Ngô Nhân Dụng
July
19, 2016
Ông
Donald Trump được đại hội đảng Cộng Hòa “tấn phong” làm ứng cử viên tổng thống
năm nay. Vấn đề trước mắt của ông không phải là vụ bà Melania Trump, vợ ông, đã
đọc bài diễn văn trong đêm khai mạc đại hội trong đó có những đoạn giống hệt lời
bà Micehlle Obama nói trong đại hội đảng Dân Chủ năm 2008. Vấn đề này sẽ được
các phụ tá của ông lo. Nhưng trong cuộc tranh cử sắp tới ông Trump sẽ phải giải
thích cho cử tri Mỹ những điều ông nói trong mùa tuyển cử sơ bộ. Những tuyên bố
nóng bỏng của ông về chính sách kinh tế, di dân, ngoại giao, vân vân đã giúp
ông đánh bại các đối thủ, nhưng có khi đi ngược với chủ trương cố hữu của đảng. Dù đắc cử hay không vào Tháng
Mười Một, ông Trump đã thay đổi đảng Cộng Hòa, do đó sẽ thay đổi chính trị nước
Mỹ.
Về kinh
tế, đảng Cộng Hòa xưa nay đề cao tự do mậu dịch, đảng Dân Chủ thường chống lại.
Ông Trump tuyên bố sẽ xé bỏ cả hiệp ước NAFTA ký với Canada và Mexico 20 năm
trước cũng như thỏa hiệp mậu dịch Thái Bình Dương TPP mới đây; và sẽ đặt hàng
rào quan thuế ngăn cản hàng Trung Quốc sang Mỹ. Các hành động này có thể đưa tới
một cuộc chiến tranh mậu dịch khiến nước nào cũng thiệt hại. Những công ty Mỹ lớn
đang bành trướng ra thế giới đều lo ngại, như Boeing đang bán máy bay, hoặc
Apple, Pfizer, General Motors, Fords đang hoạt động mạnh ở bên Tàu. Mặc dù ông
Trump la lối rằng mậu dịch tự do khiến nước Mỹ bị thiệt nhiều hơn được lợi, các
doanh nghiệp lớn không đồng ý. Eric Schmidt, chủ tịch công ty Alphabet (mẹ của
công ty Google), nói rằng, “Mô hình kinh doanh Mỹ đã giúp chúng ta thành công
trong 30, 40 năm qua bây giờ còn mạnh hơn bao giờ hết!” Mười công ty lớn nhất
thế giới hiện nay, tính bằng giá trị cổ phần, đều thuộc nước Mỹ. Từ lúc kinh tế
phục hồi năm 2009, sau cuộc khủng hoảng năm 2007, cho đến nay giá trị 500 công
ty trong danh sách S&P 500 đã tăng 137%.
Một chủ
trương mà ông Trump đã hô hào sẽ rất khó thực hiện, là bắt các công ty phải bỏ
các nhà máy lập ở nước ngoài để đem công việc làm về trong nước. Nếu một ứng cử
viên đảng Dân Chủ nói điều này thì ít người ngạc nhiên. Nếu mọi thứ đều làm ở
nước Mỹ thì giá thành sản phẩm sẽ lên rất cao, nhiều công ty Mỹ sẽ phải bỏ cuộc
vì không thể cạnh tranh trong thị trường thế giới với các hãng Châu Âu, Nhật Bản,
Nam Hàn. Ðó là chưa kể ít người Mỹ muốn làm những việc đang giao cho công nhân
các nước nghèo hơn.
Chính
sách kinh tế của ông Trump đã bị giới kinh doanh phản đối. Các công ty lớn hiện
nay bán 40% sản phẩm và dịch vụ trên thị trường quốc tế, chỉ có 60% trong nước
Mỹ. Công ty Ford, Coca-Cola, Apple và các ngân hàng Wells Fargo, JPMorgan Chase
đã cắt giảm hoặc ngưng không ủng hộ quỹ tổ chức đại hội đảng Cộng Hòa.
Hai lời
hứa hẹn khác của ông Trump cũng rất khó thành công là xây một bức tường ở biên
giới Mexico rồi bắt chính phủ nước này phải trả tiền, và trục xuất 11 triệu di
dân bất hợp pháp. Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi với ông Trump là làm cách nào
ông thực hiện được hai điều hứa hẹn đó.
Nhưng
ông Donald Trump đã chinh phục được đa số các cử tri Cộng Hòa trong mùa bầu cử
sơ bộ, và có thể sẽ thu hút nhiều cử tri Dân Chủ chia sẻ những mối lo chung mà
ông đã làm nổi bật lên, trong khi đa số các nhà chính trị khác không muốn nhắc
tới.
Một điều
làm nhiều người Mỹ lo lắng là vai trò của người da trắng đang bớt quan trọng.
Di dân thuộc đủ các sắc mầu gia tăng. Ðặc biệt là người gốc Châu Mỹ La Tinh, đa
số rất ngoan đạo và chú trọng đến đời sống gia đình bền chặt, cho nên sanh đẻ
nhiều hơn. Các công ty sản xuất hàng tiêu thụ đều biết số khách hàng gốc La
Tinh đang tăng thêm 2% mỗi năm, trong lúc số người tiêu thụ da trắng giảm bớt với
tỷ lệ tương đương. Trong 40 năm nữa, người da trắng sẽ ít hơn so với tổng số
các công dân Mỹ thuộc sắc dân khác.
Vì vậy,
nhiều người Mỹ không hề thắc mắc khi ông Trump tỏ ra kỳ thị. Như khi ông đặt
câu hỏi về tính công bằng của Thẩm Phán Gonzalo Curiel, người chủ tọa một phiên
tòa xử ông, gợi ý rằng ông Curiel là một người gốc Mexico, nhóm di dân mà ông
Trump đã xỉ vả nặng lời. Nhiều người ủng hộ ông cũng không thắc mắc khi ông ám
chỉ rằng Tổng Thống Barack Obama có cảm tình với lực lượng Quốc Gia Hồi Giáo (IS)
ở Iraq và Syria.
Người
da trắng cảm thấy họ đang mất thế, đang bị kỳ thị ngược. Vụ một cựu chiến binh
da đen giết mấy cảnh sát viên da trắng ở Dallas khiến mọi người lên án phong
trào “Trọng mạng sống da đen” (Black Lives matter) đổ mọi tội lên đầu cảnh sát
là nguyên nhân gây ra đầu óc thù nghịch đưa tới tội ác này. Ðại biểu Steve
King, Cộng Hòa ở tiểu bang Iowa đã bắt mạch đúng tâm trạng này, mới tuyên bố rằng
cả nền văn minh hiện nay của nhân loại, phát xuất từ Châu Âu và Mỹ, là do người
da trắng theo Thiên Chúa Giáo xây dựng. Tinh thần tự cao về mầu da đi đôi với
tôn giáo có thể kích thích rất nhiều cử tri bỏ phiếu, bất kể xưa nay họ ủng hộ
đảng nào. Cho nên, ông Trump không ngần ngại khi đòi cấm không nhận người Hồi
Giáo nhập cư nước Mỹ.
Nhiều
người Mỹ cũng bị thu hút khi ông Trump chống các đại công ty đã lũng đoạn chính
trị nước Mỹ qua việc vận động nghị trường (lobby). Các nhóm “lóp bi” này đang sử
dụng mỗi năm ba tỷ Mỹ kim để vận động các nhà lập pháp và các cơ quan hành
pháp, xúi họ làm ra những luật lệ có lợi cho các nhóm quyền lợi riêng tư
(special interest groups). Vì vậy, những đại công ty có đủ các mánh khóe giảm bớt
thuế và làm giầu (công ty Apple, lớn bậc nhất thế giới, chỉ trả thuế 18%, sau
khi được giảm và miễn nhiều thứ). Hơn nữa, các đại công ty cũng càng ngày càng
chiếm phần thị trường tập trung rộng lớn hơn. Một điều khiến dân Mỹ bất mãn là
lợi tức và tài sản của người giầu gia tăng nhanh trong khi người nghèo phần lớn
vẫn đứng yên tại chỗ. Ông Trump đã lên án “Phòng Thương Mại Hoa Kỳ,” tổ chức
lóp bi lớn nhất của các công ty Mỹ, là “hoàn toàn bị các nhóm quyền lợi riêng
tư lũng đoạn.” Tháng Sáu vừa qua, ông Trump đã nhắc nhở giới lãnh đạo động Mỹ rằng
họ đang bị các chính trị gia và các nhà tài phiệt phản bội!
Với những
ý kiến trên, nhiều người Mỹ da trắng với lợi tức không cao sẽ ủng hộ ông Trump,
dù họ thuộc khuynh hướng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Họ lo lắng không thể cạnh tranh
với các công nhân ngoại quốc, hoặc các di dân. Họ lo lắng tầm quan trọng của
người da trắng và niềm tin Thiên Chúa Giáo bị giảm bớt trong một nước Mỹ đang
thay đổi. Họ có thể tin Donald Trump là người sẽ đảo ngược hiện tượng đó.
Dù ông
Trump có đắc cử hay không, ông cũng sẽ ảnh hưởng trên nền chính trị nước Mỹ
trong nhiều thập niên tới. Lịch sử Mỹ cho thấy nhiều ứng cử viên tổng thống thất
bại nhưng các ý kiến của họ vẫn sống và trở thành ý kiến của đa số trong một thế
hệ, hay nhanh hơn.
Vào cuối
thế kỷ 19, William Jennings ra tranh cử tổng thống cho đảng Dân Chủ. Ông kêu gọi
phải cho phụ nữ quyền bỏ phiếu; phải thâu thuế cho chính phủ liên bang (lúc đó
không thâu thuế); phải tổ chức bầu các nghị sĩ Thượng Viện mà lúc đó do các tiểu
bang đề cử. Jennings tranh cử ba lần đều thất bại, nhưng trước khi ông chết thì
nước Mỹ dã thực hiện đủ ba điều này.
Năm
1964, Nghị Sĩ Barry Goldwater tranh cử cho đảng Cộng Hòa với chủ trương “Cực
đoan để bảo vệ tự do không có tội gì hết.” Ông chủ trương giảm bớt quyền hành của
chính phủ liên bang, cắt thuế càng nhiều càng tốt, chống phong trào đòi dân quyền
(cho người da đen), và chống Cộng đến cùng khắp thế giới; ông được ông Ronald
Reagan ủng hộ. Ông Goldwater thất cử, chỉ thắng tại 6 tiểu bang. Nhưng từ đó
các ý kiến trên đã thu hút thêm nhiều cử tri cho đảng Cộng Hòa, như dân ở miền
Nam nước Mỹ, những người gốc Ý, Ireland, Ba Lan, và nông dân ở miền Trung Tây
(Midwest). Bốn năm sau, ứng cử viên Richard Nixon, rồi đến Ronald Reagan năm
1980, đã thắng cử nhờ một cuộc liên kết mới do Goldwater tạo nên.
Năm
1972, ông Nixon đã thắng George McGovern, ứng cử viên Dân Chủ, trong 49 tiểu
bang. Ông McGovern thất bại vì đa số cử tri Mỹ lúc đó không chấp nhận những ý
kiến được nêu lên trong đại hội đảng Dân Chủ, như quyền bình đẳng của những người
đồng tính luyến ái, như đề nghị phải có mức lợi tức tối thiểu cho mọi người
dân, do chính phủ bảo đảm. Dù ông McGovern thất bại thảm thương, ngày nay nước
Mỹ đã thực hiện cả hai ý kiến trên. Năm 1972, McGovern thắng phiếu của các phụ
nữ đang đi làm nhiều hơn nam giới, ông được giới có học ủng hộ nhiều hơn giới
lao động, và chiếm 87% phiếu của người Mỹ không da trắng. Trong mấy cuộc bầu cử
gần đây, ông Obama đã đắc cử nhờ phiếu của những tầng lớp cử tri này.
Nhiều
điều ông Donald Trump nói cũng đã được các nhà chính trị cùng đảng nêu lên. Năm
1992, ông Pat Buchanan muốn đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống. Trong bài
diễn văn đầu tiên ông đã hứa: “Lên làm tổng thống, việc đầu tiên tôi sẽ làm là
dựng một bức tường đôi để ngăn chặn 95% di dân bất hợp pháp!” Năm đó, ông Ross
Perot ra tranh cử độc lập, chia phiếu của cựu Tổng Thống George W.H. Bush, với
lời hứa sẽ chấm dứt cảnh dân Mexico làm cho bao nhiêu công nhân Mỹ thất nghiệp.
Cho tới nay, những ý kiến đó vẫn thu hút rất nhiều người Mỹ, nhất là giới lao động
da trắng.
Hy vọng
của ông Trump là số người Mỹ da trắng đi bầu năm nay sẽ tăng lên ít nhất 5%, nhờ
sức thu hút của cá nhân ông (năm 2012 chỉ có 64% đi bỏ phiếu). Ông cũng hy vọng
sẽ chiếm phiếu của những người vẫn bầu cho đảng Dân Chủ nhưng lo sợ trước tự do
mậu dịch và lo di dân cướp việc làm. Nhưng dù đắc cử hay không, ông Trump cũng
đang làm cho đảng Cộng Hòa thay đổi. Trong tương lai, nước Mỹ có thể sẽ thay đổi
hệ thống lưỡng đảng hiện nay, vì các sợi dây liên kết những nhóm dân chúng khác
nhau cùng ủng hộ mỗi đảng có thể sẽ đứt đoạn.
No comments:
Post a Comment