Tuesday, March 30, 2010

TỰ DO NGÔN LUẬN

Tự do ngôn luận

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 29 tháng 3 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/tu-do-ngon-luan-03-29-2010-89428597.html

Trong các quyền tự do của con người, điều tôi quan tâm nhất là tự do ngôn luận. Bởi, một phần, có lẽ tôi là nhà văn; phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, không có tự do ngôn luận, rất nhiều quyền tự do khác sẽ trở thành vô nghĩa.

Chẳng hạn, có thể nói đến tự do tư tưởng mà lại không có tự do ngôn luận được không? Tư tưởng là cái gì cần được bộc lộ và chia sẻ. Nghĩ ngợi sâu xa đến mấy mà không được quyền mở miệng ra nói với ai thì tư tưởng để làm gì?

Ngoài ra, không được tự do ngôn luận liệu có thể có tự do trong văn học nghệ thuật hay trong chính trị được hay không? Chắc chắn là không.

Thiếu tự do ngôn luận, trong văn học, người ta chỉ có thể gặp những con vẹt; trong chính trị, chỉ gặp một bầy cừu.

Nhớ, sau năm 1975, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị giới hạn đến độ người ta không những không dám viết thật mà còn không dám nói thật với bạn bè những điều mình nghĩ nữa. Ngay trong giới sinh viên, nói năng bao giờ cũng đầy cảnh giác. Một câu nói đùa, với bạn bè, ngoài hành lang, cũng có thể bị báo cáo và có thể bị mang ra kiểm điểm trong chi đoàn hay chi bộ. Nói năng ngoài các quán cà phê hay quán nhậu lại càng nguy hiểm. Ở đâu cũng có công an nhỏng tai lên rình rập, nghe ngóng. Có lần, vào một tiệm hớt tóc ở Phú Nhuận, tôi thấy ai đó viết hai câu thơ trên bức vách: “Ở đây tai vách mạch rừng / Nói năng cẩn thận, xin đừng ba hoa”.

Nghe nói tình hình ở miền Nam sau 1975, dù sao, cũng còn đỡ hơn ở miền Bắc sau 1954: Thời ấy, người ta không những cẩn thận lời ăn tiếng nói với người lạ, hàng xóm, đồng nghiệp hay với bạn bè mà còn cả với vợ con nữa. Ngay cả vợ cũng có thể tố cáo chồng; con cái cũng có thể tố cáo bố mẹ. Chỉ vì một câu nói không đúng lập trường nào đó.

Sau phong trào đổi mới, tình hình khá hơn nhiều. Lần đầu tiên về lại Việt Nam năm 1996, tôi ngạc nhiên thấy bạn bè mình, cả bạn cũ lẫn bạn mới, vừa khề khà uống bia vừa cười cợt chế độ một cách hể hả. Khác hẳn với ngày trước, lúc tôi chưa vượt biên. Nhưng sự thay đổi chỉ dừng lại ở đó. Ở các quán nhậu. Giữa bạn bè. Cái gọi là tự do ngôn luận ấy chỉ giới hạn ở một hình thức: xuất bản miệng. Nói thì được còn viết thì không. Đó là thứ luật lệ bất thành văn mà hầu như ai cũng biết. Và hầu hết đều dừng lại ở cái giới hạn ấy. Tức tối điều gì ư? Thì cứ chửi toáng lên. Bất mãn điều gì ư? Thì cứ phê bình, chỉ trích thả cửa. Nhưng đừng viết. Nếu viết thì đừng công bố ở đâu cả. Công bố là bị bắt, hay ít nhất, bị trù dập.
Một thứ tự do như vậy không thể gọi được là tự do.

Tự do ngôn luận thực sự không thể giới hạn trong hình thức phát biểu: Nó phải bao gồm cả nói, từ nói ở chỗ riêng tư đến những chỗ công cộng, đến viết và công bố, từ trên sách báo đến trên mạng. Tự do ngôn luận thực sự không thể bị giới hạn trong phạm vi đề tài: Nó phải bao gồm quyền tự do phát ngôn về mọi vấn đề, kể cả về chính trị. Tự do ngôn luận thực sự cũng không thể bị giới hạn ở mức độ: Nó phải dung hợp cả sự phê phán và đả kích. Tự do ngôn luận cũng không thể bị giới hạn ở hoạt động: Nó phải bao gồm cả ba yếu tố, từ việc tìm kiếm đến việc tiếp nhận và tham gia phát tán thông tin cũng như ý tưởng.

Với cách nhìn như thế, không ai có thể nói là Việt Nam đã có tự do ngôn luận. Người Việt Nam biết rõ điều đó. Cả thế giới cũng biết rõ điều đó. Kết quả các cuộc điều tra về nhân quyền trên thế giới đều ghi nhận: Việt Nam không hề có tự do ngôn luận.

Báo chí và xuất bản thì đều nằm hết trong tay nhà nước. Nhà nước kiểm soát từ A đến Z. Internet cũng bị kiểm soát. Mới đây, báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) nêu tên Việt Nam trong danh sách “những kẻ thù của internet”. Những nước đứng đầu gồm có: Trung Quốc, Việt Nam, Iran, Bắc Hàn, Cuba, Miến Điện, Saudi Arabia, v.v... Trong danh sách ấy, Việt Nam “được” đứng vào vị trí thứ nhì với 17 người bị bắt vì những phát ngôn đòi hỏi tự do trên internet, chỉ đứng sau Trung Quốc nơi có 72 người bị bắt, và trên Iran với 13 người.

Ở đây có hai điều cần ghi nhận:

Thứ nhất, bên cạnh việc bắt bớ, hành động chà đạp lên quyền tự do ngôn luận còn được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nữa, chẳng hạn, uy hiếp hoặc sa thải các phóng viên và blogger, hay dựng tường lửa, hay sai hacker đánh sập các trang mạng độc lập.

Thứ hai, ở các nước khác, người ta thường bị bắt vì tuyên truyền chống nhà nước hoặc đòi hỏi tự do và dân chủ, những điều mà nhà nước độc tài không thể nào chấp nhận được. Ở Việt thì khác. Trong số các phóng viên hoặc blogger bị bắt bớ hoặc uy hiếp, cũng có người lên tiếng đòi hỏi đa đảng, nhưng phần lớn đều lên tiếng vì hai mục tiêu khác: chống Trung Quốc và chống tham nhũng. Nói cách khác, ở Việt Nam, chống Trung Quốc và chống tham nhũng đều là những cái tội.

Nói đến “tội” chống Trung Quốc, tự nhiên sực nhớ chuyện ngày xưa. Cuối thập niên 1850, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Theo lời khuyên của một số tướng lãnh, “hòa thì mất ít, đánh thì mất nhiều”, Tự Đức ra lệnh tướng sĩ rút khỏi vùng đất Pháp chiếm đóng, hơn nữa, không được chống phá lại họ. Ai tiếp tục chống Pháp thì bị xem là phạm tội “phản nghịch”. Thời ấy, tương truyền Phan Văn Trị có hai câu thơ thật hay:

"Đứng lại làm chi cho mất công
Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng"

À, mà các bạn có thấy là gần đây, có nhiều nhà thơ đái trong thơ lắm không?

“Điềm” gì vậy?

.

.

.

No comments: