Tuesday, March 2, 2010

MỘT NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN Ở TRUNG QUỐC

Một người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc

Ian Buruma

Trần Quốc Việt dịch

02/03/2010 11:30 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=16787

TOKYO - Đối với Trung Quốc, năm 2009 là một năm tốt lành. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiến mạnh ngay giữa cơn suy thoái toàn cầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Trung Quốc, trong tinh thần của kẻ về triều cầu khẩn hơn là trong tinh thần của người đứng đầu siêu cường lớn nhất thế giới. Ngay cả cuộc hội nghị thượng đỉnh Copenhagen bàn về sự thay đổi khí hậu cũng kết thúc như theo ý Trung Quốc muốn, tức sự thất bại của hội nghị trong cố gắng buộc Trung Quốc, hay bất kỳ quốc gia công nghiệp nào khác, cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon, một thất bại được đổ lỗi tại Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, có đủ mọi lý do để cảm thấy tự tin. Vậy tại sao một cựu giáo sư văn chương hiền lành tên Lưu Hiểu Ba lại bị kết án 11 năm tù, chỉ vì ông công khai ủng hộ tự do ngôn luận và đòi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng?

Ông Lưu là đồng tác giả của một bản kiến nghị trong năm 2008, tức Hiến Chương 08, được hàng ngàn người Trung Quốc ký tên ủng hộ, nhằm kêu gọi tôn trọng các quyền cơ bản. Ông Lưu không phải là kẻ dấy loạn bạo lực. Các ý kiến của ông qua các bài viết được công bố trên mạng đều hoàn toàn ôn hoà. Tuy nhiên ông bị ở tù vì đã “kích động lật đổ quyền lực nhà nước.”

Ý tưởng cho rằng ông Lưu có khả năng lật đổ quyền lực vô hạn của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiển nhiên là không hợp lý. Tuy thế nhà cầm quyền rõ ràng tin rằng họ phải đem ông ra làm gương để răn đe những người khác không dám diễn tả những quan điểm tương tự.

Tại sao một chế độ có vẻ rất vững chắc lại coi những ý kiến đơn thuần, hay cả những kiến nghị ôn hoà, là rất nguy hiểm? Hay có lẽ vì chế độ đó không cảm thấy vững chắc như ta tưởng.

Nếu không có tính chính danh, không có chính quyền nào có thể có đủ tự tin để cai trị. Có nhiều cách để chính danh hoá các sự an bài về chính trị. Nền dân chủ tự do chỉ là phát minh mới gần đây thôi. Nền quân chủ cha truyền con nối, vốn thường dựa vào thần quyền, đã trị vì được trong quá khứ. Còn một số các nhà độc tài thời nay, chẳng hạn Robert Mugabe, đã được ủng hộ do họ đã có công đấu tranh giành tự do cho dân tộc.

Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ vừa qua, nhưng riêng về một phương diện thì đất nước này vẫn không thay đổi, đó là Trung Quốc vẫn còn bị cai trị bởi một khái niệm chính trị có tính chất tôn giáo. Tính chính danh không dựa trên sự trao đổi về tư tưởng, trên các thoả hiệp cần thiết, và trên sự mưu cầu tư lợi mà vốn hình thành nên nền tảng của khái niệm chính trị có tính chất kinh tế, chẳng hạn như khái niệm chính trị xây dựng nên nền dân chủ tự do. Trái lại, nền móng của nền chính trị có tính chất tôn giáo là một niềm tin chung vào tính chính thống về ý thức hệ do bên trên áp đặt xuống.

Vào thời các vương triều Trung Quốc, điều này có nghĩa là tính chính thống của đạo Khổng. Lý tưởng của nhà nước Khổng giáo này là “hài hoà”. Nếu tất cả mọi người đều tuân theo những niềm tin cụ thể, bao gồm những nguyên tắc xử thế đạo đức, các xung đột sẽ biến mất. Trong chế độ lý tưởng này, kẻ bị cai trị sẽ tự nhiên vâng lời người cai trị như con nghe theo lời cha.

Sau nhiều cuộc cách mạng vào những thập niên ban đầu của thế kỷ hai mươi, chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Trung Quốc đã thay thế Khổng giáo. Chủ nghĩa Mác hấp dẫn đối với trí thức Trung Quốc, vì chủ nghĩa này có chất trí thức, giới thiệu một tính chính thống đạo đức hiện đại, và giống như Khổng giáo, cũng dựa vào lời hứa hẹn về sự hài hoà tuyệt vời. Cuối cùng, trong thiên đường Cộng sản, các xung đột về quyền lợi sẽ tan biến đi. Chính sách cai trị của Mao chủ tịch đã kết hợp các yếu tố của chế độ cung đình với chủ nghĩa toàn trị cộng sản.

Tuy nhiên, tính chính thống này rồi cũng đã phải tàn lụi. Ngày nay ít có người Trung Quốc nào, ngay cả trong tầng lớp cai trị cao cấp nhất, vẫn còn là những người Mác xít xác tín. Điều này đã để lại khoảng trống vắng về ý thức hệ, liền sau đó vào những năm 1980 đã được lấp đầy bởi lòng tham, sự chán chường, và tham nhũng. Từ cuộc khủng hoảng lòng tin này đã nổ ra các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc, có tên chung là “Thiên An Môn”. Lưu Hiểu Ba là người phát ngôn tích cực trong năm 1989 cho phong trào xuống đường của sinh viên để phản đối tệ nạn tham nhũng của các quan chức và kêu gọi thêm nhiều tự do hơn.

Ngay sau cuộc đàn áp Thiên An Môn đẫm máu, một tính chính thống mới đã thay thế chủ nghĩa Mác Trung Quốc, đó là chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Theo đó, chỉ có chế độ cai trị độc đảng mới bảo đảm sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc và chấm dứt hàng thế kỷ tủi nhục dân tộc. Đảng Cộng sản đã đại diện cho số phận của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc. Hoài nghi điều này không những là sai lầm, mà còn là không yêu nước, thậm chí là “bài Hoa”.

Xét theo quan diểm này, các ý kiến phê phán của ông Lưu quả thật mang mầm lật đổ. Chúng hắt bóng hoài nghi lên tính chính thống chính thức mới này, và qua đó lên tính chính danh của nhà nước. Để tự hỏi, như có nhiều người đã từng tự hỏi, tại sao chế độ Trung Quốc đã từ chối thương lượng với sinh viên trong năm 1989, hay hôm nay từ chối tìm đến sự hoà giải nào đấy với những người chỉ trích chế độ, là không hiểu được bản chất của nền chính trị có tính chất tôn giáo. Thương lượng, thoả hiệp, và hoà giải là các đặc trưng của nền chính trị có tính chất kinh tế, là nơi mỗi thương lượng đạt được đều phải trả giá. Ngược lại, những ai cai trị theo một niềm tin chung thì không thể thương lượng được, vì điều đó sẽ phá hoại chính niềm tin ấy.

Điều này không khẳng định rằng khái niệm chính trị có tính chất kinh tế là hoàn toàn xa lạ đối với người Trung Quốc, hay, về vấn đề này, cũng không khẳng định rằng khái niệm chính trị có tính chất tôn giáo là chưa từng được biết đến ở Phương Tây. Nhưng sự kiên trì về tính chính thống ở Trung Quốc vẫn còn đủ mạnh để nó vẫn tiếp tục là sự bảo vệ chuẩn mực chống lại các sự chỉ trích về chính trị.

Những điều này có thể thay đổi. Các xã hội theo Khổng giáo khác, như Nam Hàn, Đài Loan, và Nhật Bản giờ trở thành các nước dân chủ tự do thịnh vượng, vì thế không có lý do gì cho rằng sự quá độ như thế sẽ không thể diễn ra tại Trung Quốc.

Nhưng áp lực bên ngoài không thể tạo ra sự chuyển mình này. Nhiều người không phải là người Trung Quốc, trong đó có tôi, đã ký tên vào thư phản đối việc bắt giam Lưu Hiểu Ba. Người ta hy vọng rằng điều này sẽ an ủi ông, và khích lệ tinh thần cho những người Trung Quốc có cùng quan điểm với ông. Nhưng thật ra, chẳng thể nào tác động đến những kẻ tin tưởng vào tính chính thống hiện nay của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Những lý tưởng của ông Lưu không thể bén rễ được khi Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi gọng kìm của nền chính trị có tính chất tôn giáo. Đây là một điềm gở cho Trung Quốc, hay thật ra cũng chính cho cả thế giới còn lại.

.

Ian Buruma là giáo sư về dân chủ, nhân quyền và báo chí ở Bard College, New York.

Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/buruma33

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments: