Tuesday, March 30, 2010

37 NĂM SAU NHÌN LẠI NGÀY 29-3-1973

29 tháng 3/1973: 37 năm sau nhìn lại
Nguyên Hân - Tóm tắt

30-03-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7277

29 tháng 3/1973: Ngày quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn rút ra khỏi Việt Nam


Hai tháng sau ngày ký hiệp ước hòa bình Ba-lê (Paris), những đơn vị cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rời Nam Việt Nam vào ngày 29 tháng Ba năm 1973, cùng lúc Hà Nội trao trả những tù binh chiến tranh Hoa Kỳ họ còn giam giữ ở Bắc Việt. Cuộc Chiến tranh Việt Nam dài tám năm mà Hoa Kỳ trực tiếp tham dự giờ đến hồi kết thúc. Ở Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, còn khoảng 7.000 nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ở lại nhằm giúp đỡ miền Nam Việt Nam tiếp tục cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn, hứa hẹn khốc liệt và gây cấn hơn với quân đội Cộng sản Bắc Việt đổ vào và các lực lượng vũ trang của Mặt trận Giải phóng Miền Nam đang nằm sẵn ở miền Nam.

Hiệp ước Hòa Bình Ba-Lê (Paris), như tên gọi lúc bấy giờ, nhằm thiết lập hòa bình cho Việt Nam và chấm dứt cuộc xung đột ở Việt Nam; chấm dứt sự liên quan trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và tạm thời ngừng chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Bốn phe bao gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc), Việt Nam Cộng hòa (miền Nam), Hoa Kỳ và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đại diện cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam cùng ký Thỏa hiệp Ngưng bắn và Tái lập Hòa bình cho Việt Nam vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973. Những cuộc họp trước đó để đưa đến hiệp ước này bắt đầu trước đó vào năm 1968 và qua nhiều lần trì hoãn lâu dài. Như kết qủa của hiệp ước, Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (International Control Commission (ICC) được thay thế bởi Ủy Ban Quốc tế Giám Sát Đình chiến (International Commission of Control and Supervision (ICCS) để thực thi hiệp ước này.

Những người thương thảo chính trong hiệp ước này là Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ông Henry Kissinger và Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Việt Nam ông Lê Đức Thọ (đảng lúc đó còn mang tên đảng Lao Động). Cả hai ông đều được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho những nỗ lực của họ trong hiệp ước Ba-Lê này, nhưng ông Thọ từ chối tiếp nhận giải thưởng.

Một vài điều khoản của Hiệp ước Hòa bình Ba-lê

Hiệp ước bắt đầu với câu “Hoa Kỳ và tất cả các nước khác tôn trọng sự độc lập, tính chủ quyền, thống nhất và tính toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận qua Hiệp định Geneva năm 1954.” Những điều khoản quân sự và chính trị chính như sau:

• Bắt đầu lúc nữa khuya ngày 27 tháng Giêng năm 1973 giờ Greenwich Mean Time - tức là 8 giờ sáng giờ Sài Gòn ngày 28 tháng Giêng - sự ngừng bắn có hiệu lực. Quân đội hai miền Nam Bắc giữ nguyên vị trí của mình. Họ được phép cung cấp quân dụng cần thiết để thay thế cho những gì được sử dụng trong tiến trình tuân thủ sự ngừng bắn này.

• Ngay khi sự ngừng bắn áp dụng, quân đội Hoa Kỳ (cùng những đơn vị ngoại quốc khác) sẽ bắt đầu rút quân, trong thời hạn 60 ngày. Cùng lúc, tù binh chiến tranh Hoa Kỳ sẽ được thả và cho hồi hương. Những phe liên hệ đều đồng ý giúp đỡ, tạo điều kiện cho thi hài những người đã mất được trả về nguyên quán.

• Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận cho một giải pháp chính trị nhằm cho phép nhân dân miền Nam:

“Tự quyết định cho họ một tương lai chính trị ở miền Nam Việt Nam qua một cuộc bầu cử dân chủ và tự do đúng nghĩa với sự quan sát quốc tế.”

• Sự thống nhất đất nước Việt Nam “sẽ được thực hiện từng bước qua những phương cách hòa bình, bất bạo động.”

Hiệp ước Hòa bình Ba-lê được chính thức ký bởi đại diện bốn phe vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973 ở Khách sạn Majestic, Ba-lê.

Hiệp ước Hòa bình Ba-lê đã bị cả hai phe vi phạm nhiều lần. Trong lúc cộng sản Bắc Việt và các lực lượng vũ trang, du kích của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam không ngừng tiến hành các âm mưu lật đổ chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam; quân đội chính quy của cộng sản Bắc Việt dần dần chuyển vào các tỉnh miền Nam, chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô hai năm sau.

Phía Hoa Kỳ đã hứa với tổng thống Thiệu là Hoa Kỳ sẽ sử dụng không lực để ủng hộ chính phủ miền Nam của ông. Trong cuộc điều trần trước khi được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông James Schlesinger đã bị một số Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ trích dữ dội sau khi ông tuyên bố là ông sẽ cho tiếp tục đánh bom miền Bắc lại nếu miền Bắc tổng tấn công miền Nam. Tuy nhiên, tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate năm 1974 và khi quân đội cộng sản bắt đầu chính thức tấn công miền Nam vào đầu năm 1975, Quốc hội Hoa Kỳ từ chối chấp thuận ngân khoản cần thiết cho miền Nam và miền Nam Việt Nam hoàn toàn thất thủ ngay sau đó. Trong bài diễn văn từ chức trước khi đi ra nước ngoài, ông cựu tổng thống Thiệu lên án sự phản bội của Hoa Kỳ qua bài diễn văn đọc trên đài truyền thanh và truyền hình:

“Lúc ký hiệp ước hòa bình này, Hoa Kỳ đồng ý thay đổi quân trang quân dụng trên căn bản một đổi một (cho miền Nam). Nhưng Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa. Ngày nay lời hứa của người Mỹ có còn gía trị gì không? Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa giúp chúng ta chiến đấu cho tự do và cũng chính cuộc chiến này Hoa Kỳ đã hy sinh 50.000 người lính trẻ của mình.”

Quân đội Cộng sản Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư năm 1975. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo cuộc di tản ra khỏi Sài Gòn bằng trực thăng trước đó một đêm vào sáng ngày 29 tháng Tư dành cho nhân viên dân sự, quân đội và nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ.

Lá cờ đầu tiên treo trên nóc dinh Độc lập ngày 30 tháng Tư là lá cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tháng Mười Một năm 1975, hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai đoàn đại biểu miền Nam và miền Bắc họp ở Sài Gòn để bàn về vấn đề thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đây cũng chính là thời điểm Mặt trận Giải phóng Miền Nam hoàn toàn bị giải tán, một cách âm thầm vì chính thức không có văn bản giải tán hay tự giải tán cái tổ chức chính trị và vũ trang này.

Cũng cùng năm, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 sau khi chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, tên đảng Lao Động được đổi lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1992, điều 4 của Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được sửa đổi như sau:

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”


© DCVOnline


Nguồn:

(1)
US withdraws from Vietnam on this day in 1973. Focus News Agency, 28 March 2010
(2)
25-4-1976 Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. MaxReading.com
(3)
Paris Peace Accord. Wikipedia
(4)
Complete Paris Peace Accords. AII POW-MIA

.

.

.

No comments: