Wednesday, December 3, 2014

Những giới hạn đạo đức của thị trường (Michael J. Sandel - Project-Syndicate)



Michael J. Sandel, Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted by tapchiphiatruoc on 12-02-14

Ngày nay, có rất ít những thứ mà tiền không thể mua được. Nếu bạn đang bị kết án phạt tù ở Santa Barbara, California, và không thích những phòng giam theo đúng tiêu chuẩn, bạn có thể trả thêm khoảng $ 90 cho mỗi đêm để mua một sự nâng cấp cho phòng giam.

Mỗi năm có hàng nghìn trẻ sơ sinh từ những bà mẹ nghiện ma túy. Nếu bạn muốn giúp đở ngăn chặn sự kiện bi thảm này, bạn có thể đóng góp cho một tổ chức từ thiện mà họ cải thiện những vấn đề này bằng cách sử dụng một cơ chế thị trường: bất kỳ người phụ nữ nghiện ma túy nào nếu họ sẵn sàng chịu triệt sản, thì họ sẽ nhận một số tiền mặt tài trợ là $ 300.

Hoặc, nếu bạn muốn tham dự một buổi điều trần của Quốc hội Mỹ, nhưng không muốn phải sắp hàng chờ hàng giờ, bạn có thể sử dụng dịch vụ của một công ty chuyên lo chuyện đứng sắp hàng thay cho bạn. Công ty này thuê người không nhà và những người khác cần tìm việc, họ sẽ đứng chổ chờ thế – nếu cần thiết, họ đứng cả đêm. Ngay trước khi buổi điều trần bắt đầu, khách hàng trả tiền có thể đến chiếm chổ đứng trong hàng đợi, và có quyền yêu cầu có một chỗ ngồi hàng phía trước trong phòng điều trần.

Có điều gì sai trái với việc mua bán những thứ này không? Một số người sẽ nói là không; người ta phải được tự do tiêu tiền của mình để mua bất cứ cái gì mà người khác sẵn sàng bán. Có những người khác tin rằng có vài thứ mà tiền không phải dùng để mua.

Nhưng tại sao? Vậy có gì đích thực là sai trái với việc bán sự nâng cấp trong nhà tù cho những ai có khả năng chi trả, hoặc trả tiền mặt cho việc triệt sản, hoặc thuê người sắp hàng đợi thay cho mình?

Để trả lời câu hỏi như vậy, chúng ta cần phải đặt ra một vấn đề bao quát hơn: vai trò của tiền và thị trường là gì cho một xã hội tốt đẹp?

Đặt câu hỏi này và tranh luận nó trong ý nghĩa chính trị, đó là việc quan trọng hơn bao giờ hết. Ba thập niên qua đã chứng kiến ​​một cuộc cách mạng thầm lặng: các thị trường và tư duy định hướng cho thị trường đã thâm nhập vào các lĩnh vực của cuộc sống, và chi phối các giá trị không liên quan gì đến thị trường: đó là cuộc sống gia đình và các mối quan hệ cá nhân; y tế và giáo dục; bảo vệ môi trường và pháp luật hình sự; an ninh quốc gia và đời sống dân sự.

Chúng ta hầu như không ai nhận ra một điều là đã có sự thay đổi từ một nền kinh tế thị trường trở thành một xã hội thị trường. Sự khác biệt giữa hai hình thức này là: Một nền kinh tế thị trường là một công cụ – một công cụ có giá trị và hiệu quả – để tổ chức cho hoạt động sản xuất. Ngược lại, một xã hội thị trường là một nơi mà gần như tất cả mọi thứ là để đem ra bán. Đó là một lối sống, trong đó giá trị thị trường thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội và chi phối mọi lĩnh vực .
Chúng ta nên lo âu về xu hướng này vì hai lý do. Thứ nhất, tiền trở nên quan trọng trong xã hội của chúng ta, sự sung túc – và không sung túc – có ý nghĩa quan trọng hơn. Nếu những lợi điểm chính của sự giàu có là ta có khả năng để mua du thuyền và các kỳ nghỉ hè tốn kém, thì tình trạng bất bình đẳng sẽ ít tạo ra vấn đề hơn so với hiện nay.

Nhưng, khi tiền định đoạt cho khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng chính trị, và khu gia cư an toàn, thì cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với những người có phương tiện khiêm tốn. Khi tất cả mọi quy luật đều trở thành quan hệ tiếp thị, nó làm cho sự bất bình đẳng trầm trọng hơn .

Lý do thứ hai để chống lại một loại bảng giá đặt ra cho tất cả các hoạt động của con người, vì làm như vậy có thể gây tác haị hư hỏng. Mãi dâm là một ví dụ điển hình. Một số người chống lại vấn đề này với lý do vì nó thường khai thác nơi những người nghèo, đó là những người mà sự lựa chọn việc bán thân của họ không thực sự là tự nguyện. Nhưng những người khác phản đối với lý do đó là vì xem thường tình dục như là một mặt hàng, vốn đã là một quan điểm hạ thấp nhân phẩm.
Ý tưởng cho rằng quan hệ thị trường có thể làm hư hỏng cho các mặt hàng hàng cao cấp hơn, nó không giới hạn trong các vấn đề về tình dục và thể xác. Ý tưởng này cũng áp dụng đối với đức hạnh và bổn phận công dân. Chúng ta hãy xem xét vấn đề đầu phiếu. Chúng ta không cho phép có một thị trường tự do trong việc mua bán lá phiếu, mặc dù người ta lập luận là có một thị trường như vậy thì có “hiệu quả”, trong ý thức của nhà kinh tế học về thuật ngữ này. Nhiều người không sử dụng lá phiếu của mình, vậy tại sao họ để cho lãng phí? Tại sao không để cho những người không quan tâm về kết quả của cuộc bầu cử bán một lá phiếu của mình cho những người có quan tâm? Cả hai bên tham gia vào việc giao dịch này sẽ đều hưởng lợi.

Lập luận thuyết phục nhất để chống lại một thị trường cho lá phiếu là vì bỏ phiếu bầu không phải là một phần của tài sản tư nhân; đúng hơn, đó là một trách nhiệm công cộng. Xem việc đầu phiếu là một công cụ để tìm lợi nhuận sẽ đánh giá thấp việc này, làm băng hoại ý nghĩa của nó như là một biểu hiện của nghĩa vụ công dân.

Nhưng, nếu thị trường đầu phiếu là vấn đề có thể phản đối, bởi vì nó làm băng hoại nền dân chủ, thế thì hệ thống của các việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử (kể cả hệ thống này đang có trong hiện tại ở Hoa Kỳ) mà nó tạo cho các nhà tài trợ hằng sản một tiếng nói không cân xứng trong các cuộc bầu cử là sao? Lý do để từ chối việc mua bán lá phiếu – giữ gìn sự liêm khiết của nền dân chủ – có thể là để hạn chế những quyên góp tài chính cho các ứng cử viên chính trị.

Tất nhiên, chúng ta thường không đồng ý về những gì được tính là “băng hoại” hay “xuống cấp”. Để quyết định xem mãi dâm là có suy đồi không, chúng ta phải quyết định xem tình dục của con người được đánh giá như thế nào cho phù hợp. Để quyết định xem cách bán việc nâng cấp nhà tù có làm băng hoại ý nghĩa của công lý hình sự không, chúng ta phải quyết định xem những mục đích trừng phạt tội phạm nào cần phải phục vụ.

Để quyết định xem chúng ta có nên cho phép chuyện mua bán nội tạng trong việc cấy ghép cho con người hoặc tìm lính đánh thuê để chống lại chiến tranh, chúng ta phải suy nghĩ đến những câu hỏi khó khăn về phẩm giá con người và trách nhiệm công dân. Đây là những câu hỏi gây tranh cãi, và chúng ta thường cố gắng tránh việc giải quyết vấn đề trong công luận. Nhưng đó là một sai lầm.

Chúng ta miễn cưỡng tham gia vào các vấn đề gây tranh cãi về mặt đạo đức trong chính trị đã làm cho chúng ta không trang bị đủ lập luận để bàn thảo về một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta: Nơi nào thị trường phục vụ lợi ích công cộng, và nơi nào mà thị trường không thuộc về lợi ích này?
.
------------------------
.
Michael J. Sandel, Giáo sư Triết học, Đại học Harvard. Tác phẩm nổi danh của ông là What Money Can’t Buy: The Moral Limits of Markets.
.
.
Người dịch đặt tựa chính cho bản dịch

.
.
.


No comments: