Thursday, March 25, 2010

ĐỐI SÁCH CỦA TRUNG QUỐC TRONG TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

Báo Hồng Công: Đối sách của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Thứ ba, 23 Tháng 3 2010 13:36 Phương Nga

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/761-bao-hong-cong-i-sach-ca-trung-quc-trong-tranh-chp-ch-quyn-bin-ong-

Một số báo Hồng Công gần đây dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định tình hình an ninh khu vực Biển Đông xuất hiện xu thế ngày càng xấu đi. Vấn đề quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và sự can dự ngày càng công khai của Mỹ vào vấn đề này sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức thực sự.

Một số báo Hồng Công gần đây như "Đại công báo", “Văn hối” và “Đông phương” dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định tình hình an ninh khu vực Biển Đông xuất hiện xu thế ngày càng xấu đi. Điều này không chỉ do một số nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia tăng cường sức mạnh hải quân và không quân, mà quan trọng hơn là do Việt Nam mưu cầu quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, lôi kéo các nước ASEAN tham gia đàm phán với Trung Quốc và Mỹ đang từng bước công khai hóa chính sách can dự vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông.


Theo các nhà phân tích Trung Quốc, trong ba nguyên nhân này, nguyên nhân các nước hữu quan xung quanh Biển Đông tăng cường sức mạnh quân sự hướng ra biển không đáng lo ngại. Bởi vì, bất kể nhìn từ phương diện nào (trang bị vũ khí hay năng lực tác chiến), sức mạnh quân sự của các nước này cho dù được tăng cường ở mức độ lớn, cũng không thể sánh với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông và sự can dự ngày càng công khai của Mỹ vào vấn đề này sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức thực sự. Trước thực trạng này, Trung Quốc cần có đối sách phù hợp.


Để làm thất bại sách lược của Việt Nam, thứ nhất, đối với ý đồ của Việt Nam thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc một mặt có thể áp dụng biện pháp gây sức ép thích hợp để các nước ASEAN bác bỏ sách lược của Việt Nam. Mấu chốt để Trung Quốc áp dụng biện pháp này chính là Campuchia và Mianma, hai nước cơ bản không có lợi ích tại Biển Đông và rõ ràng Việt Nam khó thuyết phục hai nước này đứng về phía mình để đàm phán với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Hơn thế nữa, Campuchia và Mianma là hai nước có quan hệ thực tế nhất với Trung Quốc trong số các nước ASEAN, cũng là hai nước mà Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều nhất. Thậm chí có lúc ảnh hưởng của Trung Quốc còn mang tính quyết định đến sự sống còn của chính quyền hai nước này. Bản thân Chính phủ Campuchia hiện nay và Chính quyền quân sự Mianma cũng đều coi Trung Quốc là một sự hậu thuẫn để củng cố và duy trì quyền chấp chính. Nhất là Chính quyền Mianma, nếu không có sự hậu thuẫn của Trung Quốc sẽ rất khó tồn tại. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng lợi ích kinh tế làm “mồi nhử” để kéo Campuchia và Mianma về phía mình. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể cùng với các nước này đạt được các thảo thuận song phương trên phương diện kinh tế, bao gồm cả viện trợ kinh tế không hoàn lại, để gắn lợi ích kinh tế của Campuchia và Mianma với Trung Quốc. Từ đó, tranh thủ sự ủng hộ của hai nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông vốn không liên quan đến họ.


Thứ hai, Trung Quốc có thể lợi dụng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Khi đã thuyết phục, thậm chí “kiểm soát” được Campuchia và Mianma, Trung Quốc đứng sau hai nước này để “giật dây” phản đối sách lược quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. Như vậy, chỉ cần gián tiếp can thiệp, Trung Quốc cũng có thể dễ dàng làm thất bại sách lược lôi kéo các nước ASEAN của Việt Nam, bất chấp Việt Nam hiện đang là Chủ tịch ASEAN luân phiên. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác mậu dịch lớn nhất của ASEAN, chính vì vậy Trung Quốc có thể lợi dụng những lợi ích kinh tế để gây sức ép, răn đe ASEAN. Tuy nhiên, phương thức này cần phải được áp dụng thận trọng… Bởi vì bản thân Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế rất lớn từ ASEAN, nhất là cơ chế “Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN” vừa cơ bản đi vào vận hành toàn diện hồi tháng 1/2010.


