Thursday, March 25, 2010

DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA (Tạp chí PHÍA TRƯỚC số 33)

Dân Ta Phải Biết Sử Ta!

Khuê Đăng

25/03/2010

http://danluan.org/node/4522

Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC số 33

Nước ta có lịch sử hơn 2500 năm nhưng phải đến năm 1272, cuốn sử đầu tiên “Đại Việt sử ký” do Lê Văn Hưu chấp bút mới được công bố, ghi chép lại các sự kiện lịch sử lớn từ thời Kinh Dương Vương đến triều đại cuối cùng của nhà Lý. Trước đó, lịch sử đất Việt ta chỉ được lưu trong các thư tịch của Trung Hoa. Chính nhờ những trang sử hào hùng ấy, chúng ta mới hiểu được nguồn gốc và có thể ngẩng cao đầu khẳng định ta là người Việt Nam

.

Dân Ta có biết sử Ta?

Tôi thực hiện một khảo sát bất ngờ, phỏng vấn 10 người với câu hỏi: “Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế, vị vua nào có trước, vị vua nào sau?". Kết quả chỉ có một người trả lời đúng. Thực tế là một con số đáng buồn nếu qui đổi ra %. Mặc dù 10 người không thể tượng trưng cho gần 86 triệu dân, nhưng tỉ lệ 1/10 ấy cũng thể hiện dược phần nào thực trạng dân Ta đa phần không biết sử Ta.

Ba đại diện cho ba lứa tuổi đã đưa ra những ý kiến khác nhau sau khi được hỏi: “Là người dân Việt Nam, bạn có quan tâm tới lịch sử Việt Nam hay không?” Ông Đ.H.Quyển, 65 tuổi, nhà biên kịch tự do nêu ý kiến rằng: “Sử Việt Nam không dám nói là tôi nhớ từng chi tiết ngày tháng năm, nhưng cũng biết được sơ sơ, không bị nhầm lẫn giữa các triều đại. Tôi cho rằng, lịch sử là bài học kinh nghiệm được đúc rút để chuẩn bị cho tương lai. ‘Ôn cố tri tân’ – chẳng phải các cụ ngày xưa vẫn dạy thế sao? Từ chính quyền đến dân thường đều phải có vốn hiểu biết nhất định về lịch sử nước nhà thì mới có thể xây dựng được con người văn hóa, có là người văn hóa thì mới có thể là con người dân chủ được”.

Anh N.G.Huy, 43 tuổi, kỹ sư điện tử lại có quan niệm khác: “Việc thuộc lịch sử Việt Nam hay không trên thực tế chẳng giúp ích gì được cho cuộc sống của tôi. Hàng ngày tôi có biết bao nhiêu con số, sự kiện, công việc phải nhớ, nào thì ngày sinh của người thân, bạn bè, thủ trưởng; rồi tính toán tiền nong, công việc cho hợp lý; chăm lo đời sống cho vợ con, thời gian đâu mà sử với chả sách. Nói thật, kiến thức lịch sử tôi học ở nhà trường giờ không biết biến đi đâu hết rồi.”

Nhân chuyện nhắc đến kiến thức lịch sử trong nhà trường, tôi phỏng vấn em học sinh N.T.Loan, lớp 11, Hà Nội: “Lịch sử là bộ môn bắt buộc phải học ở trường. Em cũng như đa phần các bạn học đều rất sợ môn này. Nếu chửng may thi tốt nghiệp mà phải thi lịch sử thì chỉ còn nước là … làm “phao”. Chẳng ai có thể học thuộc cả chương trình lịch sử lớp 11 và 12 để trả lời các câu hỏi trong đề thi cả. Nhiều bạn lớp em còn chẳng biết Pháp hay Mỹ, nước nào đem quân sang nước ta trước”.

.

Gốc không vững, ngọn không thể tốt

Dân Ta không biết sử Ta liệu có phải vì sử Ta khó nhớ, khó học quá?

Xin thưa là không! Lịch sử nước nào chẳng như nước nào, đều kiến tạo bởi sự kiện và những con số. Vì vậy, rõ ràng không có chuyện lịch sử nước ta khó nhớ hơn lịch sử Trung Quốc. Vấn đề nằm ở chỗ, ở nước ta, Sử không được quan tâm đúng mức và đúng cách. Việc truyền bá lịch sử nước nhà bị sai lệch ngay từ gốc, mà gốc không vững thì ngọn, cành, hoa quả làm sao có thể phát triển được.

Gốc tôi muốn đề cập chính là việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường. Đây là vấn đề nan giải mà báo chí trong nước vẫn đề cập đến. Mặc dù báo chí, truyền hình, dư luận công chúng kêu ca nhiều về việc dạy và học môn lịch sử nhưng kết quả vẫn dậm chân tại chỗ. Một lớp học may ra được một vài học trò chú tâm tới việc học thuộc sách giáo khoa môn này; một trường may ra được một hai học sinh thật sự quan tâm tới việc nghiên cứu sử sách. Tình trạng này chủ yếu là do cách giảng dạy trong nhà trường theo kiểu: cô đọc trò ghi chép, đến lúc kiểm tra thì cứ viết y nguyên trong vở ghi hoặc sách giáo khoa là đạt điểm cao. Diễn tả phương thức học môn sử kiểu này chẳng có từ nào khác ngoài từ “học vẹt”.

Nội dung trong sách giáo khoa lịch sử mới thật đáng lo ngại. Ví dụ, trong ba năm cấp 3, chỉ có hai học kỳ dành cho lịch sử Việt Nam cổ đại được dạy vào năm lớp 10, còn lịch sử Việt Nam cận đại kéo dài một học kỳ, riêng lịch sử Cách mạng kéo dài hai học kỳ cuối. Thế nhưng, chương trình thi Tốt nghiệp và Đại học chỉ tập trung vào phần lịch sử Cách mạng. Vì nguyên nhân này nên học sinh bỏ qua phần lịch sử Cổ đại, Trung đại và Cận đại mà chỉ học lịch sử Cách mạng. Còn chưa kể đến lịch sử Cách mạng mang tính chất một chiều, chỉ tập trung vào lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam với cái nhìn thiên kiến về các tổ chức chính trị hay đảng phái khác. Những sai lầm lớn của chính quyền Việt Nam như Cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm, Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những vụ án xét lại chống Đảng, mô hình XHCN trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa cộng sảng tại miền Bắc, chiến dịch Mậu Thân năm 1968… không hề được nhắc đến.

Lịch sử không đến được với người dân cũng chính bởi lịch sử chính thống không phải là chính sử và những người làm quản lý văn hóa không chấp nhận những quan điểm trái ngược của các học giả tự do. Thời kỳ “Nhân văn – Giai phẩm”, nhiều học giả như Phan Khôi, Trần Đức Thảo…bị “treo bút”; nhiều sách nghiên cứu văn hóa – lịch sử của các học giả lớn như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim… đều bị cấm xuất bản ở Việt Nam. Ngày nay sau khi hội nhập với thế giới nhưng cũng không khá hơn, nhiều sách nghiên cứu lịch sử, tác phẩm văn học dã sử bị tịch thu như trường hợp các quyển “Lịch sử nội chiến Việt Nam” (Tạ Chí Đại Trường), “Bí mật Lệ Chi Viên” (Nguyễn Thúy Ái), “Cầm Thư quán” (Hà Thủy Nguyên)… Nếu những quan điểm tự do không được chấp nhận, thật chẳng khác nào nhà nước “đọc” còn dân chúng “chép”.

Thời phong kiến, kinh sách của Nho giáo đều quy định rằng “Văn – Sử – Triết bất phân”. Quy định này khiến cho sử đi sâu vào đời sống, khiến cái nhìn của người học sâu rộng hơn. Môn sinh cửa Khổng, ai ai cũng phải dùng Sử làm dẫn chứng cho Triết, và lập luận bằng Văn. Tiếc rằng, từ khi Văn – Sử – Triết được “đo đạc” bằng Triết học Marx – Lenin, vốn hiểu biết về lịch sử Việt Nam của dân ta ngày càng kém. Quá trình toàn cầu hóa khiến người dân không quan tâm tới lịch sử nước nhà, nhưng cũng mở cánh cửa rộng lớn để những người ham đọc, ham hiểu biết tìm lại từng dòng sử chân chính.

Cuối cùng, tôi xin mượn câu thơ vui của cư dân mạng để kết lại bài viết này, hi vọng một ngày dân Ta có thể biết được sử Ta:

“Dân ta phải biết sử ta
Chỗ nào không biêt lên tra Google”

Khuê Đăng
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

.

Download TCPT32 – TỰ HÀO VIỆT NAM

- Bản chất lượng cao (HD – 8.5MB)
-
Bản Thường (Standard – 4MB)
-
Bản Mini (2.5MB)

.

.

.

No comments: