Nguyễn Thanh Giang
Posted by adminbasam on
30/09/2015
Cách đây mươi năm đã có một số người giục tôi viết hồi
ký, nhưng tôi lần lữa mãi vì e rằng tôi chỉ có thể viết chính luận và làm thơ
chứ viết văn thì không hấp dẫn được người đọc. Tôi kể chuyện đời mình cho nhà
văn Phạm Thành – tác giả “Hậu Chí Phèo” – nghe. Nhà văn nói tôi phải viết khoảng
500 trang mới chứa hết dung lượng. Tôi ngớp, không thể nào tưởng tượng nổi dung
lượng những chuyện kể về đời tôi làm sao có thể đựng đầy 500 trang viết.
Người đội số phận
Sau khi dành ra nửa năm chuyên đọc các loại hồi ký,
tự truyện, tôi thử đặt bút viết tự truyện. Tự viết, tôi chỉ đặt chỉ tiêu phấn đấu
đạt khoảng 200 trang. Không ngờ, khi lật lại ký ức, những trang viết cứ ào ạt
tuôn chảy. Kết quả là sau 11 tháng, từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 8 năm 2015,
tập tự truyện mang tên “Người đội số phận” đã căn bản hoàn thành với dung lượng
lên tới khoảng 1000 trang in. Không tự tin lắm nên viết xong từng phần tôi đã gửi
cho một số người đọc để thăm dò ý kiến. Càng bất ngờ hơn, tôi được đại tá Nguyễn
Thế Kỷ khen. Đại tá Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Trưởng ban Lịch sử Binh chủng Phòng
không Không quân, có thể xem là chuyên gia viết hồi ký, vì nhiều tập hồi ký của
ông đã được xuất bản trong mấy chục năm qua.
Bạn bè tham gia mạn
đàm.
Chúng tôi dự định ngày 29 tháng 9 này tổ chức tọa
đàm về cuốn sách. Tôi nghĩ rằng tọa đàm là để tiếp thu ý kiến giúp mình chỉnh sửa
để người đọc dễ dàng chấp nhận, nhưng đại tá Thế Kỷ bảo chủ yếu là để thân bằng
cố hữu có dịp chào mừng thêm một công trình để đời của Nguyễn Thanh Giang sau
những “Đêm dày lấp lánh”, “Suy tư và Ước vọng”, “Sứ mệnh Công dân” …
Vì nhà tôi thường bị bao vây ngăn chặn, chúng tôi chọn
địa điểm hội họp ở nhà đại tá Thế Kỷ cho an toàn hơn. Vợ đại tá Thế Kỷ cũng là
một trung tá công an về hưu.
Sáng hôm qua, đại tá Thế Kỷ bức bối nhắn tin cho tôi
báo vừa có một trung tá công an dẫn theo bí thư chi bộ và tổ trưởng dân phố đến
yêu cầu hủy bỏ cuộc Hội thảo Hồi ký Nguyễn Thanh Giang, lý do: vì không được
làm loãng không khí sôi nổi chuẩn bị Đại hội Đảng! Tôi buồn quá đang định thông
báo cho mọi người sáng mai đừng đến nữa. May sao, chỉ ít tiếng đồng hồ sau, đại
tá Thế Kỷ gọi điện kể rằng, sau khi viên trung tá công an đi khỏi, đồng chí Bí
thư chi bộ lại thống nhất với đại tá Thế Kỷ cứ tổ chức cuộc họp theo dự định. Chính đồng chí bí thư chi bộ ấy đã được đọc mấy
chương trong cuốn Tự truyện và hoàn toàn ủng hộ tác giả.
Dẫu vậy, vợ tôi vẫn không an tâm nên phải gọi taxi
và tháp tùng tôi để dự phòng đối phó tình huống xấu xẩy ra khi bị ngăn chặn và
chơi xấu. May sao, cuộc tọa đàm về cuốn tự truyện “Người đội số phận” đã diễn
ra bình an.
Cuốn sách của tôi chưa xuất bản, người biết đến nó
còn quá ít. Bạn bè ngồi với nhau mạn đàm về cuốn sách chưa xuất bản, có gì mà ảnh
hưởng đến không khí “sôi nổi” của Đại hội đảng.
Sau
đây là một số nhận xét về tập sách:
*
Nhà báo Khúc Nga – Nguyên Tổng Biên tập báo “Tuổi Trẻ Thủ Đô”
Vừa được đọc cuốn “Đêm dày lấp lánh.”, biên niên sử
khắc họa chân dung các nhà dân chủ Việt Nam lại được tiếp tục đọc phần đầu của
cuốn “Tự truyện Nguyễn Thanh Giang” Viết tự truyện, cứ nghĩ tác giả đã rẽ sang
viết văn, nhưng thực ra vẫn là ngòi bút chính luận Nguyễn Thanh Giang. Phải
chăng vì nó ngắn gọn, súc tích, không tả tình cảm dài dòng, không hư cấu, hoặc
theo lối tư duy chủ quan, suy diễn.
Từng trang viết cuốn hút người đọc bởi nó đầy ắp kiến
thức xã hội, kiến thức lịch sử, địa lý, các phong tục tập quán vùng, miền hết sức
phong phú, sinh động. Qua “Tuổi thơ lang bạt” của tác giả, ta thấy một dòng chảy
lịch sử của dân tộc, hòa bình và chiến tranh cảnh dân “chạy loạn”, nạn đói năm
1945 len lỏi vào từng nhà … Hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên rõ mồn một trải
dài hành trình từ trước năm 1945, rất nhiều chất sử thi và nhân văn, đầy ắp
tình đời…
Cậu bé Nguyễn Thanh Giang lớn lên trong nghèo khó,
thiếu tình thương của người mẹ hiền, rất thông minh, yêu quý bạn bè nhưng tinh
nghịch vào loại “Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò”, chọc ghẹo bạn, thậm chí lấy
cứt dê khô, trộn đường mời bạn ăn. Nhà cháy, gia sản mất sạch gia đình phải hồi
cư Hà Nội, cậu dám trốn ở lại quê nhà Thanh Hóa để tham gia kháng chiến…
Có nhiều đoạn rất cảm động như đoạn tác giả (năm học
đệ tam, cấp 2 bây giờ) mạo hiểm một mình cuốc bộ 50 km đi tìm mẹ đẻ ở Cầu Quan,
Nông Cống.Trên đường đi đầy gian truân, khổ ải, đói khát, cậu bé Thanh
Giang đã gặp 2 người đàn bà và một em bé. Đó là ba người trong một gia đình, ba
mẹ con phải dắt nhau đi ăn mày vì ông bố bị qui Quốc Dân Đảng nên uất ức, thắt
cổ tự vẫn. Họ phải lẩn trốn cái bi kịch ấy.
Trong cái điếm canh đê, bà mẹ tốt bụng đã cưu mang cậu
bé Giang. Trong lúc cậu bị sốt hạch hiểm nghèo, bà mẹ đã cho cậu ăn, giặt giũ
chăm sóc cậu chẳng khác gì người thân. Sau này, có dịp gặp lại cô con gái của
bà mẹ, Thanh Giang chết lặng vì biết bà mẹ bị rắn cắn chết
…
Vốn là nhà khoa học (TS vật lý), lối viết của cậu rất
khoa học, khúc triết, ngắn gọn, có sao nói vậy, không nói lấy lòng và không sợ
mất lòng.
Qua từng trang viết, người đọc dễ dàng cảm nhận ông
rất tự hào về quê hương Thanh Hóa, vùng đất địa linh, rất nhiều nhân kiệt: Bà
Triệu, Lê Hoàn, Hồ Qúi Ly, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng …. Nay ông lại tự
hào vì có cựu TBT Lê Khả Phiêu và 2 ủy viên BCT: Phạm Quang Nghị Bí thư thành ủy
Hà Nội, Tô Huy Rứa Trưởng ban Tổ chức TW. Nghe tin TBT Nguyễn Phú Trọng dự kiến
giới thiệu ông Phạm Quang Nghị làm TBT nhiệm kỳ 2016-2021, tác giả Thanh Giang
rất tán thưởng, tự hào về người “Quê choa”, ông cho rằng Phạm Quang Nghị là
nhân vật nổi trội so với các Uỷ viên khác trong BCT. Tuy nhiên sau chuyện ông
Phạm Quang Nghị đi Mỹ tặng quà cho Thượng nghị sĩ John McCain, mà tác giả cho rằng
đây là món quà “quái dị” thì tác giả không yêu mến, ủng hộ ông Nghị nữa, mà quay
ra …phê phán …và quả nhiên uy tín của ông Nghị xuống rất thấp, thể hiện ở cuộc
bỏ phiếu tín nhiệm ngày 10-01- 2015, ông Nghị xếp thứ 19/20! kể cả người giới
thiệu ông cũng bị tụt hạng.
Là người xứ Thanh, ông Giang yêu nhân vật Trạng Quỳnh
huyền thoại, một danh sĩ thời Lê-Trịnh. Phải chăng vì Thanh Giang có nét giống
Trạng Quỳnh?
Đọc Thanh Giang, tôi thấy văn phong của ông mang
dáng dấp Trạng Quỳnh, không cần phải hoài nghi, nó làm cho người đọc thích thú
bởi tính hài hước, dí dỏm … chả thế mà ông nhắc lại bài vè: Thanh Hóa quê ta,
Khu 4 gạt ra – Khu 3 đuổi vào – phải chạy sang Lào – Lào không thèm nhận …nó biểu
lộ khí phách và chất trào lộng của Trạng Quỳnh thủa
xưa.
Rất nhiều nghịch cảnh và chướng ngại trên đường đời.
Nhưng hình như Trời Phật thương Thanh Giang, để đền bù cho những nghịch cảnh,Trời
Phật đã cho Thanh Giang gặp rất nhiều may mắn và gặp nhiều “Qúy nhân.” sẵn lòng
giúp đỡ cậu!
Như một sự sắp đặt của ông Trời, anh chàng huynh trưởng
của Đội thiếu nhi Tháng Tám thuộc Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc đã gặp lại cô thiếu
nhi mà mình phụ trách tai Đại hội đại biểu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp quốc
gia Hà Nội, làm nên một thiên diễm tình trong sáng và thơ mộng giữa đời thường.
Chính bà Tuyết Mai, người vợ đảm, tài năng và chung thủy đã thực sự là điểm tựa
giúp ông Giang vượt qua muôn vàn khó khăn, kể cả những lúc tưởng chừng không vượt
qua nổi và không gượng dậy được.
Ông Giang, thuộc nhóm các nhà Dân chủ, ông khao khát
đóng góp cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam nên nhiều khi gặp trở ngại trên
đường đời, bị qui là phản động, chống CNXH. Lẽ dĩ nhiên vợ ông bị ảnh hưởng về
sự nghiệp, nhưng bà không hề kêu ca, phàn nàn. Bà tin tưởng chồng nên luôn tự bằng
lòng, biết chấp nhận hoàn cảnh, biết động viên, chăm sóc ông. Vì thế, tuy đã về
già, cặp vợ chồng này vẫn hạnh phúc, vẫn tràn đầy tình yêu như thời son trẻ. Những
trang viết về cuối phần đầu cuốn tự truyện làm cho người đọc cảm động, ngưỡng mộ
gia đình ông Thanh Giang và bà Tuyết Mai.
Đọc tự truyện, thấy cậu bé Thanh Giang từ nhỏ đã quá
chìm nổi, lênh đênh, vất vả. Nhưng chính sự chìm nổi với những thử thách nghiệt
ngã, những buồn vui thế thái nhân tình đã trui rèn nên một Nguyễn Thanh Giang bản
lĩnh và nghị lực, cứng rắn và nhân ái, buông xả để yêu thương. Tác giả viết: “Sự
cực khổ khiến con người có sức mạnh ghê gớm” để nói về
mình.
Còn tôi thì nghĩ đến câu nói của nhà văn Xô Viết
Ôstơrôpski trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và
nước lạnh, thép trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết …”
Và tôi muốn giành câu nói đó cho tác giả Nguyễn
Thanh Giang.
*
* Nhà nghiên cứu văn học Phạm
Ngọc Luật – Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin – Văn hóa
1/ Tự truyện của anh xứng đáng đứng hàng A1 trong thể loại tự truyện, hồi
ký ở đất nước này. Xứng đáng về kiến thức, thông tuệ kim cổ đông tây hàm chứa
trong đó. Xứng đáng vì lừng lững ở đó một trái tim, một tấm lòng tất cả, tất cả
vì nhân dân, đất nước, vì tổ quốc giang sơn, vì tự do, dân chủ. Xứng đáng vì những
phân tích, lập luận có tình có lý đầy thuyết phục. Xứng đáng vì một kiểu cách
văn chương tự truyện, viết “đẹp”, dễ đọc; vận dụng những danh ngôn, điển tích
đúng nơi đúng chỗ. Xứng đáng vì thấy hiển hiện ở đây một con người phong phú, vừa
trí tuệ, bản lĩnh, tự tin vừa nhậy cảm trước những bất hạnh và cái đẹp của đời
thường. Xứng đáng vì toát lên một nhân cách tử tế, một sự chăm chỉ (suy tư rồi
viết) đến phi thường vv…
2/ Bao nhiêu người tài đức, đầy công trạng với đất nước này đã viết đã nói
về anh bằng những “lời vàng”. Có thể hoàn toàn tin vào sự chân thành trong đó.
Lợi lộc gì mà họ phải “bốc thơm” một con người lúc nào cũng cận kề với bao vây,
tù tội. Tất cả chẳng qua do “đồng khí tương cầu”, gặp nhau ở bức xúc, khát khao
muốn nói lên sự thật, ở tấm lòng yêu nước thương dân (không giả trá) mà thôi.
Không thể nói được gì hơn những điều họ đã nói, em
chỉ khẳng định một điều, nếu không phải là tất cả thì cũng rất nhiều những phân
tích, góp ý, kiến nghị của anh với Đảng và Nhà nước bấy lâu nay đã, đang và sẽ
thành hiện thực trên đất nước này. Nói là tài giỏi cũng được, còn không thì những
phân tích, góp ý, kiến nghị ấy đâu có nằm ngoài quy luật tất yếu trong tiến
trình thế giới đi về phía dân chủ, văn minh. Em nghĩ, những người lãnh đạo cao
nhất ở đất nước này, họ không ngu dốt đâu, họ cũng biết cả đấy nhưng vì quyền
và lợi họ làm cho xã hội vừa rối bung lên để đục nước béo cò, tranh thủ kiếm
chác, vừa kìm hàm ở trạng thái ì ạch chuyển nhích dần chứ không để nó sụp đổ,
chết ngay.
Rồi đây có lên đất Yên Kỳ về cõi vĩnh hằng thì anh cứ
vui và vững tin rằng, trí tuệ và tấm lòng mình sẽ được nhân dân đất nước này
ghi nhớ mãi.
3/ Từ đầu đến chương XIV, em đọc theo kiểu thưởng thức để biết kiểu cách viết
là chính cho nên không mang cái tư duy biên tập vào đó. Phần sau thì có chú ý
hơn.
– Chương 16: luận lý chặt chẽ hay, thuyết phục. “Bị
can” mà như luật sư xịn.
– Cho cả bài “Thử bàn về giai cấp công nhân Việt
Nam” vào chương 18 xem ra có vẻ quá dài, nặng nề, chỉ cần tóm trích để thấy Việt
Nam chưa có giai cấp công nhân đúng nghĩa.
– Bài của Phạm Đình Trọng là rất được.
– Bài “Đôi điều cảm nhận” của Trần Khải Thanh Thủy
hơi nặng chất cá nhân, cảm tính e dễ bị coi là thiên vỵ.
– Có nên bỏ đi bài “Nguyễn Thanh Giang – tên một dòng
sông đẹp” vì lời và ý đều không sâu, không đắt.
– Bài về tình cảm với người Việt Nam ở nước ngoài
hay, tư liệu, phân tích có chất lượng. Vi Đức Hồi, dân tộc gì mà viết khá hơn vạn
lần cụ “Nông” là cái chắc.
– Bài của Phạm Khánh Toàn lời lẽ hơi chao chát, cho
vào đây liệu có bị lạc lõng chăng?
– Bài của Tr.K.T.T ở cuối dài quá mà có lẽ không cần
thiết lắm vì còn gì hay bằng tự các chương đã cho thấy cái hay của nội dung và
chữ nghĩa. Ôm đồm qua dễ bị cho là “mẹ hát con khen hay”?
– Đưa mấy bài trong chương “Dấm chua và lửa nồng”,
lúc đầu em thấy có vẻ không lợi lắm, sau lại thấy đó là bản lĩnh tự tin của người
viết. Phải thế nào mới bạch hóa, “Bánh đúc bầy sàng” được chứ!
“Lời cuối sách” là quá hay, quá được, thật và “khéo”
lắm.
*
* Tôn Phi – Sinh viên Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh
Chào bác Nguyễn Thanh Giang.
Cháu đã khóc khi đọc chương II, “Đi tìm mẹ”.
Người mẹ của bác là một phụ nữ đáng thương. Nghề hát ả đào là một nghề rất bạc
mệnh như ông cha hằng nói. Một người mẹ bất hạnh trong nửa quãng đời đầu tiên,
người con thì bảy nổi ba chìm. Cháu không ngờ rằng bác có một tuổi thơ bất hạnh
đến như vậy. Nếu không đọc hồi ký của bác, cháu đã nghĩ rằng mình là đứa bất hạnh
nhất trên đời. Bác đã đổi lấy khu vườn gian khó này sang khu vườn gian khó
khác.
Về giọng văn thì chương II bác vẫn viết với phong
cách giống những chương khác. Hãy viết chương này với tâm hồn trẻ thơ.
Một số lỗi chính tả: (……)
*
* Lê Minh Phúc – Nguyên Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý – Địa chất
Mỗi lần mở computer đọc lại Tự truyện của Thanh
Giang mình như bị sức hút của các con chữ đầy ma lực giữ lại. Đọc gần 400 trang
A4 đâu có dễ thế mà tôi lúc nào đọc cũng đều bị cuốn hút. Sự hấp dẫn của nó là ở
chỗ nó chứa nhiều chi tiết rất thật và rất sinh động. Lúc đầu mình hơi ái ngại
về chương liên quan đến Chủ tịch Nước Trần Đức Lương nhưng đọc kỹ mới thấy được
chất Thanh Giang rõ hơn. ý chí, nghị lực. Nếu bỏ đi sẽ là một thiếu sót. Vấn đề
còn lại là in ở đâu? Bao giờ được trình làng thì chắc chắn nó sẽ thuộc loại
best-seller đấy.Vậy thì tôi xin đặt hàng trước 5 quyển nhé. Tôi sẽ thanh toán
sòng phẳng dù ông bà không cần tiền. Cuốn “Dòng Nê- Va lặng lẽ” tái bản đã tiêu
thụ hết. Thứ Tư tới mình sẽ ra Hà Nội để sửa bông cuốn tiếu thuyết “Tín đồ
không Tôn giáo” của mình. Thế là đã 6 tháng rồi đấy. Thật trần ai! Hẹn gặp ông
bà để biếu sách.
*
* Ngô Xuân Mích – Kỹ sư Xây dựng
Đúng như tên sách, tác giả của nó đã từng đội số phận
lên mà sống. Hãy nghe ông kể vể tuổi thơ ông:“Tôi không được đi học, lại bị
sống như đọa đầy. Trên người tôi, suốt từ cổ đến bắp chân không lúc nào không
có lằn roi. Lằn roi trận này chưa lặn lại bổ sung trận khác. Ăn không đủ no,
người tôi gầy nhớt. Quần áo không đủ mặc. Chín mười tuổi nhưng lúc nào trên người
tôi cũng chỉ có chiếc áo cộc và cái xilíp. Hàng xóm nhiều người gạt nước mắt
thương tôi. Người dúi cho tôi bắp ngô, người củ sắn, người miếng chè lam Phủ Quảng“.
Vậy mà 11 tuổi ông đã thi đỗ Primaire trong khi thời ấy phải học sáu năm mới được
thi lấy cái bằng ấy. Ở tuổi trưởng thành ông lại bị “cái gông lý lịch” (gia
đình di tản sang Mỹ) quàng ở cổ, nhưng rồi ông lại vẫn đạt được học vị Tiến sỹ
và được công nhận Viện sỹ Viên Hàn lâm Khoa học Nữu Ươc.
Đã từng phục vụ trong ngành giáo dục, từng góp phần
đào tạo nên thế hệ Đặng Thùy Trâm. từng tự nguyện xung phong đi bộ đội chống
Pháp, từng góp phần phát hiện khả năng chứa Uranium trong tầng than Nông Sơn
cho Tổ quốc … nhưng ông vẫn bị coi như con ghẻ của chế độ, ông vẫn bị công an
thường xuyên bao vây tra vấn, bị khám nhà hàng chục lần, bị bỏ tù … chỉ vì cái
“tội” viết hàng ngàn trang kiến nghị, chính luận … góp ý chân thành cho Đảng chấn
chỉnh những sai sót trong đường lối, chủ trương, chính sách.
Gian truân như vậy, cay đắng như vậy nhưng đọc ông
ta không hề thấy hận thù, oán trách. Mặc dầu vậy, sức tố cáo của thiên truyện vẫn
rất mạnh. Hãy so sánh với cuốn “Un excomunié” của Nguyễn Mạnh Tường. Sinh ra,
cho đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Mạnh Tường vốn được cuộc đời ưu ái, chỉ đến
khi bất ngờ gặp nạn thì Nguyễn Mạnh Tường đành khoanh tay cho số phận đè bẹp,
trong khi đó Nguyễn Thanh Giang rất ngoan cường dội số phận qua bao biến cải của
cuộc đời để cuối cùng vẫn thấy được thanh cao trong tâm tưởng.
Kết thúc thiên Tự truyện tác giả viết:
“Thật vậy, ai cũng có cái nghiệp, đừng trách trời
làm gì, hãy vươn mình đạt lấy sự thanh cao bằng thiện căn, bằng chữ tâm.
Tôi có “Bài thơ viết trong mộ” như sau:
Nước mắt trào giữa đêm
Tưởng ngập tràn đáy mộ
Nghe chồi non cựa mình
Muốn góp nhành hoa nhỏ
Hy vọng thiên truyện này chính là nhành hoa nhỏ nở
trên mộ tôi, và, các bạn trẻ ơi, nếu có dịp đến nghĩa trang Yên Kỳ viếng mộ người
thân thì mời tiện chân ghé qua mộ tôi, số mộ 100 Khu B14A nghĩa trang Yên Kỳ,
không phải chỉ để an ủi vong linh tôi mà hy vọng cái sắc hoa kia sẽ thấm vào
giòng máu bạn”.
Tôi hy vọng nhiều thế hệ sẽ tìm đọc thiên truyện này
để trước là “mua vui cũng được một và trống canh”, sau nữa là để “cái
sắc hoa kia sẽ thấm vào giòng máu bạn”.
Hà Nội ngày 29 tháng 9 năm 2015
Nguyễn Thanh Giang
Mobi: 0984 724 165
No comments:
Post a Comment