Sunday, July 5, 2015

Nghĩ gì về chuyến công du Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng (Thanh Trúc - RFA)





Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-07-05

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hà Nội ngày 16 Tháng 12 năm 2013.  AFP

Chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7 tới đây. Người Việt hải ngoại tiếp tục bàn đến sự kiện sắp xảy ra này với những ý kiến khá đa dạng mà Thanh Trúc ghi nhận trong bài sau:

Mỹ cần Việt Nam, Việt Nam cần Mỹ

Chuyến công du Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, là trường hợp đặc biệt chứng tỏ Mỹ cần đến Việt Nam hơn và Việt Nam cũng cần đến Mỹ hơn.
Từ Thụy Sĩ, ông Đặng Xương Hùng, cựu quan chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ly khai và đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, nhận định như vậy:

Việc chấp nhận đón tổng bí thư của một đảng cộng sản thì phải nói là Mỹ đã cần Việt Nam nhiều hơn. Một trong những nước phải nghĩ ngay đến là Việt Nam trong chiến lược quay lại Châu Á Thái Bình Dương của người Mỹ. Đấy là nhìn từ người Mỹ, bởi vì cũng phải thấy rằng chính sách của Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây, thí dụ việc Mỹ mở ra hướng để Việt Nam có thể tham gia vào TPP, rồi tổng tham mưu trưởng liên quân của Mỹ cũng đi đến Việt Nam, rồi rất nhiều quan chức của Mỹ đã đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể thấy việc duy trì một đất nước Việt Nam yếu để khỏi đe dọa các nước láng giềng sang một chính sách vực Việt Nam dậy để khỏi rơi vào vòng tay Bắc Kinh.
Còn đứng về phia Việt Nam thì phải nói Việt Nam cũng hết sức lúng túng và Việt Nam cũng cần đến Mỹ , thể hiện ở cái là bằng mọi cách thu xếp cho ông tổng bí thư đi Mỹ để có thể đối chọi lại trong quan hệ đối với Trung Quốc. Tình hình sơ bộ là nếu chuyến đi này thực hiện trên cơ sở của một sự thay đổi về nhận thức thì sẽ có những tiến bộ, tức là nhìn nhận một bước ngoặt mới trong quan hệ với Mỹ, dẫn tới mối quan hệ thực chất hơn chứ không phải là hình thức đánh đu để cân bằng quan hệ với Trung Quốc mà không được cái gì cả.

Từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, suy luận có phần giống ông Đặng Xương Hùng, tuy nhiên:

Không nên cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là con người mờ nhạt, ít ý kiến và đang bị yếu thế trong cuộc tranh giành quyền lực với ông Nguyễn Tấn Dũng và cho rằng chuyến đi này không quan trọng. Vấn đề ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm nước Mỹ, phải hiểu theo Hiến Pháp của Việt Nam hiện nay thì ông ấy là người quyền lực nhất, là người chính thức chứ không phải bán chính thức. Theo Hiến Pháp thì đảng cộng sản là đảng cầm quyền tại Việt Nam ,cho nên trên nguyên tắc ông Nguyễn Phú Trọng là người có quyền lực nhất, vậy thì ông phải tới nước Mỹ để làm cái gì đó đánh dấu một biến cố chính thức về mọi mặt. Biến cố đó là gì thì tôi nghĩ nó là điều mà tôi gần như chắc chắn là sự xáp lại của chế độ Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Chọn lựa chẳng đặng đừng của đảng cộng sản Việt nam, một chọn lựa có lợi cho đất nước là thiết lập quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Xáp lại với Hoa Kỳ có nghĩa là trên nguyên tắc chấp nhận từ bỏ chính sách đốc tài đảng trị trong một tương lai tương đối gần.

Không có gì thay đổi?

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Minh Cần, người từng bỉ đảng và sinh sống mấy chục năm qua ở Nga, nói rằng ông không tin Việt Nam sẽ bắt tay với Mỹ để tạo thế đối trọng lại với Trung Quốc:

Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, thì ta thấy đường lối của Việt Nam thể hiện qua ông Nguyễn Phú Trọng và cả đoàn đại biểu là một đường lối khuất phục rõ ràng trước những bước tiến công của Trung Quốc.
Thêm vào đó, hôm 17 và 19 tháng Sáu vừa qua , phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh, đồng thời là ủy viên Bộ Chính Trị, cũng đã dẫn một đoàn sang Bắc Kinh. Ông phó thủ tướng đã ký một bản cam kết sẽ không có hành đông làm phức tạp tranh chấp, duy trì quan hệ giựa hai nước và hòa bình ổn định ở phương Đông. Từ chỗ đó, chuyến đi tháng Bảy này của ông Nguyễn Phú Trọng tôi nghĩ không thể có một hy vọng rằng ông sẽ bắt tay với Hoa Kỳ để làm bạn để mà đối trọng lại với Trung Quốc.


Đối với ông Lê Hữu Đào, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại Liege, Vương Quốc Bỉ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là tổng bí thư một đảng cộng sản Việt Nam chú không phải đại diện của tất cả 90 triệu người dân trong nước, vì thế:

Trong bàn cờ quốc tế có những quốc gia một lúc nào đó kình chống nhau và một lúc nào đó nói chuyện với nhau. Ngày hôm nay ông Nguyễn Phú Trọng đi qua mà được tổng thống Obama tiếp thì nó cũng nằm trong hoàn cảnh hai bên nghĩ rằng có thể có lợi chung nào đó. Khi họ gặp nhau như vậy mình không cản nhưng mình có bổn phận phải nói rõ cho người mà mình có thể nói được là ông Obama. Phải nói rõ cho ông Obama biết ông Nguyễn Phú Trọng không đại diện cho dân tộc Việt Nam. Mong đồng bào mình ở bên Mỹ vận động tất cả bà con cô bác ngày hôm đó đến biểu tình thật lớn, nói lên nguyện vọng của dân tộc Việt Nam là không cộng sản và chống lại Trung Quốc.

Một thành viên trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ở Bắc California, ông Trần Phong Vũ, cho rằng chuyến đi Mỹ sắp tới đặt ông Nguyễn Phú Trọng vào một tình huống tế nhị liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam:

 Việt Nam trước hết phải đáp ứng những đòi hỏi chung của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền và những vấn đề khác nữa. Trong vấn đề nhân quyền thì nó cũng có liên hệ tới TPP mà họ rất muốn Việt Nam sẽ cùng có mặt. Thành ra tôi nghĩ chuyến đi này đặt ra cho ông Nguyễn Phú Trọng rất nhiều vấn đề mà cá nhân ông cũng khó thể quyết định được bởi vì vai trò tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ yếu như thế này.

Không thay đổi được gì hết, là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh hùng, nguyên giáo sư kinh tế đại học Laval, Quebec, Canada:

Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng là một sự cực chẳng đã cho ông, không còn biết dựa dẫm vào chỗ nào nên gặp được cái gì dựa dẫm được thì ông dựa ngay, thế thôi.
Thế còn đi mà nếu chuyện TPP được giải quyết tốt đẹp và nhanh chóng thì đó là một sức trợ giúp cho nên kinh tế Việt Nam , là cái cần để ông giữ được cái thể chế của ông, cái thể chế một đảng cộng sản độc trị như hiện thời thì không có một chút tương lai nào cho dân tộc hết.

Dưới mắt tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn cho một số nước về vấn đề thống kê kinh tế, mục đích cuộc hội kiến giữa tổng thống thống Obama và tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thể hiện điều quan trọng mà cả hai phía cùng nhắm tới:

An ninh ở biển Đông là chuyện quan trọng đối với nước Mỹ. Không những Việt Nam muốn vào TPP mà bản thân Mỹ cũng muốn Việt Nam vào TPP, là vì liên quan đến vấn đề ổn định khu vực Châu Á Thái Bình. Chứ còn coi như điều kiện vào TPP thì Việt Nam không phải là một nền kinh tế thị trường, do đó Mỹ khi mời Việt Nam vào TPP là họ đã chiếu cố đặc biệt đến tình hình của Việt Nam mà sự chiếu cố đó liên quan đến chính trị chứ không phải liên quan vấn đề kinh tế.

Đó là suy nghĩ của một số người Việt hải ngoại về chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ tuần tới. Tất cả những ý kiến khác nhau này đểu được tôn trọng song không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.





No comments: