Phạm Chí Dũng
September 18, 2016
Đây là một câu hỏi mà từ năm 2013 đến nay, khá nhiều
trí thức được gọi chung là “bất đồng chính kiến,” đặc biệt là những người phản
biện nhưng vẫn chưa quyết định ra khỏi đảng Cộng Sản, quan tâm và có phần còn kỳ
vọng.
Chỉ có điều, thoát thân từ trong lòng chế độ nhưng
có hiểu được tim gan của chế độ đó hay không lại một chuyện không dễ. Thực tế
chua chát đã phản lại kỳ vọng đó.
“Quăng
phao” nhưng sao không “ôm phao?”
Vào năm 2013 khi lần đầu tiên diễn ra một phong trào
trí thức đối lập rộng lớn có tên là “Kiến Nghị 72” đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp,
nhóm trí thức bất đồng đã yêu cầu các nhân vật tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ
tướng chính phủ cần đối thoại để tìm ra lối thoát cho dân tộc. Nhưng Bộ Chính
Trị im bặt.
Sang năm 2014, khi nổ ra vụ hạ đặt giàn khoan HD 981
của Trung Quốc ở Biển Đông, giới trí thức trong nhóm này và trong vài nhóm trí
thức khác lại yêu cầu Bộ Chính Trị phải đối thoại để xử lý dứt khoát vấn đề đối
sách với Bắc Kinh. Bộ Chính Trị vẫn im bặt.
Từ năm 2015 đến nay, “Nhóm 61” – một tập hợp mới của
một số trí thức đảng viên và những người thuộc phong trào học sinh và sinh viên
ở Sài Gòn trước năm 1975 – đã vài lần gửi thư yêu cầu cho Bộ Chính Trị, vẫn về
nhu cầu đối thoại và ít nhất “một cuộc gặp.” Nhưng từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
trở xuống, không một quan chức nào hồi âm.
Kỳ vọng có được một cuộc đối thoại đúng nghĩa cũng bởi
thế ngày càng vô vọng.
Thậm chí không có nổi lấy một cuộc gặp cho ra gặp giữa
giới quan chức với “trí thức bất đồng.”
Vì sao lại ngơ ngác như thế?
Có một cái gì đó trục trặc hoặc tính toán không khớp
của những người muốn đối thoại chỉ với “thành viên Bộ Chính Trị.” Trong vài năm
gần đây, đã xuất hiện quan điểm “Chúng ta đối thoại là quăng phao cho họ” của một
số trí thức muốn đối thoại. Cơ sở chính của tư tưởng “quăng phao” này là chế độ
Cộng Sản đã ở vào giai đoạn cuối và hoàn toàn bế tắc, do vậy “họ” rất cần một lối
thoát thông qua cơ chế đối thoại với trí thức và người dân.
Quan điểm trên vừa có lý nhưng lại cũng có phần
không thực tế. Hiển nhiên, nếu so sánh với thời Việt Nam vào WTO năm 2007 và
các đại hội đảng trước đây thì nay phần lớn phạm trù kinh tế – chính trị đã biến
thái theo sắc màu quá tiêu cực, số phận đảng trở nên mong manh chưa từng có
trong suốt chiều dài lịch sử luôn được tuyên truyền là “quang vinh” của nó. Thế
nhưng vì sao đến tận lúc này đảng vẫn không chịu đối thoại với trí thức bất đồng
theo cách mà chính quyền Liên Xô đã đối thoại với nhóm dân chủ của Viện Sĩ
Sakharov vào những năm cuối thập kỷ 1990 của thế kỷ trước?
Rõ là chưa có một cuộc đối thoại nào để chính quyền
Việt Nam có cơ hội “ôm phao.” Trong hai năm 2014 và 2015, có diễn ra vài lần
lãnh đạo cơ quan tuyên giáo và Hội Đồng Nhân Dân TPHCM “mời cà phê” với một số
trí thức bất đồng. Cứ tưởng những lãnh đạo này sẽ bắt đầu lắng nghe ý kiến phản
biện và sau đó còn có cơ chế đối thoại thường kỳ, nhưng té ra chỉ là buổi
khuyên can “các chú/các anh thôi đừng đi biểu tình làm gì,” hay “không nên gửi
thư kiến nghị cho trung ương nhiều quá,” để cuối cùng lại “mọi việc đã có đảng
và nhà nước lo.”
Người được coi là “cải cách” nhất trong giới lãnh đạo
cấp địa phương cũng chỉ ngồi nghe các trí thức bất đồng giãi bày tâm tư, bức
xúc, nhưng sau đó chẳng có bất kỳ hồi âm nào cho những tình cảm sốt ruột tuổi
tác này.
Vậy câu hỏi trần trụi cần đặt thẳng ra là giới lãnh
đạo Việt Nam có nhu cầu đối thoại và có muốn đối thoại, hay là không?
Đảng
có nhu cầu đối thoại hay không?
Chỉ đến gần đây mới xuất hiện ý kiến “rút kinh nghiệm”
rằng chỉ có thể thực hiện được đối thoại và có được kết quả với hai điều kiện:
Giới lãnh đạo có nhu cầu đối thoại, những người muốn đối thoại có được sự ủng hộ
đông đảo và rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Nhiều trí thức cũng tự hỏi là cần phải làm gì để tạo
điều kiện cho cuộc đối thoại ấy sẽ diễn ra.
Lại có ý khác cho rằng không còn hy vọng gì đối với
lãnh đạo trong nước sau đại hội 12. “Họ” đã hết thuốc chữa sau khi đã tranh thủ
được Mỹ thỏa mãn về cả ba mặt: chính trị (tôn trọng chế độ hiện hữu), kinh tế
(dễ dãi các điều kiện TPP) và quân sự (bán vũ khí sát thương). Do chưa có điều
kiện xuất hiện những tổ chức chính trị đối lập, cũng như chưa hình thành được một
xã hội dân sự đủ mạnh để làm đối trọng với chính quyền, nên cuộc đối thoại phải
do phía đảng độc quyền lãnh đạo chủ động mời gọi để tránh một cuộc xung đột
không được kiểm soát không thể không xảy ra nếu có thêm nhiều tiếng súng nữa
tương tự như chín tiếng mới phát nổ ở Yên Bái vừa qua. Vấn đề là làm thế nào để
cho “phía đảng độc quyền lãnh đạo chủ động mời gọi?”
Phải làm gì, trong lúc trí thức bất đồng thì không
kìm được nỗi sốt ruột năm tháng, nhưng những người được đề nghị đối thoại lại
ngoảnh mặt làm ngơ?
Một ý kiến khác, thực tế hơn, cho rằng đừng hy vọng
gì về “bản lĩnh đối thoại” của giới lãnh đạo ngày nay. Họ còn đang phải dành đến
99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ nhau trong nội bộ, lấy đâu ra
hơi sức để ngồi nói chuyện với mấy ông trí thức. Mà cứ nghe đến trí thức là họ
lại lắc đầu quầy quậy.
Trường hợp hiếm hoi trong những năm qua là ông
Trương Tấn Sang, một nhân vật lãnh đạo có đôi chút tiếp cận với giới trí thức
đa chiều và kể cả trái chiều quan điểm. Thời còn là chủ tịch nước, ông thỉnh
thoảng chủ động tổ chức một cuộc gặp “anh em trí thức” tại nhà ông, trong đó có
những gương mặt có hơi hướng bất đồng. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở
đó, gặp gỡ có vẻ thân tình nhưng phát biểu chung chung, ăn uống với nhau một
lát rồi ai về nhà nấy.
Trong khi đó, từ ông Nguyễn Phú Trọng đến ông Nguyễn
Tấn Dũng, và ông Nguyễn Sinh Hùng và các nhân vật Bộ Chính Trị sau đó, chẳng thấy
ai làm được dù tối thiểu như ông Sang.
Có vẻ như đảng chưa có nhu cầu đối thoại, ít ra cho
đến lúc này.
Chưa kể đến sĩ diện của đảng là cao vời vợi, dù sắp
chết đến nơi vẫn còn vời vợi cao. Tâm lý đầu tiên và luôn có là “ta đường đường
là ủy viên Bộ Chính Trị, sao phải hạ mình ngồi ngang hàng và nói chuyện với mấy
tay trí thức chỉ là đảng viên thường?”
Chưa kể đến việc nếu có xảy ra một cuộc đối thoại
trong mơ, cái gì sẽ được nói ra? Chẳng lẽ giới lãnh đạo đầy sĩ diện và ảo tưởng
quyền lực lại chịu ngồi im để nghe “đám trí thức nhiều chuyện” răn dạy sự cần
kíp phải bỏ ngay Điều 4 Hiến Pháp, chấm dứt ngay sự độc tôn lãnh đạo của đảng cầm
quyền, thoát Trung và cả thoát Cộng, chống tham nhũng từ ngay trong nhà mình…
Toàn những chuyện quá khó nghe và quá khó nuốt! Toàn những chuyện “bỏ đảng là tự
sát!”
Về phần mình, như một số trí thức bất đồng đã tự
nhìn lại, những người muốn đối thoại chưa phải, hoặc còn lâu nữa mới trở thành
một đám đông đủ mạnh để buộc đảng cầm quyền phải tỏ ra tôn trọng và ngồi vào
bàn đàm phán.
Tương lai đối thoại cũng vì thế vẫn một màu xám xịt.
Nhưng lại vẫn có những tình huống mà dù muốn hay
không, chính quyền cũng phải “chủ động mời gọi đối thoại.”
Khi
nào đảng sẽ phải “chủ động đối thoại?”
Gần đây, nhận thấy việc cưỡng chế vài cơ sở tôn giáo
là quá khó, chính quyền đã phải phát thư mời cho những cơ sở tôn giáo này, đề
nghị đến trụ sở chính quyền để “đối thoại.” Cần lưu ý, rất nhiều trường hợp
chính quyền cưỡng chế giải tỏa đất của dân đã chỉ dùng từ “vận động” mà không hề
quan tâm đến cơ chế đối thoại.
Hoặc do không thể đàn áp được phong trào biểu tình
phản đối Formosa của giáo dân và ngư dân ở miền Trung lên đến vài chục ngàn người,
chính quyền địa phương đang buộc phải tìm cách thương lượng, đối thoại và thỏa
mãn một phần yêu sách của người biểu tình, chủ yếu thông qua đại diện cấp sở
ngành.
Đối thoại đã manh nha thành hình như thế, ở những
nơi và vào những thời điểm cực chẳng đã đối với chính quyền, ở cấp địa phương
mà không phải cấp trung ương, đối thoại với nông dân, ngư dân, tiểu thương – những
người bị coi là “sắp làm loạn” – chứ không phải với những trí thức “chưa nguy
hiểm lắm.”
Đó là kịch bản khả dĩ nhất về đối thoại ở Việt Nam
hiện thời và trong những tháng tới.
May ra đến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, khi
chính thể Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện về phá sản
kinh tế, vỡ nợ ngân sách, phản kháng xã hội bùng nổ và có thể cả một cuộc tấn
công vừa phải của Trung Quốc, giới quan chức lãnh đạo cao cấp mới cuống cuồng
ngó ngàng đến “nhu cầu đối thoại” và mới bắt đầu tìm đến vài ba tổ chức hội
đoàn độc lập, thay vì đối thoại với cả xã hội dân sự.
No comments:
Post a Comment