26.09.2015
Một người bạn của tôi, từ Hà Nội sang, kể tôi nghe
chuyện này: Cách đây mấy năm, Bộ Công an Việt Nam xây dựng trụ sở mới ở đường
Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Trụ sở rất đồ sộ và lộng lẫy do một nhà thầu Trung
Quốc thiết kế và xây dựng. Đến lúc xây xong, người ta mới sực nhớ một chuyện:
Có thể Trung Quốc cho gắn các thiết bị do thám trong toà nhà để ghi âm tất cả
các cuộc đối thoại trong đó. Thế là người ta sợ. Nhưng không có cách gì lật
tung cả toà nhà ra để tìm các thiết bị do thám ấy. Mà tìm chưa chắc đã thấy. Cuối
cùng, người ta chọn giải pháp: cho các nhân viên cấp trung và cấp thấp vào làm
việc trong trụ sở mới, còn giàn lãnh đạo cao cấp thì vẫn ở lại trụ sở cũ.
Nghe câu chuyện ấy, tôi không thể không thắc mắc: Tại
sao một việc đơn giản như vậy mà người ta không thể đoán trước được? Bạn tôi cười:
“Thế mới nói! Ở Hà Nội, ai cũng đặt ra câu hỏi ấy. Nhưng không ai công khai và
chính thức trả lời cả. Có khi câu trả lời rất đơn giản: Bất cẩn!”
Một chuyện nữa cũng làm tôi thắc mắc: Trung Quốc đã
khởi sự việc bồi đắp các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo ít nhất
cũng từ một hai năm trước, vậy tại sao bộ đội Việt Nam đóng trên các hòn đảo gần
đấy lại không hay biết gì cả? Thế giới – và cả người Việt nữa – chỉ biết sự kiện
ấy vào đầu năm nay khi Mỹ loan tin kèm theo các bức ảnh được chụp từ vệ tinh. Tại
sao? Câu trả lời không chừng cũng vì họ không quan tâm, hay nói cách khác, bất
cẩn.
Có thể nói, trong quan hệ với Trung Quốc, giới lãnh
đạo Việt Nam lâu nay rất bất cẩn. Trước đây, Bộ Thương mại Việt Nam giao hẳn
cho phía Trung Quốc toàn quyền quyết định nội dung tờ báo mạng bằng tiếng Việt
của họ. Nhiều tờ báo loan cả tin bộ đội Trung Quốc tập luyện ở những vùng biển
và hải đảo vốn thuộc chủ quyền Việt Nam theo các bản tin lấy từ báo chí của
Trung Quốc mà không một chút phân vân hay phê phán. Nhiều cơ sở du lịch in bản
đồ Việt Nam trong đó Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ là thuộc về Trung Quốc.
Cách đây mấy năm, dư luận rất phẫn nộ khi biết một số tỉnh miền Trung và miền Bắc
cho các công ty Trung Quốc thuê dài hạn (trong vòng 50 năm) trên 300.000 hecta
đất rừng đầu nguồn được xem là có vị trí chiến lược. Cuối năm ngoái, người ta
cũng phát hiện nhà cầm quyền Thừa Thiên - Huế cho phép công ty Trung Quốc xây dựng
khu du lịch ngay dưới chân đèo Hải Vân, nơi, cũng theo giới quân sự, có ý nghĩa
chiến lược, liên quan đến an ninh quốc phòng của Việt Nam. Mới đây, báo chí lại
loan tin chính quyền Quảng Ngãi thuê một công ty của Trung Quốc (CPG, có trụ sở
chính tại Singapore) làm dự án quy hoạch huyện đảo Lý Sơn, nơi được
xem là có vị trí trọng yếu ở mặt trận Biển Đông. Bị hỏi, giới chức ở tỉnh Quảng
Ngãi trả lời là họ không biết vai trò của Trung Quốc trong tập đoàn ấy, hơn nữa,
họ còn nhấn mạnh là họ làm theo đề nghị từ “các đơn vị cấp trên”. Chưa hết. Ông
Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh uỷ, còn nói thêm: “Quan điểm cá nhân của tôi thì tôi
không phân biệt tập đoàn đó thuộc quốc gia nào, tất cả chúng ta đều có quan hệ
với nhau hết.”
Lời tuyên bố của ông Lê Viết Chữ rõ ràng là sai.
Trong quan hệ với Việt Nam, không phải nước nào cũng như nước nào. Với các nước
khác, kinh tế chỉ là kinh tế. Nhưng với Trung Quốc thì khác. Trung Quốc đã từng
đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Trung Quốc cũng đã chiếm bảy hòn
đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa vào năm 1988. Trung Quốc đã từng xua quân tấn
công biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979. Trung Quốc đã từng đưa giàn
khoan HD-981 vào thăm dò ngay trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam vào năm 2014. Trung Quốc cũng đã từng ngang ngược cho Biển Đông là thuộc
chủ quyền của họ, là “sân sau” của họ. Đó là những chuyện trong quá khứ. Lại là
quá khứ không xa xôi gì lắm. Trong tương lai, ai cũng biết rõ không sớm thì muộn,
Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố vùng nhận dạng hàng không trên con đường 9 đoạn vốn
trùm lấp lên phần lớn Biển Đông của Việt Nam. Nói cách khác, cụ thể hơn: Nếu
Trung Quốc không có ý định đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng sẽ tìm mọi
cách để chiếm đoạt Biển Đông của Việt Nam. Điều đó, trên thế giới, hầu như
không ai nghi ngờ cả. Vậy tại sao chính quyền Việt Nam lại không biết, lại vẫn
tiếp tục bất cẩn?
Theo tôi, có ba lý do chính:
Thứ nhất là người ta bị Trung Quốc mua chuộc. Có hai
yếu tố khiến khả năng này là hiện thực: Một mặt, Trung Quốc vẫn nổi tiếng xưa
nay về các việc đút lót trong quan hệ ngoại giao với các nước khác; mặt khác,
cán bộ các cấp Việt Nam từ trước đến nay cũng nổi tiếng về việc nhận hối lộ.
Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các dự án của Việt Nam đều lọt vào tay các
nhà thầu Trung Quốc: tiền “bôi trơn” và “lại quả” của họ cao.
Thứ hai, người ta thành thực tin là Trung Quốc tốt,
là Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh Việt Nam, do đó, người ta không cần phải cảnh
giác hay lo lắng gì trong các quan hệ với Trung Quốc cả. Sự tin tưởng này, nếu
có, cũng chỉ là hệ quả của công tác tuyên truyền của đảng Cộng sản và chính quyền
trung ương vốn tập trung vào khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng” lúc nào cũng ra
rả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ sau vụ giàn khoan HD-981 đến
nay, các khẩu hiệu này ít được nhắc nhở, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa
dám nói thẳng Trung Quốc là một sự đe doạ lớn đối với chủ quyền của Việt Nam
trên biển đảo. Tin tức về các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc cũng như các hành động
ngang ngược của Trung Quốc như truy đuổi các thuyền đánh cá Việt Nam ngay trong
hải phận của Việt Nam ít được đề cập. Xuất hiện trên các phương tiện truyền
thông vẫn là hình ảnh Trung Quốc như một đối tác chiến lược gần gũi của Việt
Nam. Dưới ảnh hưởng của việc tuyên truyền như thế, một số người Việt Nam, kể cả
các viên chức cán bộ, từ trung ương xuống địa phương, nghĩ sai về quan hệ giữa
Việt Nam và Trung Quốc, từ đó, đâm ra bất cẩn trước âm mưu bá quyền của Trung
Quốc không có gì là khó hiểu.
Thứ ba, người ta không tin cũng không bị mua chuộc,
nhưng người ta mặc kệ, coi đó là chuyện của người khác, không dính líu gì đến
mình cả. Có lẽ đây là tâm trạng khá phổ biến ở Việt Nam. Trong những người bạn ở
Việt Nam thỉnh thoảng tôi tiếp xúc, nhiều người hiểu rất rõ những nguy cơ đến từ
Trung Quốc nhưng khi nhìn thấy giới lãnh đạo bất động, họ cũng không quan tâm,
xem việc Việt Nam rơi vào quỹ đạo thống trị của Trung Quốc là chuyện đã rồi và
không thể đảo ngược được. Từ bất cần, nếu có chút quyền hành, họ cũng trở thành
bất cẩn.
Dù vì bất cứ lý do gì, những sự thiếu cảnh giác như
thế cũng là một điều rất đáng ngạc nhiên. Một trong những truyền thuyết cổ và
phổ biến nhất của Việt Nam, chuyện Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, đã đặt vấn đề cảnh
giác trong quan hệ với Trung Quốc. Những năm chiến tranh, mặc dù quan hệ giữa Bắc
Việt và Trung Quốc vẫn còn êm thắm, Tố Hữu vẫn nhớ bài học ấy và từng nhắn nhủ:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...
Sự bất cẩn hay thiếu cảnh giác của chính quyền Việt
Nam hiện nay chắc chắn không phải vì chuyện “trái tim lầm chỗ để trên đầu”.
Nhưng nếu không phải “trái tim” thì là cái gì? Theo tôi, không chừng chỉ có
tính ích kỷ và sự ngu dốt.
-----------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment