Saturday, July 16, 2016

ÂM MƯU ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG, TỪ THAM VỌNG ĐẾN CUỒNG VỌNG (Hoàng Quốc Hải)





Hoàng Quốc Hải
Thứ Bảy, ngày 16 tháng 7 năm 2016

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý’ và “Bão táp triều Trần”, gồm 10 tập, 6.500 trang. Chúng ta có thể “gặp” tại đây những sử liệu phong phú ở rất xa nhau, trong chính sử và sử ký Trung Quốc/ Việt Nam; sách thực lục mỗi thời, lịch triều loại chí hay dẫu chỉ là dã sử nằm rải rác trong ký ức dân tộc, ký ức kẻ thù. Có thể hình dung, với  một nhãn quan sắc sảo trời cho, với một tấm lòng yêu nước sâu nặng và  mẫn tiệp, mọi kho sử liệu Việt – Trung đã bị ông lục tung,chọn lựa rồi sắp đặt dưới ánh sáng lương trí; Ông trở thành một thẩm quyền khả dĩ bàn bạc, cắt nghĩa thấu đáo về việc Việt Nam nắm giữ chủ quyền liên tục xuyên 3 thế kỷ trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, đồng thời chứng minh một cách thuyết phục “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ là hoàn toàn phi lịch sử, phi lý,phi pháp và phi đạo đức cùng những hành xử hung hăng, côn đồ của Trung Quốc tại Biển Đông mấy năm vừa qua.

Nhân sự kiện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA ) Liên Hiệp Quốc vừa tuyên xử vụ Nhà nước Philippines kiện Trung Quốc, chúng tôi đăng lại bài viết còn nguyên giá trị so với tình hình thời sự hiện nay của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhằm giúp bạn đọc theo dõi sự kiện lịch sử này  một cách có hệ thống.


-----------------

Trung Quốc nói, Trung Quốc làm

Việc Trung Quốc đưa một đoàn tàu cá hùng hậu ( cũng có thể là tàu hải quân trá hình) diễu võ dương oai trong vùng biển  thuộc chủ quyền của nước ta, thực chất là một hành vi khiêu khích nghiêm trọng. Điều trớ trêu là Trung Quốc vừa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ( cấm trái phép cả trên vùng biển của Việt Nam)  từ 16 tháng 5 năm 2012 đến 1 tháng 8 năm 2012 thì 12 tháng 7 năm 2012 chính họ lại vi phạm cái gọi là “ lệnh cấm” đó. Điều này chứng tỏ cái mà Trung Quốc  nói hoàn toàn trái ngược với cái mà Trung Quốc làm. Đoàn tầu cá 29 chiếc vỏ thép, mỗi tầu 140 tấn cùng với tầu hậu cần kiêm chỉ huy 3.000 tấn được chia thành 2 biên đội 6 tốp, hình thành một hạm đội đánh bắt. Thực chất đây là một cuộc diễn tập quân sự trá hình, và cũng là đòn cân não nắn gân đối phương.

Còn việc Công ty dầu khí ( CNOOC) Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, lô gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý 50km, đó không còn là hành vi khiêu khích, mà nó nằm trong âm mưu thôn tính thuộc về quốc sách của Trung Hoa xuyên suốt từ cổ đại tới nay. Cần lưu ý rằng giữa ta và Trung Quốc cùng các nước như Malaysia, Philippines, Brunei chưa đàm phán để xác định vùng chống lấn. Chỉ vùng chống lấn đó mới gọi là vùng tranh chấp.        

Còn việc Trung Quốc cho ngư dân vào đánh bắt cá và mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng thuộc quyền chủ quyền tức vùng đặc quyền kinh tế của ta là hành vi xâm lấn, nếu chưa muốn nói là xâm lược. Đó là một âm mưu thâm độc, tạo ra tranh chấp trong vùng không có nhân tố tranh chấp rồi đòi thương lượng. Thật chả khác chuyện cổ tích kể về một con Sói trong lúc đói rét xin đặt nhờ một chân vào nhà Thỏ để sưởi ấm. Khi đặt được một chân, Sói dùng toàn thân xô cửa vào nhà, liền đó đuổi Thỏ đi và nhận đó chính là nhà của mình. Thỏ cãi lại, Sói chồm lên cắn chết Thỏ rồi ăn thịt.

Cũng cần nói rõ: Hầu hết các nước có chung biên giới với Trung Quốc đều bị Trung Quốc gây hấn và bị mất đất về tay Trung Quốc. Hùng mạnh như nước Ấn Độ mà năm 1962, Trung Quốc gây ngòi  làm bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn. Kết thúc chiến tranh, Trung Quốc chiếm được của Ấn Độ 50.000 km2. Cho tới nay Ấn Độ luôn đòi lại vùng đất bị Trung Quốc chiếm mà vẫn chưa đòi nổi một xăng ti mét, và hận thù giữa hai nước Ấn – Trung vẫn chưa có cách nào hóa giải.

Lấy ngay như nước ta làm ví dụ. Rõ nhất là cổng Nam Quan giáp với Đồng Đăng của nước ta. Cổng đó được người Trung Hoa xây từ thời nhà Minh thế kỷ 15. Trải 5 thế kỷ nó vẫn tồn tại trấn giữa một đường biên dài và không sảy ra tranh chấp. Nhưng qua cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, tới nay chiếc cổng đó đã nằm sâu trong đất của họ và cách đường biên giới tới mấy trăm mét. Và người Trung Quốc lý sự rằng Hiệp ước Pháp – Thanh phân định biên giới, việc đo đạc không chính xác! Và lại Hiệp ước Pháp – Thanh thì mãi 1885 mới ký, chẳng có liên quan gì đến biên giới trước đó gần 5 thế kỷ.     Hoặc bãi Tục Lãm trên sông Bắc Luân huyện Móng Cái (Quảng Ninh), Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh ( Cao Bằng), trước chiến tranh biên giới năm 1979, nó hoàn toàn thuộc phần đất của Việt Nam, không hề có tranh chấp. Ấy thế mà sau chiến tranh biên giới, Trung Quốc nhận chằng là của họ. Trên phương diện quốc gia, họ cù nhầy, cò cưa và gây căng thẳng trên nhiều tuyến biên ải, tới khi “Bãi Tục Lãm” chia đôi, “Thác Bản Giốc” chia đôi. Sự cực kỳ phi lý ấy, thử hỏi có khác gì chuyện con Sói xin sưởi nhờ một chân trong nhà Thỏ?