Thứ ba, về giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông, nội bộ Trung Quốc có hai chủ trương chính. Một là tiếp tục áp dụng phương thức đàm phán hòa bình để giải quyết, điều này xuất phát từ tư duy Trung Quốc “hòa bình trỗi dậy”. Hai là phủ nhận, cho rằng kết quả đàm phán hữu quan chỉ khiến Trung Quốc không thể thu hồi được lãnh hải, do vậy cần áp dụng hành động vũ lực để giải quyết. Thế nhưng, các chuyên gia phân tích chiến lược của Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cả hai chủ trương này đều không thể áp dụng đơn độc. Bởi vì, chỉ có Trung Quốc đàm phán hòa bình, còn các nước hữu quan khác vẫn tiếp tục thúc đẩy khai thác tài nguyên Biển Đông. Còn nếu dùng hành động quân sự, chắc chắn Mỹ sẽ can dự với lý do bảo đảm an ninh khu vực. Một khi Mỹ can dự, lập tức Nhật Bản và Ôxtrâylia sẽ theo Mỹ. Nếu như để Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, thậm chí là cả NATO tham gia giao chiến với Trung Quốc, thất bại là kết quả tất yếu đối với Trung Quốc. Cách làm này là nguy hiểm, không thể áp dụng.
Để ngăn chặn Mỹ can dự, giới chuyên gia phân tích Trung Quốc nêu rõ tính phức tạp của vấn đề Biển Đông không chỉ giới hạn ở tầng nấc khu vực, mà Mỹ đang dần công khai can dự vào vấn đề này. Biểu hiện cụ thể là cách đây chưa lâu, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề Biển Đông. Đây chính là thông điệp cho thấy Mỹ đang “từ cánh gà bước ra sân khấu” trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và cũng chứng tỏ Mỹ đang dần công khai hóa việc can dự vào vấn đề này. Theo các chuyên gia phân tích Trung Quốc, để có được biện pháp giải quyết tối ưu, trước hết Trung Quốc cần hiểu rõ: Mỹ sở dĩ gây phiền hà cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, mục đích chủ yếu là kiềm chế Trung Quốc “hòa bình trỗi dậy”. Trên thực tế, biện pháp kiềm chế Trung Quốc của Mỹ không chỉ hạn chế ở vấn đề Biển Đông, mà trong các vấn đề khác như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và ngoại thương... Mỹ đều tìm cách kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.

Hiểu được bản chất của vấn đề, Trung Quốc sẽ có được biện pháp đối phó phù hợp. Về cơ bản Trung Quốc có thể áp dụng một số biện pháp.


Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc cần tuyên truyền để quốc dân hiểu rõ rằng nếu tranh chấp Biển Đông chỉ hạn chế ở mức song phương và khu vực thì chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” dễ đạt được nhận thức chung. Còn trong bối cảnh có thế lực hùng mạnh bên ngoài can thiệp sâu, tranh chấp hữu quan sẽ chỉ phức tạp thêm chứ không đạt được bất kỳ phương thức giải quyết nào. Cần làm cho các nước ASEAN hữu quan hiểu rằng chính sách can dự sâu của Mỹ vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc, mà còn là thảm họa đối với các nước trực tiếp tranh chấp khác.


Thứ hai, Trung Quốc có thể thông qua kênh trao đổi ngoại giao hoặc trao đổi chuyên ngành với các nước ASEAN để nhấn mạnh rằng lập trường của Philíppin trong vấn đề quy thuộc chủ quyền đảo Hoàng Nham (Scarborough), hành động khiêu khích bắt giữ ngư dân Trung Quốc của Inđônêxia và những hành động mở rộng thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông... đều chỉ khiến tình hình an ninh Biển Đông trở nên xấu hơn.


Thứ ba, áp dụng biện pháp cực đoan như giúp Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Hiện nay, Mỹ coi việc ngăn chặn phổ biến hạt nhân và tấn công chủ nghĩa khủng bố là trọng điểm ưu tiên trong thực hiện mục tiêu chiến lược đối ngoại, đồng thời yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Đây cũng chính là nhược điểm của Mỹ mà Trung Quốc có thể lợi dụng để “mặc cả” hoặc đạt được thỏa thuận “ngầm” với Mỹ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nói cụ thể hơn, trong vấn đề này, Trung Quốc không chỉ không yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, mà càng cần giúp đỡ Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Trong một chừng mực nhất định, đây có thể coi là sách lược tối ưu để Trung Quốc ngăn chặn Mỹ can dự vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông./.

.

.

.

No comments: