được HĐXX chấp nhận và người ta đã ấn định sẵn bản án trước
rồi.
Các cơ quan tiến hành tố tụng tại tòa án, cơ quan cảnh
sát điều tra, VKS thường người ta không theo luật đối với các vụ án chính trị,
còn các vụ án khác thì tùy theo đối tượng mà họ áp dụng.
Huyền
Trang, GNsP: Xin chân thành cám ơn LS Đôn và kính chúc sức
khỏe ông
Ở bên ngoài tòa án, nhiều người dân đi tham dự phiên
tòa bị bắt đưa về đồn công an số 6 Quang Trung-Hà Nội. Nhiều người bị đánh đập
dã man như trường hợp của anh Trịnh Bá Tư – con trai bà Thêu, ông Phùng Thế
Dũng, bà Nam Phương, bà Đặng Bích Phượng…
Đặc biệt, hai người con trai của bà Thêu là anh
Phương và anh Tư có giấy triệu tập của Tòa, nhưng không được vào bên trong Tòa,
mà còn bị nhà chức trách câu lưu và đánh đập.
Xin được phép nhắc lại, cách đây khoảng 2 năm, vào
ngày 25.04.2014, bà Thêu bị bắt giam và truy tố tội danh “chống người thi
hành công vụ” theo Điều 257 BLHS và Tòa án Hà Nội đã tuyên án bà 15 tháng
tù giam. Ngoài ra, còn có chồng bà là ông Trịnh Bá Khiêm và 7 người dân oan
Dương Nội khác cũng bị kết án với tội danh trên. Khi những người này quyết tâm
bảo vệ đất đai của gia đình và bà con Dương Nội bị giới chức cộng sản cưỡng chiếm,
bồi thường không thỏa đáng; bên cạnh đó, gia đình bà Thêu và bà con dân oan
Dương Nội bị lực lượng công quyền hành hung, đánh đập đến trọng thương bằng vũ
khí chuyên dụng… Để “trả lời”, nhà cầm quyền tiếp tục ra lệnh bắt giam
bỏ tù bà Thêu.
Cần nhấn mạnh, Hiến pháp của chính nhà cầm
quyền này ban hành đều thừa nhận tại Điều 16: “1. Mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân
sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này
do pháp luật quy định”, được quy định tại Điều 25 Hiến pháp.
Và “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước
và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của
cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản
lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến,
kiến nghị của công dân”, được quy định tại Điều 28 Hiến pháp.
Riêng đối với phụ nữ, khoản 2 Điều 26 Hiến
pháp qui định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển
toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.
Thế nhưng, trên thực tế, chỉ những cuộc “tụ
tập đông người”; “gây rối trật tự công cộng” nhằm ca tụng đảng và nhà
nước, hoặc đón rước thần tượng ca nhạc, diễn viên điện ảnh thì mới đúng chủ
trương “đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước” và được giới chức cộng sản
“cho phép” tụ tập, gây ách tắc giao thông…
Huyền
Trang, GNsP
No comments:
Post a Comment