Cuong T. Nguyen - The
Diplomat
Phạm
Nguyên Trường dịch
Năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc với thất bại
về mặt chính trị của Hoa Kỳ trước những người cộng sản. Bốn mươi năm sau, nếu
không có gì thay đổi, lần đầu tiên, các quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN) sẽ thăm Washington, DC, trong hai ngày 6 và 7 tháng 7. Mặc dù
đã có những bất đồng về thủ tục – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có đối tác
trực tiếp ở Hoa Kỳ – không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến đi này là sự kiện lịch sử
vì nó diễn ra trong khi cả hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Chuyến đi sẽ củng cố những cuộc trao đổi song phương
và tiếp xúc chính trị giữa hai nước đúng vào thời điểm quan trọng. Cả hai đều
là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình
Dương (TPP), một thỏa thuận mà người ta hy vọng sẽ được hoàn tất trước khi Tổng
thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở. Căng thẳng hàng hải phát sinh từ dự án cải
tạo và quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông (nguyên văn: South China
Sea) tiếp tục đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, vượt xa những
vấn đề cụ thể đó, cuộc gặp mặt tự nó sẽ là biểu tượng của sự chuyển hóa sang
giai đoạn mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
Năm 1994, Hoa Kỳ đã rỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt
Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Vượt lên trên những ký ức về cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam, từ đó, thông
qua một loạt các nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thương mại, quan hệ
Việt-Mỹ đã chuyển từ hận thù sang “quan hệ đối tác toàn diện”. Những năm đầu thế
kỷ XXI chứng kiến sự nổi lên của Trung Quốc cả về
quân sự và kinh tế, đấy chính là chất xúc tác của sự chuyển biến như thế.
Năm 2000, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại
song phương (BTA), đấy chính là đòn bẩy để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO) vào năm 2007. Hiệp định Thương mại song phương đã tạo cho Việt
Nam những ưu đãi trong việc tiếp xúc với các thị trường Mỹ bằng cách giảm thuế
suất đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào nền kinh tế lớn nhất thế giới,
việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế
của nước này với thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh lao động của Trung Quốc
đang già hóa và công nhân đòi được trả lương cao hơn, lao động trẻ và rẻ hơn của
Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn, có thể giúp nền kinh tế Mỹ trở nên ít phụ
thuộc vào nhập khẩu từTrung Quốc, mà đấy lại là một trong những nguyên nhân làm
cho cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng mất cân đối thêm.
Gần hai mươi năm sau khi bình thường hóa quan hệ
thương mại Mỹ-Việt Nam, quan hệ đối tác về mặt kinh tế giữa hai nước đã có những
tiến bộ đáng kể. Thứ tư tuần trước, Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã
thông qua luật cho tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh (fast track) hiệp định
TPP. Hiệp định thương mại này sẽ không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam, phù hợp
với lợi thế so sánh về kinh tế của họ, mà sẽ có vai trò quan trọng trong chiến
lược cân bằng mềm của họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Việc nhập khẩu ngày càng gia tăng nguyên liệu dệt
may từ Mỹ vào Việt Nam sẽ làm cho ngành công nghiệp may mặc trong nước ít phụ
thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng vì sự phụ thuộc quá nặng
nề về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh dùng làm đòn bẩy
chính trị đối với Hà Nội. Ngoài ra, TPP sẽ tạo điều kiện cho những công ty giày
dép đa quốc gia của Mỹ, như Nike, tìm nguồn gia công của họ ở Việt Nam, chi phí
sản xuất sẽ giảm đáng kể vì lúc đó thuế nhập khẩu hàng dệt may và giày dép sản
xuất tại Việt Nam vào Mỹ có thể giảm 7% đối với hàng dệt may và 32% đối với
giày dép. Đổi lại, TPP sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất hàng dệt may của
Việt Nam hưởng ưu đãi khi tiếp cận thị trường dệt may Mỹ, ở Mỹ có tới 250 ngàn
người làm việc trong ngành này. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế gia tăng,
Hoa Kỳ có thể tận dụng sức mạnh kinh tế của mình, thông qua TPP, để xây dựng
tính chính danh của mình và thách thức quyền lãnh đạo của Trung Quốc trong khu
vực châu Á-Thái Bình Dương vì nước này không được tham gia hiệp định TTP.
Nói về an ninh, quá trình hiện đại hóa quân sự đang
gia tăng của Trung Quốc đe dọa an ninh của cả hai nước, đặc biệt là Việt Nam vì
ở gần Trung Quốc. Hoa Kỳ và Việt Nam có lợi ích giống nhau trong việc chống lại
những biện pháp giải quyết mang tính bạo lực của Trung Quốc đối với những tranh
chấp ở Biển Đông. Mặc dù Hoa Kỳ giữ vị trí trung lập trong các tranh chấp lãnh
thổ, nhưng nước này coi những tuyên bố về quyền sở hữu của Trung Quốc như mối
đe dọa lớn đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế ở vùng biển châu Á-Thái
Bình Dương. Mặt khác, Đảng cộng sản Việt Nam tán thành chiến lược cân bằng mềm,
thông qua những biện phương tiện gián tiếp là gia tăng sự dính líu của của Mỹ
vào khu vực. Chẳng có gì ngạc nhiên là việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu
khổng lồ (trong năm 2014) đến vùng mà Việt Nam tuyên bố là có đặc quyền kinh tế
đã đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Hà Nội cho rằng có thể dựa vào
Washington để xây dựng tiềm lực quốc phòng của mình, nếu người Nga bảo trợ.
Phân tích về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ sẽ không đầy
đủ nếu không nhắc đến bản Tuyên bố chung về Tầm nhìn mà Bộ trưởng Quốc phòng
Aston Carter và đối tác Việt Nam của ông, tướng Phùng Quang Thanh, ký vào tháng
5 vừa qua. Bản tuyên bố không ràng buộc này là một phần mở rộng của Bị vong lục
về hợp tác quốc phòng song phương, được hai bên ký kết vào năm 2011. Tiếp theo
quyết định của Washington trong việc rỡ bỏ một phần những hạn chế trong việc
bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10 năm 2013, mục đích của tuyên bố
này là tăng cường “thương mại quốc phòng” giữa hai nước và tiến đến thông qua dự
luật hạ thấp hơn nữa những rào cản trong việc buôn bán vũ khí. Trong đó có hợp
tác sản xuất các thiết bị quân sự và “chuyển hướng những quy định về mua sắm phức
tạp của Mỹ”. Đây là tình huống mà hai bên cùng thắng. Từ quan điểm của Đảng cộng
sản Việt Nam, tuyên bố này có thể làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các
nhà cung cấp vũ khí của Nga. Từ quan điểm của Washington, tuyên bố này có thể
làm cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ dễ tiếp cận hơn với thị trường mới
nổi ở châu Á, đồng thời lại làm giảm bớt ảnh hưởng quân sự trên toàn cầu của
Nga.
“Không làm mếch lòng Trung Quốc” là thành tố quan trọng
của chiến lược tái cân bằng, nếu không nói là nền tảng bất biến của quá trình
thiết chế hóa một cách từ từ việc hợp tác về an ninh và thương mại Việt-Mỹ. Hoa
Kỳ và Việt Nam sẵn sàng tăng cường trao đổi nhân sự, phát triển quan hệ kinh tế
và thương mại, thực hiện các chương trình quân sự chung và gia tăng những lời
chỉ trích chống lại chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc với mức độ mà những biện
pháp này không ảnh hưởng tới quan hệ của họ với Bắc Kinh. Vì lý do đó, chính phủ
Việt Nam tuyên bố gắn kết với nguyên tắc “Ba Không” trong quốc phòng và ngoại
giao, trong đó có không liên minh quân sự, không liên minh với quốc gia này nhằm
chống lại quốc gia kia và không để nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên
lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, Hoa Kỳ không muốn làm sâu sắc thêm quan hệ
quân sự Việt-Mỹ tới mức có thể làm suy giảm quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Trong những năm tới, vấn đề nhân quyền vẫn là trở ngại
lớn nhất đối với quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, những câu chuyện về việc xây dựng
quốc gia thành công ở châu Á đã chứng tỏ rằng trong quá trình phát triển quốc
gia, thị trường hóa thường đi trước cải cách chính trị. Nói cho cùng, Việt Nam
vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của mình. Chính phủ Việt
Nam cho rằng nhân quyền vẫn là khái niệm ngoại lai. Nói về việc nội hóa các chuẩn
mực nhân quyền quốc tế vào thực tiễn trong nước, những bước đột phá lớn của Hà
Nội sẽ phụ thuộc vào tốc độ mà những giá trị này đồng nhất với các thiết chế
chính trị và xã hội đã có ở Việt Nam. Tin tốt là những năm gần đây đã có những
cải tiến lớn trong các quyền kinh tế và xã hội, đấy là kết quả của sự phát triển
nhanh chóng kinh tế-xã hội của Việt Nam sau khi tiến hành cải cách kinh tế. Từ
quan điểm của Washington, có rất nhiều không gian trong việc cải thiện nhân quyền
và đất nước sẽ dựa vào thế hệ trẻ của mình để giải quyết thách thức, như Thượng
nghị sĩ McCain nói trong bài phát biểu của mình ở trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam thừa nhận rằng chắc
chắn là họ có những khác biệt về tư tưởng và chính trị. Tuy nhiên, sự đồng thuận
chung là nỗ lực hợp tác hơn nữa – đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – là tối cần
thiết cho việc thu hẹp hơn nữa vực thẳm giữa hai cựu thù và hoàn thành công việc
chuyển đổi đang diễn ra trong quan hệ Việt-Mỹ.
Cuong T. Nguyen tốt nghiệp chương trình Committee on
International Relations (CIR) ở University of Chicago và hiện là nghiên cứu
viên ở Saigon Center for International Studies (SCIS) trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn:
By Cuong
T. Nguyen
July 02, 2015
No comments:
Post a Comment