Trở lại vấn đề Biển Đông tức Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Công ước về Luật biển UNCLOS của Liên Hiệp Quốc 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều ký kết, thì vùng thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường lãnh hải của mỗi quốc gia ven biển, là quyền tài phán thiêng liêng bất khả xâm phạm của quốc gia đó. Ấy thế mà Trung Quốc nhảy vào tận sân nhà người ta mà cãi cối, nhận bừa theo kinh nghiệm truyền đời trên đất liền của họ với mục tiêu là tạo ra vùng tranh chấp. Sự phi lý đến hoang tưởng, có những vùng Trung Quốc đòi chủ quyền cách xa đường bờ biển của họ tới 2000 km. Hoặc như bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cách đất liền có hơn 230 km, trong khi đó cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 950 km mà Trung Quốc nhận đó là biển của mình.

Việc bất minh này nếu các nước bị T Q xâm lấn không làm quyết liệt, vạch trần sự gian dối đến liều lĩnh , sự ngạo mạn đến trơ trẽn về mặt pháp lý và cả đạo lý cho nhân dân Trung Quốc và toàn thế giới biết, chắc sẽ dẫn đến hậu quả tai hại về mặt chủ quyền. Và nếu điều đó sảy ra thì không chỉ mắc tội với tổ tông mà còn đến muôn đời hậu thế.

Về đường lưỡi bò trên Biển Đông.

Từ trước năm 1946, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài mà chỉ có người Việt Nam chiếm hữu từ thế kỷ 17, tới cuối thế kỷ 19, người Pháp xâm chiếm Việt Nam  thì quyền chiếm hữu hai quần đảo này thuộc về người Pháp, họ thay mặt chính phủ Nam triều quản lý.

Năm 1939, quân Nhật đổ bộ lên chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và hàng loạt các đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Đài Loan, Hải Nam của Trung Quốc,vừa làm bàn đạp tấn công lục địa Trung Hoa, vừa khống chế bờ tây Thái Bình Dương , đối chọi với Mỹ đang thống lĩnh bờ đông Thái Bình Dương.Trong những năm chiếm đóng Hoàng Sa,người Nhật đã tiến hành khai thác phân giơi,nghe nói phân giơi vừa có tác dụng làm phân bón,vừa tách được nguyên liệu chế tạo thuốc nổ.Thời gian quân Nhật chiếm đóng Hoàng Sa, thì phía người Pháp cả người Việt vẫn điều hành trạm khí tượng và cây đèn biển trên quần đảo này. Năm 1945 các nước phát xít Đức – Ý – Nhật đầu hàng đồng minh, Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu nằm trong thành phần của Đồng Minh, nên được phân công giải giáp quân đội Nhật, trong đó có phần lãnh thổ Bắc Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đến đầu năm 1950, quân Trung Hoa dân quốc đã rút lui khỏi vùng đảo này. Còn đồn binh của quân Pháp vẫn đóng trụ trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên đầu năm 1956, Trung Hoa dân quốc lại chiếm đảo Ba Bình thuộc Trường Sa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; cả hai bên Trung Hoa đều chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ do Việt Nam quản lý liên tục suốt từ thế kỷ 17.

Đường 9 đoạn trên bản đồ do Trung Quốc vẽ hiện nay là kế thừa đường 11 đoạn do một công chức có tên Bai Meichu thuộc chính quyền Trung Hoa dân quốc tự vẽ ra từ năm 1947, nghĩa là từ sau khi họ tiếp quản phần đất mà người Nhật thua trận để lại.

Lai lịch tấm bản đồ này rất mơ hồ, không có xuất xứ lịch sử, không có giới hạn địa lý theo kinh độ, vĩ độ và tọa độ. Sở dĩ hiện nay còn có 9 đoạn là do 2 đoạn trùm lên Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, sau khi đã phân chia giữa Việt Nam và Trung Hoa thì người Trung Hoa lại tự xóa đi 2 đoạn.

Trung Quốc không hề có một bằng chứng lịch sử nào khả tín như sử sách của họ có ghi chép cụ thể về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc có thực tế chiếm hữu và khai thác; hoặc chí ít là bia chủ quyền; điều có thể thuyết phục nữa là bản đồ hành chính hoặc bản đồ địa lý quốc gia. Tất cả những yếu tố tối thiểu để chứng minh quyền làm chủ của Trung Quốc trên hai quần đảo này là số không. Mà tất cả chỉ là những căn cứ vu vơ . Ví như: “ Trung Quốc đã hành xử chủ quyền biển Nam Trung Hoa từ thời nhà Tống (960-1279). Hoặc “ Thời Minh Vĩnh Lạc (1403 -1427) hạm đội của Trịnh Hòa đã đi khảo sát tại vùng biển Đông Nam Á….”

Đúng là Trịnh Hòa có đem quân đi giễu võ dương oai tại vùng Đông Nam Á, nhưng không vẽ được bản đồ, không có dấu ấn gì ghi chép tại mấy nước này. Trái lại, khi quân của Trịnh Hòa tiến vào Trảo Oa (Java) bị dân địa phương đánh đuổi, giết chết tới 170 người Trung Quốc, khiến Trịnh Ḥòa phải tháo lui. Và sang đời Minh Tuyên Đức thì nhà Minh phải bãi bỏ chương trình rất tốn kém của Trịnh Hòa.

Còn như “Hoàn Cầu thời báo” nói: “ Trung Quốc đã hành xử chủ quyền biển Nam Trung Hoa từ thời nhà Tống” thì quả là họ nói liều, và họ chả hiểu gì về lịch sử cha ông họ.Ta nhớ, trước cuộc xâm lăng Đại Việt năm 1076,triều đình nhà Tống bàn đến nát nước. Các đại thần nhà Tống rất sợ giao chiến với người Giao Chỉ (xưa họ gọi nước ta là xứ Giao Chỉ). Lễ bộ thị lang Vương Thiều đã tranh biện kịch liệt với bọn người hiếu chiến và khẳng định: “Chớ nên gây việc binh đao với người Giao Chỉ”.  Còn  Triều Bổ Chí, một văn quan  dâng sớ trần tình mọi nhẽ can ngăn Tể tướng Vương An Thạch và Tống Thần tông chớ nên gây chiến với người Giao Chỉ. Bởi người Tống không quen thuộc đường biển. Ông nói: “ Quân Tống nhát sóng, hơi có gió đã sợ rồi, không biết sẽ chiến đấu làm sao? Còn người Giao Chỉ, họ giỏi thủy chiến. Từ xưa truyền lại rằng người Việt lặn xuống nước đục thuyền địch lật úp. Đỗ Mục nói họ có kẻ đi chìm dưới đáy bể tới 50 dặm mà không thở….”. Thật vậy, từ cổ xưa Trung Hoa vốn là một quốc gia lục địa, thế mạnh của họ là kỵ binh và phòng thủ của họ là thành cao, hào sâu. Tổ tiên của họ chưa bao giờ mơ ước , và dám mơ ước tới việc vươn ra biển, nói chi tới việc hành xử chủ quyền.

Phải nói nhà Tống là một thời đại yếu hèn, hết bị nước Kim đến nước Liêu, nước Hạ chèn đánh. Nhà Tống vừa phải cắt đất cầu hòa, vừa phải triều cống hằng năm cho các nước nhỏ bé này. Vua Tống còn bị Vua nước Kim bắt phải tôn gọi là bá phụ, trong khi Kim Thái tông  mới có 12 tuổi. Sự suy thoái triền miên ấy dẫn toàn bộ nước Trung Hoa vào vòng thống trị của người Mông Cổ tới ngót trăm năm. Trận quyết chiến cuối cùng  năm 1279, quân Mông Cổ dìm chết 10 vạn quân Tống trong vùng biển Nhai Sơn, tức vùng biển Hải Nam tỉnh Quảng Đông ngày nay. Tể tướng nhà Tống là Lục Tú Phu phải cõng vua Tống nhảy xuống biển tự tử.

Thử hỏi một đất nước yếu, hèn như thế làm sao mà “ hành xử chủ quyền” được trên “ biển Nam Trung Hoa”?!
        
Lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mới đây tiến sĩ Hán – Nôm Mai Ngọc Hồng vừa hiến Bảo tàng lịch sử Việt Nam tấm bản đồ lãnh thổ Trung Quốc Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1904 ghi rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Nên nhớ đây là bản đồ Địa dư toàn đồ,  nên không có thể nhầm lẫn hoặc bỏ sót một địa danh nào. Và lại nhóm làm bản đồ gồm có các học giả nổi tiếng của Trung Quốc và các chuyên gia phương Tây hợp tác. Thêm vào đó sách “ Trung Quốc địa lý giáo khoa thư” biên soạn năm 1905, xuất bản năm 1906 có ghi “phía Nam từ vĩ độ Bắc 18 độ 13’ tận cùng là bờ biển Nhai Châu (Hải Nam)…Vậy là cả bản đồ chi tiết về lãnh thổ và sách giáo khoa của người Trung Quốc đều xác nhận Hải Nam là đất tận cùng giáp biển. Tuyệt nhiên không thấy có tên Hoàng Sa và Trường Sa xuất hiện trên bản đồ này.

Cái tên Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa ( Trường Sa) mới chỉ xuất hiện trên thư tịch Trung Quốc từ năm 1947. Và mãi đến năm 1980 ngày 30 tháng 1, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới lần đầu tiên đưa ra văn kiện có hệ thống đầy đủ của Bộ ngoại giao về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc gọi là  Tây Sa và Nam Sa, trong khi Việt Nam đã chiếm hữu và khai thác liên tục từ thế kỷ 17 cho tới khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm.

Thật ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, Việt Nam chỉ gọi một cái tên chung là Hoàng Sa tức là đảo cát vàng, hoặc Vạn lý Trường Sa (bãi cát dài vạn dặm).

Ta có thể tham khảo thêm một số bản đồ cổ của Trung Quốc như “Dư địa đồ”- bản đồ Trung Quốc vẽ đời Nguyên của Chu Tự Bản, được thu nhỏ trong sách “ Quảng dư đồ” quyển 1 của La Hồng, biên soạn năm 1561, phần cực nam lãnh thổ của Trung Quốc ghi là đảo Hải Nam.

Trong “ Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ” quyển 1 của Trần Tổ Thụ đời Minh, soạn năm 1635, phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc ghi là đảo Hải Nam.

Trong danh mục bản đồ các đời mà Trung quốc vẽ hiện lưu giữ trong “ Bắc Kinh tứ khố” còn vô vàn, nhưng cũng chả có một chiếc nào đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hoặc Tây Sa và Nam Sa như Trung Quốc gọi.

Trên đây tôi chỉ nêu 3 tấm bản đồ tiêu biểu của Trung quốc do người Trung Quốc vẽ qua các thời Nguyên , Minh, Thanh từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn vô số các bản đồ do các nhà truyền giáo phương Tây , các nhà thám hiểm, nhà buôn vẽ đều ghi nhận đảo Cát Vàng thuộc về nước Đại Nam.

Vài chứng cớ nữa nói lên Trung Quốc thừa nhận đảo  Cát Vàng (Hoàng Sa) là của Việt Nam.

Vào năm 1895 tầu Bellona của Đức bị vấp đá ngầm và chìm tại quần đảo Hoàng Sa, đánh tín hiệu cấp cứu cho Hải Nam mà không được đáp ứng, Trước đó năm 1890 tầu Himeji của Nhật Bản cũng bị đắm ở Hoàng Sa, gởi tín hiệu cho Hải Nam đều không được phía Trung Quốc cứu hộ. Trái lại ngư dân của họ từ đảo Hải Nam ra hôi của như đồng và các hàng hóa khác. Nhân hai sự vụ này, Chính phủ Anh gởi công hàm phản kháng. Phía Trung Quốc tuyên bố chính thức quần đảo này không thuộc về Trung Quốc.

Xa hơn nữa trong “Phủ biên tạp lục” nhà bác học Lê Quý Đôn có đoạn viết: “ Tôi đã từng thấy có một đạo công văn của quan chánh đường, huyện Văn Xương, Quỳnh Châu ( đảo Hải Nam) gửi cho Thuận Hóa nói rằng: “Năm Kiền Long thứ 18 (1758- tương đương với thời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, ngày 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ , có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió giật đứt dây, thuyền dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đây xét thực đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thúc Lương hầu làm thư trả lời.”

Việt Nam có vô vàn tài liệu ghi chép rất cụ thể ngày tháng năm Chúa Nguyễn, sau này là các vua triều Nguyễn sai lập Hải đội Hoàng Sa trong đó có nhiều việc như đo đạc các đảo, đo đạc thủy triều, hướng gió , lập miếu thờ thần, trồng cây dựng bia chủ quyền, khai thác các hải sản quý như hải sâm, đồi mồi … Thu gom các hàng hóa và vật dụng do các tầu thuyền nước ngoài gặp nạn dạt vào đảo . Quý hơn nữa là các châu bản ví như các chiếu, cáo, dụ, sắc có chữ ký và con dấu của nhà vua sai phái công việc ở Hoàng Sa, hoặc các biểu tấu của mấy tỉnh ven biển miền Trung tâu báo về công việc có liên quan đến Hoàng Sa được nhà vua phê duyệt và ký. Cũng có nhiều sắc khen đến Hải đội Hoàng Sa hoặc các cá nhân mẫn cán có công trong Hải đội Hoàng Sa này được vua ban tặng. Những bản đó gọi là châu bản, hiện còn lưu trữ khá nhiều,và các giấy tờ được vua ban khen, các gia đình gìn giữ như bảo vật truyền gia cũng không phải là hiếm.

Ngoài ra còn các tài liệu do người Pháp đo đạc, khảo sát trên hai quần đảo này từ năm 1933, kể cả nhật ký của những người Pháp người Việt làm việc trên đảo này từ trước đến ngày 20 tháng 1 năm 1974, là ngày quân xâm lược Trung Quốc dùng lực lượng hải quân áp đảo cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay quân lực Việt Nam cộng hòa.

Phần nữa là các ghi chép, kể cả bản đồ do người ngoại quốc viết và vẽ về quần đảo Hoàng Sa. Chỉ tiếc trong tay ta có cả đống tư liệu vô cùng phong phú, mà không hiểu do cản trở gì lại không được phổ cập trong các trường học và cho người dân Việt Nam đều được biết trọn vẹn về hình hài Tổ quốc mình . Hơn nữa còn làm tài liệu cho nhân dân thế giới biết được thực hư, phải trái. Nếu không cứ để cho người Trung Quốc nói bừa, nói bậy rồi tới lúc lộng giả thành chân, ta có hối cũng không kịp.

Tài liệu lịch sử thì nhiều, không thể trích hết ra đây được, tôi chỉ xin giới thiệu 2 bản sách phổ cập nhất là “Phủ biên tạp lục” quyển 1 của học giả Lê Quý Đôn có nói kỹ về phủ Quảng Ngãi và đảo Cát Vàng ( Hoàng Sa).

Thứ nữa là sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, Viện sử học dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản gồm 5 tập. Trong đó tập 2, quyển 8 là phần Tỉnh Quảng Ngãi, mục “Núi sông” có nói về “ Đảo Hoàng Sa” cuối sách phần phụ lục, lại nói riêng về “quần đảo Hoàng Sa”.

Lại nữa, các sách Đại Nam thực lục; Lịch triều hiến chương loại chí; Việt Nam hội lệ sự điển; Việt sử thông giám cương mục… Đều có nói khá kỹ về quần đảo Hoàng Sa.

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đoạn ghi như sau: Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không chạy. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân có ốc tai voi to như chiếc chiếu, có ốc xà cừ để khảm đồ dùng, đồi mồi thì rất lớn…

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt Hải đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã Yên Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim , bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu ( các tàu buôn bị đắm) như là gươm, hoa bạc,tiền bạc, hòn bạc, đồ uống, khối thiếc, khối chì, sừng, ngà voi…..đến kỳ tháng 8 thì về, vào Cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp (Phủ biên tạp lục tập 1, trang 119-120 nhà xuất bản Khoa học xã hội 1977).

Và sách Đại Nam  nhất thống chí tập 2 trang 369-370 ghi: Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra thuận gió thì độ 3 – 4 ngày đêm có thể đến nơi . Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng rãi tục gọi “ Vạn Lý Trường Sa”…..

Hồi đầu bản triều đặt đội Hoàng Sa có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa biển Tư Hiền về nộp; lại đặt đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh ( tức Trung Quốc ). Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ.

…Năm Minh Mệnh thứ 16 (1836) sai thuyền công, chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và phía sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân.

Qua đây, ta biết từ thời các Chúa Nguyễn  đến các triều đại nhà Nguyễn việc quản lý Hoàng Sa đều do Nhà nước chỉ huy, trong đó có việc đo đạc, vẽ bản đồ, lập miếu, dựng bia, gieo hạt, trồng cây và khai thác sản vật.

Tất cả những yếu tố trên là đầy đủ các điều kiện chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục mà Ủy ban pháp luật của Liên Hiệp Quốc soạn thảo trong Công ước về Luật biển UNCLOS 1982. Phía Trung Quốc nằm mơ cũng không có được một dòng chứng tích để làm chứng lý cho việc xác lập chủ quyền chiếm hữu.Vì thế họ cứ nói đại TQ đã hành xử chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa từ đời Hán , đời Đường. Thấy không thuyết phục được ai, lại nói “chủ quyền lịch sử”… Chung quy là lí luận của quân xâm lược mà ngay những người TQ chân chính cũng phản đối.

Trở lại vấn đề Trung Quốc chiếm hữu một phần Hoàng Sa một cách bất hợp pháp từ năm 1956. Trên thực tế  năm 1956 Chính phủ Việt Nam cộng hòa đang quản lý cả hai quần  đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho tới tháng 1 năm 1974, Trung Quốc huy động một lực lượng lớn hải quân cưỡng chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa  từ tay quân lực của Việt Nam cộng hòa. Và tới tháng 3 năm 1988, lại vẫn với thủ đoạn dùng lực lượng áp đảo bất ngờ một cách hết sức dã man và tàn bạo, Trung Quốc lại chiếm đảo đá Gạc Ma từ tay Quân đội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau đó quân xâm lược chiếm thêm các đảo Đá chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ren, Đá Tư Nghĩa, Đá Subi…Cho tới lúc cướp được mấy đảo này,TQ mới thực biết đến Trường Sa.

Sự có mặt của Trung Quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thực chất là một cuộc xâm chiếm đất đai đúng nghĩa. Đúng nghĩa nhất là quân xâm lược Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Và đất đai cướp đoạt không thể thực thi chủ quyền, bởi không có luật lệ nào cho phép .

Trung Quốc chỉ được sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, nay tuyên bố chủ quyền tới 90% Biển Đông, tức hơn 3 triệu cây số vuông, khiến các nước cùng chung Biển Đông phản ứng quyết liệt. Không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Malaysia và Brunei cũng khẳng định chủ quyền theo Công ước UNCLOS về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Một trong những khẳng định chủ quyền mạnh mẽ của Việt Nam là ngày 21 tháng 6 năm 2012 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật biển, trong đó khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đó là việc quá bình thường đối với một quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc cũng công bố Luật biển của nước họ từ năm 1992. Ngay điều 1 của Luật biển Việt Nam đã khuyến cáo trong quá trình thi hành có điều gì không phù hợp với Công ước Luật biển UNCLOS của Liên Hiệp Quốc sẽ lập tức tu chỉnh. Việc làm này tỏ rõ thiện chí của Việt Nam là hòa hợp, là tôn trọng luât lệ quốc tế và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên điều đó khiến Trung Quốc không hài lòng.

Quốc hội Trung Quốc ngay lập tức đòi Việt Nam phải hủy bỏ hoặc sửa chữa Luật biển của nước mình. Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đến phản đối về Luật biển Việt Nam. Đó là sự can thiệp trắng trợn đến chủ quyền của nước khác.

Thực hiện kế hoạch thôn tính Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, và xây trụ sở hành chính một cách bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nay lại dựa trên quyết định sai trái đó để lấy nó làm căn cứ gọi là khu phòng thủ Tam Sa. Thật là một bước leo thang nguy hiểm. Hơn thế nữa, Trung Quốc cho Tam Sa là tiền tuyến của Bắc Kinh trong trận chiến Nam Hải, và triển khai quân đồn trú cấp phân khu và trực thuộc hạm đội Nam Hải. Hiện họ đang khởi động đưa một đoàn tầu cá khổng lồ với 23 nghìn tầu tới các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đánh bắt. Lại kêu gọi vũ trang cho 100.000 ngư phủ trở thành đội quân mạnh nhất, hơn bất kỳ lực lượng vũ trang của bất cứ nước nào đang tranh chấp biển đảo với họ. Với các hành động mang tính cơ bắp, rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh ăn cướp.

Trong khi đó nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tuyên bố rằng họ phản đối dùng vũ lực, và củng cố tình hữu nghị, củng cố lòng tin trên cơ sở 16 chữ  vàng và 4 tốt. Sự thực đây chỉ là chiêu bài lừa mị nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới, kỳ thực họ đang chuẩn bị cho một âm mưu cực kỳ thâm độc và nguy hiểm để chiếm trọn Biển Đông với bất cứ giá nào. 

Song song với hành động hung hăng và hiếu chiến này, các trang mạng và báo chí Trung Quốc đang kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đổ lỗi cho các nước, đặc biệt là Việt Nam và Philippines suốt từ năm 2009 tới nay, báo chí Trung Quốc không ngớt lời công kích Việt Nam với lời lẽ ngày càng hiếu chiến , và dường như nó không còn nằm trong hệ ngôn ngữ ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào có một chút văn minh nữa. Ví như tờ “Hoàn cầu thời báo” thuộc tờ Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng viết bài đe dọa Việt Nam rồi hô hào: “ Sát Việt khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỳ” ( giết giặc Việt để làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa ). Sau đó bài này được đưa lên trang mạng Trung Quốc. 

Khơi gợi lại hận thù xưa, công khai thú nhận tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17 -2-1979, mạng quân sự  milchina.com tháng 1 năm 2011 đã đăng thư của một  cựu chiến binh còn sống sót trong cuộc xâm lăng đó. Tôi chỉ trích một đoạn ngắn.

Mục đích  của cuộc chiến tranh này là tàn phá hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ nên sau 2 ngày đánh nhau bộ đội của ta chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là không bắt tù binh không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ …” . Tự thân lời thú tội này đã nói lên tất cả dã tâm của chính quyền Bắc Kinh.

Trung Quốc thường tuyên bố “ Trỗi dậy trong hòa bình”  và là một quốc gia có trách nhiệm, nhưng lời lẽ thì hiếu chiến mà hành động thì thuần gây hấn với các nước láng giềng. Cái đám tầu cá hung hăng kia liệu có đúng là dân ngư phủ hay là bọn thám báo, biệt kích đã được huấn luyện kĩ càng. Chúng hết gây sự với Việt Nam lại đến Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngay tàu thăm dò Impecable của Mỹ cũng bị cái đám tàu cá này quấy nhiễu.Tổng hợp các hành động ngạo mạn cho thấy một Trung Quốc đang trỗi dậy thật sự. Nhưng là sự trỗi dậy theo cách học đòi làm sen đầm quốc tế. Và với thái độ ngông ngạo muốn làm bá chủ thế giới thật sự. Mới đây đọc trên mạng thấy đăng bài phát biểu của tướng Trì Hạo Điền, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bài này có tựa đề “ Sử dụng vũ khí sinh học quét sạch nước Mỹ, bá chủ thế giới”.

“ … Chỉ có thể sử dụng loại vũ khí không hủy diệt nhưng có khả năng giết nhiều người chúng ta mới có thể giành  lấy nước Mỹ cho chúng ta.

….Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu quét sạch nước Mỹ một cách hoàn toàn bất ngờ, khi đồng chí Đặng Tiểu B́nh c̣òn sống, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn, là không phát triển các nhóm tàu sân bay và thay vào đó tập trung vào phát triển các loại vũ khí có thể thủ tiêu hàng loạt dân chúng của nước thù địch.

Xét về mặt nhân đạo, chúng ta cần phải cảnh báo cho dân chúng Mỹ và thuyết phục họ phải rời khỏi nước Mỹ và để lại vùng đất họ từng sinh sống trên đó cho người Trung Quốc. Hoặc ít nhất họ phải rời khỏi một nửa nước Mỹ để nhường phần đất đó cho người Trung Quốc. Bởi phát hiện ra nước Mỹ đầu tiên là người Trung Quốc.” ( Nguồn báo Đất Việt 7-7-2012, Nguyễn Hữu Quý).

Thảo nào với Hoàng Sa, Trường Sa của ta, họ bảo họ đã nhìn thấy trước và đã lưu vào sử sách từ đời Hán, đời Đường.

Qủa nhiên đây không còn là tham vọng nữa mà là cuồng vọng.Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả cay đắng.

Nước Trung Hoa có truyền thống văn hiến lâu đời, từng sản sinh ra các học thuyết triết học vĩ đại, cống hiến đáng kể vào kho tàng tri thức và nền văn minh nhân loại . Cùng với hơn 1 tỷ dân, trong đó biết bao các học giả, biết bao nhà trí thức đạt tầm cao nhân loại, không dễ gì bị các nhà dân tộc chủ nghĩa mù quáng và hiếu chiến lừa dối được. Vì vậy giới học giả Trung Hoa đã cất lên tiếng nói nhân văn một cách dũng cảm, công bằng và khoa học.

Học giả Chu Hạo , chuyên viên của Viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh viết trên tờ China Daily vào ngày 6-7-2012: “Điểm nóng tranh chấp trên Biển Đông đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ 2010 tới nay… Nếu tiếp tục chính sách ngoại giao pháo hạm, sự phát triển của Trung Quốc sẽ bị cho là mối đe dọa với nhiều nước khác, không tỉnh táo thì Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung Quốc”.

Giáo sư Sun zhe lưu ý Trung Quốc rằng: “ Nam Hải ( Biển Đông ) không phải là “ao nhà” (internal lake)  của Trung Quốc. Bởi phần nhiều vùng biển này thuộc về vùng biển Quốc Tế …. Với đường lưỡi bò này,Trung Quốc có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế hiểu rằng Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát Biển Đông như một “ ao nhà” của chính mình… “

Trong cuộc Hội thảo của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) giáo sư Thịnh Hồng thuộc Đại học Sơn Đông nói: “Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thế giới bằng cách tuân thủ theo các quy tắc quốc tế”.

Học giả Zhang Yuling thuộc CASS nói: “ Trung Quốc không nên bám víu vào tư duy truyền thống của mình. Việc thảo luận về các biện pháp cụ thể phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển này phải phù hợp với UNCLOS, trong đó Asean sẽ đóng một vai trò phù hợp, đường lưỡi bò diễn giải mơ hồ về quyền tài phán, không đề cập đến các yếu tố địa lý của đường bờ biển hay đường cơ sở là hoàn toàn không thuyết phục”.

Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa thuộc trung tâm tin tức Hải Dương của Trung Quốc cho rằng: “ Chúng ta- Trung Quốc vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật. Đường chín đoạn chiếm giữ gần 80% Biển Đông là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974”.

Giáo sư Dương Thụ Quang, Đại học Tứ Xuyên thì nhấn mạnh: “`Trung Quốc không thể tự vẽ ra đường 9 đoạn. Khi TQ khăng khăng đưa ra “Đường lưỡi bò”, nhưng không có căn cứ để khẳng định và không được bất kỳ nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị. Quyền lợi của anh (TQ) cần được người khác thừa nhận, ngừoi khác không thừa nhận thì anh không có quyền đó”.

Thạc sĩ báo chí truyền thông Chu Phương, biên tập viên công tác tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã có bài báo với tựa đề “ Hiện trạng Nam Hải ( Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng ngày 17-7-2012. Mở đầu Chu Phương viết: “ Nhiều người dân nước ta đến bây giờ vẫn chưa hiểu tại sao Nga lần đầu tiên lại tham gia diễn tập quân sự lớn tại Thái Bình Dương do Mỹ chỉ đạo. Kỳ thực đó là sự phản ứng mạnh mẽ quốc tế trước hành động thiết lập “Thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.

…Việc thiết lập “Thành phố Tam Sa” là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần nhận rõ sai lầm to lớn của mình. Sớm có hành động sửa chữa sai sót.

… Hành động nguy hiểm vô trách nhiệm của một số người trong việc thiết lập “Thành phố Tam Sa” đang đẩy nhân dân Trung Quốc vào miệng hố chiến tranh. Nhân dân Trung Quốc cần hòa bình không cần chiến tranh. Trong việc xử lý vấn đề quốc tế và xử lý vấn đề quan hệ với các nước, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được cuồng nhiệt. Trung Quốc cần làm một dân tộc có trách nhiệm, đứng thẳng giữa khu rừng các dân tộc thế giới, quyết không thể làm một “ cô nhi thế giới” hành động ngang bướng.

Trong việc giải quyết công việc quốc tế, Trung Quốc cần phải học cách tuân thủ quy tắc trò chơi đã được cả thế giới công nhận, tránh một mình một kiểu, mình khen mình hay, đừng để trở thành Triều Tiên thứ hai….

Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi hãy lập tức hủy bỏ “ Thành phố Tam Sa”, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng,với các nước xung quanh Nam Hải,loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc trở lại đại gia đình quốc tế…”.

Trên đây là hai lối hành xử của người Trung Quốc . Một bên là áp đặt, ngông cuồng hiếu chiến, tham lam, bất chấp đạo lý và pháp lý, còn một bên là tiếng nói của lương tri, tôn trọng đạo lý và luật pháp quốc tế, hòa bình , thân hữu.

Thế giới có lý do để quan ngại

Các quốc gia trên thế giới đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, bất bình với những hành động khiêu khích và xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc. Sau đây là một vài ý kiến của một số nhân vật Hoa kỳ, quốc gia thân hữu với Trung Quốc, ân nhân giúp Trung Quốc thoát khỏi vòng vây của Liên Xô và tạo tiền đề cho Trung Quốc hội nhập với thế giới và trở thành nước cường thịnh. Trước hàng loạt những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông John Mc Cain cho là: “Trung Quốc khiêu khích”.

Còn nghị sĩ Jim Webb của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cho rằng: “Các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm đơn phương  khảng định quyền kiểm soát Biển Đông là phạm luật quốc tế”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hilary Clinton nói; “ Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm”.

Ngài Hishore Mabubanie, giáo sư hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore thì phê phán: “ Trung Quốc bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng. Việc Trung Quốc năm 2009 gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc  để đưa ra yêu sách đường 9 đoạn là hành động không khôn ngoan, v́ Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc biện hộ cho yêu sách của mình theo luật quốc tế…Đường 9 đoạn có thể sẽ chỉ là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.

Dẫu sao tôi vẫn muốn trích lại bài của ông luật sư người Mỹ.Ông Ted Laguatan là một trong  29 luật sư nổi tiếng nhất trong suốt 20 năm qua của Đoàn luật sư bang California đã lên tiếng về sự ngông ngạo của Trung Quốc đối với Biển Ðông.

Tựa đề bài viết của ông Ted: “Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề Trường Sa  ra Liên Hiệp Quốc?

“….. Nhà Hán của Trung Quốc mới có từ 206 trước công nguyên.

Còn Alexandre đại đế chết năm 323 trước công nguyên. Vương quốc của ông bao gồm cả Hy Lạp, Syrie, Ba Tư, Ai Cập, và một phần Ấn Độ.

Đế quốc La Mã tồn tại hơn 1000 năm thâu tóm cả Châu Âu và một phần Châu Á, Châu Phi.

Vậy ngày nay 2 nước Macedoine và La Mã có thể đòi lại các phần đất cũ mà đế quốc Macedoine và La Mã  chiếm đóng từ mấy ngàn năm trước không?

Nếu lý luận như Trung Quốc ngày nay, thì người Mông Cổ có thể đòi cả nước Nga và nước Trung Hoa cùng nhiều nước khác mà Thành Cát Tư Hãn đã thống trị từ thế kỷ 13, 14 không?”

Thói ngạo mạn của Trung Quốc lấy cơ bắp làm ngôn ngữ ngoại giao ,và áp đặt chính sách đối ngoại của mình buộc đối phương phải tuân thủ , tựa như đường lối của bọn phát xít Hít-  le ( Adolf Hitler 1889- 1945 ) hồi Đại chiến thế giới thứ 2. Thế nhưng Trung Quốc luôn rêu rao là “ trỗi dậy trong hòa bình” và “muốn làm bạn với các nước”.

Lâu nay Trung Quốc đã thể hiện rất kiên trì đường lối đối ngoại là cái gì họ làm với thế giới , luôn luôn ngược lại với cái mà họ hùng hồn tuyên bố.

Hãy cảnh giác với Trung Quốc!

Nhưng phải cảnh giác với Trung Quốc như thế nào?

Trọng trách thuộc về Đảng và Nhà nước, tức bộ máy cầm quyền phải có trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia. Tuy nhiên quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Vả lại nước  là của dân. Dân có quyền bàn và được bàn. Nhưng quyết về phương lược, đối sách lại thuộc về nhà cầm quyền. Ta phải làm gì với người hàng xóm mưu mô hiểm độc này ư? Ta là nước nhỏ họ là nước lớn, cho nên từ mấy ngàn năm nay , là hàng xóm hữu hảo hay cừu  thù, đều do họ quyết định chứ đâu phải do ta. Xưa thế, nay vẫn thế. Nhưng nếu khôn ngoan và biết tự trọng, tự cường, thì không cho phép họ biến mình thành con rối trong tay họ. Nếu ta biết tự trọng thì buộc đối phương phải tôn trọng ta. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng, chỉ có đoàn kết toàn dân với tinh thần Diên Hồng mới có thể hóa giải được.

Phía ta gìn giữ từng li từng tí , cốt sao cho bạn tin tưởng. Thế nhưng ta càng nhẫn nhịn, bạn càng lớn tiếng vu cáo ta, la mắng thậm chí chửi bới ta.Ta càng nhún nhường,bạn càng lấn tới. Nay “bạn”đã sấn sổ vào tận cửa nhà ta, túm lấy ngực áo ta, dí dao nhọn vào tận cổ ta rồi. Vậy ta vẫn kêu  họ là “ bạn” hay phải gọi nó là “ quân ăn cướp giết người” hay là “ quân xâm lược” mới đúng đây?

Cách hành xử của Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói trước toàn dân ngày 23-7-2012 do hãng Reuters đưa lại, tưởng cũng nên tham khảo: “ Trong vai trò lãnh đạo tôi có bổn phận bảo vệ luật pháp của đất nước chúng ta  và trong khi tôi làm bổn phận này, căng thẳng đã diễn ra, một mặt là phía Trung Quốc đưa ra lý thuyết đường đứt  đoạn 9 khúc để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Tây cua Philippines. 

Chúng ta đã tỏ ra nhẫn nhịn tới mức tối đa trong khi đối phó với vấn đề này. Chúng ta đã chọn con đường không lời qua tiếng lại với những tuyên truyền khiêu khích của báo chí Trung Quốc.

Tôi không cho là một điều quá đáng khi chúng ta yêu cầu nước khác tôn trọng chủ quyền của chúng ta, như chúng ta tôn trọng chủ quyền của một nước khác trong thế giới mà chúng ta cần phải sống chung. Có những kẻ khuyên chúng ta nên bỏ qua vụ việc Bajo Masinloc ( quốc tế gọi là bãi cạn Scarborough ) chúng ta nên tránh phiền phức.

Nhưng nếu có một người nào đó vào ngôi vườn của bạn và nói với bạn rằng hắn làm chủ ngôi vườn này. Bạn có chịu không? Liệu có đúng không khi chúng ta giao cho kẻ khác những gì chính đáng thuộc về chúng ta. Và vì thế tôi kêu gọi đồng bào phải đoàn kết về vấn đề này. Chúng ta phải nhất trí nói cùng một tiếng nói:

Xin đồng bào giúp tôi chuyển đến phía bên kia (T Q) những lý lẽ trong lập trường của chúng ta.”

Vậy là các nhà lãnh đạo và nhân dân Philippines đã có một tiếng nói chung-Tiếng nói bảo vệ Tổ quốc.

Ngài tổng thống Aquino kết thúc bài nói chuyện bằng câu: “ Xin đồng bào giúp tôi chuyển đến phía bên kia ( TQ ) những lý lẽ trong lập trường của chúng ta”, có nghĩa là ông kêu gọi các phương tiện truyền thông góp sức cùng nhà nước đấu tranh trên cơ sở của lẽ phải.

Về phía ta điều nên làm khẩn cấp trong lúc này là phải công khai các tư liệu về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho toàn dân được biết. Phải xác định rõ  tọa độ 2 quần đảo  này theo kinh độ, vĩ độ. Phải trình bày rõ ràng việc chiếm hữu khai thác thực thi chủ quyền liên tục từ mấy thế kỷ nay. Phải in các bản đồ của ta và của Trung Quốc cổ kèm theo. Phải dịch ra các thứ tiếng, và Tùy viên văn hóa của sứ quán ta ở các nước có quan hệ ngoại giao với ta, phải có nghĩa vụ giới thiệu và làm rõ vấn đề với các nước bạn, để bạn hiểu đâu là chân lý. Phải phổ cập kiến thức này qua hệ thống truyền thông của Nhà nước. Phải phổ cập chương trình này trong các cấp học của Bộ Giáo dục. Trong các đơn vị của Bộ quốc phòng, mỗi người lính phải hiểu tường tận lãnh thổ, lãnh hải của cả nước. Nếu không biết rõ hình hài của đất nước thì biết ta sở hữu đến đâu mà bảo vệ. Nên in thành tài liệu rút gọn về Trường Sa, Hoàng Sa có kèm bản đồ phát không cho khách du lịch nước ngoài, và phát tài liệu này cho toàn dân. Cũng nên mở các cuộc thi tìm hiểu về địa lý, lịch sử của Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quý, Phú Quốc…

Trong điều kiện có thể nên in cả Luật biển Việt Nam và Công ước Luật biển UNCLOS của Liên Hiệp Quốc để phổ cập cho mọi tầng lớp nhân dân được biết. Đó chính là cơ sở pháp lý để ta đấu tranh với họ. 

Trường Sa và Hoàng Sa cách bờ biển Việt Nam từ 300 đến 400km, cách Trung Quốc  từ 600 đến 900 km mà Trung Quốc lại đòi nhận là của Trung Quốc. Nó hoàn toàn trái với Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc cũng là một bên ký kết. Đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra và đe dọa các nước phải công nhận. Nếu các nước có liên quan và cả thế giới chấp nhận cho Trung Quốc áp dụng luật rừng thì ước tính họ chiếm của Việt Nam 1.170.000 km2 thềm lục địa; Philippines mất khoảng 620.000 km2; Malaysia  170.000 km2; Brunei 50.000 km2; Indonesia 50.000 km2. Và như thế Trung Quốc sẽ là bá chủ Biển Đông, tức là làm chủ cả phía Tây Thái Bình Dương, thế giới sẽ khốn đốn với họ. 

Nên nhớ biển thuộc chủ quyền của ta có diện tích lớn gấp gần 4 lần diện tích đất liền-biển chính là không gian sinh tồn và là tưong lai của cả dân tộc. Để mất không gian biển cũng chính là mất nước, mất cả sự sống của toàn dân tộc.

Tuy nhiên nhân loại của thế kỷ 21 đã tỉnh thức, dù nhà cầm quyền Trung Quốc có tham vọng biến mình thành Hít-le thì thế giới cũng không cho phép, nhân dân Trung Quốc không cho phép.

Thiết nghĩ trên đây là những việc cần làm cấp bách, còn những việc phải làm cũng không kém phần cấp bách nữa, là chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Trong đó về nhân lực, về khí tài không thể coi nhẹ. Và việc phán đoán cơ mưu quỷ quyệt của đối phương phải hết sức chính xác, sai một ly đi cả vạn dặm. Về tham mưu nhân dân, chúng tôi xin bên An ninh, Quốc phòng lưu ý cái đám cả vạn tầu cá trá hình của Trung Quốc. Có thể sự rắc rối khó lường lại nảy sinh từ đám tàu cá chứ không phải lũ tàu ngầm và khu trục hạm.

Hãy dũng cảm tự tin và liên kết bạn bè lại để hưng thế nước. Dân tộc ta đã từng vùi chôn cái mộng bá chủ thiên hạ của Hốt – Tất – Liệt có sức mạnh kinh thiên động địa hồi thế kỷ 13, chẳng nhẽ đó không phải là nguồn động lực, không phải là một thứ khí tài thần thánh cho toàn dân bảo vệ Tổ quốc sao?

                     Sức mạnh là ở lòng dân! 

                                     Hà Nội ngày 12 tháng 8 năm 2012
                                                    Hoàng Quốc Hải
       
Được đăng bởi Xuân Nguyên vào lúc 13:51 







No comments: