Wednesday, March 31, 2010

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: DỰA VÀO DÂN ĐỂ TRÁNH THẾ YẾU

Tranh chấp Biển Đông: Dựa vào dân để tránh thế yếu

Tác giả: Lê Quang (từ Mỹ)

Bài đã được xuất bản.: 31-3-2010

http://www.tuanvietnam.net/2010-03-29-tranh-chap-bien-dong-dua-vao-dan-de-tranh-the-yeu

"Trong bất kỳ cuộc tranh chấp nào, nước nhỏ luôn yếu thế hơn khi đàm phán song phương và đấu tranh ngoại giao ở cấp chính phủ với nước lớn. Vấn đề Biển Đông cũng không là ngoại lệ", GS Ngô Vĩnh Long nói.

>> Giải pháp Biển Đông: Trung Quốc cần bỏ yêu sách 9 đoạn

Ngày 25/3, hội thảo "Xung đột trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông" vừa diễn ra ở trường Đại học Temple, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ.

Sau hội thảo, GS Ngô Vĩnh Long, một trong những học giả Việt kiều nổi tiếng tại Mỹ, nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, quan hệ châu Á - Mỹ và hiện đang giảng dạy tại khoa sử trường Đại học Maine, thành phố Orono, bang Maine (Mỹ) đã dành cho Tuần Việt Nam cuộc trò chuyện:

Biển Đông trong thế cờ Mỹ - Trung

- Theo giáo sư thì nguyên nhân nào khiến cho vấn đề tranh chấp tại Biển Đông trở nên nóng bỏng trong thời gian gần đây?

Một trong những lý do chính là do Trung Quốc nghĩ Mỹ đang trong thế yếu nên Trung Quốc cần phải lấn tới. Một khi Trung Quốc lấn tới mà Mỹ không phản ứng mạnh thì các nước xung quanh sẽ khiếp sợ họ. Khi đó, Trung Quốc sẽ có thể đòi hỏi thêm những việc khác.

Chúng ta có thể thấy điều này qua động thái: Trước khi Trung Quốc đẩy mạnh việc bắt giữ tàu cá Việt Nam, bắt ngư dân ta phải nộp phạt thì họ đã đụng độ và có thái độ cứng rắn với Mỹ trên Biển Đông.

Một động thái nữa là vào tháng 12.2008, báo chí Mỹ đưa tin Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ lúc bấy giờ, trả lời công khai rằng phía Trung Quốc đã đề nghị Mỹ nên chia đôi Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía tây, còn Mỹ lo từ Hawaii sang phía Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc muốn thống trị một nửa Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Nếu Mỹ không đồng ý với đề nghị này thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm xuống đề nghị quản lý khu vực "South China Sea", tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam.

Hiện nay, tại Mỹ đang có hai phe theo hai quan điểm khác nhau về việc Mỹ nên có chính sách như thế nào đối với vấn đề Biển Đông. Một phe cho rằng mặc dù ngày xưa khu vực "South China Sea" là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng hiện Mỹ đang mạnh thì Mỹ phải đẩy lùi Trung Quốc.Phe thứ hai cho rằng Trung Quốc là nước lớn, có ảnh hưởng rất nhiều đến Mỹ nên Mỹ cần thỏa hiệp với họ.

Cả hai quan điểm này - răn đe hay thỏa hiệp - đều rất nguy hiểm với Việt Nam. Trong quá khứ, cả Mỹ và Trung Quốc từng sử dụng Việt Nam như một con bài để răn đe hoặc thỏa hiệp với nhau. Có một câu ngạn ngữ của Lào nói rằng: Khi hai con voi đánh nhau thì cỏ bị dẫm nát, nhưng khi hai con voi "yêu" nhau thì cỏ cũng bị dẫm nát.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề Biển Đông càng sớm càng tốt bởi càng để lâu thì càng có lợi cho Trung Quốc.

Giải quyết tranh chấp: Dựa vào dân và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế

- Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ nhiều năm nay và đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Theo tôi, nguyên nhân là do Việt Nam chỉ tập trung đấu tranh với Trung Quốc trên lập trường bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa). Điều này sẽ dẫn đến sự bế tắc vì hai lý do: Một là Việt Nam không nhận được sự ủng hộ từ quốc tế vì Mỹ và nhiều nước khác đã tuyên bố rõ là họ không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Hai là, chúng ta cần phải hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về mặt chủ quyền, trừ khi họ phải chịu một áp lực quốc tế rất lớn.

Từ xưa tới nay, mỗi khi Việt Nam tuyên bố có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Trung Quốc cũng tuyên bố giống y như vậy. Cách đấu tranh này hoàn toàn không giải quyết được vấn đề, giống như kiểu "Sơn Đông Mãi Võ", hai bên cùng ra đòn túi bụi nhưng chả đấm trúng vào đâu hết.

Vì vậy, tôi cho rằng nếu Việt Nam thực sự muốn giải quyết hiệu quả vấn đề Biển Đông thì cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước khác, hay nói cách khác là phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao nhân dân.

Trong trường hợp này, có thể hiểu cụm từ "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" như thế nào, thưa giáo sư?

Đó là cần có sự tham dự của Mỹ và của nhiều nước khác nữa. Trong đó, sự can thiệp của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng vì nếu không có Mỹ thì nhiều nước khác sẽ không tham gia.

Ví dụ, vấn đề Biển Đông rất quan trọng với Nhật Bản, 90% lượng dầu từ các nơi khác chở đến Nhật Bản phải đi qua vùng Biển Đông. Tương tự như vậy, phần lớn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Hàn Quốc cũng đi qua Biển Đông.

Thế nhưng, hai nước này sẽ không lên tiếng đơn phương về vấn đề Biển Đông vì họ không muốn Trung Quốc gây sức ép ngược lại trên những vấn đề khác.

Nếu Việt Nam nêu vấn đề này với tư cách là một nước đơn độc thì sẽ rất khó tranh thủ được sự ủng hộ của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng nếu Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ và các nước ASEAN thì có thể tranh thủ được các nước Bắc Á trong vấn đề này.

Điều cần lưu ý là vai trò của Mỹ trong việc giúp điều phối sự hợp tác của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong giải quyết vấn đề Biển Đông là rất quan trọng, nhưng chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào vấn đề này nếu nó đơn thuần là lợi ích riêng của Việt Nam. Chỉ khi Việt Nam thuyết phục được các nước Đông Nam Á tham gia thì Mỹ mới có thể đồng ý đóng một vai trò tích cực hơn vì sự an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á, chứ không phải vì Việt Nam.

Là một nước không có ưu thế về kinh tế, ngoại giao như Trung Quốc, Việt Nam sẽ lấy gì để vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước khác trong vấn đề Biển Đông?

Hiện nay, hơn 50% hàng hóa chuyên chở bằng đường thủy của thế giới đi qua Biển Đông. Vì vậy, đối với thế giới, vấn đề Biển Đông không chỉ là những tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn là vấn đề thông thương trên vùng biển huyết mạch của thế giới, vấn đề ổn định của Đông Nam Á và an ninh của toàn khu vực.

Nếu Việt Nam chỉ tập trung nhấn mạnh vào vấn đề tranh chấp chủ quyền thì sẽ không có ai ủng hộ hay bênh vực ta cả. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc với bất cứ nước nào khác, nhưng họ sẽ có phản ứng nếu nguy cơ mất an ninh trên Biển Đông xuất hiện. Việt Nam cần phải sử dụng yếu tố này để vận động.

Đối với thể chế chính trị ở Mỹ, cách vận động hiệu quả nhất là chúng ta cần tuyên truyền giúp người dân Mỹ hiểu rằng vấn đề tranh chấp tại Biển Đông là nguy cơ gây mất ổn định khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng lợi ích của nhiều nước, trong đó có Mỹ, để từ đó người dân gây áp lực đòi chính phủ Mỹ chú trọng vào vấn đề này. Đây chính là công tác ngoại giao nhân dân.

Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam đã thắng Mỹ một phần nhờ thực hiện rất tốt đường lối ngoại giao nhân dân. Khi đó, hàng triệu người Mỹ đã tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, rất nhiều người đã tham gia vận động hành lang ở quốc hội, chính phủ, nhờ đó góp phần giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước.

Từ sau năm 1975, có vẻ như phía Việt Nam quan tâm hơn đến các hoạt động ngoại giao cấp chính phủ và cho rằng nó có thể giúp giải quyết những bất đồng giữa các bên. Tuy nhiên, lịch sử và thực tế đã chứng minh, trong lĩnh vực đối ngoại, nước nhỏ bao giờ cũng yếu thế hơn khi tiến hành đàm phán ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ. Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam đẩy mạnh lại hoạt động ngoại giao nhân dân để bù đắp những bất lợi mà một nước nhỏ thì gặp trong đối ngoại, cụ thể là trong vấn đề Biển Đông.

Vừa qua Hội Địa lý Quốc gia (NGS) của Mỹ ghi sai tên quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) là của Trung Quốc, còn Google thì vẽ một số khu vực thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam nằm tại Trung Quốc. Đây có phải là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thỏa hiệp với Trung Quốc không?

Trước hết, cần phải nói rõ là vụ Google hoàn toàn khác với vụ Hội Địa lý Mỹ về tính chất chính trị. Google không phải là một tổ chức khoa học chuyên nghiệp về địa lý nên họ không vẽ ra bản đồ mà chỉ sử dụng bản đồ của các nơi khác để đăng lên website của mình.

Đối với việc Hội Địa lý Mỹ chú thích sai quần đảo Paracel là của Trung Quốc, cá nhân tôi nghĩ, vì đây là một tổ chức chuyên nghiệp và có uy tín trên thế giới, nên có thể họ đã chịu một áp lực nào đó từ phía Trung Quốc hoặc cũng có thể họ đã làm theo chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây không phải là vấn đề mới xảy ra, nó đã tồn tại từ rất nhiều năm trước đây nhưng phía Việt Nam không phát hiện ra.

Việc phát hiện ra sai sót này là nhờ một sự tình cờ. Ngay khi phát hiện vụ việc, tôi cùng với Tiến sĩ Vũ Quang Việt (cựu chuyên viên cao cấp LHQ - PV) và anh Tạ Văn Tài (Giảng viên và Nghiên cứu viên, Đại học Luật Harvard - PV) đã viết thư cho Hội Địa lý Mỹ vạch cho họ biết chuyện này. Sau đó thì phía Việt Nam lên tiếng.

Nếu tôi nhớ không lầm thì NGS đã đưa ra lời đính chính khá nhanh dù còn chừng mực. Điều này cũng dễ hiểu vì một tổ chức lớn như NGS không thể ngay lập tức đính chính quá nhiều vì như thế sẽ rất mất mặt, nhưng tôi nghĩ là bên trong, họ đã học được một bài học và sẽ ngày càng tế nhị hơn trong vấn đề Biển Đông.

Vấn đề là sau khi phía NGS đã "mở" như vậy thì các chuyên gia Việt Nam cần liên hệ, làm việc với họ để họ tiếp tục sửa sai và làm đúng hơn.

Theo tôi, trong tình hình hiện nay, chúng ta không nên đặt vấn đề "ai thắng ai" mà điều quan trọng là làm sao gây được cảm tình, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và các nước khác.

.

.

.

No comments: