Lê Duy Nam, Phía Trước
chuyển ngữ
December
29, 2014 at 11:41 pm
Năm
2015 sẽ là cơ hội lớn nhất của tất cả chúng ta để đưa thế giới tiến tới sự phát
triển bền vững. Ba cuộc đàm phán cấp cao diễn ra từ tháng 7 tới tháng 12 có thể
sẽ định hình lại tiến trình phát triển toàn cầu, và đưa tới một cú hích quan trọng
cho những thay đổi sống còn trong nền kinh tế thế giới. Với lời kêu gọi hành động
trong bản báo cáo có tên “The Road to Dignity” của Tổng thư ký Liên hợp
quốc Ban Ki-moon, năm phát triển bền vững đã chính thức bắt đầu.
Trong
tháng 7 năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gặp gỡ tại Addis Ababa,
Ethiopia, nhằm soạn thảo bản cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Vào tháng 9
năm 2015, họ sẽ gặp lại nhau để phê chuẩn Mục tiêu phát triển bền vững nhằm định
hướng các chính sách quốc gia và quốc tế cho tới năm 2030. Và trong tháng 12
năm 2015, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung tại Paris nhằm tiến tới một hiệp định
toàn cầu đối phó với mối nguy hiểm đang lên từ biến đổi khí hậu.
Mục
đích chính của những cuộc gặp gỡ cấp cao này là nhằm đưa thế giới vào một lộ
trình phát triển bền vững hay nói một cách khác, một sự tăng trưởng hòa nhập và
bền vững. Sự tăng trưởng này dẫn đến việc cải thiện mức sống bình quân; có lợi
cho toàn bộ giai cấp xã hội chứ không chỉ riêng người giàu và thay vì tàn phá,
nó góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.
Nền
kinh tế thế giới rất có khả năng trong công cuộc tăng trưởng kinh tế nhưng lại
thất bại trong việc đảm bảo công bằng trong lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường
bền vững. Lý do khá đơn giản: Những công ty lớn nhất trên thế giới không ngừng
theo đuổi lợi ích riêng và thường không đếm xỉa tới tính công bằng về kinh tế
hay môi trường.
Tối
ưu hóa lợi nhuận không đảm bảo một sự phân bố hợp lý về thu nhập hay một nền
kinh tế toàn cầu an toàn. Ngược lại, nền kinh tế toàn cầu đang vứt bỏ lại vô số
con người ở phía sau, bao gồm cả những người sống tại các quốc gia giàu có nhất,
trong khi Trái Đất hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm, biến đổi khí hậu,
cạn kiệt nguồn tài nguyên nước và sự tuyệt chủng của nhiều giống loài.
Mục
đích ra đời của Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là nhằm đối phó với sự thay
đổi chóng mặt và có khả năng gây tác động mạnh mẽ tới đời sống con người. Nửa
thế kỷ trước, tổng thống Mỹ John F.Kennedy đã từng phát biểu: “Bằng cách định
nghĩa mục tiêu của chúng ta một cách rõ ràng hơn, bằng việc khiến cho nó trở
nên dễ quản lý hơn, chúng ta có thể giúp tất cả mọi người trông thấy nó, đặt hi
vọng vào nó và không ngừng hành động cho tới khi đạt được mục tiêu.” Đây chính
là tư tưởng của thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc dành cho các thành
viên: Hãy định nghĩa SDGs một cách rõ ràng, và từ đó tạo cảm hứng cho các công
dân, doanh nghiệp, chính phủ, các nhà khoa học và xã hội dân sự trên toàn thế
giới nhằm xoay vần biến đổi thời cuộc để tiến tới một xã hội ngày càng tốt đẹp
hơn.
Những
mục tiêu chính của SDGs hầu hết đều đã được đồng thuận. Một ủy ban của Đại Hội
Đồng Liên Hợp Quốc đã xác định 17 vấn đề trọng tâm, trong đó ưu tiên xóa bỏ
nghèo đói, phổ cập giáo dục và y tế và giải quyết biến đổi khí hậu. Đại Hội Đồng
đã cùng nhau thống nhất ủng hộ những mục ưu tiên này. Bước chuyển vần quan trọng
cuối cùng là biến những mục tiêu này thành những hành động khả thi. Khi SDGs được
đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012, các thành viên của Liên hợp quốc đã kiến nghị
rằng những mục tiêu này cần phải “hướng đến hành động”, “dễ trao đổi”, và “giới
hạn về số lượng”, khi nhiều chính phủ cho rằng chỉ cần ưu tiên khoảng 10 đến 12
mục tiêu bao trùm 17 khu vực ưu tiên này là vừa đủ.
Để
đạt được SDGs, chúng ta cần phải thay đổi triệt để hệ thống tài chính toàn cầu
- đây cũng chính là mục tiêu của Hội nghị Tài chính vì Phát triển diễn ra vào
tháng 7 năm 2015. Các nguồn tài nguyên cần được vận chuyển ra khỏi những khu vực
tranh chấp vũ trang, những lỗ hổng thuế (tax loophole) của người giàu và
sự hoang phí tiền của cho những dự án mới về dầu lửa, khí đốt hay than đá; chuyển
hướng chúng tới những mục tiêu quan trọng hơn như sức khỏe, giáo dục, năng lượng
sạch, cũng như chống tham nhũng và tuồn vốn ra nước ngoài.
Cuộc
họp thượng đỉnh diễn ra trong tháng 7 sẽ tập trung tìm kiếm sự đồng thuận của
các chính phủ trên thế giới về một cam kết dành nhiều quỹ hơn cho các nhu cầu
xã hội. Đồng thời, cuộc gặp gỡ này cũng tìm cách xác định các phương pháp hiệu
quả hơn nhằm đảm bảo hỗ trợ phát triển sẽ đến được với người nghèo sau những
bài học từ sự thành công của các chương trình như Quỹ Toàn Cầu chống lại HIV
AIDS, Bệnh Lao và Bệnh Sốt rét. Một trong số các bước đột phá tương tự là sự ra
đời của Quỹ Toàn Cầu vì Giáo dục nhằm đảm bảo trẻ em trên toàn thế giới có thể
đi học ít nhất hết cấp trung học cơ sở. Chúng ta cũng cần phải tìm ra những
phương pháp khả quan hơn để có thể định hướng dòng tiền tư hữu tới các cơ sở hạ
tầng bền vững như phát triển năng lượng gió hay mặt trời.
Những
mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta; và chúng chính là cách duy
nhất để chúng ta tránh khỏi việc phí phạm hàng tỉ đô la vào những bong bóng tài
chính, những cuộc chiến tranh vô nghĩa và những dạng năng lượng gây tổn hại tới
môi trường.
Thành
công của cuộc họp thượng đỉnh trong tháng 7 và tháng 9 tới đây sẽ tạo đà để tiếp
tục các cuộc đàm phán có tính quyết định về biến đổi khí hậu tại Paris trong
tháng 12. Những tranh luận về sự nóng lên toàn cầu do con người gây nên có vẻ
như chưa bao giờ chấm dứt. Sau 22 năm kể từ khi cả thế giới ký vào Hiệp Định
Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio,
chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều. Và có vẻ năm 2014 sẽ là năm nóng nhất
trong lịch sử trái đất đã được ghi nhận, một năm với những trận hạn hán, lũ lụt,
bão bùng và sóng nhiệt kinh khủng nhất.
Quay
lại năm 2009 và 2010, các chính phủ trên thế giới đã đồng ý giữ mức tăng nhiệt
độ của trái đất dưới 2 độ C so với trước kỷ nguyên công nghiệp hóa. Tuy nhiên,
hiện nay trái đất đang trên đà đạt mức tăng 4-6 độ C vào cuối thế kỷ này – một
sự tăng nhiệt độ đủ tàn phá quá trình sản xuất lương thực thế giới và gây ra vô
số những biến động thời tiết khốc liệt xảy ra liên tiếp.
Để
giữ độ tăng nhiệt độ ở dưới 2 độ C, các chính phủ trên thế giới phải chấp nhận
một khái niệm trọng yếu trong hệ thống năng lượng của thế giới: “khử carbon sâu
~ deep-decarbonization”. Khử carbon sâu có nghĩa là phải chuyển đổi từ
các dạng năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí gas sang những dạng
năng lượng sạch như gió, mặt trời, hạt nhân và nước, đồng thời phải tìm cách áp
dụng các công nghệ lưu trữ carbon khi vẫn còn đang sử dụng năng lượng hóa thạch.
Dạng năng lượng hóa thạch bẩn cần phải được thay thế bởi năng lượng sạch, ít hoặc
không có carbon, và phải được sử dụng hiệu quả hơn.
Một
hiệp định khí hậu thành công trong tháng 12 sẽ tiếp tục đảm bảo được mức tăng
trần 2 độ C về nóng lên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có các cam kết
về “khử carbon” tầm vóc quốc gia tới tận năm 2030 và “lộ trình khử carbon sâu”
cho tới năm 2050; khởi động nỗ lực khổng lồ trên toàn cầu bởi cả các chính phủ
và doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực sản xuất bằng công nghệ carbon thấp; và
cung cấp hỗ trợ tài chính tin cậy và ở quy mô lớn cho các quốc gia nghèo khi họ
phải đối mặt với các thử thách về khí hậu. Hoa Kỳ, Trung Quốc, các thành viên
khối EU và những quốc gia khác đã và đang có những dấu hiệu đi đúng hướng trong
lĩnh vực này.
SDGs
có thể tạo ra một lộ trình hướng tới sự phát triển kinh tế với công nghệ hiện đại,
công bằng xã hội và môi trường bền vững. Những hiệp định được đưa ra trong 3 hội
nghị thượng đỉnh diễn ra trong các năm sau vẫn sẽ chưa đảm bảo được sự thành
công của công cuộc phát triển bền vững nhưng chúng có thể định hướng nền kinh tế
toàn cầu đi theo hướng đúng đắn. Cơ hội này sẽ không tới một lần nữa trong thế
hệ của chúng ta.
________
Jeffrey
D.Sachs, Giáo sư ngành Phát triển Bền vững, Quản lý và Chính sách Y tế, Giám đốc
Viện nghiên cứu Trái đất của Trường đại học Columbia, đồng thời là Cố vấn đặc
biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Các
tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm cuốn "Nghèo đói đã qua" (The end
of Poverty) và cuốn "Tài sản chung: Kinh tế học cho một thế giới chật chội"
(Common Wealth: Economics for a Crowded Planet)
No comments:
Post a Comment