Wednesday, July 1, 2015

40 Năm Thuyền Nhân Hội Ngộ: Tưởng Niệm, Xúc Động (Phan Tấn Hải - Việt Báo)





01/07/2015

Chương trình 40 Năm Thuyền Nhân Hội Ngộ đã thực hiện thành công hôm Chủ Nhật 28-6-2015.

Buổi hội ngộ diễn ra sôi nổi, linh hoạt với sự điều hợp của ban tổ chức trong đó nổi bật là Linh mục Vũ Hải Đăng, cũng là tuyên úy Không Lực Hoa Kỳ. Bên cạnh linh mục là sự khéo léo, nhanh nhẹn của Oscar Thuận và cô Mỹ Vân.

Khách từ xa tới, xa nhất là ông Trần Đông, cũng là một nhân vật chính, vì ông là sáng lập viên Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (www.vktnvn.com) nơi lưu trữ tất cả hồ sơ, hình ảnh, tài liệu liên hệ về thuyền nhân các trại tỵ nạn Đông Nam Á, và cũng là người trùng tu các di sản nơi đây, trong đó có việc trùng tu nhiều ngàn ngôi mộ, nghĩa trang, chùa và nhà thờ trong nơi trước kia là trại tỵ nạn.

Về tham dự còn có Linh mục Nguyễn Hoài Chương, một trong những sáng lập viên của Bút Nhóm Lửa Việt, từ Miền Đông Hoa Kỳ tới; trong khi đó, Linh mục Trần Quốc Tuấn từ thật xa ở miền Đông Nam Hoa Kỳ tới.

Mở đầu chương trình là lời trình bày của LM Vũ Hải Đăng, kể về những ngày quân Mỹ rút quân, và rồi Miền Nam VN mất, từ đó khát vọng tự do đã thôi thúc làn song người vượt biên, trong đó, có khoảng 300,000 tới 500,000 người vùi thây đaý biển.

Từ phải: DS Nguyễn Đình Thức, ông Trần Đông, cô Mỹ Vân.

Liên ca khúc “Hành Trình Tự Do” do ban nhạc Blue Wave và các ca sĩ thân hữu, trong đó có LM Vũ Hải Đăng, trình bày đã gây xúc động cho khan giả.

Hai huynh trưởng Hướng Đạo Vũ Thành Nhân và Vũ Thiện Toàn từ vùng Hoa Thịnh Đốn về tham dự, đã gắn máy để trực tiếp truyền hình (Live) về mạng Facebook. Anh Nhân và anh Toàn cũng làm việc ở đài SBTN Hoa Thịnh Đốn, cho biết cũng sẽ có bản tin trên làn sóng truyền hình này.

Hiện diện trong buổi hội ngộ còn có các huynh trưởng Hướng đạo Đạo Hồn Việt Galang, như Lê Đức Phẩm, Nguyễn Tấn Tiến, Hoàng, Hải… Bên Ban Biên Tập Tạp Chí Tự Do (TCTD) của trại tỵ nạn Galang các năm 1983-1984 có hiện diện của Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, nguyên Chủ Bút TCTD và bây giờ là Phối Hợp Viên Mạng Lưới Nhân Quyền VN; nhà báo Phan Tấn Hải, nguyên Tổng Thư Ký TCTD.

Nguyễn Hiếu bên Ban Tổ chức đã mời ông Trần Đông lên trình bày về dự án trùng tu barack (dãy nhà) ở đảo Galand do Văn Khố Thuyền Nhân yểm trợ, trước giờ đã trùng tu nhiều nghĩa trang trên các đaỏ Galand, Bidong, Sikiew… nhận diện và trùng tu 2,050 (hai ngàn 50 mộ), bây giờ còn khu mộ cuối cùng 300 người đã mất trên đảo cần trùng tu. Đó là lý do cần gây quỹ 40,000 đôla để trùng tu hoàn tất trong năm nay. Mục đích là để 20, hay 30 năm sau, các thế hệ sau hay các nhà nghiên cứu sử lên các khu vực này sẽ có di tích nghiên cứu, cùng là thái độ của thuyền nhân không quên bạn và đồng bào đã bỏ mình ở đảo.

Linh muc Vũ Hải Đăng nói trong mấy năm gần đây đã có nhiều cựu thuyền nhân ghé thăm đảo Galang vì trên đảo có ngôi chùa linh thiêng, nơi đó họ tới cầu nguyện, tạ ơn, và Văn Khố Thuyền Nhân đã thực hiện một số chuyến đi thăm này.

Cũng hiện diện trong buổi hôị ngộ là các ông Trương Ngãi Vinh và Nguyễn Văn Hòa thay mặt Cộng Đồng, các nghệ sĩ Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan và Ngọc Đan Thanh.

Dược sĩ Nguyễn Đình Thức, đại diện Thượng nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn đã lên tặng bằng tưởng lục tới ông Trần Đông của Văn Khố Thuyền Nhân VN.

Tác giả Phạm Thắng Vũ, tác giả hồi ký “Con Sóng Dữ” được LM Vũ Hải Đăng mời lên để cảm ơn, vì tác giả họ Phạm đã tăng một số sách để bán gây quỹ cho VKTNVN.

Từ trái: Oscar Thuận (Ban Tổ Chức), nhà văn Phạm Thắng Vũ, LM Vũ Hải Đăng.

Trong phần đấu giá gây quỹ, tấm tranh đầu tiên là do một họa sĩ ở Oregon vẽ, hình ghi theo ký ức ở đảo, vẽ một con thuyền tấp bến, một em bé bước lên bờ, em này sau đó đã chết vì kiệt sức. Tấm tranh đầy xúc động ký ức này được Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng mua/ LS Dũng được ông Trần Đông kể là đã vượt biên năm 1980, mất 3 tuần lễ trên ghe, và theo chương trình, LS Nguyễn Hoàng Dũng sẽ cùng Văn Khố Thuyền Nhân đi một chuyến thăm các trại tỵ nạn. Ông Đông cũng mời gọi tất cả các cựu thuyền nhân và gia đình hãy đi theo chương trình thăm trại vì năm nay là 40 năm thuyền nhân, có thể ghi danh mua vé ở: www.vktnvn.com.

Điểm đặc biệt xúc động là nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh trong khi cùng LM Vũ Hải Đăng hướng dẫn đấu giá, đã kể lại kỷ niệm trên đảo, khi dẫn đứa con trai 12 tuổi vượt biên, khi ghe cập bến, một thiếu niên đói quá đã ăn vội, ăn vàng thế là trào máu ra, chết ngay, khiêng vào bệnh viện cứu không nổi. Do vậy, khi còn ở đảo, cứ ngày rằm hay mùng một, nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh lên chùa cầu nguyện cho thiếu niên bất hạnh này.

Sôi nổi là khi đấu giá là các tấm tranh thêu tay -- mỗi tranh thêu mất 3 tuần lễ, và do vậy mỗi tranh đều độc đáo, không hề giống bất kỳ tranh nào ngoàì thị trường.

Tấm tranh thêu đầu tiên là hình Đức Mẹ Maria, sau khi đấu giá xong, được đưa tới bàn của LM Nguyễn Hoài Chương và LM Trần Quốc Tuấn để ban phép lành.

Các tranh thêu tay chủ đề Đức Chúa Jesus Christ cũng đã được sôi nổi tranh mua từ nhiều khách ở xa, trong đó có anh Đông từ Nebraska tới.

Một diễn biến đặc biệt: tranh thêu Thánh Tâm Chúa Ky Tô do cô Phước Hạnh mua để tặng cặp vợ chồng bạn thân mộ đạo là anh Phát và chị Nhung. Cô Phước Hạnh nói, cô là Phật Tử, nhưng biết bạn thân là anh Phát và chị Nhung một đạo, nên mua tặng.

Cũng cần nói rằng sôi nổi sân khấu là khi nhạc sĩ Ngô Tín lên cầm đàn độc tấu, tiếng đàn nghe giận dữ như sóng biển nhiều thập niên trước, và rồi dịu dàng như khi thuyền cặp bến đaỏ vắng. Nhạc buồn như tâm trạng thuyền nhân.

Cũng nên nhắc rằng, hồi cuối năm 2014, nhà văn Tưởng Năng Tiến đã ghé thăm đảo Galang, và rồi ông viết bài “Cuối Năm Về Galang” trong đó có ghi nhận lời của nhà văn Trùng Dương: “Nghĩa Trang Galang là chứng tích của một giai đoạn lịch sử không thể xoá bỏ về một hành trình đi tìm tự do bằng mọi giá của cả triệu người Việt.”

Từ phải: LM Vũ Haỉ Đăng, Ngọc Đan Thanh, Trần Đông, LS Nguyễn Hoàng Dũng, tấm tranh vẽ cảnh ghe vào bờ và thiếu niên đang xuống ghe, thiếu niên này sau đó đã chết trên đảo.

Tưởng Năng Tiến kể lại trong bài:

“…Tôi rời Galang vào một buổi sáng cuối năm 1980 và trở lại ba mươi bốn năm sau, vào một chiều cuối năm 2014. Nghĩa trang của trại là nơi tôi cùng người bạn đồng hành (anh N.C.B) đến viếng đầu tiên. Nhìn những mộ phần khang trang, ngăn nắp, vôi quét trắng tươi, cỏ dọn sạch sẽ, nằm gọn gàng ngay ngắn – giữa biển trời bao la – tôi mới chợt nhận ra rằng mình là một kẻ (sống) rất vô tình.

Tôi đã hăm hở và hối hả rời bỏ Galang, để lại không biết bao nhiêu là nấm mồ hoang lạnh của những đồng bào và đồng cảnh mà chưa bao giờ nhìn lại (dù chỉ một lần) cho mãi đến khi tóc đã đổi màu.

May mắn là không phải mọi kẻ tị nạn nào đều bạc bẽo như nhau, và không ít người sống rất có tình; nhờ vậy, hôm nay tôi mới có “lối” để về thăm chốn cũ…

… Lần lượt, trước sau, những chàng trai cùng những cô gái ở tuổi đôi mươi (thưở ấy) đều đã “đi” định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Và (chắc) cũng chả có mấy ai, mấy khi, ngoái về chốn cũ?

Galang, chiều nay, quanh tôi không một bóng người – ngoài vài bầy khỉ nhỏ, và năm bẩy chú hưu sao (đứng ngơ ngác nhìn khách lạ) trong một khu đất rộng, gần nơi trưng bầy mấy con tầu đã đưa đám thuyền nhân đến hải đảo này.

Galang hoang vu, và hoang tàn quá. Tôi bước vào một ngôi chùa, không có ai ráo trọi. Nhà thờ cũng vậy. Trống trơn. Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm được che bởi một tấm bạt lớn phiá trên (ý hẳn để cho ngài đỡ giãi dầu mưa nắng) nhưng e cũng chả có tác dụng chi nhiều vì sự khắc nghiệt và khốc liệt của nắng mưa, nơi vùng nhiệt đới.

Tấm tranh Đức Mẹ Maria sôi nổi đấu giá.

Cạnh đó là bức tượng thánh Giuse đã rớt mất một bàn tay, ngó mà ái ngại.

Trong tấm biển chỉ dẫn (cũng đã rơi xuống đất từ lâu) ngay ở cổng vào có ghi hàng chữ “Cao Dai Pagoda” nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Thánh Thất nơi nào cả.

Cho đến khi bước chân vào gian nhà dùng làm Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân thì tôi mới thấy Galang vẫn còn chút... hơi thở nhẹ, nhờ tiếng nhạc nho nhỏ phát ra tự bên trong. Cái gì chớ nhạc Việt thì tôi rành sáu câu, nhất là nhạc sến, vậy mà tôi hoàn toàn không biết bài hát (lạ hoắc) này. Tôi chỉ “cảm” được là nó rất sến (sến hết biết luôn) nhưng vẫn thấy vui thích với cái ý nghĩ là mình – một thằng vô cùng bạc bẽo – vẫn được Galang mở rộng vòng tay (đón nhận) khi trở lại.

Thái độ rất thân thiện tử tế của nhân viên an ninh, cũng như sự chỉ dẫn vui vẻ và tận tình của người trông coi những di vật còn lại của thuyền nhân cũng khiến tôi vô cùng cảm động, dù chúng tôi có bị trở ngại (ít nhiều) vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi và anh bạn hăng hái ký tên vào sổ lưu niệm, và sốt sắng hiến tặng hết cả số tiền mà chúng tôi có sẵn trong người…”(ngưng trích)

Những di tích thuyền nhân mà nhà văn Tưởng Năng Tiến nhìn thấy như kể trên phần lớn là nhờ công trình của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.

Từ trái, các trưởng Vũ Thiện Toàn, Nguyễn Tấn Tiến, bên chiếc máy trực tiếp truyền hình lên Facebook.

Sau đây là bản Thông Báo ngày 24-6-2015 của VKTNVN về về mộ phần người tỵ nạn tại Trại Chuyển Tiếp Bataan (Philippines), trích đoạn như sau:

“Sau 10 năm (2005 – 2015) nỗ lực tìm kiếm và trùng tu mộ thuyền nhân trong toàn vùng Đông Nam Á, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (VKTNVN) hiện đang ở giai đoạn chót kết thúc công trình tìm kiếm và trùng tu mộ thuyền nhân với quyết tâm hoàn tất công trình này trong năm 2015 qua nghĩa trang cuối là nghĩa trang Bataan và tu sửa thêm ở một số địa điểm khác tại Malaysia và Indonesia.

1 - Tuần lễ vừa qua VKTNVN nhận được thông tin mới về tổng số mộ thuyền nhân tại Bataan nhiều hơn số 300 mà chúng tôi có trong danh sách, nhiều đến mức chúng tôi phải quan tâm đặc biệt để tìm kiếm bổ sung cho Bataan và cho các nơi khác. VKTNVN rất mong quý vị lãnh đạo tinh thần, quý Linh Mục và Thượng toạ, quý vị trong Ban Quản trị trại, đã từng ở tại Bataan trong những năm cuối vui lòng liên lạc với VKTNVN để giúp những tin tức về tổng số mộ phần thuyền nhân tại các nghĩa trang trong việc trùng tu.

2 - Chúng tôi cũng cần những thông tin về địa điểm các mộ thuyền nhân tại Pulau Tengga (Malaysia), hay ở những nơi khác - dù rất ít – như tại Thailand hay HongKong. Hiện tại VKTNVN chưa có tin tức cụ thể và chưa tìm được mộ thuyền nhân tại hai quốc gia này.

3 - Tại Indonesia ngoài khu nghĩa trang tại Galang, Kuku, Air Raya, Letung, Keramut, Terempah, VKTNVN rất mong muốn nhận được tin tức về mộ thuyền nhân ở những đảo khác.

4 - Tại Philippines, ngoài khu nghĩa trang tại Bataan và Palawan, VKTNVN cũng muốn biết thêm về nghĩa trang thuyền nhân, nếu có, ở những đảo khác tại Phi, như Tara,…

5 - Mọi chi tiết xin vui lòng email đến vktnvn@hotmail.com hay dongtran.vktn@gmail.com hoặc điện thoại trực tiếp đến Trần Đông +61 403 578 467 (0403 578 467 nếu gọi tại Úc) hay số Hoa Kỳ (+1) 714 622 9599 (số này chỉ được sử dụng đến hết ngày 7 Jul, ngày giờ Hoa Kỳ), hay gọi Mỹ Linh (+1) 408 600 9896.

6 - VKTNVN hiện đang nỗ lực tổ chức chuyến đi thăm viếng và cầu nguyện lần chót tại các di tích tỵ nạn và nghĩa trang thuyền nhân trong tháng 8 – 2015, rất mong quý đồng hương tham dự, hạn chót ghi danh là ngày 25 Jul 2015. Mọi chi tiết xin vui lòng tham khảo thêm trên trang mạng www.vktnvn.com.

Vì một lần làm là một lần khó, rất mong nhận được các tin tức quý báu từ quý vị để VKTNVN có thể kết thúc công trình trùng tu với mức độ chính xác cao nhất…”(ngưng trích)

Cũng cần nhắc rằng, sắp tới gây quỹ lần chót tại Bắc Cali để trùng tu mộ thuyền nhân sẽ là: từ 6:00PM Chủ Nhật 5 tháng 7-2015, tại nhà hàng Phú Lâm, 3082 Story Road, San Jose. Vé liên lạc Mỹ Linh (408) 600-9896 hay vktnvn.com.







No comments: