Suy Ngẫm Về Bài Học Thống Nhất Đất Nước
LS Nguyễn Xuân Phước
Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC số 33
23/03/2010
Từ 1802 đến 1975, lịch sử Việt nam chứng kiến hai lần thống nhất sau thời kỳ phân liệt đẫm máu.
Năm 1802, Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng, cố đô Thăng Long được đổi thành Hà Nội.
Năm 1975, Ðảng Cộng Sản Việt Nam chiếm được Sài Gòn, thống nhất hai miền Nam Bắc sau hơn 20 năm chia cắt và chiến tranh. Sài Gòn đổi tên “Thành Phố Hồ chí Minh.”
Hai lần thống nhất cách nhau gần 200 năm, nhưng quá trình thống nhất và sự chọn lựa con đường phát triển đất nước ở hai thời đại có một số điểm tương đồng. Sự sai lầm của hai quá trình này, cả hai lần, đã đánh mất cơ hội phục hưng tổ quốc, làm tiêu tán nội lực dân tộc, đưa đất nước đến giai đoạn suy vong.
***
.
I. Bài học từ triều đại Gia Long
.
Ảnh hưởng từ Tây phương
Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Ðó là lực lượng của người Tây Phương và lực lượng người Trung Hoa.
Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức Giám Mục Bá Ða Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Ða Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan hện nay. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết. Ðể vận động sự trợ giúp của Pháp quốc, Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh lúc mới lên bốn cho Giám Mục Bá Ða Lộc. Đồng thời Giám Mục có toàn quyền ký hiệp định với hoàng đế Pháp để giúp cho Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Sau đó ông trở về Pháp để vận động viện trợ cho Nguyễn Ánh. Ngài đã thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước 1787 dùng các đảo Côn Sơn và các đảo ngoài khơi Đà nẳng để đổi lấy viện trợ quân sự. Nhưng việc thi hành hiệp ước 1787 với Pháp thất bại. Sau đó Giám Mục Bá Ða Lộc đã bỏ tiền túi cũng như vận động tài chánh riêng để mua khí giới và đưa sĩ quan Pháp về huấn luyện cho Nguyễn Ánh. Những người Pháp giúp cho Nguyễn Ánh như Sạc Ne (Charner) và Sai Nhô (Chaigneau) đều được tham dự triều chính của vua Gia Long khi ngài lên ngôi.
Trong những người chịu ảnh hưởng Tây phương trong triều đình Gia Long, quan trọng nhất là Hoàng tử Cảnh. Như đã nói trên, Hoàng tử Cảnh được vua cha Gia Long cho theo đức Giám Mục Bá Ða Lộc từ lúc ông mới 4 tuổi. Ở tuổi thơ ấu nầy, Hoàng tử Cảnh rất dễ tiếp thu văn hoá và ngôn ngữ Tây phương. Có lẽ Hoàng tử Cảnh là vị Hoàng tử Á Châu đầu tiên được theo Tây học ở cuối thế kỷ thứ 18. Tuy lịch sử không nói nhiều đến cuộc đời của Hoàng tử Cảnh, ngày nay chúng ta có thể suy luận được rằng Hoàng tử Cảnh là người tiếp cận văn hoá Tây phương rất sớm, thông thạo Pháp ngữ và có quan hệ rất tốt với Tây Phương. Nói thế để xác định rằng sở học tây phương của Hoàng tử Cảnh đi trước cả Nguyễn Trường Tộ mấy chục năm. Và có lẽ cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Việt Nam đã có thể được triển khai ngay thời đại hậu Gia Long nếu Hoàng tử Cảnh không bị mất sớm.
Cùng lúc, một số người Minh Hương đã gia nhập lực lượng của Nguyễn Ánh để chống Tây Sơn. Người Minh Hương là những người Trung Hoa phục vụ cho nhà Minh xin tỵ nạn chính trị tại Đại Việt khi nhà Thanh diệt nhà Minh. Sau hơn 100 năm sống ở Đại Việt, những người Hoa kiều nầy trở thành một bộ phận của dân tộc nhưng họ vẫn có những mối quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc Trung Hoa. Do đó, những người Minh Hương nầy trở thành lực lượng có xu huớng thân Trung Hoa trong triều đình Gia Long. Ðứng đầu lực lượng nầy là Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, và Ngô Nhân Tịnh. Cả ba ông đều gốc người Minh Hương và là học trò xuất sắc của Võ Trường Toản, một bậc thâm nho cũng gốc người Minh Hương, có nhiều uy tín tại Gia Ðịnh. Cả ba người đều tham gia hoạt động phò Nguyễn Ánh từ năm 1788.
Khi Gia Long lên ngôi, Trịnh Hoài Ðức làm đến chức Thượng Thư Bộ lại kiêm Bộ hình và Phó tổng tài Quốc Sử Quán. Lê Quang Ðịnh được thăng Binh Bộ thượng thư, tương đương với Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay. Ngô Nhơn Tịnh sau được thăng Công Bộ thượng thư. Cả ba ông đều đóng những vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.
Nhưng vai trò quan trọng nhất của Trịnh Hoài Ðức là được vua Gia Long ủy thác để dạy dỗ cho hoàng tử Ðảm. Hoàng tử Ðảm sau lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng.
Ảnh hưởng từ Trung Hoa
Hai xu hướng thân Tây và thân Trung hoa trong triều Gia Long xung đột gay gắt về vấn đề kế vị hoàng tử Cảnh sau khi hoàng tử qua đời. Khi Trịnh Hoài Đức thuyết phục được Gia Long phế dòng trưởng lập dòng thứ, vua Gia Long đã chọn Minh Mạng làm người kế vị. Khi Minh Mạng lên ngôi, dưới ảnh hưởng của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh, Việt nam đã nghiêng hẳn theo mô hình Nho giáo của Thanh triều (Thanh Nho) để phát triển đất nước.
Sau khi lên ngôi, để giữ vững ngai vàng, Minh Mạng (1820-1840) triệt hạ dòng dõi của hoàng tử Cảnh bằng cách xử tử vợ và người con trưởng của hoàng tử Cảnh, và giáng người con thứ làm thường dân. Về phương diện ngoại giao, ngài cho giảm dần quan hệ với Tây phương. Những người Pháp làm việc với Gia Long chán nản bỏ về nước.
Với những người Minh Hương thân Trung hoa cầm nắm vận mạng của triều đình, Minh Mạng đã thi hành một loạt các chính sách ngoại giao đi ngược với đường lối của Gia Long. Từ một nền chính trị ngoại giao khai phóng của Gia Long với những quan hệ rộng rãi với các quốc gia trên thế giới, Minh mạng và các vua kế vị (Thiệu Trị (1841-1847), và Tự Đức (1848-1883)) cùng triều đình thân Trung Hoa đã bắt đầu một nền chính trị cục bộ, thiển cận với chính sách bế môn toả cảng, đoạn tuyệt với Tây phương, ban hành lệnh cấm đạo.
Do ảnh hưởng của Thanh Nho, triều đình nhà Nguyễn từ Minh Mạng trở đi chỉ chú trọng đến văn chương thi phú biền ngẫu, đi theo con đường trọng văn và xao lãng vấn đề quân sự và quốc phòng.
Ðây là lý do, sau khi Gia Long băng hà, sức mạnh quân sự của triều Nguyễn suy giảm hẳn. Khi các tướng lãnh thuộc thế hệ Gia Long qua đời, các tướng lãnh thế hệ kế thừa không đủ tài thao lược để thực hiện chính sách quốc phòng hữu hiệu. Lực lượng quân sự của Trương Minh Giảng không đủ khả năng duy trì guồng máy cai trị ở Nam Vang. Và Trương Minh Giảng đã bị người Miên đánh đuổi về nước dưới triều Thiệu Trị.
Đến thời kỳ Tự Đức, xu hướng thân Trung Hoa hoàn toàn nắm trọn quyền trong triều đình. Biểu hiện rõ nhất là việc triều đình bác bỏ Bản điều trần Canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một nho sĩ theo đạo Thiên Chúa. Ông nổi tiếng thông minh và hay chữ, được người đời gọi là Trạng Tộ. Ông cũng thông thạo nhiều ngôn ngữ Tây phương. Ông làm thông ngôn cho các giáo sĩ Thiên Chúa trong việc truyền đạo tại Việt Nam. Sau một thời gian đi chu du khắp thế giới, đặc biệt là nước Pháp và Ý, ông trở về Việt Nam để mấy năm trời đem tâm huyết của một người yêu nước viết nhiều Bản điều trần để cải cách và canh tân đất nước dâng lên triều đình Tự Đức. Nhưng trìều đình Tự Đức, với đầu óc cổ hủ của Thanh Nho, không đủ tầm nhìn để hiểu được những thế lớn đang bùng ra trong thiên hạ thời bấy giờ. Sau Hoàng tử Cảnh năm mươi năm, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển một lần nữa khi triều đình nhà Nguyễn quay lưng với những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ.
Điều bất hạnh hơn cho dân tộc là lúc ấy giáo điều Thanh Nho đã bắt đầu rã mục. Triều đình nhà Thanh đang trên đà phá sản. Năm 1839 chiến tranh nha phiến bùng nổ, nhà Thanh phải ký các hiệp ước biên giới nhượng đất cho Anh và Pháp. Với hiệp ước Nam Kinh, Anh chính thức chiếm đóng Hong Kong năm 1842. Và với hiệp ước Hoàng Phố 1844, Pháp chính thức đặt chân lên lãnh địa Trung Hoa. Ở mạn bắc, năm 1850 quân đội của Nga Hoàng tràn xuống Hắc Long Giang chiếm đóng Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh. Từ 1854 đến 1860, Hồng Tú Toàn và phong trào Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm gần một nửa Trung Hoa. Cuối cùng, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của phong trào cách mạng Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Văn đã lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh để xây dựng chế độ Cộng hòa.
Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn như mơ ngủ. Tiếng súng của hải quân Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1856 vẫn không làm cho triều đình Tự Đức tỉnh giấc mộng Thanh Nho. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1860, tức là 20 năm sau khi nhà Thanh bị liệt cường xâu xé và đang giãy chết, triều đình Tự Đức vẫn còn cho người đi sang Trung Hoa cầu viện. Những tiếng nói đòi cải cách của các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch trở thành nỗi trăn trở kéo dài hàng thế kỷ của nhiều thế hệ. Ý hệ Thanh Nho làm triều đình nhà Nguyễn u mê đến nỗi không thấy được một thế giới mới ra đời mà ở đó cuộc cách mạng kỹ nghệ đang đẩy xã hội Tây phương lên đỉnh cao của lịch sử phát triển của xã hội loài người. Và cuộc cách mạng đó làm thay đổi cục diện thế giới nói chung và lịch sử nước Đại Việt nói riêng.
Hậu quả bi thảm của nền chính trị do đầu óc cổ hủ, thiển cận lãnh đạo được thấy rõ khi tàu chiến của Pháp kéo vào hải phận Đại Việt. Khi Pháp tấn công Nam Kỳ thì triều đình hoàn toàn không có đủ năng lực quân sự và chiến lược quốc phòng để đối phó. Những võ tướng uy tín trong triều như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản (cũng gốc người Minh Hương) dù thừa khí phách của nho gia nhưng không đủ tài thao lược quân sự để lãnh đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khi Pháp chiếm Sài Gòn thì súng ống và đạn dược của quan quân Triều đình có rất nhiều nhưng quân đội ô hợp không có khả năng chống trả quân xâm lăng. Hậu quả là đất nước đã mất vào tay thực dân.
Với Hoà Ước Nhâm Tuất 1862 và Hoà ước Patenotre 1884, công cuộc thống nhất đất nước của Gia Long được coi như cáo chung. Việt Nam bước qua trang sử mới, đó là trang sử nô lệ. Sau 1000 năm giành được độc lập từ Trung Hoa thời Ngô Quyền Vương, nước Đại Việt lại một lần nữa mất quyền tự chủ.
Cái nhục mất nước, tụt hậu của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 19 xuất phát từ nhiều yếu tố lịch sử khác nhau. Trong đó, sự chọn lựa mô hình phát triển đất nước, sự ỷ dốc vào Thanh triều Trung Hoa trên mặt trận ngoại giao và văn hoá thời kỳ hậu Gia Long, chính sách bế môn toả cảng và sự tin tưởng mù quáng vào giáo điều Thanh Nho, bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ là những yếu tố quyết định đưa đất nước vào giai đoạn nô lệ.
.
II. Lặp lại sai lầm lịch sử ở thời cộng sản thống nhất đất nước
.
Chính sách Mác-Lê
Ðến năm 1975, tức gần 200 năm sau, Cộng sản thống nhất đất nước sau hơn hai thập thiên nội chiến. Cũng như thời nhà Nguyễn, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước những chọn lựa chiến lược để canh tân, để đưa đất nước vào giai đoạn phục hưng sau một thời kỳ nô lệ thực dân và thời kỳ chiến tranh hậu Pháp thuộc.
Tình hình Việt Nam ở thời điểm tháng 4 năm 1975 hết sức thuận lợi cho việc phát triển đất nước.
Xã hội miền Nam sau hơn hai mươi năm xây dựng, mặc dù bị chiến tranh, đã đạt được những thành quả đáng kể. Về phương diện kinh tế, miền Nam đã có những cơ sở kỹ nghệ hạ tầng cao cấp đủ khả năng giúp nền kinh tế hậu chiến cất cánh. Về thương mại, Sài Gòn đã là trung tâm điểm của kinh tế Đông Nam Á. Về phương diện nông nghiệp, sức sản xuất nông nghiệp của miền Nam đủ để nuôi cho cả nước.
Thêm và đó, nền giáo dục miền Nam với những cơ sở giáo dục hiện đại đã đào tạo được nhiều chuyên gia kinh tế, khoa học, kỷ thuật thượng thặng. Khoa học điện toán đã bắt đầu được đưa vào trong công việc quản lý hành chính và giáo dục. Đó là cơ sở khoa học kỹ thuật cho phép đưa đất nước vào cuộc cách mạng điện toán và điện tử của thời kỳ những năm 1980. Đồng thời quan hệ ngoại giao của miền Nam và các nước Tây phương và Hoa Kỳ hết sức tốt đẹp. Đặc biệt, Liên Hiệp Quốc đồng ý để cho hai miền Nam Bắc gia nhập tổ chức quốc tế nầy với tư cách những nước độc lập.
Nói chung ở thời điểm 1975 miền Nam đã ở vị thế ngang ngữa với Nam Triều Tiên, Đài Loan và vượt xa Thái Lan và Malaysia.
Trước viễn cảnh của một đất nước thống nhất và hoà bình, nhiều nhà trí thức yêu nước miền Nam đã bất chấp mối đe dọa chính trị, tiếp tục giấc mơ Nguyễn Trường Tộ. Họ từ chối những lời mời di tản ra nước ngoài của Hoa Kỳ, của thân nhân, để ở lại xây dựng đất nước. Có lẽ nhiều người yêu nước trong hàng ngũ Cộng Sản cũng chia sẻ giấc mơ Nguyễn Trưòng Tộ. Nhiều người đã hy vọng rằng với những bài học thất bại trong việc áp dụng chế độ Cộng Sản ở miền bắc, những người lãnh đạo ở Hà Nội sẽ thức thời để trở thành những “Minh Trị Thiên Hoàng” của Việt Nam giúp phát triển và phục hưng dân tộc.
Điều làm mọi người kinh ngạc và bàng hoàng là sau Hoàng tử Cảnh và Nguyễn Trường Tộ gần 200 năm, lịch sử lại tái diễn.
Từ năm 1976, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách cộng sản trên toàn quốc. Đất nước bước vào đoạn bế môn toả cảng, cắt đứt mọi liên hệ với các nước tự do dân chủ. Những quan hệ ngoại giao, nếu có, chỉ có trên hình thức.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến đất nước thành một nhà tù vĩ đại. Hơn 300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam giữ vô hạn định. Đây là thảm hoạ lịch sử mà cái tàn ác của vua Gia Long khi ngài trả thù nhà Tây Sơn cũng không thể nào so sánh được. Và suốt lịch sử 5000 năm của dân tộc cũng không có một thời đại nào có cuộc trả thù khủng khiếp như thời kỳ hậu chiến 1975.
Về phương diện kinh tế, một loạt các chính sách kinh tế rùng rợn và ngược đời đã được thực hiện: hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, “đánh tư sản”, đổi tiền, chính sách tem phiếu, hộ khẩu, cưỡng đoạt đoạt tài sản của người có tiền của, và kinh khủng nhất là chính sách xóa bỏ quyền tư hữu. Chỉ trong một thời gian ngắn toàn bộ tài sản của nhân dân thuộc vào tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian đó, kinh tế Việt Nam điêu tàn. Trong thời chiến tranh, gạo ở miền Nam dù không dư thừa nhưng đủ nuôi cho cả nước. Nhưng dưới chính sách kinh tế hợp tác xã, gạo do hai miền Nam Bắc sản xuất trong thời bình không đủ cung cấp cho toàn dân. Chỉ sau vài năm “giải phóng”, toàn dân phải ăn khoai sắn và bo bo. Trong khi kinh tế các nước trong vùng đi vào cuộc cách mạng điện toán và cất cánh nhanh chóng thì người dân Việt Nam phải sắp hàng cả ngày để mua gạo, mua thịt, và các loại nhu yếu phẩm. Đất nước ở bến bờ của nạn đói lớn nhất từ năm 1945 với hàng trăm ngàn nông dân bỏ ruộng vườn lên tỉnh kiếm ăn. Nông dân Thái Bình, Xuân Lộc, Tây Nguyên thay nhau nổi dậy.
Những chuyên gia kinh tế, tài chánh, kỹ thuật yêu nước quyết định ở lại hợp tác với chính quyền đều vỡ mộng. Lòng yêu nước chân thành và đầy hy vọng của họ mong được đóng góp phát triển đất nước thời kỳ hậu chiến được trả giá bằng tù đày và khổ sai lao động.
Đến năm 1990, kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng 15 năm trên toàn đất nước hoàn toàn phá sản. Và cũng đến thời điểm đó, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi.
Văn hoá cũng bị nhà nước triệt để xóa nền văn hóa dân tộc để thay vào đó là “văn hóa Mác-Lê”. Những triết học “mạnh được yếu thua” của Mác Lê đã thay thế truyền thống triết học nhân bản của dân tộc.
Về phương diện tâm linh, Đảng đã cố tâm tiêu diệt tôn giáo. Từ năm 1975 CS đã phát động chiến dịch “chống thằng Trời” để khắc phục thiên tai lũ lụt. Với tâm thức duy vật vô thần, Đảng đã chối bỏ mọi truyền thống văn hóa trong việc trị nước. Đứng về phương diện tâm linh dân tộc, Hồ Chí Minh và những người kế vị của ông là những người người lãnh đạo phủ nhận giá trị cổ truyền. Đền chùa nhà thờ tại những vùng quê đã được trưng dụng để làm đồn công an, kho lương thực, nhà hàng tập thể. Và chế độ cộng sản là chế độ duy nhất trong lịch sử đã không làm lễ ra mắt Trời Đất và tổ tiên khi nắm chính quyền.
Về quân sự, đến năm 1990, sức mạnh quân sự của Việt Nam suy giảm rõ rệt. Đảng Cộng sản không còn đủ khả năng chiếm đóng Campuchia. Như Trương Minh Giảng cách đó hơn 150 năm, lực lượng chiếm đóng Campuchia của Đảng phải rút về nước. Đến năm 1999, Bắc Kinh không một phát súng đã ép nhà nước Việt Nam phải ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ để nhượng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung Quốc.
“Đổi Mới”
Cũng như sự phá sản của Thanh Nho cách đây hơn 150 năm, phong trào Cộng sản thế giới đã bắt đầu tan rã từ những năm 1960 khi mâu thuẫn của hai siêu cường Nga-Hoa bùng nổ, trở thành những trận chiến biên giới đẫm máu. Những người cộng sản Việt Nam lúc theo Tàu, lúc ngả theo Nga. Mỗi lần có sự xoay chiều chính trị là xảy ra những đợt thanh trừng rùng rợn trong nội bộ Đảng. Sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên hẳn theo Liên Xô và ra mặt chống đối bọn “bành trướng Bắc Kinh”. Sự chọn lựa Liên Xô đã phải trả giá bằng những trận chiến biên giới Việt Trung năm 1979 với hàng trăm ngàn nhân mạng thương vong.
Đến năm 1990, các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đồng loạt sụp đổ. Liên Xô, thành đồng cách mạng vô sản thế giới và tổ quốc thứ hai của những người cộng sản Việt Nam, đã lạnh lùng chia tay với chủ nghĩa Mác Lê không một lời từ giả.
Thay vì noi theo gương Liên Xô tháo gỡ cơ chế cộng sản để xây dựng một đất nước tự do dân chủ, những người cộng sản Việt Nam lại xoay chiều chính trị. Trong giờ phút thập tử nhất sinh, họ đã phải cầu hoà với Trung Quốc. Và để trả giá cho sự “lầm lỡ” theo Liên Xô trước đây, họ đã không ngần ngại ký ngay mật ước nhượng đất và nhượng biển cho Bắc Kinh. Đồng thời Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới kinh tế theo mô hình Đặng Tiểu Bình. Những tiếng nói muốn thay đổi cơ chế chính trị theo gương Liên Xô như của ủy viên bộ chính trị Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch đã bị thanh trừng không khoan nhượng.
Thế nhưng, điều nghịch lý là thực chất của đổi mới là chấp nhận con đường phát triển của Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Đó là con đường kinh tế thị trường với sự mở rộng hợp tác thị trường Tây Phương và Hoa Kỳ. Đó là mô hình kinh tế tư bản- mô hình mà vì bản chất mâu thuẫn với lý thuyết kinh tế Mác Lê, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động cuộc chiến 20 năm cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày nay, kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ khả quan. Nhưng đó là những tiến bộ tương đối so với với thời kỳ chuyên chính vô sản đói rách và đen tối. Nếu nhìn trên bình diện vĩ mô thì thực chất của “chính sách đổi mới” là quyết định không áp dụng chủ nghĩa Mác Lê vào một phần đời sống kinh tế quốc dân. Sự hồi sinh của “khu vực kinh tế phi Mác Lê” trên sinh hoạt kinh tế quốc gia giúp cho nhân dân được tự do làm ăn. Nhờ vậy, ngày nay kinh tế của Việt nam đã thay đổi. Nhưng khi so sánh với những tiến bộ của Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, thì Viêt Nam vẫn là nước chậm tiến nhất trong vùng. Lực phản động của chủ nghĩa Mác Lê hơn 60 năm qua là sức tiêu cực làm cho khu vực kinh tế phi Mác Lê (hay khu vực kinh tế thị trường) không thể phát huy trọn vẹn tiềm năng của nó. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt nam được hồi sinh nhờ vào hàng tỷ đô la mỗi năm của người Việt tỵ nạn cộng sản chuyển về cho thân nhân.
Về phương diện văn hóa, tuy nền văn hoá Mác Lê đã phá sản nhưng chính sách văn hoá trong suốt sáu mươi năm qua đã làm cho văn hoá dân tộc bị tật nguyền và suy yếu. Sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác Lê trên thế giới kéo theo sự sụp đổ của nền văn hóa duy vật đã tạo khoảng trống trong sinh hoạt văn hóa. Từ khoảng chân không ấy, những di sản văn hóa trước năm 1975 đã xuất hiện trở lại. Những tác phẩm thơ văn nhạc thời tiền chiến và miền Nam trước 1975 đã trở thành những món ăn tinh thần của người dân Việt Nam. Âm nhạc XHCN, văn chương đấu tranh giai cấp đã phải lùi bước trước sự phục sinh truyền thống sáng tác phong phú, đa dạng và nhân bản để đáp ứng với nhu cầu tinh thần của người dân ngày nay.
Tuy nhiên việc phục hồi di sản văn hoá miền Nam chưa đủ năng lực để phục hưng dân tộc. Giáo điều Mác Lê vẫn còn hằn sâu trong tư duy của người cộng sản, và não trạng nô lệ vào chủ thuyết ngoại bang vẫn đè nặng lên đời sống văn hóa Việt Nam.
LS Nguyễn Xuân Phước
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC
Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Suy Ngẫm Về Bài Học Thống Nhất Đất Nước Kỳ II, Đánh giá lại cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chìa khóa cho tương lai Việt Nam, sẽ phát hành vào thượng tuần tháng 3, 2010.
Download TCPT33 - Tự Hào Việt Nam:
- Bản HD (8.5MB)
- Bản Standard (4MB)
- Bản Mini (2.5MB)
.
.
.
No comments:
Post a Comment