Saturday, March 27, 2010

VÀI LỜI TÂM SỰ và CẢM ƠN CÁC BẠN BLOGGER (AnhBaSG)

Vài lời tâm sự và cảm ơn các bạn Blogger

Anhbasg

Mar 26, '10 5:30 AM

http://anhbasg.multiply.com/journal/item/1397/1397

Tôi thực sự xúc động khi biết có nhiều người quan tâm đến mình suốt thời gian 51 tiếng đồng hồ hoàn toàn bị cô lập.

Blog vẫn nhanh nhất và là công cụ đấu tranh hữu hiệu. Thật may mắn khi mình có nhiều bè bạn, những người quen và cả rất nhiều người mình không quen. Hy vọng những bè bạn của tôi cũng đều được quan tâm như vậy.

Người bị bắt dễ trở thành một con thú lạ để người ta trêu chọc, mình giống như một con vật thí nghiệm để người ta đo lường dò xét, cho dù căn phòng xét hỏi chưa thực sự là nhà tù. Mọi sự đi lại đều phải báo cho người giám sát, đi vệ sinh họ cũng bắt để hở cửa. Khi mình bị mơ hồ, không tự quyết định sự tự do cá nhân thì chẳng thà trở thành một tù nhân chính thức là giải pháp dễ chịu nhất... Mọi sự lên tiếng hay quan tâm của bè bạn khi ấy trở nên vô cùng quý giá.

Tuy nhiên chưa biết có thể mừng được bao lâu vì những kẻ lạ rình rập ngay gần nhà vẫn khá đông.

Về lý tính thì thấy rằng khi tin tức về mình đăng tải trên mạng cũng khiến cho người ta rất "khó chịu". Hơn nữa tôi đã hoàn toàn khước từ mọi câu hỏi và chuẩn bị tinh thần để ở trong đó lâu hơn. Thực tình không thể biết họ sẽ áp dụng những biện pháp gì vì tôi biết mình là kẻ cứng đầu hay thách thức và luôn đòi hỏi sự bình đẳng. Tôi cũng có thói quen phát hiện những tình trạng mớm cung, dụ cung hay bức cung. Khi có đông người cứ lải nhải đủ thứ chuyện vào tai để buộc tôi trả lời thì tôi nhắm mắt lại như không nghe gì cả gần như "thiền", hầu hết các câu hỏi tôi đều đáp lại là "từ chối trả lời, vì không liên quan đến an ninh quốc gia". Biên bản ghi lời khai tôi cũng không ký (sau đó họ mời một người làm chứng ký xác nhận rằng tôi đã từ chối làm việc). Tôi cho rằng kiểu "mời làm việc" kèm với việc xông vào nhà, phá cửa để cưỡng chế là hoàn toàn trái luật, thẩm vấn ban đêm (20h đến 24h) cũng là trái luật.

Để đáp lại, tôi viết một đơn khiếu nại ghi rằng "Tôi tuyên bố từ chối mọi sự thẩm vấn bởi vì cá nhân mình hoàn toàn không làm gì phương hại đến ANQG và cũng không gây thiệt hại cho bất cứ cá nhân tổ chức nào. Tôi không có trách nhiệm phải biện bạch hay trả lời về những cáo buộc của người khác, ngược lại tôi có quyền tự bào chữa nếu thấy cần thiết. Việc chứng minh tội trạng của một cá nhân là trách nhiệm của cơ quan điều tra, không phụ thuộc vào cá nhân đó có thừa nhận hay không". Tôi yêu cầu trả tự do, trả lại điện thoại và bồi thường mọi thiệt hại phát sinh do việc bắt giữ tôi gây ra nếu như các hợp đồng với khách hàng bị phá vỡ (vì tôi là người đang quản lý một doanh nghiệp).

Về cảm tính thì sau khi bị bắt, bị khiêng ra xe như thế tôi thấy cá nhân mình không còn gì là an toàn. Ngay trước khi thả tôi ra, họ vẫn bảo tôi hãy viết thư cho vợ để gửi thêm quần áo, đồ dùng...Ra về cũng không có một mảnh giấy ghi lý do nào bắt hay thả, điện thoại họ vẫn giữ không chịu trả dù đã hứa là sẽ tự đem đến.

Suốt thời gian ở trong đó, họ luôn tạo cho tôi một cảm giác rằng tôi đã có một tội trạng gì đó về an ninh quốc gia và họ thừa sức để chứng minh chuyện đó, chẳng qua là họ chưa thèm bắt tôi mà muốn tôi ăn năn hối cải và thực tình khai báo...

Tôi tôn thờ Luật pháp vì thế không chấp nhận bất cứ đòi hỏi nào trái luật, dù kẻ đó cho rằng mình đang nhân danh nhà nước. Đối với tôi mọi hành động bạo lực và cưỡng bức trái Pháp luật đều là của bọn giặc, giống như lũ giặc cướp Hoàng Sa rồi lại bảo là của chúng. Bạo lực chỉ cưỡng chế được thân thể chứ không uy hiếp được tinh thần.

Tôi mong rằng những tâm sự của tôi khiến cho cả những người thi hành công vụ cũng thấu hiểu, bởi vì chính họ cũng phải tự vệ và phải làm tương tự như thế khi bị bắt và bị bạo quyền cưỡng chế.

.

.

.

No comments: