Monday, October 25, 2010

NHÂN VỤ LẠI VĂN SÂM, NHÌN LẠI VẤN NẠN VĂN HÓA và ĐẠO ĐỨC HÔM NAY

25.10.2010

Về vụ Lại Văn Sâm “dịch sai” tại đêm bế mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ 1 (22/10/2010), có lẽ chỉ có bài viết của ông Lê Bá Thiện Cơ là xét vấn đề qua góc nhìn đạo đức. Ngược lại, báo chí trong cả nước thì chỉ xem đó là “một hạt sạn”, “một sai sót” nghề nghiệp!

Đặc biệt lạ lùng là trong cả nước không có một bài báo nào thử đứng ở vị trí của Ngô Ngạn Tổ và người nước ngoài để xét vấn đề. Là một diễn viên quốc tế được mời phát biểu trong một liên hoan phim quốc tế trước ống kính truyền hình trực tiếp, nhưng toàn bộ những lời phát biểu của Ngô Ngạn Tổ vừa nói ra thì lập tức bị thay thế bằng những lời bịa đặt hoàn toàn khác do ông Lại Văn Sâm công khai tọng vào mồm anh. Nếu Ngô Ngạn Tổ và người nước ngoài biết được điều này, họ sẽ suy nghĩ thế nào về đất nước và con người Việt Nam?

Một hành động dối trá trắng trợn và thô bỉ như vậy không thể chỉ là “một hạt sạn”, “một sai sót” nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh đặc biệt của một sự kiện văn hoá quốc tế trước con mắt công chúng thế giới, đó là một sự xúc phạm vô cùng to lớn đối với cá nhân diễn viên Ngô Ngạn Tổ và toàn thể khán giả bốn phương. Và đúng như ông Lê Bá Thiện Cơ nhận định: “trước con mắt của thế giới, thì cả đất nước phải chuốc lấy sự xấu hổ”.

Bằng hành động của mình, ông Lại Văn Sâm đã xem rẻ danh dự của diễn viên Ngô Ngạn Tổ và khinh thường trình độ của tất cả khách mời và khán giả. Điều đau đớn là báo chí trong cả nước không nhìn thấy vấn đề qua góc cạnh như thế. Điều này chứng tỏ họ đã đánh mất căn bản đạo đức.

Bây giờ họ lại còn loay hoay tìm cách đổ lỗi cho “ban tổ chức” và cho cô Ngô Mỹ Uyên! Nhưng bất kì ai theo dõi diễn biến đều thấy rõ là ông Lại Văn Sâm đã giành nói nhiều hơn tất cả những lời phát biểu của các nhân vật trong đêm đó cộng lại. Khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu, ông Lại Văn Sâm chỉ cần mời cô Ngô Mỹ Uyên dịch, thì mọi chuyện có lẽ đã tốt đẹp. Nhưng ông ta không chịu mời cô Ngô Mỹ Uyên dịch, mà chính ông lại oang oang dịch láo. Ông ta cũng không thèm lắng nghe cả lời dịch của một cô gái đọc từ trong cánh gà. Có lẽ khán giả xem truyền hình đều có thể nghe lời dịch nhắc tuồng này bị ông Lại Văn Sâm át giọng. Thái độ của ông Lại Văn Sâm rõ ràng là một thái độ kiêu ngạo vô độ. Kiêu ngạo đến mức lấy cái dốt của mình ra để xúc phạm tất cả mọi người.

Các hiện tượng mà bài viết của ông Lê Bá Thiện Cơ nêu ra đều cần phải được xét dưới góc độ đạo đức.

- Lời ông Nguyễn Minh Triết diễn thuyết về Thánh Gióng phải được phê phán công khai. Ông ta phải xin lỗi trước nhân dân và nhận cái sai của mình. Nếu không thì giới giáo chức của chúng tôi đành thúc thủ khi các em học sinh, sinh viên cả tin vào lời của ngài Chủ tịch nước rồi bắt chước nguyên văn mà viết vào bài thi là Thánh Gióng “công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản...”

- Ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch hội Âm nhạc TPHCM, cùng nhóm thực hiện CD “Tình ca 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” phải công khai xin lỗi trên báo chí về những lỗi sai ghê gớm của mình. Nhiều người chế giễu nhóm này khi dịch “em bên tôi một chiều tan lớp” là “you inside me after class” = “anh ở trong em sau lớp học”, nhưng trong bài “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” còn có những lỗi sai trầm trọng hơn: “Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ, sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long”..., thì “lắng trong nước sông Cửu Long” bị dịch là “plunge into Cuu Long river” tức là “đâm đầu xuống sông Cửu Long”... Xem cảnh ông Thanh Đình làm ra dáng hào hùng diễn tả đoạn “đâm đầu xuống sông Cửu Long” bằng tiếng Anh có lẽ ai cũng phải cảm thấy hết sức xấu hổ nếu người nước ngoài nghe lời hát tiếng Anh như vậy. Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Việt Nam phải công khai xin lỗi nhân dân vì đã khen ngợi và quảng bá một cách sai lầm về cái CD này.

- Ông Lại Văn Sâm phải công khai xin lỗi diễn viên Ngô Ngạn Tổ và toàn thể khán giả bốn phương về hành vi của mình . Ông không thể cho là vì Ngô Ngạn Tổ và tất cả khách nước ngoài không biết tiếng Việt, cũng như vì phần đông nhân dân Việt Nam không biết tiếng Anh, nên ông mặc sức mà xúc phạm bất kể ai. Lại Văn Sâm không phải là một kẻ vô danh ở đầu đường xó chợ. Ông là một người của công chúng. Nếu ông không chịu xin lỗi, thì hành vi của ông sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức của thanh thiếu niên Việt Nam. Đó là chưa kể sự lan tràn nhanh chóng của clip này trên internet, chẳng mấy chốc người nước ngoài sẽ hiểu ra sự việc và đánh giá tệ hại về văn hóa Việt Nam.

Chỉ e rằng văn hóa Việt nam hôm nay không còn biết xin lỗi là gì nữa.


----------------
Bài liên hệ:
24.10.2010

24.10.2010

12.09.2010

08.10.2010
.
.
. 

1 comment:

PHÒNG THÂU TRUNG CHÍNH said...

Tôi đồng ý với bài này. Vấn đề là hiện nay ở VN, từ cấp lãnh đạo trở xuống, nhân viên trong cơ quan nhà nước, nhà báo, thậm chí nhà giáo, đã quen nói láo mất rồi. LVS chẳng qua chỉ là một trong những người không may bị lộ mà thôi.