Có một tin mới đây mà tôi thấy hình như ít ai chú ý
là vấn đề gọi là "Qui hoạch báo chí" (1).
Theo giới báo chí đàng hoàng thì đây là một bản án mới
cho báo chí. Có người còn nói nếu chiếu theo qui định mới thì báo Tuổi Trẻ có
thể phải ... đóng cửa! Tôi thì chú ý đến một qui định mới mà tôi nghĩ là có hại
cho sự phát triển của khoa học.
Đó là qui định mỗi học viện, viện nghiên cứu, trường
đại học, bệnh viện chỉ được có 1 tạp chí in khoa học chuyên ngành (1). Có nhiều
điều để bàn về qui định này. Ngay cả cái định nghĩa thế nào là "tạp
chí" cũng chưa rõ ràng. Journal hay là Magazine? Ngoài ra, còn có qui định
"mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương có 1 cơ quan
tạp chí in." Phải nói đây là những qui định đi ngược lại trào lưu phát triển
báo chí khoa học.
Tại sao chỉ cho đại học chỉ có 1 tạp chí duy nhất? Nếu
thế thì Viện hàn làm khoa học hiện đang có hàng loạt tạp chí, trong tương lai
phải đóng cửa hết và chỉ còn lại 1 tạp chí hay sao? Nói chung, cái qui định đơn
giản đó là ... rất trời ơi, và hình như nó chẳng dựa vào một cơ sở hay chứng cứ
nào cả.
Theo tôi, đó là một qui định rất phi khoa học, và về
lâu dài cản trở sự phát triển khoa học. Một đại học đa ngành có nhiều bộ môn
khoa học, và nhu cầu có nhiều tạp chí khoa học là hết sức bình thường. Ở nước
ngoài, một số đại học lớn như Oxford, Harvard, Cambridge có nhiều tạp chí khoa
học. Chẳng đâu xa, ngay tại Thái Lan, Đại học Mahidol có gần chục tạp chí khoa
học bằng tiếng Anh. Ngay cả ở Việt Nam, có trường như Đại học Quốc gia TPHCM, Đại
học Kinh tế TPHCM cũng có hơn 2 tạp chí bằng tiếng Việt. Một số trường đang có
dự kiến ra tạp chí tiếng Anh, nhưng với qui định mới này thì chẳng biết tình
hình sẽ ra sao.
Cần nói rằng các hiệp hội khoa học nước ngoài, nhất
là hiệp hội quốc tế, cũng thường có nhiều tạp chí. Chẳng hạn như Hội Y học Mĩ
(AMA) có hàng tá tạp chí, và một số cực kì nổi tiếng như JAMA. Ngay cả một hiệp
hội y học của một vùng như Hội y học Massachusetts cũng có thể xuất bản một tạp
chí khoa học, và sau này tạp chí trở thành số 1 trong thế giới y khoa! Những ví
dụ đó cho thấy không có lí do gì để cản trở phát triển của một hiệp hội khoa học
bằng kiểu ra "chỉ tiêu". Trong một xã hội tự do và cởi mở, không có
gì ngăn cản được sự phát triển của các hiệp hội, cho dù hiệp hội xuất phát từ một
địa phương nhỏ.
Tạp chí khoa học là một phần quan trọng trong hoạt động
khoa học, vì nó phục vụ như là một diễn đàn học thuật của giới khoa học. Khoa học
thì lúc nào cũng mở rộng biên cương, nhất là trong thời đại tương tác đa ngành
hiện nay, do đó có rất nhiều tạp chí khoa học ra đời mỗi năm. Tôi chỉ nói tạp
chí nghiêm chỉnh, chứ không phải tạp chí dỏm (predatory journals). Đa số số tạp
chí mới là do các hiệp hội khoa học thành lập. Nhưng ở Việt Nam, với qui định
hay "qui hoạch" mới này thì các hiệp hội Việt Nam sẽ không có hi vọng
gì vươn ra thế giới. Vô vọng.
Nói chuyện này làm tôi nhớ chuyện xưa liên quan đến
tôi. Khoảng 5-6 năm trước, tôi vận động thành lập một tạp chí y khoa Việt Nam bằng
tiếng Anh. Lúc đó tôi làm biên tập cho hai tạp chí về xương và nội tiết nên
cũng biết "luật chơi" và những việc hậu trường để cho ra một tạp chí.
Tôi viết trên báo trước, và sau đó là gặp bạn bè bàn việc. Các bạn ở Trường Y Hà
Nội là những người ủng hộ nhiều nhất, chúng tôi đã có họp đàng hoàng và phân
công ai làm gì. Nhưng sau đó thì phía bên VN im lặng, và sự việc chẳng đi đến
đâu, làm tôi bẽ mặt với nhà xuất bản bên này.
Nhưng tôi không đầu hàng, nên khi có dịp về VN, các
bạn trong Trường Y Sài Gòn liên lạc để bàn về ý tưởng đó. Trong một nhà hàng ở
Quận I, chúng tôi bàn về sứ mệnh, ban biên tập, cơ chế hoạt động, v.v. của tạp
chí. Tôi hào hứng lắm, và nghĩ là lần này thì ok rồi, giấc mộng của mình sắp
thành hiện thực. Nhưng khi về đến bên này, chưa kịp bắt tay vào công việc liên
lạc nhà xuất bản thì các bạn bên đó nói là Ban tuyên giáo thành uỷ (?) không ok
đâu, vì số tạp chí trong năm đã đạt chỉ tiêu. Tôi rất ngạc nhiên là tại sao tạp
chí khoa học mà có liên quan gì đến ban tuyên giáo vốn là một cơ quan tuyên
truyền chính trị. Nhưng "luật chơi" trong nước là thế, nên sự việc vẫn
chưa đi đến đâu, và Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có một tạp chí y khoa bằng tiếng
Anh hoàn chỉnh.
Nay, qua cái "qui hoạch báo chí" này, thì
tôi hiểu rồi. Tôi hiểu là ngay cả tạp chí khoa học cũng phải chịu sự quản lí của
Ban tuyên giáo trung ương! Tôi nghĩ đó là một sự bất cập, nếu không muốn nói là
vô lí. Cái qui định thể hiện rất rõ một não trạng bao cấp về truyền thông, kể cả
truyền thông khoa học. Chúng ta không kì vọng gì trong tương lai Việt Nam sẽ có
nhiều tạp chí khoa học quốc tế.
Do đó, có người trong cuộc nhận định là cái qui định
mới “[...] đang đi ngược lại xu hướng phát triển báo chí thì sao thành công được.
Quy hoạch rất duy ý chí, chả dựa trên xu hướng gì cả" (2). Lại thêm một chứng
cứ cho thấy Việt Nam là nước không chịu phát triển (3).
=====
- See more at:
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150927/nguyen-van-tuan-qui-hoach-bao-chi-can-tro-phat-trien-khoa-hoc#sthash.cdxqFuGd.dpuf
No comments:
Post a Comment