Tuesday, June 1, 2010

CHÙA BỒ ĐỀ - MÁI NHÀ CỦA TRẺ BỊ BỎ RƠI

Chùa Bồ Đề - mái nhà của trẻ bị bỏ rơi

Việt Hà, phóng viên RFA

2010-06-01

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/A-pagoda-shelter-abandoned-infants-and-children-VHa-06012010125833.html

Cứ mỗi năm, vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6, trẻ em khắp nơi lại háo hức mong chờ được nhận quà cũng chẳng khác mấy khi các em chờ đón Tết đến.

Nhưng cũng có những em mà mong ước có quà cũng đã là xa xỉ, vì ngay cả câu hỏi bố mẹ em đâu cũng không có câu trả lời. Tạp chí câu chuyện hàng tuần xin được mời các bạn đến thăm một số em như thế ngay tại Hà nội.

.

Cưu mang những số phận đáng thương…

Người Hà nội không mấy người không biết đến tên chùa Bồ đề, không chỉ bởi đó là một mái chùa đã có chiều dài lịch sử 600 năm mà còn bởi đó là nơi nhận nuôi dưỡng những em nhỏ bị bỏ rơi.

Chùa Bồ đề còn có tên gọi Thiên sơn tự, thuộc quận Long Biên, Hà nội, nằm cách bờ bắc cầu Chương Dương khoảng 500m về phía Nam. Mái chùa này từ khoảng hơn 20 năm nay đã trở thành mái ấm cho không biết bao nhiêu trẻ mồ côi từ mọi miền.

Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa cho biết về lý do nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi “xuất phát từ mùa hè năm 1989. Nếu mà nói xuất phát là từ cái tâm của mình thì Đàm Lan đã nuôi hy vọng từ ngày nhỏ rồi, đến khi đi xuất gia thì càng mơ càng nhiều hơn. Lúc chiến tranh, đất nước khó khăn, các em nghèo khó thì Đàm Lan giúp các em được nhiều hơn. Từ năm 89 đến giờ đã lo được cho 150 em có công ăn việc làm rồi. Hiện nay chùa Bồ đề có 98 em từ 20 tuổi trở lại, trong đó có 47 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hiện có 4 em chưa được 10 ngày.”

Lúc đầu khi nhận nuôi các em nhỏ mồ côi, chùa Bồ Đề cũng nhận giúp huyện Gia lâm lúc đó, nay là quận Long Biên, nuôi những trẻ khó khăn, trẻ tật nguyền do nhiễm chất độc màu da cam do huyện yêu cầu. Càng ngày tiếng của chùa Bồ Đề càng được nhiều người biết đến và ngày một nhiều người tìm đến chùa để nương tựa, không chỉ trẻ sơ sinh bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ, mà cả những người già cô đơn không nơi nương tựa.

Theo sư thầy Thích Đàm Lan, riêng đối với các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì chùa hầu như tháng nào cũng nhận được một vài em. Những bà mẹ sau khi sinh con, có người lặng lẽ để con ở cổng chùa, có người đưa cho người khác mang tới, cũng có người thì giả vờ đi lễ, nhờ các sư bế hộ con rồi bỏ đi luôn. Sư thầy Thích Đàm Lan cho biết chỉ từ đầu năm đến giờ, nhà chùa đã nhận được hơn 10 trẻ sơ sinh, phần lớn các em chỉ có vài ngày tuổi còn chưa rụng rốn.

Những em nhỏ được nhận vào chùa, mỗi em có một số phận đáng thương khác nhau. Sư thầy Thích Đàm Lan còn nhớ như in một kỷ niệm về một cháu bé được chùa nhận nuôi vào một ngày mùa đông giá rét khoảng 6 năm về trước. Sư thầy kể:

‘Kỷ niệm đáng thương nhất là em bé hồi mùa đông để ở một cái bãi rác gần chợ. Mọi người kể lại là cứ nghe thấy tiếng người khóc cứ tưởng mèo kêu có người nghĩ là ma. Sáng ra thì thấy có em bé thì họ gọi nhà chùa đến. Em bé này sắp chết, người tím bầm lại rồi, hai mắt sưng vù lên, hai má muỗi cắn trông rất là tội.”

Rất may cậu bé đó đã được cứu sống. Hiện em là một cậu bé khoẻ mạnh, đang học lớp một và được sư thầy đặt tên theo họ Phật là Thích Quảng Dương.

Trong số những số phận đáng thương tìm đến chùa mong được cưu mang, cũng có những cô gái trẻ trót dại mà mang thai. Bị gia đình xua đuổi cũng đến nương nhờ nơi cửa Phật để sinh con. Khi mẹ tròn con vuông thì họ cũng ra đi và để con lại cho chùa.

Hơn chục năm gần đây, khi căn bệnh HIV/AIDS bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều ở Việt nam, chùa cũng thỉnh thoảng nhận những trẻ sơ sinh nghi nhiễm HIV. Sư thầy nói có trường hợp chỉ thấy em nhỏ nằm trong cái nôi với một bọc kim tiêm đã bóc thì các sư đoán chắc mẹ em tiêm trích nên nhiễm HIV.

Chùa nhận các em vào nuôi, chăm sóc chu đáo để chờ đến khi 18 tháng tuổi mới có thể xác định chính xác là các em có nhiễm HIV dương tính hay không. Do cơ sở nhỏ, không phải chuyên nghiệp chăm sóc trẻ nhiễm HIV nên phần lớn các trường hợp trẻ sau khi phát hiện nhiễm HIV được chùa chuyển đển trung tâm chăm sóc riêng của nhà nước.

.

…bằng tình yêu người Mẹ

Công việc chăm sóc các em nhỏ ở chùa lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Vốn là những người đã xuất gia, các sư thực sự không biết chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào. Sư thầy Thích Đàm Lan nhớ lại:

“Lúc đầu mới nhận thì các thầy chưa bao giờ tiếp xúc với trẻ con thì hỏi các em đã mở mắt chưa. Người ta bảo trẻ con là người chứ có phải là chó đâu nên là người thì mở mắt ngay từ khi mới sinh. Lúc đầu nhận trẻ em như thế nên sợ lắm, nuôi trẻ đến 5, 6 tháng mà không dám bế ra ngoài sân vì chưa có kinh nghiệm. Giờ thì được 2, 3 ngày đã bế các em ra ngoài rồi. Cứ nâng niu các em vì sợ các em nhỏ gẫy xương. Dần dần thì quen rồi.”

Vì chùa Bồ Đề diện tích có hạn, kinh phí thì chỉ dựa vào đóng góp của những nhà hảo tâm, trong khi trẻ bỏ rơi thì chùa không thể từ chối, nên hiện giờ những căn phòng cấp 4 rộng khoảng 10 đến 15 m vuông phải chứa đến chục người cả già cả trẻ. Thậm chí chùa phải làm những lán tạm tại sân chùa cho người già cô đơn đến tá túc. Chỉ có các em sơ sinh thì không phải ở chung với người lớn.

Sư thầy cho biết “chùa Bồ Đề có độ 15 phòng, mỗi phòng cũng không rộng lắm, có phòng rộng 10, 15 mét. Một phòng độ 20m2 thì khoảng 20 người cả già cả trẻ ở, cả mẹ nuôi ở, nằm giường tầng. Các em bé thì 7, 8 em một giường.”

Để chăm sóc gần 100 em, trong khi nhà chùa chỉ có 16 người bao gồm cả sư cả tiểu, nhà chùa phải nhận khoảng 25 cô có tình cảnh khó khăn, không nơi nương tựa vào chùa làm công tác bảo mẫu. Mỗi tháng nhà chùa trả mỗi cô 1 triệu đồng.

Nhà chùa cũng không dám trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước về mặt kinh phí chăm sóc các em.

Sư thầy Thích Đàm Lan nói thêm: “Nhà nước không giúp, chỉ động viên. Nhà nước chỉ giúp là khi mình đưa em bé đi viện, vì em bé chưa có giấy tờ gì thì đi viện khó khăn. Mình phải ra công an đóng dấu là nhà chùa nuôi em bé bỏ rơi thì viện giảm chi phí. Nhưng tiền thuốc cho các em thì mình vẫn phải mua. Ở đây không dám phiền các vị vì phiền các vị thì ngại. Bởi vì tự mình làm. Trung tâm nhà nước thì nhà nước có chính sách.”

.

Nhờ vào lòng hảo tâm

Cũng bởi kinh phí hạn hẹp, các bữa ăn của các em nhỏ phần lớn là ăn chay. Mỗi tuần vào thứ ba, nhà hàng KOTO ở Hà nội có một bữa mặn từ thiện cho các em. Nhà chùa cũng cố gắng thỉnh thoảng làm cá khô cho các em ăn với mắm để gọi là có ăn mặn cho các em đỡ thèm, miễn là các em vẫn được ăn no đủ bữa. Ngoài ra, Tết cũng là dịp để các em được ăn mặn nhiều hơn thường ngày vì có bánh chưng.

Các cô bé, cậu bé đến tuổi đi học, hàng ngày cũng phải dạy từ 5 giờ sáng, tức là muộn hơn các sư 1 giờ. Sau đó các em đi niệm phật, ăn sáng rồi đến trường học. Buổi chiều, trước bữa tối, các em cũng tụng kinh khoảng 15 phút. Tất cả các em đều được học một số các bài kinh cơ bản.

Còn các em nhỏ chưa đến tuổi đi học, thì được cắt tóc trái đào như các chú tiểu mà mọi người vẫn nhìn thấy trong các bức hình xưa. Sư thầy Thích Đàm Lan nói đến khi đi học thì nhà chùa cho các em để tóc thường cho dễ hoà nhập với xung quanh vì ngại các em bị các bạn ở trường trêu.

Một điểm đặc biệt nữa là các em nhỏ bị bỏ rơi không có cha mẹ ở đây đều được đặt tên theo nhà Phật. Hồi mới đầu, nhà chùa đặt cho các em họ Thích. Nhưng rồi nghĩ đến việc sau này các em lập gia đình mà họ Thích chỉ dành cho người xuất gia nên nhà chùa đặt tên cho các em sau này là họ “Cù” cho nam và họ “Kiều” cho nữ. Cù cũng là họ Phật và Kiều là họ của một nhà sư đã xuất gia. Các em đều có tên cuối là Anh.

Sư thầy Thích Đàm Lan giải thích “tại vì là các em toàn không có gia đình, không có họ hàng, mình đặt tên là Anh để anh em biết nhau, Thuỳ Anh, Phương Anh, Ngọc Anh, tức là cùng một dòng. Có ý nghĩa là anh là đứng đầu của công việc để các em nhận ra là anh đứng đâu phải phấn đấu chịu khó hơn, học hành phải học giỏi, thi cử phải đứng đầu thì các em bắt buộc phải học.

Những em nhỏ lớn lên ở chùa, có em giờ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, lập gia đình. Có em đi làm xa lâu không thể trở lại thăm chùa và sư thầy. Nhưng cũng có em ở lại tại chùa, có em xuất gia và vào học tại học viện Phật giáo.

Mặc dù cuộc sống trong chùa còn nhiều thiếu thốn, các em nhỏ ở đây nhận được rất nhiều tình thương yêu chăm sóc của các sư, của những nhà hảo tâm và của các anh chị sinh viên thỉnh thoảng đến thăm chùa và chơi với các em.

Em Mai Anh, 9 tuổi vui vẻ nói về mình: “Cháu tên là Mai Anh. Mẹ cháu mất rồi còn bố cháu cũng mất luôn. Cháu vào chùa từ bé. Ở trong chùa cháu rất vui.”

Các em nhỏ ở đây do thiếu tình cảm của bố mẹ nên lúc nào cũng mong muốn được có cha có mẹ. Sư thầy Thích Đàm Lan cho biết là “nhiều em bé thèm cha mẹ lắm. Có những dịp Tết, có em bé chỉ độ 5 tuổi nói chuyện với nhau, bảo là Tết rồi mà chả có mẹ nào đến đón con cả. Có em mẹ đi tù 8 năm, lúc bỏ con có 3 tháng, ông bố nghiện bán đi 8 triệu, hàng xóm biết được đem vào chùa.

Nuôi đến 8 tuổi thì bà mẹ đi tù ra. Đứa bé nó được nhận lại mẹ. Em bé ở chùa cũng mơ là mẹ ở trong nhà tù thế nào cũng về đón. Có em nói là mẹ tớ sắp ở tù ra rồi sẽ đến đón tớ.”

Các em hầu như em nào cũng muốn được tìm thấy bố mẹ nhưng theo sư thầy chưa em nào bị bỏ rơi đã tìm lại được gia đình mình. Nhiều lúc các sư đùa với các em các sư là mẹ của các em thì các em trả lời ‘mẹ gì mà mẹ lại cạo trọc đầu’.

Ngày tết thiếu nhi năm nay, các em nhỏ ở chùa Bồ Đề cũng háo hức và mong chờ được gặp các anh chị sinh viên vẫn hay đến vào các dịp lễ tết dạy các em hát múa, và nhất là được nhận quà.

Cô bé Mai Anh chỉ ước được nhận một con búp bê vì em giờ đã lớn, em phải nhường búp bê cho các em nhỏ hơn. Ước mơ nhỏ bé này của em cũng là ước mơ của nhiều em nhỏ khác mà tạp chí câu chuyện hàng tuần có dịp được hỏi. Xin chúc các em một ngày tết thiếu nhi vui vẻ hạnh phúc và nhận được thật nhiều búp bê đẹp.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: