Friday, July 24, 2015

Một thế giới mới, bốn phương mây xám một màu (Hùng Tâm - Người Việt)





Wednesday, July 22, 2015 1:41:54 PM 

Sau khi đắc cử ngày Thứ Ba, mùng 8 tháng 11 năm 2016, tổng thống tân cử của Hoa Kỳ phải chuẩn bị chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày Thứ Sáu, 20 tháng 1 năm 2017. Hôm đó, là ngày ông Táo chầu trời nhưng tổng thống Mỹ chẳng cần biết đến điều ấy vì vừa lo nhân sự để thành lập nội các, vừa được chính quyền sắp mãn nhiệm của Barack Obama trình bày những hồ sơ nóng đang chờ đợi người lãnh đạo đệ nhất siêu cường thế giới.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ không có nhiều quyền hạn nội chính như thiên hạ và cả hai ứng cử viên vẫn tưởng, vì phải hợp tác với lưỡng viện Quốc Hội và canh chừng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện lẫn những quyết định của Ngân Hàng Trung Ương và thống đốc của 50 tiểu bang. Ngược lại, tổng thống Mỹ có nhiều thẩm quyền về chánh sách đối ngoại nên ban tham mưu về ngoại giao và an ninh của tổng thống tân cử phải ráo riết nghiên cứu hồ sơ thực tế để trình lên thượng cấp tình hình toàn cầu.

Vừa nhậm chức lãnh đạo nước Mỹ đã phải nghiền ngẫm kết quả nghiên cứu để có ngay những quyết định cần thiết: phúc trình đầu tiên được đặt trên Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc là một báo cáo đáng ngại khi đây đó đã nghi ngút khói.

Hồ sơ Người Việt đã được tham khảo báo cáo giả định mà không giả tưởng này nên xin tiết lộ vài bí mật về một thế giới mới.

Bốn phương mây xám một màu

Sau tám năm Obama, Hoa Kỳ đang gặp nhiều vấn đề trong nội bộ, nhưng nước Mỹ vẫn đủ mạnh để ứng phó và giải quyết tạm. Với các vấn đề đối ngoại, dù thuộc phạm vi và ưu thế Hành pháp, Hoa Kỳ phải xử trí với các quốc gia, dân tộc và lãnh đạo khác. Những thủ thuật chính trị khi tranh cử và cầm quyền ở bên trong chưa chắc đã giúp tổng thống Mỹ xử trí thành công với bên ngoài, nhất là với một vùng lãnh thổ bát ngát ở bên kia hai đại dương.

Bên kia Ðại Tây Dương thì có Âu Châu, bên kia Thái Bình Dương thì có Á Châu. Mà hai châu lục này thật ra là một, là đại lục địa Âu-Á tiếp cận với Trung Ðông kéo dài từ Bắc Phi tới Iran, với các nước Trung Á và thế giới Hồi Giáo, cho tới vùng Viễn Ðông của Liên Bang Nga và các nước Ðông Bắc Á với Ðông Nam Á.

Thưa tổng thống, đi hết nước Anh nước Pháp về hướng Ðông thì ta gặp nước Tầu nước Nhật. Qua khỏi nước Ðức nước Ý xuống miền Nam ta gặp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, xứ Turkey. Ðằng sau hay bên dưới Turkey là vùng lửa đạn Trung Ðông, hôm 20 tháng 7 năm ngoái (2015) đã văng miểng vào dân Thổ, khiến 31 người thiệt mạng.

Thưa tổng thống, chúng ta phải tạm gọi cả khu vực rộng lớn này là “Ðông Bán Cầu,” như Âu Châu ngày xưa vẫn gọi chúng ta tại Nam Bắc Mỹ là “Tây Bán Cầu.” Vì địa cầu hình tròn, cứ lăn từ chỗ này qua chỗ kia mãi thì ta lại về chốn cũ, nghĩa là các vấn đề có thể nối kết với nhau như cái vòng. Và là cái vòng luẩn quẩn vây quanh nước Mỹ.

Ðấy là lý do khiến phúc trình đặt trên bàn của tổng thống tân cử đã mở đầu với phần tóm lược với tựa đề “Bốn Phương Mây Xám Một Màu.” Bốn phương đó có bốn tầng mây xám là Liên Âu, Nga, Ðông Á và Trung Ðông.

Liên Âu

Ðây là khu vực hỗn mang nhất với 28 quốc gia chưa biết phải chung sống với nhau như thế nào. Bên trong có 19 quốc gia chưa biết chia sẻ cay đắng ngọt bùi thế nào với một đồng Euro đang xài chung. Khủng hoảng hay vầng mây xám của Phương Tây này nằm trong phạm trù “chung-riêng.”

Cái gì chung, và tại sao, là vế đối lập với cái riêng. Chung là sự thịnh vượng sẽ có, riêng là ý dân hay chủ quyền dân chủ có vẻ như đang bị hy sinh. Vụ Euro và biến động Hy Lạp là một biểu hiện, mà không duy nhất. Xin Tổng thống đặc biệt chú ý đến hai nước cột trụ của cả kiến trúc lung lay đó là Ðức và Pháp vì Hoa Kỳ phải đứng ra phân xử đấy. Nếu không, với cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh Thống nhất UK vào năm nay, Liên Âu có thể tan rã...

Cũng nói về chuyện chung và riêng, từ phía Nam của cõi Phương Tây ấy, cả một làn sóng di dân đang từ phương Nam tràn lên. Họ đem theo những tập tục văn hóa và đức tin tôn giáo khác biệt, để đòi chia sẻ sự thịnh vượng và hòa bình của Âu Châu, hoặc để đưa Âu Châu vào thế giới Hồi Giáo. Họ đòi bằng nhiều cách lắm, kể cả khủng bố.
Họ cũng có lý do chính đáng vì vùng Trung Ðông của họ là một lò lửa. Ðịa cầu này chẳng của riêng ai, vì sao dân Bắc Phi, Tây Phi và Trung Ðông lại không có quyền lên đó mà sống? Tổng thống đang phải giải quyết hồ sơ di dân lậu từ phía Nam tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ nên cũng cần thông cảm với phản ứng lo ngại của Liên Âu.

Tạm kết luận, thưa tổng thống, Liên Âu đang có vấn đề bên trong và bên ngoài, loại vấn đề sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nước Mỹ. Mà không chỉ có vậy.

Liên Bang Nga

Trong mấy tháng cuối của nhiệm kỳ hai, chính quyền tiền nhiệm Obama đã thiết lập đường dây đối thoại song phương với chính quyền của Tổng Thống Vladimir Putin tại Liên Bang Nga. Lý do là cường quốc này có thể giúp Obama trong nhiều hồ sơ, như đã giúp trong vụ Iran, mà cũng gây nhiều vấn đề cho Liên Âu như trong vụ Ukraine, Hy Lạp, và cho Hoa Kỳ trong vụ Syria và Trung Quốc.

Liên Bang Nga đang bị khó khăn cùng cực về kinh tế, xã hội, sắc tộc và cả chính trị vây quanh Putin. Nhưng Putin sợ nhất là một Liên Âu thống nhất và một Minh ước NATO thuần nhất về đối sách dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vì quyến rũ các nước trong vùng biên vực và đe dọa quyền lợi của nước Nga. Vì vậy, Putin cố tranh thủ nước Ðức để làm suy yếu Liên Âu trong phản ứng về Ukraine, cố bênh vực Syria để gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ nhưng lại chấp nhận thiệt thòi vì giá dầu sẽ sụt mạnh khi Iran được giải tỏa lệnh cấm vận để Obama đạt thỏa thuận về võ khí với Tehran: Ước mơ của Putin là Hoa Kỳ mệt mỏi mà hoàn tất việc triệt thoái khỏi Trung Ðông và phó mặc mọi sự cho Liên Âu giải quyết một cách bất nhất trong khu vực đó.

Tổng thống phải nhìn lại Liên Bang Nga như một mối nguy bất ngờ.

Các kịch bản có thể xảy ra khiến Hoa Kỳ cần sớm có đối sách là 1) Putin gây thêm áp lực tại Ukraine, 2) hợp tác với Hy Lạp và Iran; và quan trọng nhất, 3) củng cố quan hệ kinh tế và an ninh với Trung Quốc. Giải pháp then chốt để phá vỡ sự nối kết Âu-Á, từ Ukraine qua Trung Á tới Triều Tiên là gây phân hóa trong quan hệ Nga-Hoa.

Ðông Á

Khu vực thứ ba có thể gây ra khủng hoảng là tại Ðông Á với chìa khóa là Trung Quốc.

Trung Quốc bị nguy cơ khủng hoảng kinh tế tài chánh ở bên trong, và phần nào giải thích những khó khăn kinh tế mà Hoa Kỳ đang gặp kể từ cuối năm 2016. Ðấy cũng là một nguyên nhân khiến Tổng thống đắc cử. Nhưng càng lâm vào biến động kinh tế bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh càng tìm sức mạnh chính trị ở chánh sách bành trướng ra ngoài.
Ðấy cũng là bài toán của chính quyền Shinzo Abe tại Nhật Bản. Thủ Tướng Abe đang ra sức cải cách kinh tế bên trong với việc áp dụng các biện pháp chính trị táo bạo của “mũi tên thứ ba” ông công bố vào tháng 7 năm 2015. Khi bắn ra mũi tên thứ ba để phá vỡ cơ chế bảo thủ bên trong, Abe cũng tung ra Bạch thư Quốc phòng mới và nhấn mạnh đến mối nguy Trung Quốc.

Vì vậy, thưa tổng thống, một trong các quyết định đầu tiên của Hoa Kỳ khi tổng thống mở ra kỷ nguyên mới là nhìn vào hồ sơ Hoa-Nhật. Thay vì viếng thăm thủ tướng Ðức để củng cố vị trí của bà Angela Merkel trong cuộc bầu cử năm nay tại Ðức, tổng thống nên gặp Thủ Tướng Abe và các lãnh tụ Ðông Á, kể cả nước Úc.

Một quyết định cụ thể khác là tái phối trí phương tiện quân sự về Ðông Á. Hoa Kỳ không triệt thoái khỏi Trung Ðông để tự cô lập mà để thực hiện một ưu tiên khác.

Trung Ðông

Chính quyền tiền nhiệm đã hoàn thành mục tiêu là tạo ra một trật tự rất bấp bênh tại Trung Ðông, để các cường quốc nơi ấy canh chừng lẫn nhau trong khi Hoa Kỳ triệt thoái.

Nhưng sau khi Iran được giải tỏa, trật tự bấp bênh ấy lại thành bất ổn. Nhờ Iran, chế độ Bashar al Assad tại Syria vẫn tồn tại mà không đủ sức đẩy lui sự bành trướng của lực lượng ISIL từ Syria qua Iraq và nay đang đe dọa Turkey. Trước áp lực hai mặt của Iran và ISIL từ hai hướng, Turkey đang tìm lại vị trí cường quốc của mình và dễ có phản ứng bất ngờ.

Mà thưa tổng thống, Turkey là thành viên của NATO, giữ vị trí địa dư và an ninh then chốt trong khu vực rộng lớn nối kết với Ukraine, Georgia, với Hắc Hải và Ðịa Trung Hải, với Hy Lạp và Iraq. Nếu hoàn thành được một sự hợp tác (không dễ) giữa Turkey với Saudi Arabia, Israel và Egypt, Hoa Kỳ có thể tạm đẩy lui được một vụ khủng hoảng trong khu vực này. Việc giải quyết những khó khăn trong nội bộ của Liên Âu nằm trong chiều hướng đó và là một ưu tiên.

Nhưng thưa tổng thống, vấn đề không chỉ có Turkey và liên minh trái khoáy giữa Israel với các cường quốc Hồi Giáo vây quanh. Vấn đề cũng không chỉ là khả năng kiểm soát rất kém của Nguyên Tử Lực Cuộc IAEA và Liên Hiệp Quốc để xác nhận rằng Iran đã tạm hoãn kế hoạch chế tạo võ khí.


Vấn đề do chính quyền tiền nhiệm để lại là Iran còn thoát vòng cấm vận võ khí quy ước nên ra sức bán súng lấy tiền, với sự trợ giúp của Moscow và Bắc Kinh. Iran vẫn còn các lực lượng khủng bố Hizbollah và Hamas để quậy phá và chẳng giúp gì cho Hoa Kỳ tại Yemen trong nỗ lực chặn đứng tổ chức ISIL. Một giải pháp tạm bợ cho hồ sơ Palestine-Israel sẽ chẳng giải quyết được gì, mà Chính quyền Hoa Kỳ nên chờ đợi việc Israel bẻ chân rết của Iran, là tấn công Hizbollah.

Ðiều ấy mới giải thích vì sao mà chưa nhậm chức, tổng thống đã phải điện thoại cho Thủ Tướng Benyamin Netanyahu của Israel.

Xin kính tường trình.

Kết luận ở đây là gì?

Bốn phương mây xám một màu có thể là bốn phương khói lửa đục ngầu.

Nếu bốn đám cháy lại lan vào nhau thì Hoa Kỳ tính sao?







No comments: