Tuesday, March 2, 2010

ĐỐI LẬP NHƯ MỘT ĐIỀU KIỆN CỦA DÂN CHỦ và PHÁT TRIỂN

Đối lập như một điểu kiện của dân chủ và phát triển

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 01 tháng 3 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/doi-lap-03-01-2010-85836737.html

.

Để phản đối quan điểm của tôi trong bài “Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập” (ngày 15 tháng 2, 2010), nhiều người nhấn mạnh đến những sự thay đổi tại Việt Nam thời gian gần đây: Về phương diện kinh tế, Việt Nam càng ngày càng phát triển, số người giàu có càng ngày càng nhiều; về phương diện xã hội, Việt Nam càng ngày càng tự do, kể cả tự do ngôn luận, đặc biệt thứ ngôn luận phi chính thức, quanh các bàn nhậu; và về phương diện quốc tế, vị thế của Việt Nam càng ngày càng được tôn trọng.

Tôi thừa nhận các sự kiện ấy.

Tôi biết là Việt Nam, từ mấy thập niên gần đây, đặc biệt, từ vài năm gần đây, có thay đổi. Thay đổi lớn nữa là khác. Nhiều thay đổi rất tích cực và rất đáng vui mừng. Những người thường về Việt Nam đều ghi nhận: mỗi lần về là một thấy khác. Tuy nhiên, cũng nên thấy những sự bất toàn trong các thay đổi ấy. Chẳng hạn, về phương diện kinh tế, khoảng cách giữa giàu và nghèo càng lúc càng sâu sắc, đặc biệt giữa thành thị và thôn quê, giữa tầng lớp có quyền chức và ưu thế trong xã hội với đông đảo dân chúng bình thường; về phương diện xã hội, cái gọi là tự do cho dân chúng rất có giới hạn với hàng loạt các cuộc tấn công nhắm vào các nhà báo và các blogger độc lập gần đây; về phương diện quốc tế, không thể không chú ý đến quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến vấn đề lãnh thổ và biên giới.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là: ngay cả khi Việt Nam phát triển tốt đẹp trên mọi mặt, điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến nhu cầu đối lập, đặc biệt từ cộng đồng hải ngoại.

Giàu có ư? Có nước nào giàu có hơn Mỹ? Vậy mà ở Mỹ cũng có, hơn nữa, cũng cần đối lập. Tự do ư? Cũng không có nước nào tự do hơn Mỹ. Vậy mà ở Mỹ cũng có, và, ai cũng đồng ý, cũng cần có đối lập. Vị thế trên trường chính trị quốc tế ư? Thì Mỹ vẫn là một siêu cường số một trên thế giới. Vậy mà ở Mỹ cũng có đối lập.

Do đó, mọi sự phát triển, dù tốt đẹp đến mấy, cũng đều không phải là những phủ định của đối lập. Không thể căn cứ trên một số khía cạnh tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam hiện nay để bác bỏ nhu cầu về sự hiện hữu của một lực lượng đối lập với chính quyền. Nếu không muốn nói ngược lại: Việt Nam phát triển chừng nào càng cần có đối lập chừng ấy.

Bởi đối lập là yếu tính của chính trị và là điều kiện không thể thiếu của dân chủ và của phát triển.

Nói đến chính trị là nói đến quyền lực. Trừ thứ quyền lực tuyệt đối, chuyên chế của vua chúa ngày xưa cũng như của một số chế độ độc tài hiện nay, mọi quyền lực chính trị trong thời hiện đại và mang tính hiện đại đều được xây dựng trên cơ sở sự đồng thuận của đa số. Nhưng đa số không phải là tất cả. Ở các quốc gia Tây phương, cái gọi là “đa số” ấy - vốn được nhìn thấy trong các cuộc đầu phiếu phổ thông - thường chỉ nhích hơn 50% một chút. Được lên cầm quyền từ một đa số trên 50%, bản chất của mọi quyền lực, do đó, đều bất toàn.

Ý thức về sự bất toàn ấy dẫn đến sự tương nhượng. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài diễn văn chiến thắng sau mỗi lần bầu cử ở các quốc gia Tây phương, tân lãnh tụ bao giờ cũng nhấn mạnh đến ít nhất hai điểm: một, cám ơn những người đã bỏ phiếu bầu mình; và hai, cam kết sẽ phục vụ mọi người chứ không phải chỉ phục vụ những người trong đảng mình hoặc những người đã bầu cho mình. Nói thế, là ngay từ đầu, đã chứng tỏ sự tương nhượng.

Nhưng ở đời, rất hiếm có sự tương nhượng tự nguyện. Trong hầu hết các trường hợp, người ta tương nhượng vì bị sức ép. Sức ép ấy, ở các xã hội dân chủ Tây phương, xuất phát từ cái khối gần 50% bỏ phiếu cho phe hoặc các phe đối lập. Người thắng cử biết là rất khó lãnh đạo được đất nước và cũng khó được tái cử nếu không tranh thủ cái khối thiểu số ấy. Những người thất bại cũng biết rõ, nếu không muốn nói là càng biết rõ, điều đó. Bởi vậy, tuy thất cử, người ta vẫn tiếp tục tranh đấu để không ngừng tạo nên sức ép đối với chính quyền để chính quyền phải luôn luôn tương nhượng. Đó chính là một trong những vai trò của đối lập.

Nói cách khác, đối lập, trước hết, là để chính quyền phải tương nhượng. Chấp nhận tương nhượng là chấp nhận tôn trọng người khác. Nhưng người khác không phải chỉ là một con số. Người khác còn là một quyền lợi: Tôn trọng người khác, do đó, là tôn trọng quyền lợi của những người không thuộc đảng mình, không bầu cho mình. Người khác cũng còn là một ý kiến: Tôn trọng người khác, do đó, thực chất là biết lắng nghe những quan điểm khác biệt, thậm chí, đối nghịch.

Biết lắng nghe và biết chia sẻ là một trong những cách tốt nhất để hoàn thiện chính sách, do đó, để phát triển.

Đó là lý do tại sao các xã hội dân chủ và phát triển trên thế giới đều đề cao sự tương nhượng, từ đó, không những chấp nhận mà còn khuyến khích đối lập.

Những gì cần thiết cho tiến trình phát triển và dân chủ hoá trên thế giới thì không thể không cần thiết cho Việt Nam.

Nói ngược lại không phải là một sự nguỵ biện.

Mà là một sự nói dối.

.

.

.

No comments: