Lại chuyện học của trẻ em Việt Nam
TS Phạm Thanh
Đăng bởi bvnpost on 02/06/2010
.
Nhân đọc bài “Nỗi đau con trẻ” của Mạc Văn Trang, tôi chỉ xin lấy chuyện gia đình mình để kể, hy vọng đóng góp được điều gì hữu ích. Vì phân tích thì báo chí cũng như các trang mạng cũng đã tốn nhiều giấy mực viết về đề tài này.
.
Tôi có một hợp đồng sang Canada làm việc từ đầu năm 2008. Lúc đó con trai đầu của tôi (sinh tháng 2/1993) đang học lớp 10, cháu thứ hai (cũng trai, sinh tháng 8/1999) đang học lớp 3. Khi sang Canada, các cháu vào kỳ 2 của năm học. Trước khi vào học, các cháu phải làm 1 bài kiểm tra tổng hợp toán tiếng Anh (kiểm tra chủ yếu để biết trình độ tiếng Anh của các cháu). Vì các cháu ở VN sang nên hàng ngày các cháu vừa học văn hóa bình thường cùng các bạn, sau đó các cháu học thêm tiếng Anh (gọi là ESL- English Second Language). Hai cháu học chừng 4 tháng thì thôi không phải học ESL nữa.
.
Về cháu thứ nhất: để được vào đại học, cháu phải học đủ 31 môn trong vòng 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12). Chọn học môn nào là tùy học sinh và đăng ký (qua internet) vào bao nhiêu trường đại học cũng được. Các trường đại học tuyển sinh theo nguyên tắc: lấy điểm trung bình của 6 môn, trong đó: 2 môn theo đặc thù của từng khoa và 4 môn có kết quả cao nhất của lớp 12. Thường trong học kỳ 1 lớp 12, học sinh đăng ký vào các trường đại học bằng cách gửi bảng điểm qua internet. Mỗi trường đều cho biết thời hạn cuối cùng nhận sinh viên. Việc thông báo nhận vào trường trực tiếp đến từng học sinh qua internet. Cho nên cũng vào học cùng khoa nhưng thời điểm thông báo nhận có khi cách nhau hàng tháng, dựa vào kết quả học tập.
.
Cũng vì tùy lựa chọn các môn học nên ngay từ lớp 10, các cháu đã không có lớp học cố định cũng như học sinh cố định. Thí dụ tiết đầu môn toán, cháu học lớp A, nhưng sang tiết thứ 2, môn hóa, cháu chuyển sang lớp B. Tại Canada, ở bậc phổ thông thì các trường học chất lượng tương đối đồng đều một chín một mười, nhưng ở bậc đại học thì giữa các trường có phân biệt đẳng cấp rõ rệt, được xếp loại và công bố hàng năm. Và việc phân biệt đẳng cấp cũng rất rõ ở điểm tuyển thí sinh đầu vào và tiền học. Thí dụ trường nhất Canada điểm đầu vào khoảng 90, với học phí khoảng 40.000$/1năm học, trong khi trường cuối bảng, điểm bình quân khoảng 70 và học phí khoảng 17.000$/1 năm. Tất nhiên khi ra trường thì những sinh viên ở trường số 1 dễ kiếm việc làm hơn. Học bổng thì từng trường xét theo ba-rem điểm của trường mình hàng năm. Cháu tôi đăng ký 4 trường đều đã được nhận (3 trường thông báo nhận từ hồi đầu tháng 3, 1 trường cuối tháng 3) mặc dù mãi đến 21 tháng 6 cháu mới kết thúc lớp 12. Tháng 9 này, cháu vào đại học.
.
Cháu thứ 2: bậc phổ thông học không mất tiền. Nhà cháu nào cách trường dưới 1 km thì tự đi đến lớp, xa hơn thì xe nhà trường đón đưa miễn phí. Mỗi tuần học 5 buổi từ 8h đến 14h30 có 3 lần nghỉ giải lao. Giữa buổi có ăn snack (ăn nhẹ) không phải trả tiền. Điều đặc biệt là cháu học mà chẳng có sách vở gì mang về nhà. Hỏi thì cháu bảo đến lớp cô phát bài, cuối ngày cô thu lại. Cuối năm cô mới trả lại cho học sinh. Nhiệm vụ của tôi là thỉnh thoảng ký “đồng ý” hoặc “không” vào tờ giấy cho cháu đi chơi dã ngoại, hay đôi khi ký “đã xem” vào bài kiểm tra toán của cháu đã có điểm cô chấm. Về nhà, tôi chẳng thấy cháu học hành gì cả mà muốn kiểm tra việc học hành của cháu cũng chịu vì có bài vở gì đâu. Cháu tôi tương đối hiếu động, nên sau giờ học cháu thường đi chơi với các bạn thân cùng lớp; lúc đến nhà bạn này, lúc đến nhà bạn kia. Tối ở nhà thì cháu đọc chuyện mượn ở thư viện nhà trường hoặc xem phim trên vô tuyến. Thành thử bây giờ cháu nói tiếng Anh lưu loát như trẻ em Canada, bằng chứng là cháu đã được chọn vào đội kịch của trường để đi biểu diễn cùng một số trường khác tại Ottawa và khi về nhà 2 anh em toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Nói là về nhà cháu hoàn toàn không có bài gì thì cũng không chính xác vì có một vài lần cháu có viết bài tìm hiểu về Canada rồi trình bày tại lớp.
.
Từ việc học hành của 2 cháu, tôi có đôi điều suy tư:
Thứ nhất: các cháu học nhàn nhã lắm. Nhất là cháu bé ở cấp tiểu học như tôi đã nói ở trên. Ngoài thời gian học ở lớp, về nhà cháu toàn chơi. Cháu thứ 2 học cuối cấp phổ thông mà cũng chẳng thấy cháu học vất vả gì, vào đại học cũng nhẹ tênh (nghe nói ở đại học, học khó hơn). So với học sinh ở VN học rất vất vả, vậy sau này ra trường, các cháu học ở Canada ra làm việc có kém hiệu quả hơn các bạn học ở VN không? Tôi không tin là kém hơn. Vậy sao các cháu ở VN phải học khổ thế? Cái này Bộ GD và ĐT nghĩ sao để các cháu có một tuổi thơ vui vẻ?
Thứ hai: trong 2 năm rưỡi học của các con tôi, tôi chẳng phải lo gì về học hành của các cháu cả. Cụ thể là với cháu lớn, tôi chưa hề tham dự 1 cuộc họp phụ huynh nào, đến giờ tôi cũng chưa gặp giáo viên chủ nhiệm của cháu. Còn cháu nhỏ thì mỗi cuối năm học, phụ huynh được mời đến để cô giáo thông báo vệc học của con. Ở Việt Nam, báo chí nói rất nhiều về việc học thêm. Bộ GD & ĐT đề ra đủ mọi biện pháp cấm dạy thêm mà nạn này vẫn không giảm. Bởi thực chất việc dạy thêm, học thêm là khoản thu nhập thêm của thầy cô giáo vào đồng lương ít ỏi của họ mà thôi. Bất cập này cơ quan nào phải chịu trách nhiệm giải quyết để các cháu học sinh được “học mà chơi” như các con tôi đang được hưởng ở Canada?
Thứ ba: tháng 9 tới, cháu lớn vào đại học. Cháu có hỏi tôi, sau này học xong cháu về Việt Nam làm việc hay ở lại Canada. Tôi trả lời: tùy con, nhưng con đã biết tính ba rồi, ba không bao giờ chạy vạy xin xỏ gì đâu. Ba chỉ lo cho con học đến nơi đến chốn, chứ đi gõ cửa lo lót xin việc cho con thì không. (Cháu cũng nhớ hồi học lớp 6 ở VN, tất cả các môn cháu đều đạt loại giỏi trừ môn nhạc, cháu hát bị điểm kém nên không đạt 1 danh hiệu gì đó. Cô giáo chủ nhiệm thấy cũng tiếc cho cháu nên có gợi ý tôi đến nhà cô dạy nhạc xin nâng điểm cho cháu nhưng tôi từ chối). Tôi thấy đại đa số các cháu Việt Nam sang Canada sau khi học xong đều ở lại kiếm việc làm. Cái đó cũng thật logic. 4 hoặc 5 năm, với số tiền học như trên đã nói, mỗi năm dao động từ 17.000 đến 40.000$ mà khi về nước nào đã dễ dàng xin được việc nếu không biết lo lót. Và khi vào được cơ quan nào đó thì lương các cháu được bao nhiêu. Như nhà văn Dạ Ngân, trong 1 cuộc trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet, cho biết con chị học Thạc sĩ ở Úc về được bổ nhiệm làm Phó giám đốc một sở mà cả lương cộng phụ cấp được hơn 3 triệu đồng thì các cháu sống ra sao. Cái bất cập này từ đâu? Các cấp lãnh đạo có biết không? Trong khi luôn hô trọng nhân tài mà bỏ phí hầu hết đội ngũ sinh viên được nước ngoài đào tạo rất cơ bản. Tôi không nói là tất cả học sinh ra nước ngoài đều xuất sắc, nhưng rất nhiều học sinh giỏi từ cấp 3 ở Việt Nam đã tìm được học bổng (toàn phần hoặc 1 phần) học ở Singapore, Mỹ, Canada… Nếu không giải quyết khâu này chắc tuyệt đại đa số sinh viên VN học ở nước ngoài sẽ ở lại làm việc ở các nước sở tại (trừ các con ông to bà lớn).
Canada tháng 5/2010
PT
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
.
.
.
No comments:
Post a Comment