Nguyễn Hải Hoành
Posted
on Dec 30, 2014
Trả
lời câu hỏi "Ai cai trị nước Mỹ?", có lẽ nhiều người sẽ nói: chính phủ
và Tổng thống Mỹ đang cai trị nước này.
Câu
trả lời ấy không sai nhưng chưa đi vào bản chất vấn đề. Nếu tiếp tục tìm hiểu
ta sẽ thấy Ai cai trị nước Mỹ là một vấn đề phức tạp, cho tới nay vẫn chưa có
câu trả lời tương đối nhất trí mà tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Một
số quan điểm thông thường:
1.
Quan điểm cho rằng mỗi quốc gia đều do một giai cấp nào đó thống trị, thí dụ
các nước theo chủ nghĩa tư bản (CNTB) như Mỹ là do giai cấp tư sản thống trị,
các nước XHCN do giai cấp công nhân thống trị.
Ở
đây có hai vấn đề. Thứ nhất, khái niệm giai cấp thống trị (ruling class) quá rộng
trong khi bộ phận quyết định đường lối chính sách quốc gia chỉ có thể là số ít.
Trong một xã hội hiện đại, các quyết sách lớn đều rất phức tạp và cần giữ bí mật
; vì thế nhà nước không thể do số đông lãnh đạo. Chẳng hạn nói giai cấp công
nhân lãnh đạo, thực ra là đảng của giai cấp đó, đúng hơn là Ban chấp hành trung
ương, chính xác là một thiểu số (như Bộ Chính trị) lãnh đạo.
Thứ
hai, trong xã hội hiện đại các giai cấp đều bị phân hóa rất rõ ràng. Tại các nước
tư bản, tăng trưởng kinh tế dẫn tới xã hội CNTB phúc lợi, giai cấp công nhân
không còn là giai cấp vô sản như thời của Mác nữa, mà một bộ phận đáng kể đã
chuyển lên thành tầng lớp trung lưu, hữu sản. Giai cấp tư sản cũng chia làm tư
sản công nghiệp và tư sản tài chính, có vai trò khác nhau và mâu thuẫn với
nhau. Tầng lớp trung lưu có số người đông nhất; qua bầu cử dân chủ và qua các tổ
chức xã hội công dân, họ có tiếng nói quyết định trong xã hội. Người Mỹ cho rằng
ở nước họ tất cả mọi người đều là công dân, hoàn toàn bình đẳng về cơ hội nhưng
có thể không bình đẳng về kết quả ; ai cũng có thể giàu hoặc nghèo tùy thuộc sự
phấn đấu của mình. Căn cứ theo thu nhập, xã hội Mỹ chia làm hai tầng lớp giàu
và nghèo, đều là thiểu số, và một tầng lớp trung lưu chiếm đa số (80% dân).
Không có khái niệm giai cấp vô sản, vì thế ở Mỹ chưa hề có phong trào cách mạng
XHCN. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không đại diện giai cấp, chỉ là các nhóm lợi
ích, lập ra để tranh nhau chức Tổng thống (TT). Hai đảng này tổ chức rất lỏng lẻo.
2.
Quan điểm cho rằng chính quyền Mỹ là do tầng lớp nhà giàu nắm giữ.
Nước
Mỹ có mức độ phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt. Số liệu năm 2007 cho thấy 1% số
gia đình (thuộc tầng lớp trên, upper class) sở hữu 34,6% tài sản tư nhân cả nước;
19% tiếp theo (gồm giới các nhà quản lý, chuyên gia, chủ doanh nghiệp nhỏ) nắm
50,5%. Nghĩa là 20% số dân sở hữu 85% tổng tài sản tư ; còn 80% số dân (là những
người làm thuê) chỉ sở hữu có 15%. Hiện nay 46% nghị sĩ hai viện quốc hội Mỹ
thuộc diện nhà giàu (hiểu là có tài sản trên 1 triệu USD; người giàu nhất là
Darrel Issa, đảng Cộng hòa, có 451 triệu USD); nhưng chưa phải là giàu lắm. Nói
tầng lớp giàu có nắm chính quyền cũng không chính xác, vì 1% số dân Mỹ là 3,5
triệu người, bằng một quốc gia nhỏ. Hơn nữa không ít tỷ phú Mỹ lại tránh xa quyền
lực, như Bill Gates và Warren Buffett đều không tham gia chính đảng nào, họ cam
kết góp gần hết tài sản cho công tác từ thiện và ủng hộ Tổng thống Obama tăng
thuế đánh vào người giàu.
3.
Quan điểm cho rằng bên cạnh chính phủ Mỹ còn có một chính phủ vô hình do các
nhà tư bản tài chính đứng đầu thực sự nắm quyền lãnh đạo nhà nước.
Quan
điểm này thấy rõ trong cuốn Chiến tranh tiền tệ [1]. Sách trích dẫn nhiều tài
liệu của phương Tây, đưa ra những tư liệu giật gân, không rõ độ tin cậy, như :
Từ
thế kỷ XIX, nền tài chính toàn thế giới thuộc quyền kiểm soát của gia tộc
Rothschild (người Do Thái) có tổng tài sản tích lũy hơn 50 nghìn tỷ USD ( ?), gấp
4 lần GDP nước Mỹ. Rothschild Family hiện có tài sản 500 tỷ USD, đứng đầu tập
đoàn tài chính quốc tế và kiểm soát tất cả các chính quyền phương Tây thông qua
hệ thống ngân hàng (?);
Cơ
quan Dự trữ Liên bang FED, tức Ngân hàng Trung ương Mỹ, là một ngân hàng tư
nhân! Chủ tịch FED đều là người Do Thái (gần đây là Greenspan, nay là
Bernanke). FED chính là Tổng thống không nhìn thấy đang thống trị nước Mỹ, vì
FED có quyền in và phát hành đồng dollar Mỹ, còn gọi đồng tiền của FED (Federal
Reserve Note) ;
Chính
phủ Mỹ không có cổ phần ở FED. Họ phải vay tiền của FED để chi tiêu với thế chấp
là tiền thuế thu nhập (khoản thu tài chính lớn nhất trong nước) do dân Mỹ nộp
vào tài khoản của FED. Hiện nay nước Mỹ nợ nước ngoài 2500 tỷ USD (chủ yếu là
công trái Mỹ do Trung Quốc, Nhật nắm) nhưng lại nợ FED những 44 nghìn tỷ USD ;
Nhiều
TT Mỹ từng kiên quyết chống lại việc các nhà băng châu Âu muốn lập ngân hàng
trung ương Mỹ do tư nhân kiểm soát để nắm quyền phát hành tiền tệ. TT Jackson từng
giải tán ngân hàng tư nhân, trên bia mộ của ông khắc mỗi một câu: Tôi đã giết
ngân hàng. TT Lincoln từng phát hành đồng tiền riêng của chính phủ, gọi là Tiền
Xanh (greenback) nhằm phá thế kìm kẹp của đồng tiền do ngân hàng tư nhân phát
hành, vì thế ông bị ám sát chết. Nhưng rốt cuộc FED vẫn được lập vào năm 1913,
cho dù nhiều TT Mỹ chống lại việc đó ;
Có
một Câu lạc bộ tinh hoa thống trị thế giới với nòng cốt là Hội đồng Quan hệ quốc
tế Mỹ, nhóm Bilderberg và Ủy ban Ba bên (Trilaterial Commission). Ở đây tinh
hoa là các trùm tài chính quốc tế, họ muốn lập chính phủ thế giới và tiền tệ thế
giới (?).
Hiện
nay dân Mỹ đang lên án các nhà tư bản tài chính là kẻ gây ra khủng hoảng kinh tế.
Có điều khó hiểu là G. Soros một trùm tài chính người Mỹ gốc Do Thái lại ủng hộ
phong trào này và phản đối việc chính phủ giải cứu các ngân hàng. Soros cũng
cam kết hiến tất cả tài sản của mình cho công tác từ thiện.
Thuyết
Tinh hoa quyền lực
Trong
quá trình nghiên cứu vấn đề cấu trúc quyền lực ở Mỹ, xoay quanh chủ đề nước này
sau Thế chiến II có tồn tại quyền lực tập trung hay không, một số học giả tiến
bộ Mỹ cho rằng nước Mỹ là do một thiểu số tinh hoa quyền lực gồm những trùm sò
của 3 ngành kinh tế, quân sự, chính trị thống trị.
Chế
độ phân quyền hai cấp liên bang và bang, nguyên tắc tam quyền phân lập, tập tục
hai đảng thay nhau cầm quyền và cơ chế bầu cử dân chủ tạo cảm giác xã hội Mỹ là
do dân làm chủ và không có vấn đề quyền lực tập trung ; chính phủ Mỹ là « của
dân, do dân, vì dân ». Tỷ phú-nhà từ thiện David Rockefeller từng nói : Tôi tin
rằng chính phủ Mỹ là đày tớ của nhân dân chứ không phải ông chủ của họ [2].
Sau
thắng lợi tiêu diệt các thế lực độc tài phát xít trong Thế chiến II, nước Mỹ ở
vào thời kỳ phồn vinh, phần lớn trí thức Mỹ tự hào cho rằng nước họ là đại diện
của quốc gia tự do dân chủ; bất kỳ nhóm lợi ích nào cũng bị các nhóm khác cân bằng
và kiềm chế; người dân qua lá phiếu bầu của mình thực hiện quyền làm chủ nhà nước,
không tồn tại vấn đề quyền lực quá tập trung.
Quan
điểm trên bị lung lay khi xuất hiện cuốn Cấu trúc quyền lực cộng đồng : Một
nghiên cứu về các nhà quyết sách (Community Power Structure: A Study of
Decision Makers, 1953) của Floyd Hunter và Tinh hoa quyền lực (The Power Elite,
1956) của C. Wright Mills. Hai tác giả giải thích cấu trúc quyền lực theo cách
khác với phái chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) và phái Mác xít. Đây là bước thăm
dò của giới khoa học chính trị về cấu trúc và sự phân phối quyền lực ở Mỹ trên
tầng nấc quốc gia, hình thành lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc quyền lực trong
ngành khoa học xã hội và chính trị.
Mills
cho rằng cấu trúc quyền lực ở Mỹ đã có thay đổi bản chất: quyền lực nhà nước
quan trọng nhất đã tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự; 3
lĩnh vực đó hòa quyện với nhau, những người nắm 3 loại quyền lực này là các
trùm tập đoàn công ty, chính khách trùm sò và lãnh tụ quân sự. Họ cấu tạo nên
tinh hoa quyền lực của nước Mỹ, có lợi ích nhất trí, gắn kết nhau cùng hoạch định
các quyết sách trên phạm vi toàn quốc, là một « tập đoàn nhỏ » khống chế quyền
lực tập trung.
Mills
vạch trần sự thật: phía sau sự phồn vinh, chế độ dân chủ mà người Mỹ tự hào
đang bị đe dọa nghiêm trọng ; trong thời gian chiến tranh lạnh, quyền lực của
đông đảo nhân dân Mỹ đang bị mất dần. Các giám đốc điều hành (CEO) đại công ty
đến nhậm chức trong chính phủ Mỹ (như sau này McNamara Chủ tịch công ty Ford
Motor làm Bộ trưởng Quốc phòng), tướng lĩnh cấp cao trong quân đội chuyển sang
lãnh đạo đại công ty; quyền lực đang tập trung vào tay các nhà lãnh đạo quân đội,
công ty và chính khách, tức nhóm tinh hoa thống trị quốc gia. Hơn thế nữa, địa
vị của giới lãnh đạo quân đội và đại công ty đang lên cao, địa vị của các nhà
chính trị thì đang hạ thấp. Mills và Hunter cho rằng quyền lực thoạt tiên bén rễ
trong các tổ chức chứ không phải trong các cá nhân, các hội đoàn, nhóm lợi ích
và đảng phái như nhiều nhà chính trị dòng chính quan niệm, cũng không phải là
các giai cấp như các nhà Mác xít nghĩ.
Mills
đồng ý với 3 tiêu chuẩn phân chia các tầng lớp xã hội do Max Weber đề xuất: tiền
vốn (tư bản), quyền lực và danh vọng (3 thứ này có thể chuyển hóa lẫn nhau).
Ông vạch ra sai lầm của Thuyết cân bằng phổ biến trong nhận thức của người Mỹ.
Cơ chế tam quyền phân lập nhằm ngăn chặn sự tập trung quyền lực, nhưng trong thực
tế cơ chế đó bị thách thức. Dân chúng chỉ chú ý tới tầng lớp trung lưu mà mơ hồ
về cấu trúc quyền lực tổng thể, nhất là tầng lớp trên và tầng lớp dưới. Tầng lớp
trên ngày càng nhất thể hóa và đã xuất hiện tinh hoa quyền lực. Ông cho rằng
CNTB Mỹ là CNTB quân sự ; mối quan hệ quan trọng nhất giữa đại công ty với nhà
nước thì xây dựng trên sự nhất trí về nhu cầu của quân đội và công ty. Sự nhất
trí đó tăng cường sức mạnh của mỗi bên và làm suy yếu vai trò của các chính
khách.
Giới
truyền thông đại chúng Mỹ giúp các nhân vật tinh hoa quyền lực có được vinh
quang mà tầng lớp trên ở bất cứ nước nào cũng chưa từng được hưởng. Truyền
thông đại chúng và cơ chế giáo dục ở Mỹ đã che giấu sự vô đạo đức của tầng lớp
trên và việc tầng lớp này tước đoạt quyền lợi của dân chúng.
Wright
Mills là nhà phê phán xã hội có ảnh hưởng nhất ở Mỹ thập niên 1950. Thuyết Nước
Mỹ tồn tại tinh hoa quyền lực cấu tạo bởi nhóm 3 đại gia (The Big Three, gồm
các trùm chính quyền, quân đội, công ty độc quyền) của ông được gọi là chủ
nghĩa Mills (Millsian). Nó cùng với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa đa nguyên tạo ra
cục diện bộ ba ở Mỹ. Quan điểm tiến bộ của Mills khiến ông bị một số học giả
cho là thân Fidel Castro (ông có sang thăm Cuba mấy lần), thân cộng sản ; ông từng
có ý định bỏ nước Mỹ sang sống ở Anh. Trong hơn 50 năm qua sách Tinh hoa quyền
lực được tái bản nhiều lần. Tuy tình hình xã hội Mỹ ngày nay khác ngày ấy,
nhưng quan điểm của Mills hiện vẫn có giá trị trong việc giải thích cấu trúc
quyền lực ở Mỹ.
Những
người theo thuyết cân bằng và theo chủ nghĩa đa nguyên công kích thuyết tinh
hoa quyền lực; họ cho rằng trải qua cuộc cách mạng quản lý, CNTB gia tộc đã suy
yếu, xã hội phương Tây không còn tồn tại tinh hoa đơn nhất và tập trung (tức
tinh hoa quyền lực) nữa, mà chỉ còn một quần thể tinh hoa đã phân tán về quyền
lực và cạnh tranh lẫn nhau.
Phái
Mác xít giải thích cấu trúc quyền lực từ điểm xuất phát là sự đối kháng giai cấp
và nhấn mạnh đấu tranh giai cấp xảy ra ở mọi nơi mọi lúc; họ cho rằng việc
Mills bỏ khái niệm giai cấp thống trị, đưa ra khái niệm tinh hoa quyền lực, nhấn
mạnh mối quan hệ giữa tinh hoa quyền lực với thể chế là cách làm không triệt để,
dễ đi tới coi nhẹ tác dụng chủ đạo quá trình quyết sách của của giới tinh hoa
thương mại, hạ thấp kinh tế xuống ngang hàng với chính trị và quân sự.
Quan
điểm Tinh hoa quyền lực của W. Mills có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào phản
chiến và phong trào sinh viên ở Mỹ hồi thập niên 60. Đáng tiếc ông mất sớm
(1916-1962) nên không thể tiếp tục cống hiến trên lĩnh vực này.
Phái
theo chủ nghĩa phê phán (criticism) ca ngợi cách đặt vấn đề có tính phê phán của
Mills ; tuy không hoàn toàn đồng ý với ông nhưng họ viết khá nhiều sách phát
triển học thuyết của ông.
Trong
số các tác phẩm ấy, đáng kể nhất là cuốn Ai thống trị nước Mỹ? (Who Rules
America?) của G.W.Domhoff xuất bản năm 1967, được xếp thứ 12 trong số 50
bestseller về xã hội học thời gian 1950-1995. Sách này sau đó lại bổ sung và
tái bản, đến năm 2010 đã xuất bản lần thứ 6, có những thông tin về Barack
Obama.
Tiếp
đó là cuốn Ai đang thống trị nước Mỹ? (Who’s Running America?) của Thomas R.
Dye, xuất bản năm 1976, mỗi đợt bầu Tổng thống mới lại tái bản có bổ sung, đến
nay đã có bản thứ 7 (The Bush Restoration). Bản nào cũng có một chủ đề: nước Mỹ
vẫn bị thống trị bởi các nhóm tinh hoa quyền lực chiếm địa vị cao trong các thiết
chế quan trọng.
Nhiều
năm qua, giới trí thức Mỹ không ngừng tranh luận vấn đề Ai thống trị nước Mỹ.
Trên mạng có riêng một website Who Rules America.net dành cho việc này. Hai
phái chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa tinh hoa (Elitism) hăng hái tranh cãi với
nhau.
Dư
luận dường như nhất trí ở một điểm: nước Mỹ không do số đông (masses) lãnh đạo.
Vấn đề là nước này có tồn tại tinh hoa quyền lực hay không ?
Cuốn
Ai thống trị nước Mỹ: Sự biến đổi quyền lực, chính trị và xã hội (Who Rules
America? Power, Politics and Social Change) của G.W.Domhoff bản in năm 2006 được
coi là tác phẩm kinh điển nghiên cứu về tinh hoa quyền lực nước Mỹ. Domhoff khẳng
định nước Mỹ bị thống trị bởi tầng lớp tinh hoa đang sở hữu và điều hành những
tài sản có thu nhập lớn như ngân hàng và tập đoàn công ty, họ làm chủ cấu trúc
quyền lực chính trị và kinh tế của nước Mỹ. Họ là chủ sở hữu hoặc CEO các công
ty làm ra khối lượng của cải khổng lồ, là những cố vấn pháp lý của công ty… gọi
chung là cộng đồng doanh nhân.
Khái
niệm tinh hoa quyền lực do Mills đề ra đã làm rung chuyển giới trí thức Mỹ và
gây ra cuộc tranh luận suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cuộc tranh cãi đó động chạm tới
nhận thức về các khái niệm tinh hoa, dân chủ, quyền lực, nhận định về cấu trúc
quyền lực và xu thế phát triển của nó trong xã hội Mỹ, và dẫn tới các vấn đề
thuộc khái niệm rộng hơn – lĩnh vực xã hội học tinh hoa (Sociology of Elites).
Các nhà chính trị học nhiều nước, kể cả Trung Quốc, đang vận dụng quan điểm của
Mills để xem xét vấn đề tinh hoa quyền lực tại nước mình.
Vai
trò của các TT Mỹ
Dĩ
nhiên TT Mỹ thuộc vào tầng lớp tinh hoa quyền lực, tuy rằng không ít TT xuất
thân nghèo hoặc bình thường. Vì do dân trực tiếp bầu ra, nói chung các TT đều đại
diện cho lợi ích của đa số nhân dân. Nhưng do chịu rất nhiều sức ép từ các lực
lượng trong xã hội cho nên họ phải thỏa hiệp, không phải bao giờ cũng hoàn toàn
vì lợi ích của đa số dân.
Có
một sự thật không thể phủ nhận là nước Mỹ tồn tại một số nhóm lợi ích cực đoan
có những hoạt động vi phạm truyền thống dân chủ của nước này và gây khó khăn
cho các TT.
Đáng
kể nhất là Tổ hợp công nghiệp-quân sự (Military-industrial complex). Trong diễn
văn từ nhiệm đọc ngày 17/1/ 1961, TT Eisenhower từng cảnh báo nhân dân Mỹ:
Trong khi thừa nhận ngành công nghiệp và quân sự có cống hiến cho việc đảm bảo
an ninh của nước Mỹ, chúng ta không thể không thấy là sự cộng tác giữa chính phủ
liên bang với giới quân sự và giới lãnh đạo ngành công nghiệp tuy cần thiết
nhưng lại có thể dẫn đến tệ nạn lạm dụng quyền lực. Ông khuyến cáo nhân dân Mỹ
cần chú ý giám sát tổ hợp công nghiệp-quân sự [3].
Oliver
Stone đạo diễn bộ phim JFK (phim về vụ ám sát TT J.Kennedy) từng nói Kennedy bị
ám sát vì ông muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng tập đoàn công nghiệp-quân
sự không đồng ý. Phát biểu của Stone làm rung chuyển dư luận, vì các báo cáo điều
tra vụ ám sát Kennedy đều không nói gì tới vấn đề này. Năm 1968 Thượng nghị sĩ
Robert Kennedy bị ám sát chết trong khi tranh cử TT cũng chỉ vì muốn kế tục
nguyện vọng kết thúc chiến tranh Việt Nam. Về sau con trai duy nhất của J.
Kennedy ở tuổi 40 cũng chết trong một tai nạn máy bay riêng bí ẩn, đúng như lời
bà góa Jacqueline nói: Bọn chúng muốn tiêu diệt gia tộc Kennedy.
Thứ
hai là Tập đoàn chính trị Do Thái. Cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái có gần 7 triệu
người, chỉ chiếm 2,5% số dân nhưng có ảnh hưởng lớn tới chính trường Mỹ; chủ yếu
vì họ hăng hái nhất trong việc tham gia bầu cử, hơn nữa họ giàu có và khống chế
bộ máy truyền thông nước này [4]. Tuy chưa có chính trị gia gốc Do Thái nào làm
TT Mỹ nhưng họ thường sử dụng chiêu vận động hành lang nghị trường để gây ảnh
hưởng tới chính sách đối ngoại, khiến chính phủ Mỹ tỏ ra thiếu công bằng trên vấn
đề Trung Đông. Chẳng hạn Mỹ đã viện trợ không hoàn lại cho quốc gia Do Thái
Israel tổng sộng khoảng 1700 tỷ USD nhằm giúp nước này có sức mạnh kinh tế và
quân sự đủ để trụ được trong vòng vây của thế giới A Rập. Thái độ thiên vị ấy
đã làm người A Rập căm phẫn, hậu quả khiến nước Mỹ phải trả giá cho cuộc chiến
dai dẳng chống khủng bố.
Tất
cả các đời TT Mỹ đều phải đương đầu với những nhóm lợi ích nói trên. Nhiều người
đã dũng cảm đấu tranh chống lại. Sáu trong số 44 TT Mỹ từng bị ám sát, trong đó
4 người chết [5], có lẽ vì họ đi ngược lại ý đồ của các nhóm ấy.
Một
lực lượng nữa thường xuyên gây sức ép với chính quyền Mỹ là quần chúng nhân
dân. Ngoài việc thông qua các đại diện của mình trong quốc hội để tác động lên
chính phủ, phần lớn dân Mỹ, nhất là tầng lớp trung lưu, đều ở trong các tổ chức
của công dân, như các tổ chức phi lợi nhuận (Non-profit Organization, NPO, thí
dụ công đoàn, các hội ngành nghề, quỹ từ thiện, đoàn luật sư, think-tank
v.v..). Các tổ chức này là nơi liên kết dân chúng để thống nhất quan điểm, bảo
vệ lợi ích tập thể của họ, thực hiện xã hội hòa hợp và giám sát chính quyền.
Các tổ chức đó hình thành xã hội công dân (XHCD), một lĩnh vực tồn tại độc lập
với nhà nước, thực sự là đối trọng đáng vì nể của chính phủ.
Lực
lượng XHCD Mỹ rất hùng hậu. Năm 2010 nước Mỹ có hơn 1,5 triệu NPO có tính quốc
tế (U.S.-based International Nonprofit Organization), giả thử Ban quản trị mỗi
NPO có 10 người, thì ít nhất có 15 triệu dân quản lý NPO, nếu kể cả thành viên
chính thức và không chính thức thì số người tham gia NPO có cả cả trăm triệu. Tổng
tài sản của các tổ chức này lên tới 3000 tỷ USD, như Quỹ Bill & Melinda
Gates có tài sản 33,5 tỷ USD, tương đương GDP quốc gia xếp thứ 82 về thu nhập,
trên cả 111 quốc gia khác.
NPO
tận dụng các phương tiện truyền thông, mạng Internet, nhất là các mạng xã hội,
tạo ra sức ép dư luận rất lớn mà chính quyền không thể bỏ qua. NPO không chỉ
nói lên ý kiến nguyện vọng của dân đối với nhà nước mà còn tổ chức các phong
trào đấu tranh đòi chính quyền sửa các chính sách dân không tán thành. Thí dụ
những cuộc mít tinh biểu tình rầm rộ có mấy trăm nghìn người tham gia phản đối
sự phân biệt chủng tộc và chống chiến tranh Việt Nam hồi thập niên 60 đã làm
chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách liên quan. Một số cuộc biểu tình kéo dài
ngày này sang ngày khác làm chính quyền đau đầu. Những cuộc đấu tranh ấy có thể
dẫn tới khủng hoảng chính trị nếu chính phủ không khéo léo giải quyết các yêu cầu
của dân chúng.
Nước
Mỹ gồm rất nhiều sắc tộc từ khắp thế giới đến định cư chứ không có sự thuần nhất
chủng tộc (như Đức, Nhật thời xưa), quan niệm giá trị, tư tưởng chính trị của
dân chúng rất đa dạng phức tạp, lại thêm giá trị cá nhân và vai trò làm chủ của
công dân được đề cao thái quá, vì thế công việc của chính quyền gặp nhiều khó
khăn. Thí dụ thị trấn Ojai ở bang California chỉ có 8000 dân (phần lớn là người
hưu trí), trữ lượng dầu mỏ dưới lòng đất rất lớn nhưng dân ở đây đồng tâm nhất
trí không cho khai thác dầu, chính phủ và các công ty cũng đành chịu.
Nhìn
chung các TT Mỹ luôn ở vào thế trên đe dưới búa, phải vắt óc nghĩ cách thỏa hiệp
điều hòa lợi ích của những phía gây sức ép lên họ. Các TT đều đau đầu vì phải đối
phó với Quốc hội, đảng đối lập, dân chúng và các nhóm lợi ích. Chưa một TT nào giàu lên nhờ chức vụ của
mình, ngược lại chỉ nghèo đi và tổn thọ [6].
***
Nước
Mỹ hiện nay (2012) đang ở vào thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Đây là
hậu quả tất nhiên của việc chuyển đổi mô hình kinh tế và toàn cầu hóa kinh tế.
Thí dụ việc chuyển những ngành công nghiệp dùng nhiều nhân lực sang các nước nghèo,
việc ưu tiên phát triển công nghệ cao và dịch vụ tài chính (là những ngành dùng
ít nhân công nhưng thu lợi cao) đã gây ra nạn thất nghiệp tại nước Mỹ. Đây cũng
là hậu quả của lối tiêu dùng kiểu Mỹ: làm ít tiêu nhiều, vay tiền của tương lai
để chi tiêu hôm nay, rốt cuộc ngập trong nợ nần. Vì toàn cầu hóa kinh tế là
trào lưu không thể ngăn cản cho nên khó tránh khỏi khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa
khủng hoảng diễn ra trên phạm vi toàn cầu nên từng quốc gia rất khó vượt qua nếu
không có sự phối hợp toàn cầu.
Cũng
như ở nhiều nước phương Tây khác, chính phủ Mỹ tỏ ra bất lực trong việc đưa đất
nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Dân chúng (chủ yếu là tầng lớp trung lưu) nhận
thấy phải tự cứu mình, họ tổ chức Phong trào Chiếm Phố Wall, nêu khẩu hiệu
“Chúng tôi là 99%” chống lại tình trạng 1% số dân nắm giữ 40% tài sản và chiếm
hơn 20% thu nhập, chống lại việc nhà nước tài trợ cứu các ngân hàng. TT Obama
và một số nhà giàu Mỹ cũng ủng hộ phong trào này.
Hiện
nay giới tinh hoa tài chính Mỹ đang là đối tượng bị phong trào nói trên lên án,
bởi họ chỉ tìm cách hợp pháp tăng thu nhập của mình trong khi thu nhập của dân
bị giảm do khủng hoảng kinh tế.
Mối
quan hệ tay ba chính quyền-dân chúng-nhà tư bản ngày một căng thẳng. 69% dân Mỹ
không tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính, 65% không tin Chính phủ, Quốc hội,
và các đại công ty. Phong trào Chiếm Phố Wall đang lan rộng. Nền dân chủ Mỹ bị
lung lay. Khủng hoảng kinh tế có khả năng trở thành khủng hoảng chính trị.
Đại
suy thoái kinh tế thế giới thập niên 30 thế kỷ XX dẫn đến sự xuất hiện những
lãnh tụ tài giỏi như TT F. Roosevelt ở Mỹ, Churchill ở Anh hoặc các nhà độc tài
như Mussolini ở Ý, Hitler ở Đức (do các cử tri Đức bầu lên). Cuộc tranh cử TT Mỹ
vẫn đang tiếp diễn nhưng chưa đến hồi quyết liệt. Lập trường ủng hộ dân của
Obama có thể làm ông gặp khó trong cuộc bầu cử năm 2012; nhưng hiện nay xem ra
chưa thấy ứng viên TT nào sáng giá hơn, có khả năng cứu nền kinh tế Mỹ. Người
ta chỉ có thể chờ xem.
Nguyễn
Hải Hoành
[1]
Chiến tranh tiền tệ, bản dịch tiếng Việt, Nxb Trẻ, 6/2008
[3]
Eisenhower warns of military-industrial complex
[4]
Người Do Thái ở Mỹ – lực lượng quyết định chính sách của Mỹ tại Trung Đông
[5]
Các TT Lincoln, Garfield, McKinley và Kennedy bị ám sát chết; hai TT Truman và
Reagan bị ám sát nhưng không chết.
[6]
Nước Mỹ áp dụng chế độ lương thấp cho viên chức nhà nước (khác với Singapore);
lương TT không cao hơn giáo sư ĐH. Có 6 TT Mỹ về hưu trong nghèo túng, mắc nợ
không trả được. 4 TT chết khi đang tại chức (Harrison, Taylor, Harding,
F.Roosevelt)
No comments:
Post a Comment