Saturday, July 2, 2016

BẢN CHẤT CỦA TIỀN BỒI THƯỜNG (FB Lê Công Định)





BẢN CHẤT CỦA TIỀN BỒI THƯỜNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta đã giành từng bước, đấu tranh đầy cơ sở, chứng lý đầy đủ, thuyết phục mới đạt được kết quả này. Cần tính sao để số tiền 11.500 tỷ Formosa bồi thường cho Việt Nam được sử dụng, đạt hiệu quả tốt nhất.”

Tiền bồi thường xét về phương diện pháp lý thuộc quyền sở hữu của nạn nhân, bên chịu ảnh hưởng bất lợi về tinh thần, thể xác và kinh tế dưới tác động của hành vi vi phạm luật hoặc vi phạm cam kết của thủ phạm, trong đó thiệt hại của nạn nhân và lỗi của thủ phạm có mối liên hệ nhân quả.

Trong tuyên bố trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi thấy có nhiều vấn đề cần phân tích và mong ông giải đáp rõ:

1. Ông nói đã "đấu tranh đầy cơ sở, chứng lý đầy đủ, thuyết phục mới đạt được kết quả này". Vậy cơ sở và chứng lý đó là gì, có dựa vào thiệt hại tính mạng và tài sản cụ thể của ngư dân, thợ lặn, người ngộ độc hải sản, các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến biển, cùng các thiệt hại môi trường cần khắc phục trong hàng chục năm tới hay không?

2. Bên cạnh thiệt hại về môi trường mà đất nước gánh chịu, những nạn nhân nêu trên là bên chịu ảnh hưởng bất lợi về tinh thần, thể xác và kinh tế dưới tác động của hành vi vi phạm luật của Formosa. Vậy tiền bồi thường đương nhiên dành cho họ và thuộc quyền sở hữu của họ. Họ, chứ không phải Chính phủ, được quyền hưởng dụng tiền của mình. Sao lại có chuyện dùng tiền của nạn nhân để "hỗ trợ" chính nạn nhân, thậm chí hỗ trợ lãi suất cho nạn nhân vay?

3. Các nạn nhân đó đã uỷ quyền hoặc trao quyền cho Chính phủ khi nào và giấy tờ đâu trong việc thương lượng bồi thường và sử dụng tiền bồi thường đó, mà ông đã vội vã lên kế hoạch sử dụng số tiền còn trên miệng của Formosa như một chiến lợi phẩm của Chính phủ? Ông xem đó là tiền của ai vậy?

4. Ông nói "Formosa bồi thường cho Việt Nam". Về phương diện pháp lý, trong mối quan hệ dân sự - cụ thể là tương quan giữa bên gây thiệt hại và bên nhận bồi thường - Việt Nam không phải là một chủ thể pháp lý đương nhiên như trong mối quan hệ thuộc công pháp. Vậy Formosa bồi thường 500 triệu USD cho ai, chẳng lẽ cho Chính phủ của ông do công sức đã "giành từng bước" như ông kể lể?

5. Đến đây tôi có thể hiểu được bản chất của số tiền 500 triệu USD. Thực ra đó chính là kết quả thương lượng được mô tả như "cuộc đấu tranh" giữa Formosa và Chính phủ hầu giải quyết êm xuôi thảm hoạ môi trường, với mục tiêu vừa duy trì hoạt động kinh doanh của công ty đầy tai tiếng gây ô nhiễm này, vừa trấn an dư luận căm phẫn của toàn dân mà hậu quả có thể dẫn đến những rối loạn xã hội bất ngờ.

Kết luận: Có thể khẳng định số tiền bồi thường của Formosa về bản chất thuộc loại "có năm trăm triệu vụ này mới xong" mà thôi!

*
*
Phóng viên quốc tế : Tại sao các ông lại nhanh chóng quyết định bồi thường cho dân Việt nam 500 triệu USD mà không phải là 400 hay 600 ?
Formosa: Vậy thì các ông phải xem lại ai đang đại diện cho dân Việt nam lúc này ?
Phóng viên: Tất nhiên là các đại biểu quốc hội có đến 96% là đảng viên.
Formosa: Vấn đề không phải ở đó. Vấn đề là số lượng đại biểu ?
Phóng viên: 500. À ra là thế ! Tôi hiểu rồi.

----------------------------


Khi được hỏi về số tiền bồi thường của Formosa, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói:
"Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình bất kể ngày đêm. Đây là sự phối hợp chặt chẽ, bài bản, đúng luật pháp và thông lệ quốc tế. Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm, cam kết bồi thường 500 triệu USD, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường việc xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái, cam kết khắc phục tất cả những tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như nâng cấp công nghệ để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự."

Về tuyên bố này, xin đề nghị ông Bộ trưởng làm rõ những vấn đề sau đây:

1. Thông lệ quốc tế mà ông nói là gì? Yêu cầu ông nêu rõ, vì chúng tôi không thể chấp nhận lối nói chung chung, qua loa và lẩn tránh. 

Theo luật pháp quốc tế, ngoài công ước và hiệp định quốc tế, còn có thông lệ quốc tế được thừa nhận như nguồn luật (source of law) trong từng lĩnh vực, mà khi viện dẫn các cơ quan phân xử quốc tế đều phải nêu và phân tích rõ ràng, tránh tình trạng suy diễn vô lối giữa các bên tranh chấp.

Do vậy, trong trường hợp nghiêm trọng này ở Việt Nam, nếu nói "đúng thông lệ quốc tế", ông Bộ trưởng phải trích dẫn đó là "thông lệ" gì, như cách mà các cơ quan phân xử quốc tế thường làm. Ông không thể lừa bịp thiên hạ bằng 4 chữ "thông lệ quốc tế" mà không nêu cụ thể.

2. Để ấn định mức bồi thường thiệt hại, trên phương diện pháp lý, cơ quan phân xử (có thể là toà án quốc gia hoặc trọng tài quốc tế) luôn dựa vào các kết quả thẩm định thiệt hại thực tế một cách độc lập. Xin hỏi cơ quan thẩm định thiệt hại nào đã được Chính phủ mời làm việc, chi phí bao nhiêu và uy tín khoa học thế nào?

Thiệt hại môi trường biển nói riêng, môi trường sinh thái nói chung và môi trường sinh hoạt cụ thể của ngư dân và các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến biển tại những địa phương chịu ảnh hưởng của thảm hoạ, cùng những thiệt hại về sinh mạng và thương tật lâu dài của con người khi bơi lặn và ăn hải sản trong vùng biển có liên quan, đã được tính toán chi tiết ra sao và bằng phương pháp nào để đạt đến một giá ngạch như ông Bộ trưởng công bố?

Chúng tôi rất cần ông Bộ trưởng nêu rõ từng hạng mục thiệt hại và giá trị thiệt hại tương ứng bằng tiền, để hiểu vì sao Chính phủ chấp nhận con số 500 triệu USD. Bởi lẽ tại sao không phải là 100 triệu, 200 triệu, 450 triệu, 550 triệu hay 1 tỷ USD, mà lại là con số tròn 500 triệu USD? Mọi con số bồi thường dù lớn hay nhỏ, chẵn hay lẻ, đều phải có cơ sở pháp lý và khoa học chính xác của nó.

Formosa không thể đơn giản nhận lỗi và quăng ra 500 triệu USD, để Chính phủ Việt Nam hoan hỉ đón chụp lấy và la lên "nó chịu bồi thường rồi" thế là xong! Mọi thiệt hại và con số bồi thường chi tiết đều là vấn đề pháp lý mà cơ quan phân xử, thủ phạm và nạn nhân đều phải cân nhắc thận trọng.

Vì thảm hoạ này ảnh hưởng đến toàn dân, không riêng những vùng biển có liên quan, chúng tôi đề nghị ông Bộ trưởng công bố chi tiết cơ sở pháp lý và khoa học nào mà Chính phủ chấp nhận mức thiệt hại thực tế và mức bồi thường thiệt hại là 500 triệu USD. Đây là vấn đề nghiêm trọng nên người dân yêu cầu Chính phủ phải nghiêm túc!

3. Chúng tôi tin rằng khi chấp nhận mức bồi thường của Formosa, Chính phủ đã tính đến kế hoạch bồi hoàn cụ thể ra sao cho từng cá nhân và doanh nghiệp là nạn nhân trong thảm hoạ này.

Thiết nghĩ Chính phủ đã thu thập thông tin thiệt hại cụ thể của từng cá nhân và doanh nghiệp trước khi công bố như thế, vậy nên chúng tôi đề nghị ông Bộ trưởng ngay lập tức công bố kế hoạch bồi hoàn đó mà không cần phải trì hoãn thêm, nếu không người dân có quyền nghi ngờ 500 triệu USD là số tiền mà Formosa đơn thuần đấm vào mõm của Chính phủ cho qua chuyện.

Cũng liên quan đến kế hoạch bồi thường, đề nghị ông Bộ trưởng cho biết chương trình và ngân sách khôi phục môi trường và hệ sinh thái biển trong 50 năm tới. Dù ông Bộ trưởng mới nhậm chức hơn 2 tháng như ông biện bạch, nhưng để ngồi vào ghế đó hẳn ông phải có đủ trình độ và năng lực thực hiện một công việc chuyên môn như vậy. Ông không thể xin khất thêm thời gian công bố chương trình và ngân sách đó, bởi nếu không con số 500 triệu USD là giả dối.

Trên đây là vài đề nghị sơ khởi mà chúng tôi tạm trình bày trước để ông Bộ trưởng đáp ứng ngay. Do ông nói rằng 84 ngày qua ông đã lao vào công việc điều tra một cách thật sự và đầy khó khăn, chứ không phải tìm cách trì hoãn để bao che ai đó, nên chúng tôi tin rằng các yêu cầu nêu trên không vượt quá phạm vi kết quả thu thập được của ông và đồng sự.

HÃY TRẢ LỜI CHÚNG TÔI!

L.C.Đ.







No comments: